Đường biên giới quốc gia giữa Việt Nam và Lào có chiều dài 2.337,459km, được chia thành 3 vùng rõ rệt về mặt địa hình.
Đường biên giới quốc gia giữa nước Cộng hoà Xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Cộng hoà Dân chủ nhân dân Lào có chiều dài 2.337,459km, trong đó đường biên giới trên bộ là 2.026,667km, đường biên giới trên sông, suối là 310,792km.
Đây là đường biên giới dài nhất của Lào, gần bằng tổng chiều dài biên giới với các nước láng giềng khác, với Trung Quốc (505 km), Myanmar (236 km), Campuchia (435 km) và Thái Lan (1.835 km).
Đây cũng là đường biên giới dài nhất của Việt Nam với các nước láng giềng. Biên giới Việt – Trung dài 1.499,6 km và biên giới Việt Nam – Campuchia dài khoảng 1.255 km (trong đó 84% đã phân giới cắm mốc).
Các tỉnh tiếp giáp
Biên giới Việt Nam – Lào đi qua mười tỉnh biên giới (với 31 huyện, 140 xã biên giới) của Việt Nam là Điện Biên, Sơn La, Thanh Hoá, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên – Huế, Quảng Nam và Kon Tum; mười tỉnh biên giới của Lào là Phongsaly, Luang Prabang, Houaphanh, Xiangkhoang, Bolikhamsai, Khammouan, Savannakhet, Salavan, Sekong và Attapeu.
Điểm khởi đầu của đường biên giới ở vị trí ngã ba biên giới Việt Nam – Lào – Trung Quốc và kết thúc ở vị trí ngã ba biên giới Việt Nam – Lào – Campuchia.
Tỉnh Điện Biên (Việt Nam) tiếp giáp với tỉnh Phongsaly, Luang Prabang (Lào). Có 3 huyện, 23 xã biên giới; 156 cột mốc tại 144 vị trí mốc và 26 cọc dấu tại 15 vị trí. Đường biên giới dài khoảng 360 km.
Tỉnh Sơn La (Việt Nam) tiếp giáp với tỉnh Luong Phrabang và Houaphanh (Lào). Có 6 huyện, 17 xã biên giới; 126 cột mốc tại 125 vị trí mốc và 11 cọc dấu tại 11 vị trí. Đường biên giới dài khoảng 250 km.
Tỉnh Thanh Hóa (Việt Nam) tiếp giáp với tỉnh Houaphanh (Lào). Có 5 huyện, 16 xã biên giới; 92 cột mốc tại 88 vị trí mốc và 13 cọc dấu tại 9 vị trí. Đường biên giới dài khoảng 192 km.
Tỉnh Nghệ An (Việt Nam) tiếp giáp với tỉnh Houaphanh, Xiangkhoang và Bolikhamsai (Lào). Có 6 huyện, 27 xã biên giới; 116 cột mốc tại 105 vị trí mốc và 44 cọc dấu tại 26 vị trí. Đường biên giới dài khoảng 419 km.
Tỉnh Hà Tĩnh (Việt Nam) tiếp giáp với tỉnh Bolikhamsai và Khammouan (Lào). Có 3 huyện, 8 xã biên giới; 53 cột mốc tại 53 vị trí mốc và 8 cọc dấu tại 8 vị trí. Đường biên giới dài khoảng 145 km.
Tỉnh Quảng Bình (Việt Nam) tiếp giáp với tỉnh Khammouan (Lào). Có 5 huyện, 9 xã biên giới; 61 cột mốc tại 61 vị trí mốc và 1 cọc dấu tại 1 vị trí. Đường biên giới dài khoảng 186 km.
Tỉnh Quảng Trị (Việt Nam) tiếp giáp với tỉnh Savannakhet và Salavan (Lào). Có 2 huyện, 18 xã biên giới; 68 cột mốc tại 62 vị trí mốc và 35 cọc dấu tại 23 vị trí. Đường biên giới dài khoảng 182 km.
Tỉnh Thừa Thiên Huế (Việt Nam) tiếp giáp với tỉnh Salavan và Sekong (Lào). Có 1 huyện, 12 xã biên giới; 37 cột mốc tại 37 vị trí mốc và 7 cọc dấu tại 5 vị trí. Đường biên giới dài khoảng 68 km.
Tỉnh Quảng Nam (Việt Nam) tiếp giáp với tỉnh Sekong (Lào). Có 2 huyện, 14 xã biên giới; 60 cột mốc tại 60 vị trí mốc và 7 cọc dấu tại 7 vị trí. Đường biên giới dài khoảng 115 km.
Tỉnh Kon Tum (Việt Nam) tiếp giáp với tỉnh Sekong và Attapeu (Lào). Có 2 huyện, 7 xã biên giới; 65 cột mốc tại 57 vị trí mốc và 16 cọc dấu tại 8 vị trí. Đường biên giới dài khoảng 150 km.
Biên giới Việt Nam – Lào là một vùng hoàn toàn đồi núi cao, hiểm trở và phức tạp với độ cao trung bình thay đổi từ 1.500-1.800 m, có 18 ngọn núi cao trên 2000 mét, cao nhất là ngọn Phu Xai Lai Leng, với độ cao 2.711 m, thấp nhất là các đồi cao khoảng 300m tại khu vực Lao Bảo (Quảng Trị).
Ba vùng địa hình
Về mặt địa hình, biên giới có thể được chia thành 3 vùng rõ rệt.
Bắt đầu từ ngã ba biên giới phía Bắc, biên giới Việt Nam-Lào đi theo đường phân thuỷ chính trên một đoạn dài khoảng hơn 200 km về phía Đông Nam đến gần Điện Biên Phủ, từ đó đi theo một đoạn ngắn, dọc theo các dãy núi chạy theo hướng Tây Bắc – Đông Nam.
Ở phía Bắc Điện Biên Phủ, biên giới trùng hợp với sông Na Mèo, sau đó đi đến Nậm Nưa với các sông nhánh khoảng 30 km trước khi gặp đường sống núi phân thuỷ ở Tây Nam Nậm Nưa. Từ đây biên giới lại chạy theo hướng Tây Bắc-Đông Nam và đường phân thuỷ chính ở phía Nam sông Mã.
Từ phía Bắc Sầm Nưa, biên giới vòng lên phía Bắc để đi theo sông Mã và nhánh của con sông này trước khi đi ngược lên đường phân thuỷ phía Bắc con sông. Sau đó biên giới lại đi theo các đường rất phức tạp, gặp hệ thống sông Cả, đi theo cả đường phân thuỷ và các nhánh sông rồi cắt ngang đường quốc lộ số 7.
Nhìn chung, ở phía Bắc biên giới đi theo đường phân thuỷ chính dọc theo hướng Tây Bắc – Đông Nam với độ cao trung bình thay đổi từ 1500 m đến 1800 m. Nhiều sông suối chạy cắt ngang các thung lũng, các núi đá vôi và sa thạch, làm địa hình bị chia cắt rất phức tạp. Đất đai khô cằn, hẹp giữa núi đá nên hầu như toàn vùng này dân cư rất thưa thớt, phần lớn chỉ là các dân tộc thiểu số.
Vùng thứ hai được đặc trưng bởi biên giới đi theo dãy Trường Sơn. Nửa phần phía Nam của đường biên giới đi theo đường phân thuỷ của dãy Trường Sơn. Dãy núi này trải dài từ phía Tây Bắc đến Đông Nam, đi song song với sông Mekong.
Nói một cách chính xác, vùng này không phải bao gồm chỉ có các dãy núi mà đó là một tập hợp các cao nguyên bị ăn mòn sâu với những đỉnh núi lẻ nhô cao. Trường Sơn Đông dốc đứng. Trường Sơn Tây về phía Lào thoai thoải hơn.
Từ vĩ tuyến 16030’ ngang với Thakhek (Lào), Phong Nha, Quảng Bình (Việt Nam) là vùng núi đá vôi, có các thung lũng nằm bao bọc xung quanh các đỉnh núi dốc đứng, nhiều hang động nổi tiếng như Phong Nha-Kẻ Bàng, Sơn Đoòng.
Từ quốc lộ 9 nối Quảng Trị của Việt Nam với Savannakhet của Lào, vùng biên giới là núi đá hoa cương và đất ba-zan bằng phẳng.
Địa hình tiếp theo về phía Nam là nơi núi cao hiểm trở, khó qua lại nhất của dãy Trường Sơn. Có những núi cao trên 2000m. Đây là khu vực được khảo sát ít nhất trên bán đảo Đông Dương.
Về phía Lào, dãy Trường Sơn chạy song song với ba cao nguyên sa thạch gián đoạn nhưng khá rộng là cao nguyên Cam Mong (Đông Bắc Thakhek), Kha Leng (Đông Nam Thakhek) và Tạ Hồi (Đông Bắc Salavan). Khu vực này dân cư đông hơn và có ý nghĩa chiến lược đối với các hoạt động quân sự giữ đất, giữ người của lực lượng Pathét Lào trong chiến tranh.
Khu vực cuối cùng của biên giới Việt Nam – Lào là vùng đất nhấp nhô với các quả đồi tròn và các đỉnh núi dốc đứng lẻ loi. Các dòng dung nhan mỏng rải khắp cao nguyên dốc thoai thoải. Vùng này trải dài từ vĩ tuyến 160 cho đến Kon Tum, ngã ba biên giới phía Nam.
Hệ thống sông suối
Hệ thống sông suối chạy cắt ngang và dọc theo biên giới.
Ở phía Bắc từ đỉnh Khoan La San đến Phu Luông, các sông suối nhỏ, mang tính địa phương ít liên quan đến hệ thống sông lớn của hai nước. Do địa hình phức tạp nên lượng nước thay đổi lớn theo mùa. Mùa mưa lượng nước nhiều, cao, dòng chảy mạnh.
Các sông suối biên giới thuộc các tỉnh miền Trung (Thanh Hoá, Nghệ An, Hà Tĩnh) lớn hơn các sông suối ở phía Bắc cả về chiều dài và chiều rộng, thường có mối liên hệ trực tiếp với các hệ thống sông lớn như sông Cả, sông Mã, sông Chu. Độ dốc của dòng chảy lớn do vậy nó cũng chịu tác động mạnh mẽ hơn của quá trình xâm thực của dòng chảy, đặc biệt là về mùa mưa.
Địa hình các khu vực sông suối biên giới ở đây tương đối ổn định, bờ sông dốc được cấu tạo bởi đá mẹ là chủ yếu, đoạn bờ sông được hình thành do phù sa thường rất nhỏ hẹp.
Quá trình xâm thực dòng chảy ở đây chủ yếu theo chiều sâu và sạt lở đất đá do đất trượt về mùa mưa. Các sông suối biên giới thuộc các tỉnh Trung bộ (Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên-Huế) có lưu vực sông tương đối lớn, độ dốc lớn và bờ sông thường do phù sa bồi tụ, nên vào mùa mưa khi dòng chảy lưu lượng lớn thường gây ra lũ quét, xói lở bờ.
Một số đoạn đi qua địa hình dạng gò đồi thấp có độ cao chênh lệch ít nên giữ được dòng chảy khá ổn định. Các sông suối biên giới ở các tỉnh Trường Sơn Nam (Quảng Nam, Kon Tum) đi qua địa hình rất phức tạp, khe núi có độ dốc tương đối lớn nên tiết diện dòng chảy hẹp nhưng khá ổn định.
Vùng biên giới Việt – Lào chịu sự chi phối của gió mùa điển hình ở Đông Nam Á, phân chia thành hai mùa tương đối rõ rệt là mùa mưa và mùa khô.
Hình ảnh cột mốc ngã ba biên giới 3 nước Việt Nam, Lào, Campuchia (Ngã ba Đông Dương) thuộc khu vực cửa khẩu quốc tế Bờ Y, huyện Ngọc Hồi, tỉnh Kon Tum. (Nguồn: ngochoi.kontum.gov.vn) |
Mùa mưa bắt đầu từ tháng 4 đến hết tháng 11, mùa khô từ tháng 12 năm trước đến hết tháng 3 năm sau. Khí hậu, thời tiết giữa Bắc và Nam, giữa Tây và Đông rất khác nhau và rất khắc nghiệt.
Mùa nóng thì rất nóng, mùa mưa thì mưa nhiều, nhiệt độ trung bình hàng năm từ 200C độ đến 250C (tháng nóng nhất là tháng 4 nhiệt độ trung bình là 300C, tháng lạnh nhất là tháng 12, nhiệt độ trung bình là 260C).
Lượng mưa trung bình hàng năm từ 2030mm đến 3050mm (lượng mưa tối đa thường vào tháng 7, tháng 8 với trên 500mm mỗi tháng).
Khí hậu nhiệt đới gió mùa làm độ ẩm tương đối cao. Nhiều khu vực biên giới thường xuyên có mây mù che phủ, thậm chí có một số nơi mây mù che phủ quanh năm.
Trừ vài ngoại lệ, như ở các thung lũng có sông chảy qua, toàn vùng biên giới đều có rừng rậm che phủ. Ở những nơi ẩm ướt, đất dày, rừng mưa nhiệt đới thực sự chiếm ưu thế.
Ở những nơi đất xốp hoặc khô cạn, rừng gió mùa phát triển nhiều.
Do địa hình khu vực biên giới phần lớn là núi cao hiểm trở và kinh tế xã hội kém phát triển nên hệ thống giao thông đi lại qua biên giới còn rất khó khăn và hạn chế. Ngoài một số tuyến đường quốc lộ, còn lại chủ yếu là các đường đất, đường mòn, đường sông rất hạn chế, đường sắt không có.
Dự án đường tuần tra biên giới Việt-Lào 2007-2021 đã góp phần cải thiện giao thông và phát triển kinh tế-xã hội cho các vùng biên giới.
Theo Baoquocte