Trên nền quan hệ hợp tác chặt chẽ đã có với bưu chính Lào (Lao Post), Tổng công ty Bưu điện Việt Nam (Vietnam Post) nhận định kỷ nguyên số đang mở ra những cơ hội hợp tác mới cho bưu chính hai nước Việt Nam và Lào.
Lao Post luôn là đối tác chiến lược của Bưu điện Việt Nam
Trong buổi tiếp đón, làm việc của Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) Nguyễn Mạnh Hùng với Bộ trưởng Bộ Công nghệ và Truyền thông(CN&TT) Lào Boviengkham Vongdara ngày 10/6/2022, Tổng công ty Bưu điện Việt Nam (Vietnam Post) cùng với Bưu chính Lào (Lao Post) đã ký kết biên bản ghi nhớ về hợp tác nhằm tiếp tục thúc đẩy, nâng tầm mối quan hệ gắn bó giữa bưu chính hai nước.
Để cụ thể hóa các nội dung hợp tác giữa Bộ TT&TT với Bộ CN&TT Lào, đồng thời triển khai ghi nhớ hợp tác giữa hai đơn vị, ngày 22/7/2022, Vietnam Post và Lao Post đã chính thức ký kết thỏa thuận hợp tác. Doanh nghiệp bưu chính lớn của 2 nước thống nhất sẽ tăng cường hợp tác trao đổi, tổ chức chuyến thư đường bộ qua cửa khẩu Việt Nam – Lào; đồng thời chia sẻ kinh nghiệm ứng dụng CNTT, phát triển mạng lưới…
Khẳng định Vietnam Post luôn đặt mối quan hệ với bưu chính hai nước Lào và Campuchia là hợp tác mang tính chiến lược, đại diện doanh nghiệp này cho biết: Thời gian qua, đơn vị đã triển khai nhiều hoạt động song phương với bưu chính Lào, bên lề của các hoạt động đa phương và trong khuôn khổ hợp tác chung. Mục tiêu hướng tới là nâng cao hoạt động hợp tác giữa 2 bên.
Các nội dung hợp tác đã và đang được tập trung triển khai cho giai đoạn mới gồm có: Xử lý những hoạt động liên quan đến mở đường thư bộ giữa 2 nước, thúc đẩy các hoạt động giao lưu cũng như góp phần đẩy mạnh kim ngạch thương mại qua đường bưu chính; hỗ trợ Lao Post có những hoạt động phát triển và tiếp cận với thương mại điện tử xuyên biên giới; hỗ trợ đào tạo nâng cao năng lực quản lý, vận hành cho đội ngũ của Lao Post; hợp tác về tem bưu chính; chia sẻ kinh nghiệm ứng dụng CNTT, chuyển đổi số…
Những kết quả nổi bật
Trao đổi với VietNamNet, bà Chu Quỳnh Anh, Phó Trưởng Ban Dịch vụ Bưu chính của Vietnam Post cho hay: Ngay trong tháng 8, Tổng công ty đã cử đoàn công tác trực tiếp sang Lào khảo sát thực địa để mở tuyến đường thư bộ giữa 2 nước cũng như tổ chức hoạt động đào tạo, tư vấn định hướng phát triển dịch vụ cho bưu chính Lào…
Là người trực tiếp tham gia đoàn công tác, bà Chu Quỳnh Anh kể: Chuẩn bị cho việc mở tuyến đường thư bộ qua cửa khẩu Namphao của Lào và cửa khẩu Cầu Treo ở Hà Tĩnh, Việt Nam, các cán bộ của Lao Post rất tích cực cùng đoàn công tác vượt 500 km đường bộ, liên tục từ 4h sáng đến 23h đêm, để khảo sát thực địa.
Cũng trong chuyến công tác này, đội ngũ Vietnam Post đã hướng dẫn Lao Post các nội dung chuyên môn, nghiệp vụ để tổ chức hoạt động của đường thư cũng như vận hành điểm bưu cục cửa khẩu, đáp ứng theo đúng quy định tại các thể lệ, công ước của Liên minh Bưu chính thế giới (UPU).
“Việc Vietnam Post tổ chức đoàn công tác trực tiếp sang tận nơi, hỗ trợ đào tạo cho đội ngũ của Lao Post để có thể mở đường thư bộ giữa 2 nước chính là hoạt động hợp tác nổi bật của bưu chính 2 nước giai đoạn gần đây. Với hoạt động này, Việt Nam sẽ trở thành điểm trung chuyển hàng hóa giữa Lào đi các nước, qua đó thúc đẩy hoạt động thương mại qua đường bưu chính”, bà Chu Quỳnh Anh chia sẻ.
Bên cạnh đó, trong khuôn khổ Đại hội Liên minh Bưu chính châu Á – Thái Bình Dương (APPU) tổ chức tháng 9/2022 tại Thái Lan, Vietnam Post đã chủ trì, hỗ trợ Lao Post mở cuộc họp giữa bưu chính 3 nước Lào, Việt Nam và Thái Lan. Ba bên đề xuất Việt Nam và Thái Lan sẽ hỗ trợ Lào đưa một số đặc sản của nước mình lên các sàn thương mại điện tử, giúp xây dựng thương hiệu sản phẩm của Lào tại 2 thị trường Việt Nam, Thái Lan. Việc này cũng tạo điều kiện cho Lao Post tiếp cận với thương mại điện tử xuyên biên giới.
Theo đại diện Ban Dịch vụ Bưu chính, từ kết quả khảo sát thực địa tại nước bạn, đội ngũ Vietnam Post đã hỗ trợ đào tạo, củng cố cho các cán bộ, nhân viên Lao Post kiến thức về quy trình vận hành chung mà mỗi bưu chính quốc gia cần có trong vai trò của nhà cung cấp chặng cuối; hay kiến thức chuyên sâu về việc cung cấp dữ liệu điện tử báo trước để phục vụ cho hoạt động thông quan, vận chuyển hàng qua cửa khẩu biên giới…
Mặc dù thị trường thương mại điện tử tại Lào chưa phát triển song Vietnam Post cũng hỗ trợ đào tạo, trang bị cho đội ngũ Lao Post kiến thức cơ bản về thương mại điện tử nội địa và xuyên biên giới, những lợi ích và cơ hội cho bưu chính các nước khi tham gia phát triển thị trường này. “Chúng tôi đã trao đổi và có khuyến nghị với Bưu chính Lào về sự cần thiết phải xây dựng chiến lược hoạt động của doanh nghiệp trong 3, 5 năm tới và xa hơn”, đại diện Vietnam Post chia sẻ.
Nhận định kỷ nguyên số đang mở ra nhiều cơ hội hợp tác mới cho bưu chính Việt Nam và Lào, đại diện Vietnam Post mong muốn thời gian tới hai bên sẽ mở rộng hợp tác trong các lĩnh vực tài chính bưu chính, thương mại điện tử, dịch vụ số…
“Trong các cuộc gặp gỡ, trao đổi, Vietnam Post đều sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm triển khai các dự án CNTT, các mô hình mà doanh nghiệp đang thực hiện cũng như các ứng dụng mà Lao Post có thể áp dụng được về vận hành mạng lưới, hoạt động tổ chức sản xuất”, đại diện Vietnam Post nói thêm.