Cuộc thi tìm hiểu lịch sử quan hệ đặc biệt Việt Nam – Lào, Lào – Việt Nam với chủ đề “Thanh niên Việt – Lào thắm tình hữu nghị” nhằm góp phần giáo dục nhận thức cho thanh niên hai nước về quan hệ hữu nghị vĩ đại, tình đoàn kết đặc biệt và hợp tác toàn diện Việt Nam – Lào.
Thực hiện Kế hoạch đối ngoại năm 2022 của Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản (TNCS) Hồ Chí Minh, triển khai Thỏa thuận hợp tác giữa Đoàn TNCS Hồ Chí Minh và Đoàn Thanh niên Nhân dân cách mạng (TNNDCM) Lào giai đoạn 2017 – 2022, kỷ niệm 60 năm ngày thiết lập quan hệ ngoại giao (05/9/1962 – 05/9/2022) và 45 năm ngày ký Hiệp ước hữu nghị và hợp tác Việt Nam – Lào, năm đoàn kết hữu nghị Việt Nam – Lào, Lào – Việt Nam 2022, Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh phối hợp với Trung ương Đoàn TNNDCM Lào tổ chức Cuộc thi tìm hiểu lịch sử quan hệ đặc biệt Việt Nam – Lào, Lào – Việt Nam với chủ đề “Thanh niên Việt – Lào thắm tình hữu nghị”.
Cuộc thi nhằm góp phần giáo dục nhận thức cho thanh niên hai nước về quan hệ hữu nghị vĩ đại, tình đoàn kết đặc biệt và hợp tác toàn diện Việt Nam – Lào; tư tưởng Hồ Chí Minh với cách mạng Việt Nam, tư tưởng Cay-xỏn Phôm-vi-hẳn với cách mạng Lào; tìm hiểu về truyền thống liên minh chiến đấu đặc biệt, sự ủng hộ, giúp đỡ chí nghĩa, chí tình giữa hai Đảng, hai Nhà nước và nhân dân hai nước trong thời kỳ đấu tranh giành độc lập trước đây và trong công cuộc xây dựng và phát triển đất nước ngày nay; tăng cường các hoạt động hợp tác thanh niên hai nước.
Cuộc thi tìm hiểu lịch sử quan hệ đặc biệt Việt Nam – Lào, Lào – Việt Nam với chủ đề “Thanh niên Việt – Lào thắm tình hữu nghị” nhằm góp phần giáo dục nhận thức cho thanh niên hai nước về quan hệ hữu nghị vĩ đại, tình đoàn kết đặc biệt và hợp tác toàn diện Việt Nam – Lào |
Đối tượng dự thi là cán bộ Đoàn, đoàn viên, thanh niên hai nước Việt Nam và Lào. Cuộc thi gồm: Thi viết (dành cho đoàn viên, thanh niên hai nước) và Thi trắc nghiệm tương tác trực tuyến (dành cho đoàn viên, thanh niên Việt Nam).
*Thi viết có nội dung theo 1 trong 10 chủ đề: Những cơ sở tạo nên việc thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam Lào, Lào – Việt Nam (05/9/1962). Ý nghĩa của việc thiết lập quan hệ ngoại giao của hai nước; Vai trò của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Chủ tịch Cay-xỏn Phôm-vi-hản, Chủ tịch Xu-pha-nu-vông và các nhà lãnh đạo cấp cao của hai Đảng, hai Nhà nước trong quá trình xây dựng và phát triển quan hệ đặc biệt Việt Nam – Lào, Lào – Việt Nam; Tư tưởng Hồ Chí Minh với cách mạng và thế hệ trẻ Việt Nam, tư tưởng Cay-xỏn Phôm-vi-hản với cách mạng và thế hệ trẻ Lào; Vai trò và ý nghĩa của quan hệ hữu nghị vĩ đại, tình đoàn kết đặc biệt và hợp tác toàn diện Việt Nam – Lào, Lào – Việt Nam, giữa nhân dân và tuổi trẻ hai nước; Những kỷ niệm, câu chuyện sâu sắc về tình đoàn kết, hữu nghị giữa hai dân tộc Việt Nam – Lào trong sự nghiệp đấu tranh giành độc lập dân tộc trước đây cũng như trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc ngày nay; Những biểu hiện sinh động của mối quan hệ đoàn kết, gắn bó thủy chung, son sắt của hai dân tộc Việt Nam – Lào dưới sự lãnh đạo của hai Đảng, hai Nhà nước từ khi thiết lập mối quan hệ hợp tác và hữu nghị đến nay; Những kinh nghiệm quý báu về việc gìn giữ, củng cố, phát huy truyền thống hữu nghị đặc biệt Việt Nam – Lào; Giữ gìn và phát huy mối quan hệ hữu nghị truyền thống, hợp tác toàn diện giữa Đoàn TNCS Hồ Chí Minh và Đoàn TNNDCM Lào, giữa tuổi trẻ hai nước Việt Nam và Lào; Vai trò, sứ mệnh của thế hệ trẻ hai nước trong việc vun đắp, giữ gìn, phát huy mối quan hệ hữu nghị vĩ đại, tình đoàn kết đặc biệt và hợp tác toàn diện Việt Nam – Lào, Lào – Việt Nam; chung tay cùng nhau vun đắp tương lai hòa bình, phát triển, thịnh vượng; Những cảm nhận về nền văn hóa, về đất nước và con người Việt Nam (đối với thanh niên Lào) và Lào (đối với thanh niên Việt Nam).
*Thi trắc nghiệm tương tác trực tuyến phát sóng trực tiếp (livestream) trên Fanpage “Cổng Thông tin điện tử Trung ương Đoàn”. Người dẫn chương trình sẽ đưa ra các câu hỏi liên quan đến thông tin về quan hệ đặc biệt Việt Nam – Lào, hợp tác thanh niên Việt Nam – Lào. Người chơi tương tác với người dẫn chương trình và trả lời câu hỏi trực tiếp trong buổi livestream dưới dạng bình luận chọn phương án đúng. Mỗi số phát sóng bao gồm 10 – 15 câu hỏi vào 20h30 – 21h15 các ngày 08/7, 15/7, 22/7; 29/7; 05/8, 12/8, 19/8 và 26/8.
Lễ khởi động cuộc thi diễn ra vào cuối tháng 6/2022 do Trung ương Đoàn TNNDCM Lào đăng cai tổ chức tại Thủ đô Viêng Chăn. Thời gian bắt đầu nhận bài dự thi viết tính ngay sau lễ khởi động và kết thúc vào ngày 30/7. Lễ tổng kết và trao giải diễn ra vào tháng 8/2022 tại Thủ đô Hà Nội.
Bài thi viết có thể được trình bày theo hình thức: thơ, văn xuôi, ca khúc, infographic, tối đa không quá 5.000 từ, có thể sử dụng hình ảnh để minh họa (ghi rõ nguồn, tên tác giả của hình ảnh); phải là tác phẩm chưa được giải thưởng của cuộc thi khác, chưa được công bố ở bất kỳ báo, tạp chí, sách…có đầy đủ thông tin gồm: tên cuộc thi; tên tác phẩm dự thi; tên người dự thi, bút danh (nếu có), ngày tháng năm sinh, giới tính, dân tộc, địa chỉ thường trú hoặc cơ quan, đơn vị công tác, số điện thoại, địa chỉ email của người dự thi. Ban Tổ chức không nhận bài thi theo hình thức thi theo nhóm thi tập thể và được toàn quyền sử dụng tác phẩm tham dự để phục vụ công tác nghiên cứu, đào tạo, tuyên truyền, phổ biến và giáo dục. Thí sinh nộp bài thi qua địa chỉ e-mail: [email protected], tiêu đề ghi rõ: Họ và tên thí sinh; Bài dự thi Cuộc thi tìm hiểu lịch sử quan hệ đặc biệt Việt Nam – Lào, Lào – Việt Nam; Nộp bài thi qua đường bưu điện về địa chỉ: Ban Quốc tế – Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, số 62 Bà Triệu, Hoàn Kiếm, Hà Nội. |
Theo ĐCS