Cái tên không hề xa lạ với các doanh nghiệp Việt Nam trong lĩnh vực đầu tư xây dựng vừa mới ký thỏa thuận với chính quyền để xúc tiến thêm một dự án có vốn đầu tư hàng trăm triệu USD khác
Theo báo chí Lào và Trung Quốc, lễ ký MOU khảo sát tính khả thi dự án phát triển du lịch tự nhiên tại đảo Kangkong đã diễn ra ngày 14/3 vừa qua tại Khách sạn Landmark, giữa chính Giám đốc sở Kế hoạch và đầu tư Thủ đô Viêng Chăn, ông Phoukong Bannavong và Chủ tịch tập đoàn Krittaphong, bà Olathai Santikhongkha làm đại diện.
Theo đó, chính quyền Viêng Chăn sẽ cho phép Tập đoàn Kritaphong tiến hành khảo sát tính khả thi của dự án phát triển du lịch tự nhiên tại đảo Kangkong, thuộc địa bàn Bản Kangkong, quận Sangthong, Thủ đô Viêng Chăn. Trước đó, ngày 1/3/2019, Đô trưởng Viêng Chăn cũng đã ký quyết định số 0170 chỉ đạo công tác thu thập dữ liệu, nghiên cứu và khảo sát tính khả thi của dự án phát triển và bảo tồn đảo Kangkong.
Quá trình khảo sát dự án sẽ kéo dài ít nhất 12 tháng, với mục đích mang đến sự hiện đại hóa và nâng cao vẻ đẹp cảnh quan tự nhiên đảo Kangkong nhằm phục vụ cho du lịch tự nhiên dưới hình thức có đóng góp người dân.
Ngoài ra, dự án còn hỗ trợ sản xuất nông nghiệp sạch gắn liền với đời sống người dân trên đảo. Dự kiến dự án trên sẽ có giá trị 300 triệu USD và do Tập đoàn Kritaphong đầu tư toàn bộ. Sau khi hoàn tất khảo sát, đơn vị sẽ lập bản luận chứng kinh tế , nếu cần thiết sẽ bổ sung công trình bờ kè chống sạt lở vào khuôn khổ dự án.
Tập đoàn Kritaphong không phải là cái tên xa lạ với cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam tại Lào, mặc dù đăng ký pháp nhân tại Lào nhưng thực chất là doanh nghiệp do Hoa kiều làm chủ, được sự hậu thuẫn mạnh mẽ từ chính quyền Trung Quốc.
Kritaphong chính là bên tranh chấp với doanh nghiệp Việt Nam khiến dự án Trung tâm thương mại chợ Nỏng Chằn được quy hoạch trở thành trung tâm thương mại chính của bà con người Việt tại Viêng Chăn bỗng chốc trở thành “dự án thế kỷ”, đến nay vẫn chưa hẹn ngày hoàn thành.
Trớ trêu là trên website của Tập đoàn này vẫn mặc nhiên coi dự án trên là của mình và đặt tên là Trung tâm thương mại Lào – Việt. Việc Kritaphong được chính quyền Trung Quốc hậu thuẫn đã rất rõ ràng, thế nên mới có việc một doanh nghiệp “mác Lào” lại được các ngân hàng Trung Quốc ưu ái cho vay vốn kèm theo là một hợp đồng bảo hiểm tín dụng để chống lưng doanh nghiệp này thực hiện dự án làng biệt thự ASEM nằm chễm chệ cạnh bờ sông Mê Công.
Dự án xây dựng với danh nghĩa nhằm phục vụ Hội nghị thượng đỉnh ASEM 9 năm 2012 mà Lào là chủ nhà nên nhận được nhiều ưu ái của Chính phủ Lào, tuy vậy nó vẫn không thoát khỏi số phận ảm đạm như của các dự án khu biệt thự hoành tráng khác tại Viêng Chăn. Không hiểu lần này Tập đoàn Kritaphong sẽ dựa vào sự chống lưng nào để có đủ sức thực hiện dự án quy mô lớn như trên.