Cơ quan thanh tra và kiểm soát vấn đề ma túy thuộc Công an tỉnh Xaysomboun vừa phối hợp với nhà chức trách bản Phouhuasang, huyện Anouvong tiến hành tiêu hủy hơn 4ha diện tích cây thuốc phiện trồng trái phép trên địa bàn, hôm 21/12 vừa qua.
Vị trí người dân trồng trái phép cây thuốc phiện có địa hình phức tạp, nhà chức trách đã gặp khá nhiều khó khăn để tiếp cận và có thể tiêu hủy hoàn toàn diện tích cây trồng trái phép này. Gia đình canh tác cây thuốc phiện đã được giáo dục về nhận thức và cơ quan chức năng yêu cầu chuyển đổi diện tích sang các cây trồng hợp pháp khác.
Hoạt động trông cây trái phép tại các tỉnh miền núi bắc Lào là một trong các vấn đề gây ra lo ngại cho chính quyền. Hàng loạt nỗ lực phát hiện, tiêu hủy trong nhiều năm qua chưa thể xóa bỏ hoàn toàn diện tích cây thuốc phiện tại Lào.
Năm 2019, cơ quan chức năng tỉnh Luang Namtha cũng thực hiện phá hủy 17ha diện tích thuộc phiện đang phát triển tại 8 bản thuộc địa bàn huyện Long đồng thời tổ chức giáo dục nhận thức cho 126 hộ gia đình về tác hại ma túy và vận động chuyển đổi sang mô hình canh tác khác.
Cũng trong năm ngoái, tỉnh Xiengkhoang cho biết cũng đã phá hủy diện tích 5ha cây anh túc tại huyện Kham và số cây này cũng đang phát triển ở giai đoạn ra hoa. Cơ quan chức năng cũng cho biết có ít nhất 7 huyện tại Xiengkhoang ghi nhận việc trồng cây anh túc, trong đó chủ yếu nằm tại huyện Kham, Phoukoud và huyện Khoun.
Năm 2006, chính phủ Lào tuyên bố nước này “hầu như đã loại bỏ” diện tích cây thuốc phiện nhưng chỉ 6 năm sau, Văn phòng Liên hợp quốc về ma túy và tội phạm UNODC cảnh báo hiện tượng diện tích cây thuốc phiện tăng trở lại ở mức đáng lo ngại.
Thời điểm diện tích thuốc phiện lớn nhất được Lào ghi lại năm 1998 lên đến 27.000ha và chỉ còn 1.500ha vào năm 2006 nhưng lại tiếp tục tăng trong các năm tiếp theo.
Theo số liệu thống kê, hầu hết lượng thuốc phiện sản xuất tại Lào được tiêu thụ nội địa và khu vực trồng nhiều loại cây này nằm ở vùng biên giới hiểm trở phía Bắc giáp Trung Quốc, Myanmar và Việt Nam và có thể được tìm thấy ở các tỉnh Phongsaly, LuangNamtha, Huaphanh và Luangprabang.
Lợi nhuận từ việc trồng và bán sản phẩm từ thuốc phiện là động lực chính của cộng đồng người dân Lào nghèo khó tại các tỉnh miền núi phía Bắc. Việc không có nguồn thu nhập ổn định và địa hình đất đai không thích hợp cho canh tác nông nghiệp càng làm cây thuốc phiện trở nên hấp dẫn hơn.
Tổng hợp