Lao Bảo là đô thị cửa khẩu quốc tế về phía Việt Nam trên Hành lang kinh tế Đông – Tây (EWEC) nối Thái Bình Dương sang Ấn Độ Dương bằng đường bộ đi qua các nước Việt Nam, Lào, Thái Lan, Myanma.
Phố núi Lao Bảo nhìn từ trên cao -Ảnh: N.T.H
Từ lợi thế trên EWEC và mối quan hệ hữu nghị đặc biệt Việt Nam – Lào, chủ trương của Bộ Chính trị và quyết tâm của Chính phủ hai nước cho phép lựa chọn và thiết lập một khu vực chung áp dụng thí điểm những chính sách đặc thù thúc đẩy phát triển kinh tế biên mậu, mở rộng giao lưu và hợp tác với các nước trong khu vực và quốc tế.
Đến nay, trên tuyến biên giới Việt Nam – Lào chỉ duy nhất khu vực cửa khẩu Lao Bảo-Densavanh đã thành lập hai khu kinh tế (Khu KTTMĐB Lao Bảo/Việt Nam và Khu Thương mại biên giới Densavanh/ Lào), mở ra cơ hội phát triển kinh tế, thương mại và thắt chặt mối quan hệ hữu nghị đặc biệt giữa hai nước Việt Nam-Lào.
Sau hơn 20 năm xây dựng và phát triển, hai khu kinh tế đã góp phần làm thay đổi diện mạo của khu vực hai bên biên giới, đóng góp quan trọng vào sự phát triển của hai tỉnh Quảng Trị và Savannakhet. Đặc biệt, đô thị cửa khẩu quốc tế Lao Bảo đã tạo lập được hệ thống kết cấu hạ tầng KT-XH khá đồng bộ, đáp ứng nhu cầu SX-KD của doanh nghiệp, nhà đầu tư và đời sống Nhân dân trong khu vực.
Hoạt động thương mại, dịch vụ hai bên biên giới khu vực Lao BảoDensavanh phát triển năng động, thúc đẩy chuyển dịch nhanh cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động của thị trấn Lao Bảo từ sản xuất nông-lâm nghiệp sang phát triển ngành nghề, dịch vụ mang dáng dấp của đô thị trẻ.
Chủ tịch UBND thị trấn Lao Bảo Lê Bá Hùng cho biết, hiện nay diện mạo đô thị biên giới Lao Bảo phát triển khá năng động, hiện đại. Mạng lưới giao thông thị trấn có 28 tuyến đường lộ giới rộng trên 11,5 m được thảm nhựa, bê tông hóa kiên cố và hệ thống thoát nước hoàn chỉnh; 60 tuyến đường, đoạn tuyến còn lại có lộ giới nhỏ hơn 11,5 m được thảm nhựa và bê tông hóa đảm bảo thông thoáng, an toàn và mỹ quan đô thị, tỉ lệ đường giao thông được nhựa hóa và bê tông hóa đạt gần 90%.
Về nhà ở, có gần 20% nhà ở dân cư được cao tầng hóa và trên 90% nhà ở dân cư được kiên cố hóa. Hạ tầng đô thị đạt tiêu chuẩn đô thị loại IV, đang tiến tới xây dựng đô thị động lực cấp 1 khu vực biên giới.
Hoạt động thương mại-dịch vụ là xương sống của nền kinh tế, chiếm 69% tổng giá trị sản xuất, phát triển đúng định hướng của đô thị biên mậu. Thị trấn hiện có 74 doanh nghiệp đang hoạt động, trong đó có 2 doanh nghiệp 100% vốn đầu tư nước ngoài; 1.238 hộ kinh doanh cá thể; 245 hộ kinh doanh tại Lào.
Giá trị sản xuất thương mại-dịch vụ năm 2022 đạt 5.252 tỉ đồng, đạt 111% kế hoạch, tăng 41% so với năm 2021. Nhân dân thị trấn Lao Bảo cũng đã khai thác tốt lợi thế của vùng kinh tế cửa khẩu để hợp tác phát triển sản xuất nông-lâm nghiệp ở phía bên kia biên giới nước bạn Lào, góp phần thúc đẩy kinh tế hai bên biên giới phát triển.
Các phương tiện vận tải hàng hóa tập trung chờ thông quan tại Cửa khẩu quốc tế Lao Bảo -Ảnh: N.T.H
Trong dịp kỷ niệm 48 năm ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước 30/4 (1975-2023), thị trấn Lao Bảo đã tổ chức tuyến phố đi bộ Nguyễn Huệ thu hút hơn 20.000 lượt người tham gia, với 62 quầy quán phục vụ ẩm thực, mua sắm, vui chơi giải trí, quảng bá sản phẩm OCOP, giao lưu văn hóa, văn nghệ với Nhân dân trong vùng và nước bạn Lào.
“Việc hình thành tuyến phố đi bộ đầu tiên trên khu vực biên giới mang lại thành công, là điểm sáng để thị trấn Lao Bảo xây dựng kế hoạch tổ chức tuyến phố đi bộ vào các dịp kỷ niệm ngày thống nhất đất nước 30/4, ngày giải phóng huyện Hướng Hóa 9/7, Quốc khánh 2/9 và Tết dương lịch dự kiến được tổ chức thường niên sẽ mở ra không gian giao lưu, trải nghiệm văn hóa, ẩm thực hai bên biên giới, trở thành điểm đến hấp dẫn thu hút khách du lịch đến với Lao Bảo nói riêng và huyện Hướng Hóa nói chung” – ông Hùng cho biết thêm.
Một tin vui đến với đô thị cửa khẩu Lao Bảo nói riêng và huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị nói chung, ngày 18/12/2020 Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý lựa chọn Khu KTTMĐB Lao Bảo là một trong 8 khu kinh tế cửa khẩu trọng điểm để tập trung đầu tư phát triển từ nguồn ngân sách nhà nước giai đoạn 2021-2025. Theo đó, BQL Khu kinh tế tỉnh Quảng Trị đã có báo cáo đề xuất danh mục các dự án đầu tư trung hạn 2021-2025 tại Khu KTTMĐB Lao Bảo.
Bản Ka Tăng, thị trấn Lao Bảo – Ảnh: T.N
Tháng 2/2022, trong chuyến thăm và làm việc với tỉnh Savanakhet của Đoàn đại biểu cấp cao tỉnh Quảng Trị, lãnh đạo hai tỉnh đã thống nhất trình Chính phủ hai nước cho phép thí điểm thành lập Khu kinh tế thương mại xuyên biên giới chung Lao Bảo – Densavanh có sự kết nối về hạ tầng (kết nối cứng) và chính sách (kết nối mềm). Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với tỉnh Quảng Trị xây dựng Đề án “Phát triển Khu Kinh tế – Thương mại xuyên biên giới chung Lao Bảo – Densavanh” trình Chính phủ.
Dự thảo đề án khu kinh tế thương mại xuyên biên giới chung dự kiến vận hành theo mô hình 2 nước 2 khu kinh tế thương mại đối xứng nhau qua đường biên giới, mỗi bên tự chịu trách nhiệm xây dựng và quản lý khu hợp tác trên phạm vi lãnh thổ của mình, tôn trọng chủ quyền lãnh thổ và các thỏa thuận biên giới, các hiệp định Việt Nam, Lào đã ký kết.
Tiến hành xây dựng hàng rào cứng tại các khu phi thuế quan, khu vực kho bãi hàng hóa chờ kiểm hóa, cảng cạn (ICD)… Áp dụng cơ chế, chính sách ưu đãi cao nhất mà chính phủ Việt Nam và Lào đang áp dụng tại các khu kinh tế, khu thương mại hai nước. Hy vọng, các cơ chế, chính sách mới này sẽ là “cơ hội vàng” tạo sức hấp dẫn thu hút đầu tư vào khu kinh tế – thương mại xuyên biên giới chung Lao Bảo – Densavanh; đồng thời khắc phục các rào cản về lao động, thủ tục đầu tư, vay vốn…đối với các dự án đầu tư của Việt Nam sang Lào trong thời gian qua.
Trên vùng biên giới Việt Nam – Lào, thị trấn Lao Bảo, huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị có lợi thế là có hai khu kinh tế cửa khẩu quốc tế của hai nước nằm đối diện nhau trên Hành lang kinh tế ĐôngTây.
Sức hút hấp dẫn chính sách ưu đãi từ chủ trương của hai nước phát triển khu kinh tế – thương mại xuyên biên giới chung Lao Bảo – Densavanh hứa hẹn sẽ thu hút được nhiều nhà đầu tư lớn đến đầu tư, tạo ra nguồn hàng, biến EWEC từ hành lang giao thông thành hành lang kinh tế, trở thành điểm sáng đô thị vùng biên để nhân rộng trên khu vực biên giới Việt Nam – Lào.
Theo Baoquangtri