Chính phủ Lào sẽ không chấp nhận các đề xuất mới xin khảo sát, khai thác và xuất khẩu quặng sắt dưới hình thức các dự án thí điểm nữa do giá quặng sắt trên thị trường thế giới giảm mạnh.
Mỏ sắt Xay Xổm Bun tại Lào. Ảnh: coecco.com.vn
Báo chí Lào số ra ngày 12/12 đưa tin phát biểu trước kỳ họp thứ 4 Quốc hội khóa IX của Lào đang diễn ra, Thủ tướng Phankham Viphavanh cuối tuần qua đã thông báo với các đại biểu Quốc hội rằng do giá quặng sắt trên thị trường thế giới giảm mạnh, Chính phủ Lào sẽ không chấp nhận các đề xuất mới xin khảo sát, khai thác và xuất khẩu quặng sắt dưới hình thức các dự án thí điểm nữa.
Trả lời chất vấn khi các đại biểu Quốc hội Lào cho rằng việc khai thác và xuất khẩu quặng sắt không còn khả thi về mặt kinh tế do giá trị của loại khoáng sản này trên thị trường thế giới giảm mạnh, Thủ tướng Lào khẳng định “nếu giá quặng sắt giảm xuống dưới 50 USD/tấn như trong năm 2015-2016, Chính phủ sẽ đình chỉ hoàn toàn việc xuất khẩu loại quặng này”.
Trong phát biểu của mình, Thủ tướng Lào cũng cảnh báo rằng các công ty vi phạm các quy định và thỏa thuận đã ký với Chính phủ Lào sẽ bị thu hồi giấy phép.
Theo ông Phankham, việc khai thác và xuất khẩu quặng sắt nằm trong chương trình nghị sự quốc gia nhằm giải quyết những khó khăn về kinh tế và tài chính của chính phủ. Tuy nhiên, mặc dù lên kế hoạch xuất khẩu khoảng 12,63 triệu tấn quặng sắt, nhưng đến nay Lào mới xuất khẩu được 402 tấn, chỉ bằng 3,18% so với mục tiêu.
Thủ tướng Lào cho biết để giải quyết tất cả các thách thức liên quan đến các dự án thí điểm quặng sắt hiện tại, Bộ Năng lượng và Mỏ Lào đã được chỉ đạo phối hợp với các ngành liên quan và chính quyền địa phương để giám sát hoạt động của các dự án được đề cập.
Các nhà chức trách đã xem xét số tiền thuế phải nộp đối với các dự án thí điểm quặng sắt, hiện dựa trên tỷ lệ phần trăm của giá thị trường (có thể dao động), thay vì tỷ lệ hợp đồng cố định, đồng thời đề xuất rằng các khoản thuế phải trả nên được xem xét trên cơ sở từng trường hợp, tùy thuộc vào vị trí và chất lượng của quặng sắt.
Theo TTXVN