Đá quý có nguồn gốc từ Lào gia tăng về cả số lượng và giá trị tại thị trường Trung Quốc trong vài năm trở lại đây.
Đá quý chế tác sản phẩm mỹ nghệ Lào bắt đầu thâm nhập thị trường Trung Quốc từ khoảng tháng 8/2014, khi các doanh nghiệp chuyên về cung cấp nguyên liệu cho ngành mỹ nghệ đá cao cấp của Trung Quốc đưa sản phẩm đá Điền Hoàng của Lào ra giới thiệu tại thành phố Phúc Châu, tỉnh Phúc Kiến – nơi được xem là thủ phủ ngành công nghiệp chế tác, kinh doanh đá quý mỹ nghệ của Trung Quốc, cũng là quê hương của loại đá Thọ Sơn nổi tiếng, đứng đầu trong danh sách các loại đá quý của Trung Quốc.
Sản phẩm mỹ nghệ được chế tác từ nguồn nguyên liệu đá Lào
Qua một số năm phát triển thăng trầm, đến nay đá quý từ Lào đã xây dựng được một vị thế vững chắc trong thị trường sản phẩm mỹ nghệ đá của Trung Quốc, xuất hiện tại nhiều cửa hàng kinh doanh mặt hàng đá quý, cũng như trong giới sưu tầm sản phẩm mỹ nghệ từ chế tác từ đá của Trung Quốc. Theo một số thống kê, hiện hơn 80% lượng giao dịch sản phẩm mỹ nghệ đá tại Phúc Châu, tỉnh Phúc Kiến là đá từ Lào. Giai đoạn 2014 – 2017, thống kê sơ bộ có khoảng hơn 2.000 tấn đá Điền Hoàng xuất xứ từ Lào được đưa vào Trung Quốc. Giá trị các loại sản phẩm làm từ đá Lào cũng tăng lên hàng chục lần so với trước đây, những tác phẩm có thể chạm ngưỡng hàng trăm nghìn cho đến hàng triệu NDT không phải là hiếm gặp.
Sản phẩm mỹ nghệ được chế tác từ nguồn nguyên liệu đá Lào
Các loại đá sử dụng trong chế tác sản phẩm mỹ nghệ từ Lào đã đưa vào thị trường Trung Quốc ban đầu có đến mấy chục chủng loại, tuy nhiên do sản lượng khai thác đá từ các mỏ của Lào có hạn, nguồn cung hạn chế, nên hiện tại thu hẹp còn lại phổ biến còn các loại đá Điền Hoàng, trong đó loại nổi tiếng nhất được khai thác từ các mỏ đá tại Bắc Lào.
Sản phẩm mỹ nghệ được chế tác từ nguồn nguyên liệu đá Lào
Lý giải nguyên nhân thành công của đá Lào tại Trung Quốc, giới nghiên cứu đá của Trung Quốc cho rằng: Thị trường “chơi”, sưu tập các sản phẩm mỹ nghệ cao cấp nói chung, sản phẩm chế tác từ đá nói riêng tại Trung Quốc ngày càng bùng nổ, các sản phẩm này không chỉ là vật trang trí, mà còn là đồ sưu tập có giá trị đầu tư rất lớn, được các tầng lớp người dân đặc biệt ưu chuộng. Trước đây, người Trung Quốc chủ yếu biết đến một số loại đá quý xuất xứ từ trong nước như Thọ Sơn, Thanh Điền, Ba Lâm, Xương Hóa, Huyết Thạch, Ngọc Thạch Lựu, Khổng Tước Thạch, Ngọc Lam, Ngọc Lam Điền, Ngọc Tụ Nham… Tuy nhiên các nguồn nguyên liệu để chế tác các loại đá quý này ngày càng cạn kiệt, giá thành theo đó ngày càng lên cao, khiến các tay săn đá phải hướng tầm mắt ra tìm kiếm ở ngoài nước, sự xuất hiện của đá Lào do đó thực sự là cơn giải hạn đối với thị trường đá Trung Quốc.
Hơn thế nữa, đá từ Lào là loại đá Điền Hoàng, có tính chất gần tương tự với loại đá đứng đầu trong danh mục đá quý Trung Quốc là đá Thọ Sơn (được khai thác từ núi Thọ Sơn tỉnh Phúc Kiến, có đặc trưng là nước bóng thủy tinh trông như lớp dầu), sự giống nhau đến mức nếu không phải là chuyên gia rất khó phân biệt được đá Điền Hoàng xuất xứ từ Lào với đá xuất sứ Thọ Sơn. Thêm vào đó, đá từ Lào có mầu vàng là mầu rất được ưa chuộng do quan niệm của người Trung Quốc đây là màu biểu tượng của giàu có, quyền lực, sự tôn quý. Mặc dù sự khao khát đá Thọ Sơn của giới sưu tầm là rất mãnh liệt, tuy nhiên nguồn cung loại đá này lại đang cạn kiệt, khiến đá từ Lào dần trở thành nguồn thay thế lý tưởng, từ khoảng cách “một trời một vực” như trước đây, hiện nay chỉ còn thấp hơn khoảng 10 lần so với đá Thọ Sơn.
Sản phẩm làm từ đá khai thác ở núi Thọ Sơn, Phúc Kiến, Trung Quốc
Giới kinh doanh đá quý Trung Quốc nhìn chung nhất trí với nhận định, tương lai của đá Lào tại thị trường nước này là rất sáng sủa, việc những năm lại đây chính phủ Lào tăng cường kiểm soát xuất khẩu khoáng sản chưa qua chế biến, trữ lượng khai thác các mỏ đá tại Lào ngày càng giảm, nguồn cung hạn chế khiến giá của loại đá này tại Trung Quốc ngày càng tăng, việc tích trữ các loại đá này ở thời điểm hiện tại chắc chắn là cơ hội phát tài về dài hạn.
Ông Đinh Quốc Giang – Chủ tịch Tập đoàn Tam Giang Lào nhận bằng khen của Chính phủ Lào tháng 6 năm 2018
Việc nổi lên của đá Lào tại thị trường Trung Quốc cũng chứng kiến sự phát triển mạnh mẽ của nhiều doanh nghiệp Trung Quốc tham gia khai thác, xuất khẩu đá tại Lào. Tiểu biểu trong số này là Công ty TNHH phát triển Văn hóa Thiên Trì Phúc Châu, doanh nghiệp sở hữu một số mỏ đá tại Lào và thường tổ chức các phiên đấu giá đá tại Trung Quốc. Cũng không thể không nhắc đến Tập đoàn Tam Giang – Lào, doanh nghiệp Hoa kiều đã rất thành công trong chế tác, kinh doanh các loại đá quý của Lào, điển hình là việc ông Đinh Quốc Giang – Chủ tịch tập đoàn này được chính phủ Lào tặng bằng khen hồi tháng 6 năm 2018 vì đã cung cấp các sản phẩm điêu khắc đá làm quà tặng của nhà nước Lào cho các chính khách quốc tế, trong đó đặc biệt nhất là chuyến thăm của ông Tập Cận Bình vào tháng 11 năm 2017.
Một sản phẩm chế tác đá Lào được sản xuất bởi Tập đoàn Tam Giang Lào
Điều đáng tiếc, cơn sốt đá của Lào với thị trường Trung Quốc kéo dài suốt những năm qua lại thiếu sự tham gia của chính các doanh nghiệp Lào, cũng như doanh nghiệp Việt Nam một nước mà văn hóa chơi đá cũng đang ngày càng phổ biến. Việc các loại đá Điền Hoàng từ Lào qua nhiều khâu lại được đưa vào Việt Nam với nhãn mác đá Thọ Sơn, Trung Quốc với giá thành cao cũng gây thiệt hại cho nhiều người ưa thích sưu tầm đá quý tại Việt Nam.
Tổng hợp