Ngày 09/5/2022, tại Hà Nội, Đại sứ quán CHDCND Lào tại Việt Nam, Tạp chí Thời Đại và Hội hữu nghị hai nước Việt Nam, Lào đã phối hợp tổ chức Lễ phát động Cuộc thi “Kỷ vật kể chuyện”. Cuộc thi là một hoạt động trọng tâm, thiết thực trong Chương trình truyền thông đặc biệt “60 năm hữu nghị Việt Nam – Lào: Chung dãy Trường Sơn” kỷ niệm 60 năm Ngày thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam – Lào (05/9/1962 – 05/9/2022).
Lễ phát động được tổ chức theo hình thức trực tiếp và trực tuyến với hai đầu cầu của Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam (Hà Nội – Việt Nam) và Hội hữu nghị Lào – Việt Nam (Viêng Chăn – Lào).
Quang cảnh Lễ phát động Cuộc thi “Kỷ vật kể chuyện”. |
Dự lễ phát động có ông Phan Anh Sơn, Phó Chủ tịch – Tổng thư ký Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam; ông Chanthaphone Khammanichanh, Phó Đại sứ CHDCND Lào tại Việt Nam và các lãnh đạo Hội hữu nghị Việt Nam – Lào, Hội hữu nghị Lào – Việt Nam.
Cuộc thi là một hoạt động trọng tâm, thiết thực trong Chương trình truyền thông đặc biệt “60 năm hữu nghị Việt Nam – Lào: Chung dãy Trường Sơn” kỷ niệm 60 năm Ngày thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam – Lào (05/9/1962 – 05/9/2022) và 45 năm Ngày ký Hiệp ước hữu nghị và hợp tác Việt Nam – Lào (18/7/1977 – 18/7/2022) do tạp chí Thời Đại phối hợp với Đại sứ quán Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào tại Việt Nam, Hội hữu nghị Việt Nam – Lào và Hội hữu nghị Lào – Việt Nam tổ chức.
Thay mặt lãnh đạo Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam, cơ quan chỉ đạo cuộc thi và Ban Tổ chức cuộc thi, ông Phan Anh Sơn, Phó Chủ tịch – Tổng Thư ký Liên hiệp Hữu nghị đã tuyên bố phát động Cuộc thi “Kỷ vật kể chuyện” từ ngày 09/5/2022 đến ngày 31/8/2022. Ông Phan Anh Sơn nhấn mạnh: “Cuộc thi là dịp để nhân dân, cán bộ, cựu quân nhân, văn nghệ sỹ, sinh viên, học sinh và các tầng lớp nhân dân hai nước nhớ lại, kể lại, viết về những kỷ niệm, câu chuyện xúc động, cao đẹp, đáng nhớ, đáng tự hào về tình hữu nghị Việt Nam – Lào, Lào – Việt Nam”.
Ông Phan Anh Sơn, Phó Chủ tịch – Tổng Thư ký Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam tuyên bố phát động Cuộc thi “Kỷ vật kể chuyện”. |
Phát biểu tại buổi lễ, Trung tướng Nguyễn Tiến Long, Phó Chủ tịch Trung ương Hội hữu nghị Việt Nam – Lào khẳng định, những kỷ vật, di tích, giá trị lịch sử của quan hệ đoàn kết đặc biệt Việt Nam – Lào cần được tiếp tục tuyên truyền, giáo dục, trau dồi để phát triển phù hợp với tầm cao mà hai nước đang thực hiện ngày nay.
Cuộc thi “Kỷ vật kể chuyện” có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, góp phần cùng hai nước chuyển tải những giá trị cao quý của quan hệ đoàn kết đặc biệt Việt Nam – Lào tới các tầng lớp nhân dân, đặc biệt là thế hệ trẻ, một cách mới mẻ hơn và hấp dẫn hơn. Bên cạnh đó, cuộc thi còn góp phần thúc đẩy sự đoàn kết của nhân dân Việt Nam với tất cả các nước và bạn bè trên thế giới.
Hội hữu nghị Việt Nam – Lào sẽ tích cực triển khai nội dung cuộc thi “Kỷ vật kể chuyện” đến toàn thể cán bộ, hội viên trong cả nước, đồng thời góp phần tuyên truyền tới nhân dân để cuộc thi có kết quả tốt đẹp nhất.
Trung tướng Nguyễn Tiến Long, Phó Chủ tịch Trung ương Hội hữu nghị Việt Nam – Lào phát biểu tại lễ phát động Cuộc thi. |
Tại điểm cầu Viêng Chăn, ông Saikhong Sainaxin, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học, Bộ Giáo dục và Thể thao Lào, Phó Chủ Tịch kiêm Tổng thư ký Trung ương Hội hữu nghị Lào – Việt Nam đánh giá cao việc tổ chức cuộc thi “Kỷ vật kể chuyện”. Ông nhấn mạnh đây là sự kiện có ý nghĩa rất quan trọng đối với việc thúc đẩy và khích lệ thế hệ trẻ học tập, nhận thức rõ tầm quan trọng của mối quan hệ đặc biệt Lào – Việt Nam, khẳng định tình hữu nghị vĩ đại, đoàn kết đặc biệt và hợp tác toàn diện giữa hai nước Lào – Việt Nam.
Ông Sainaxin cho biết, Ban Tổ chức sẽ vận dụng những kinh nghiệm của mình để kiểm tra và lựa chọn ra những bài viết có ý nghĩa nhất mà các tác giả gửi đến tham dự cuộc thi để nhân dân hai nước cùng nhận thức và hiểu một cách sâu sắc về tình hữu nghị đặc biệt, trong sáng, thủy chung, hiếm có trên thế giới giữa hai nước Lào và Việt Nam.
Hình ảnh tại điểm cầu Viêng Chăn – Lào. |
Cũng tại lễ phát động, ông Chanthaphone Khammanichanh, Phó Đại sứ CHDCND Lào tại Việt Nam cho biết: “Cuộc thi “Kỷ vật kể chuyện” có mục tiêu tìm lại và tập hợp những kỷ niệm, hiện vật đơn sơ, nhỏ bé hoặc xưa cũ nhưng chứa đựng, lưu giữ những giá trị vô giá của tình cảm và lịch sử quan hệ nhân dân hai nước. Những nhân chứng lưu giữ, chứng kiến kỷ vật này có thể là những người bình dị hay có trọng trách xã hội, dù thuộc thế hệ cha anh hay các bạn trẻ hiện thời nhưng đều chung một tình cảm hữu nghị cao đẹp và đặc biệt được tiếp nối, nuôi dưỡng qua nhiều thế hệ. Để góp phần làm cho điểm chung đặc biệt này ngày một lan tỏa và phát triển trong cộng đồng hai nước, Ban Tổ chức cuộc thi rất mong nhận được sự hưởng ứng của nhân dân, cán bộ, các cơ quan, tổ chức và địa phương hai nước”.
Ông Chanthaphone Khammanichanh, Phó Đại sứ CHDCND Lào tại Việt Nam phát biểu tại lễ phát động. |
Tại lễ phát động, Ban Tổ chức Cuộc thi “Kỷ vật kể chuyện” đã giới thiệu tóm tắt Thể lệ và một số thông tin cần thiết của cuộc thi.
Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm tại lễ phát động cuộc thi. |
Theo Thể lệ cuộc thi, đối tượng dự thi là những cá nhân, tập thể chuyên gia, cán bộ, chiến sỹ các lực lượng vũ trang, các cơ quan, tổ chức, đoàn thể, đơn vị, doanh nghiệp, văn nghệ sĩ, lưu học sinh, sinh viên, du khách… Việt Nam từng công tác, học tập, tham quan tại Lào hoặc có quan hệ, làm việc với những người bạn Lào; các tổ chức, công dân, cán bộ, lưu học sinh, sinh viên… Lào từng công tác, học tập, tham quan tại Việt Nam hoặc từng có quan hệ, làm việc với người Việt Nam.
Tác phẩm dự thi là những bài viết, video clip, audio về những câu chuyện xung quanh kỷ vật của mình. Tác phẩm có thể viết, kể về một hoặc nhiều kỷ vật, được thể hiện bằng tiếng Việt hoặc tiếng Lào. Mỗi tác giả/nhóm tác giả có thể gửi từ 1 – 5 tác phẩm tham gia cuộc thi. Bài viết cần gửi kèm hình ảnh, kỷ vật và tư liệu liên quan. Mỗi tác phẩm có độ dài không quá 2.000 từ (tiếng Việt).
Kỷ vật được viết, thuyết minh là những hiện vật của cá nhân, tổ chức có liên quan đến quan hệ của các cá nhân, tập thể, đơn vị, địa phương hai nước Việt Nam – Lào. Hiện vật là các vật phẩm (mũ, áo, balo, đèn pin, bật lửa…); các hiện vật ghi chép bút tích, tác phẩm văn học, nghệ thuật (lá thư, bài hát, bài thơ, tranh, ảnh, lời nhắn…). Thời gian lưu giữ hiện vật ít nhất là 5 năm (tính từ năm 2017). Những hiện vật đó phải có lý lịch, xuất xứ và nội dung, lý do được bảo quản, lưu giữ. Hiện vật không thuộc dạng bị tranh chấp quyền sở hữu, không thuộc danh mục các chất liệu, đồ vật, hàng hóa… sở hữu, lưu giữ trái pháp luật Việt Nam, pháp luật Lào.
Tác giả có 3 lựa chọn để gửi bài thi như sau:
Cách 1: Gửi đĩa CD/DVD, USB, bản viết giấy qua đường bưu điện hoặc trực tiếp đến Ban Tổ chức Cuộc thi “Kỷ vật kể chuyện” theo địa chỉ: Tạp chí Thời Đại, số 61 Bà Triệu, phường Hàng Bài, quận Hoàn Kiếm, Thành phố Hà Nội); Điện thoại 84-24-39445396. Hotline: 097.681.2201.
Cách 2: Gửi file tác phẩm qua email: [email protected]
Cách 3: Gửi vào website của cuộc thi. Tác giả truy cập vào 3 trang: https://thoidai.com.vn/; https://huunghivietlao.thoidai.com.vn/; http://60namvietlao.thoidai.com.vn/ sẽ được hướng dẫn chi tiết về cuộc thi.
Ban Tổ chức nhận bài dự thi bắt đầu từ ngày 09/5/2022 đến hết ngày 31/8/2022 (tính theo dấu bưu điện hoặc ngày nhận tác phẩm qua email, website của Ban Tổ chức). Cơ cấu giải thưởng gồm: 01 Giải Đặc biệt, 05 Giải Nhất, 15 Giải Nhì, 20 Giải Ba và 30 Giải Khuyến khích.
Tại Lễ trao giải cuộc thi, Ban Tổ chức sẽ tổ chức trưng bày những kỷ vật đặc biệt, tiêu biểu. Các tác giả, nhóm tác giả có thể liên hệ với Ban Tổ chức cuộc thi hoặc trình bày trong tác phẩm dự thi về nhu cầu gửi kỷ vật để trưng bày tại không gian Lễ trao giải (dự kiến tổ chức trong tháng 9/2022).
Theo Tạp chí Thời đại