Thúc đẩy hợp tác về năng lượng giữa Việt Nam và Lào

Xuất phát từ nhu cầu hợp tác của hai bên, Chính phủ Việt Nam và Chính phủ Lào đã ký Bản ghi nhớ về hợp tác phát triển các dự án thủy điện, liên kết lưới điện và nhập khẩu điện từ Lào vào năm 2016.

Thực hiện biên bản ghi nhớ giữa hai Chính phủ, thời gian qua, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đã thúc đẩy các hoạt động hợp tác mua bán điện với Công ty Điện lực Lào (EDL) và Tổng công ty Phát điện Lào (EDL-Gen) theo chủ trương hợp tác phát triển năng lượng giữa hai quốc gia.

Nhiều dư địa để phát triển trong lĩnh vực điện

Hiện nay, EVN đang bán điện qua các cấp điện áp 220kV-22kV-35kV tại 9 địa điểm khu vực gần biên giới giữa hai nước với sản lượng điện thương mại khoảng 50 triệu kWh/năm. Việc phối hợp, vận hành, bảo vệ an ninh, an toàn lưới điện được hai bên thực hiện tốt, góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần các địa phương của Lào khi lưới điện quốc gia của nước bạn chưa mở rộng tới. Hoạt động cấp điện cho nước bạn đồng thời cũng góp phần thắt chặt, củng cố tình hữu nghị đặc biệt giữa hai nước.

Thúc đẩy hợp tác về năng lượng giữa Việt Nam và Lào
Thăm hỏi, động viên người lao động tham gia xây dựng công trình đường dây 220kV Nậm Mô (Lào)-Tương Dương (đoạn trên lãnh thổ Việt Nam).

Trong lĩnh vực năng lượng, Chính phủ hai nước Việt Nam-Lào nhận định còn nhiều dư địa để phát triển quan hệ hợp tác đôi bên cùng có lợi trong lĩnh vực điện. Với quy mô dân số lớn, tốc độ tăng trưởng kinh tế ổn định, nhu cầu sử dụng điện cao, đặc biệt, với cam kết đạt phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050, Việt Nam đang nỗ lực để bảo đảm đáp ứng đủ nhu cầu điện năng cho phát triển kinh tế-xã hội, đồng thời chuyển dịch năng lượng theo hướng xanh, sạch và bền vững.

Thời điểm hiện tại, Chính phủ Việt Nam đã chấp thuận chủ trương nhập khẩu điện từ Lào. EVN đã ký kết 18 hợp đồng mua bán điện (PPA) với các chủ đầu tư để mua điện của 23 dự án. Nguồn điện từ thủy điện của Lào là nguồn ổn định, không phụ thuộc vào thời tiết, khí hậu nên không chỉ có ý nghĩa quan trọng đối với Việt Nam trong quá trình đẩy nhanh phục hồi và phát triển kinh tế sau đại dịch Covid-19 mà còn có thể sử dụng như điện “nền”, giúp Việt Nam khắc phục sự dao động công suất của một số nguồn năng lượng tái tạo, từ đó thúc đẩy chuyển đổi xanh nhanh và mạnh hơn nữa tại Việt Nam.

Để tăng cường hợp tác cung ứng điện trong thời gian tới, tháng 4-2022, Bộ Công Thương Việt Nam và Bộ Năng Lượng và Mỏ Lào đã hội đàm và nhất trí triển khai một số biện pháp như phối hợp đẩy nhanh tiến độ đầu tư, hoàn thành các dự án đường dây truyền tải, liên kết lưới điện giữa hai nước; nghiên cứu tính toán nhu cầu, các giải pháp kỹ thuật, thương mại trong liên kết lưới điện để bảo đảm hiệu quả, tiết kiệm; nghiên cứu, báo cáo Chính phủ hai nước xem xét tăng lượng điện cung ứng phù hợp với nhu cầu và năng lực của hai bên. Các khía cạnh môi trường cũng cần được quan tâm thấu đáo trong quá trình hợp tác cung ứng điện.

Kết nối cơ sở hạ tầng, tăng cường nhập khẩu điện

Bộ Công Thương cũng vừa có Văn bản số 5188/BCT-ĐL gửi Thủ tướng Chính phủ về chủ trương nhập khẩu điện và phương án đấu nối các nhà máy thủy điện từ Lào về Việt Nam. Bộ Công Thương cho hay, với dự báo nguy cơ thiếu nguồn điện tại miền Bắc, cần tăng nhập khẩu điện từ Lào.

Dẫn các báo cáo của EVN, Bộ Công Thương cho biết, EVN đã tính toán cân đối công suất miền Bắc trong giai đoạn 2022-2025 để đánh giá khả năng cung ứng điện theo các kịch bản tăng trưởng công suất đỉnh. Cụ thể, với kịch bản cơ sở, nhu cầu công suất đỉnh hệ thống điện miền Bắc tăng trưởng bình quân khoảng 9,5%/năm trong giai đoạn 2022-2025. Với kịch bản cao, nhu cầu công suất đỉnh hệ thống điện miền Bắc có thể tăng trưởng bình quân khoảng 11%/năm trong giai đoạn 2022-2025. Kết quả tính toán đã được EVN khẳng định, trong các kịch bản, tại miền Bắc đều thiếu công suất đỉnh vào các tháng cuối mùa khô, đầu mùa lũ (các tháng 5, 6, 7) và lượng công suất thiếu có xu hướng tăng dần vào các năm sau (thiếu hụt nhiều nhất khoảng hơn 7.600MW vào năm 2025 ở kịch bản cao). “Việc tăng cường nhập khẩu điện từ Lào là cần thiết, đặc biệt là khu vực miền Bắc, góp phần bảo đảm cung cấp điện cho hệ thống điện Việt Nam giai đoạn 2022-2025 cũng như các năm sau 2025″, Bộ Công Thương đánh giá.

Bộ Công Thương đề nghị Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương nhập khẩu điện từ 5 dự án, cụm nhà máy thủy điện đã có đề xuất giá bán điện và thỏa thuận phương án đấu nối giữa các chủ đầu tư. Bên cạnh đó, Bộ Công Thương cũng đề nghị bổ sung xây dựng mới đường dây 220kV mạch kép Điện Biên-Nam Ou 5 (đoạn trên lãnh thổ Việt Nam), chiều dài khoảng 20km phục vụ đấu nối để tiếp nhận công suất từ các nhà máy thủy điện bán điện về Việt Nam. Các công trình đấu nối nhà máy phía Lào do các chủ đầu tư Lào chịu trách nhiệm đầu tư.

Theo QĐND

Bài viết liên quan

Next Post