Báo An ninh Lào thông tin, lực lượng chức năng nước sở tại đã phát hiện các rẫy trồng cây thuốc phiện (cây anh túc) có diện tích lớn trên địa bàn 8 tỉnh phía Bắc nước này.
Rẫy trồng cây thuốc phiện được phát hiện và tiêu hủy tại tỉnh Luang Prabang. (Ảnh: Lao National Radio)
Theo Cục Kiểm soát và phòng chống ma túy Bộ An ninh Lào, từ cuối năm 2021 đến nay, lực lượng chức năng Lào phát hiện người dân lén lút trồng cây thuốc phiện trên địa bàn 8 tỉnh phía Bắc của Lào gồm: Phongsaly, Luang Namtha, Oudomxay, Bokeo, Xayaboury, Luang Prabang, Xieng Khuang và Huaphanh.
Qua ảnh vệ tinh, lực lượng chức năng thống kê có 156 điểm trồng cây thuốc phiện với tổng diện tích 901 ha và đã trực tiếp phá bỏ, tiêu hủy được 569 ha. 332 ha còn lại vẫn chưa thể tiếp cận với lý do tại nơi người dân trồng cây thuốc phiện là vùng xa xôi hẻo lánh, giao thông cách trở.
Bên cạnh việc tích cực tiêu hủy cây thuốc phiện, lực lượng chức năng Lào còn phát hiện và tiêu hủy, phá bỏ hơn 4 ha cây cần sa.
Cây thuốc phiện được trồng nhiều tại khu vực đồi núi ở các tỉnh phía Bắc của Lào. (Ảnh: Lao National Radio)
Trung tá Vongxay Phanthavong – Phó Cục trưởng Cục Kiểm soát và phòng chống ma túy thuộc Tổng cục Cảnh sát, Bộ An ninh Lào cho biết, trong lĩnh vực điều tra, phát hiện và phá bỏ các loại cây ma túy, đặc biệt là cây thuốc phiện từ năm 2019 đến nay, lực lượng chức năng đã phát hiện 4.642 ha các rẫy trồng cây thuốc phiện tại các tỉnh phía Bắc của Lào và phần lớn diện tích đã bị phá bỏ, tiêu hủy. Sang năm 2022, vẫn phát hiện thêm các rẫy thuốc phiện người dân lén lút tái trồng tại địa bàn 8 tỉnh nói trên.
Phó Cục trưởng Cục Kiểm soát và phòng chống ma túy Lào cho biết, nguyên nhân người dân vẫn tiếp tục lén lút trồng cây thuốc phiện là do đời sống của họ còn nhiều khó khăn, chưa tìm ra thu nhập ổn định đầy đủ cho gia đình. Cuộc sống người dân nơi đó chủ yếu còn dựa vào tự nhiên, chính vì thế họ đã quay trở lại trồng cây thuốc phiện để tạo thu nhập cho gia đình họ. Bộ An ninh Lào đã phối hợp các tỉnh, các địa phương tổ chức ký cam kết với 12.856 hộ gia đình không tái trồng cây thuốc phiện.
Thời gian tới, chính phủ cần có giải pháp hỗ trợ người dân chuyển đổi việc trồng cây thuốc phiện sang trồng loại cây khác và chăn nuôi các loại gia súc, gia cầm có thu nhập thay thế cây thuốc phiện. Chính quyền địa phương cơ sở cần tăng cường tuyên truyền, giáo dục người dân về tác hại của việc trồng cây thuốc phiện, nhận thức về mối hiểm họa của ma túy đối với cộng đồng và chính bản thân gia đình họ, giúp họ có ý thức xóa bỏ trồng cây thuốc phiện.
Theo BHT