Với chủ đề “Thắm tình hữu nghị – Hướng tới tương lai”, Ngày hội giao lưu văn hóa, thể thao và du lịch vùng biên giới Việt Nam – Lào lần thứ VIII được tổ chức tại tỉnh Điện Biên từ ngày 1 – 3/10.
Những ngày này, công tác chuẩn bị cho ngày hội đang được các đơn vị khẩn trương hoàn thành; khắp các ngả đường, tuyến phố, địa điểm tổ chức các hoạt động của ngày hội tại thành phố Điện Biên Phủ đâu đâu cũng rực rỡ cờ hoa, biểu ngữ chào đón những người bạn vùng biên giới Việt – Lào.
Suốt 2 tuần qua, không khí tại Trung tâm Giao lưu văn hóa và Thông tin du lịch Điện Biên Phủ luôn sôi động khi hơn 200 diễn viên chuyên nghiệp và quần chúng chuẩn bị khớp nối các tiết mục nghệ thuật. Với chủ đề “Sáng mãi tình hữu nghị Việt Nam – Lào”, xuyên suốt chương trình nghệ thuật đêm khai mạc là các tiết mục múa, những bài hát dân ca mang đậm nét văn hóa của các dân tộc sinh sống dọc biên giới 2 nước Việt Nam – Lào. Để đêm khai mạc thành công, hơn 200 diễn viên say sưa, miệt mài tập luyện trong tiết trời oi nóng, tỉ mẩn với từng động tác.
Em Nguyễn Như Anh, Trường THPT thành phố Điện Biên Phủ chia sẻ: Thời gian đầu mới tập luyện, hầu hết các bạn còn ngượng ngùng, lóng ngóng. Sau nhiều ngày khổ luyện được các nghệ sĩ biên đạo múa hướng dẫn và các anh, chị diễn viên chuyên nghiệp chỉ bảo, hầu hết các bạn đều thuần thục các động tác và uyển chuyển hơn.
“Trong quãng thời gian chúng em tập thực sự rất vất vả, rất nóng. Chương trình tập cũng có rất nhiều thay đổi liên tục nhưng tất cả chúng em, các thầy cô, các cô biên đạo trong đoàn nghệ thuật đều sẽ cố gắng hết sức để làm nên một chương trình thật xuất sắc.”, em Như Anh chia sẻ.
Chương trình nghệ thuật khai mạc là điểm nhấn của ngày hội, gồm 3 chương: “Chung dãy Trường Sơn, uống nước thượng nguồn,” “Sắc màu yêu thương” và “Thắm tình hữu nghị – Hướng tới tương lai” với sự tham gia của gần 900 diễn viên chuyên và không chuyên. Riêng tỉnh Điện Biên, địa phương tổ chức ngày hội đã huy động sự tham gia của 500 diễn viên không chuyên là học sinh, sinh viên các trường và chiến sĩ Trung đoàn 82 cùng hàng trăm diễn viên chuyên nghiệp của Đoàn Nghệ thuật tỉnh Điện Biên và nhóm múa chuyên nghiệp.
Các tiết mục nghệ thuật đặc sắc nhất, hấp dẫn nhất đã được tuyển chọn một cách kỹ lưỡng để luyện tập, qua đó làm nổi bật tinh thần yêu nước và truyền thống đoàn kết, đấu tranh anh dũng chống kẻ thù xâm lược của quân dân hai nước Việt – Lào. Qua đó, khắc họa hình ảnh những người lính kiên cường nhưng khiêm nhường, giản dị, xứng dannh “Anh bộ đội Cụ Hồ”, “Anh bộ đội Pa Thét Lào”.
Đạo diễn chương trình nghệ thuật, Nghệ sĩ Nhân dân Nguyễn Minh Thông cho biết: “Trong quá trình tất cả các em bắt đầu luyện tập được 2 tuần thì giai đoạn đầu là phá vỡ theo âm nhạc và sau đây thì sẽ ghép lời bình, nâng cao giai đoạn 2 để các em sửa chữa, đi sâu vào trang phục, ngôn ngữ và các động tác thuần thục để phù hợp với nhau.”
Tại Quảng trường 7/5, nơi tổ chức 65 gian hàng trưng bày đã được đơn vị thi công lắp đặt xong. Đây là không gian triển lãm giới thiệu, quảng bá sản phẩm văn hóa, du lịch, ẩm thực, sản phẩm OCOP tiêu biểu của các địa phương. Riêng không gian triển lãm cộng đồng các dân tộc thiểu số vùng biên giới Việt Nam – Lào sẽ có diện tích rộng hơn, để trưng bày, giới thiệu không gian văn hóa, nghề truyền thống, trang phục, nông cụ trong lao động, các vật dụng trong đời sống sinh hoạt…
Bà Bùi Thị Thu Hà, Phó Giám đốc Trung tâm thông tin và Xúc tiến du lịch, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Điên Biên cho biết: “Có 5 loại hình đơn vị tham gia đó là gian hàng của Bảo tàng các dân tộc thiểu số Việt Nam, gian hàng của 9 tỉnh có chung đường biên giới với Lào hội tụ về đây, gian hàng của 4 huyện có chung đường biên giới với Lào của tỉnh Điện Biên, gian hàng các câu lạc bộ văn hóa Thái của tỉnh Điện Biên. Đến thời điểm này 100% các đơn vị đã nhận được thông tin về kích cỡ, số lượng, địa điểm hiện đang chuẩn bị các đồ đạc để tiến hành trưng bày”./.
Theo VOV