Sau trận tập kích vào cao điểm 2006 (19/5/1971) của đại đội 17 tiểu đoàn 27 đặc công đoàn 305, các thương binh của 27 được chuyển ra trạm phẫu tiền phương của E866 nằm ở rìa suối Nậm Siêm (bên dưới đầu đường ô tô Thầm Thuội khoảng 2h đi bộ).
Chúng tôi thấy khoảng gần chục đồng chí đang điều trị tại đây, hỏi ra mới biết phần nhiều là thương binh của D7 E866, trong số thương binh có anh Tình người Đô Lương, Nghệ An sang Lào từ năm 1962 là lính thông tin đường dây( rất thạo tiếng Lào) bị thương trong lần đi nối dây do thám báo cắt sau đó phục kích , 1 đồng chí người dân tộc Mông lính D7 quê Hà Giang tên là Cà Văn Khún, đêm nằm cùng trò chuyện về quê hương, 3 chúng tôi thân nhau từ lúc nào không biết.
Lúc này đã là cuối tháng 5 trời mưa liên miên, nằm trong hang đá không nguôi nhớ về đơn vị D27, không biết C18 được tăng cường thêm một B của C17 ở lại bám địch ở khu 1863 và 2006 có tác chiến được không ? ( toàn tiểu đoàn đã được lệnh rút ra Nghệ An). Ngoài kia máy bay T28, F4 của địch tăng cường đánh bom dữ dội. Trực thăng đổ quân ra mấy điểm cao gần Bản Na khống chế đường ô tô vào Thầm Thuội , đã có mấy chiếc ô tô vào đón thương binh và dân công ra bị bắn cháy ở khu vực đầu đường ô tô. 1 đêm cuối tháng 5 chúng tôi được thông báo: thương binh nặng được vận chuyển ra Thầm Thuội lên ô tô ra ngoài ,số thương binh còn lại có thể đi được trung đoàn cho 1 tiểu đội bộ binh bảo vệ, cắt rừng đi đêm vòng tránh khu vực Bản Na ra ngoài. Qua 3 đêm ,hôm nay chúng tôi đến đông Cánh Đồng Chum gặp 1 bản có mấy ngôi nhà nhỏ nằm rải rác dưới những lùm cây rậm ( chỗ này gọi là bản Non, huyện Nậm Tiền, Xiêng Khoảng) lúc này đã xa địch, chúng tôi được hành quân ban ngày dưới những tán cây rừng. Do có trận mưa lớn không vượt được suối, cả đoàn phải quay lại ở nhờ nhà dân chờ nước rút. Tôi và anh Tình được ở nhờ nhà đồng chí huyện đội trưởng Nậm Tiền ông đi công tác không có nhà, bà vợ khoảng 50 tuổi có hai cô con gái, một cô khoảng trên 10 tuổi, một cô 16 tuổi là văn công của bộ đội Pa Thét đang nghỉ phép. Bà mẹ là người hay chuyện, qua phiên dịch của anh Tình, bà hỏi về quê hương, bố mẹ, anh em tôi ở Việt Nam ( có lẽ trong đoàn gần 20 người, tôi trẻ nhất mới sang tuổi 19) nên bà để ý nhiều và chuyện trò thoải mái như người thân. Đêm đến cả gia đình bà và hai anh em chúng tôi cùng nằm trên sàn gỗ dài khoảng 10 m .Tôi và cô con gái lớn được xếp ngủ gần nhau, chỉ cách khoảng 2 m (có lẽ đây là 1 phong tục bày tỏ sự mến khách của dân tộc Lào)
Đêm đến Tôi không sao ngủ được một phần vì vết thương ở chân bị nhiễm trùng sưng đau một phần Vì nằm gần một cô Văn Công Xinh Đẹp, mùi tóc gội bằng quả bồ hòn( thay xà phòng) và mùi hoa bưởi thoang thoảng, từ bé đến giờ chưa bao giờ tôi được nằm gần một người con gái mà lại là một người con gái xinh đẹp đến như vậy. Sáng hôm sau anh Tình ( là trưởng đoàn) bảo tôi cùng anh và cô con gái lớn lên nương hái ngọn bí đỏ và rau cải xoong về cho đoàn cải thiện. Cô gái nhìn tôi bằng ánh mắt thăm dò, còn tôi nhìn cô với sự rung động của cậu học trò mới vào bộ đội, chưa một lần yêu , thưởng thức sự nhảy nhót của con tim dưới cái đẹp dịu dàng, ngây thơ, trong trắng. Qua anh Tình phiên dịch, chúng tôi hỏi chuyện nhau nhiều hơn ,bảy ngày dừng chân chờ nước rút, ngày nào cô cũng chủ động gọi tôi cùng đi lên nương hái rau về cho đoàn ( nương cách nhà khoảng 30 phút đi bộ). Sáng ngày thứ 6 anh Tình cùng tôi và cô gái lên nương hái rau, sau đó xuống bờ suối kiểm tra nước rút chưa. Đến trưa trong bữa cơm cả đoàn, anh Tình thông báo: tối nay các tổ về chào gia đình để mai ăn trưa xong sẽ hành quân ra viện 139 (anh sẽ trực tiếp đi phiên dịch và chào các gia đình có bộ đội ở nhờ).
Mấy đồng chí lính trẻ rụt rè: đề nghị được nghe cô văn công hát và múa. Là người lính lâu năm, biết tiếng Lào và múa Lăm Vông rất giỏi, anh ủng hộ nhiệt tình và hứa sẽ đề xuất với cô gái. Như mong đợi tối đó gần 20 anh em thương binh và tổ bảo vệ quây quần trong căn nhà nhỏ của cô gái dưới ánh sáng bập bùng đốt bằng nhựa cây rừng anh Tình mở màn điệu múa Lăm Vông cùng cô gái, sau đó cô trình bày tiếp bài “Hoa chăm pa” bằng tiếng Lào, dù bất đồng ngôn ngữ nhưng chúng tôi cũng cảm nhận được giai điệu của bài hát (vì ở Việt Nam chúng tôi cũng được nghe bài hát này dưới sự trình bày của nghệ sĩ Tường Vi trên làn sóng phát thanh của đài tiếng nói Việt Nam). Bất chợt cô trao đổi bằng tiếng Lào với anh Tình và chỉ tay vào tôi, tôi vô cùng luống cuống không biết xử trí ra sao thì anh Tình đã động viên tôi: “cứ bình tĩnh chọn bài hát hoặc thổi kèn ắc mô ni ca cũng được”. Mặc dù tôi sử dụng được kèn ắc mô ni ca và thổi rất thạo bài ” hoa chăm pa” nhưng bài đó cô gái đã trình bày… Bất chợt một kỉ niệm về 1 bài hát về 1 người bạn gái cùng học năm 1965 ùa về đó là cô Xuân ở xóm Trung Hòa, xã Hùng Sơn huyện Đại Từ, Bắc Thái lúc đó là buổi bế giảng năm chúng tôi học lớp 5 trường làng, bài hát được cất lên cùng với ca từ tha thiết, tình cảm từ miệng 1 cô bạn học bé nhỏ nhưng có suối tóc dài đen mượt, làn da trắng nõn nà, dáng cao cao, thanh thoát, tôi không tin được đấy là cô bạn học cùng lớp mới hơn 12 tuổi …
Xuân về nở hoa thắm ngàn nơi
Xuân về đời tươi thẳm nọong ơi..ớ ơ ới
Nghe gió chiều gọi trăng về suối
Nghe tiếng ca gọi tâm tình ơi nọong…
Tôi và cả lớp lắng nghe, nhưng tôi cứ hình dung đấy là lời tỏ tình của anh con trai với người con gái mà mình thầm yêu trộm nhớ…cô gái ấy đã mãi mãi ra đi chỉ sau đó vài tháng do bị chó điên cắn … Thế rồi tôi đứng dậy từ lúc nào, cảm thấy như có cô bạn học bé nhỏ đứng trước mặt động viên, khích lệ tôi: ” bạn hát được, hãy hát tiếp bài hát mà mình đã hát cho các bạn nghe..”. Tôi chỉ bừng tỉnh lại khi có nhiều tiếng vỗ tay của đồng đội.
Trưa hôm sau bà mẹ và 2 cô con gái tiễn chúng tôi ra tận bờ suối. Nhìn cô gái tôi luyến tiếc không muốn rời đi, cảm thấy như mình sắp mất 1 cái gì mà không sao giải thích nổi. Cả hai chúng tôi không ai nói gì ( vì bất đông ngôn ngữ) dường như cả hai đều cố tình đi chậm lại cuối đoàn, đến bờ suối cô chủ động nắm tay tôi và nói bằng tiếng Việt : ” anh Thường đi mạnh khỏe công tác tiến bộ, nhớ đừng quên … ” Tôi sững sờ không tin vào tai mình. Em biết tiếng Việt Nam, em cũng có cảm tình với anh tại sao không cho anh một cơ hội để bày tỏ tấm lòng? Tại sao 7 ngày bên nhau em đều nói chuyện với anh qua người phiên dịch,trong khi em biết tiếng Việt ? Tại sao ngày nào đi hái rau cũng là anh mà không phải là người khác ? Tại sao ? Và tại sao ?
Sau này qua anh Tình tôi mới biết, con em của cán bộ Pa Thét đều được gửi sang Tương Dương, Con Cuông Nghệ An từ nhỏ để tránh chiến tranh và học tiếng Việt
51 năm đã qua ,đã là cái tuổi ” xưa nay hiếm ” . Kỉ niệm ngày nào về cô văn công Pa Thét Lào , về cái mùi quả bồ hòn và mùi hoa bưởi vẫn như luồng gió mát thổi qua trái tim tôi.
Theo Trái tim người lính