Hôm nay 3-12, tuyến đường sắt tốc độ cao nối thủ đô Vientiane của Lào và thủ phủ Côn Minh của tỉnh Vân Nam (Trung Quốc) chính thức đi vào hoạt động sau 5 năm xây dựng. Người dân Lào đặt nhiều kỳ vọng vào tuyến đường sắt đầu tiên của đất nước.
Người Trung Quốc đã làm được điều mà người Pháp không thể hoàn thành khi đô hộ Lào vào thế kỷ 20 là xây dựng một mạng lưới đường sắt xuyên Lào.
Trước dự án đường sắt tốc độ cao Lào – Trung, Lào chỉ có một tuyến đường sắt khoảng 4km nối ga Thanaleng với Noong Khai của Thái Lan hoạt động từ năm 2009.
Dự án lịch sử
Theo truyền thông nhà nước Lào và Trung Quốc, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và người đồng cấp Lào Thongloun Sisoulith sẽ cùng chứng kiến lễ khai trương tuyến đường sắt tốc độ cao nối hai nước trong hôm nay.
Thủ tướng Lào Phankham Viphavanh và các quan chức Lào dự kiến là những vị khách đầu tiên trên tuyến đường sắt 6 tỉ USD được xây dựng từ năm 2016 bằng kỹ thuật và nhân lực của Trung Quốc.
“Lúc đầu, tôi không tin dự án này có thể thành hiện thực vì Lào là một nước nghèo và chi phí của dự án rất cao. Nhưng giờ tuyến đường sắt đã ở đây. Dù Lào và Trung Quốc đã đầu tư cho dự án, tuyến đường sắt này mở với tất cả các nước”, trang Asia Times dẫn lời cựu thứ trưởng giao thông công chánh Lào Lattanamany Khounyvong trong hội thảo trực tuyến hồi đầu tuần về cơ hội kinh doanh đường sắt ở Tiểu vùng sông Mekong mở rộng.
Ông Lattanamany đã làm việc trong dự án đường sắt Lào – Trung từ khi hai bên bắt đầu thảo luận nghiêm túc năm 2009.
Do địa hình hiểm trở, tuyến đường sắt dài 1.035km từ Côn Minh đến Vientiane phải đi qua nhiều đường hầm đào xuyên núi và hàng trăm kilômet cầu, trong đó có một số cầu cạn. Phần chạy trên lãnh thổ Lào dài 422km đi từ thủ đô Lào đến ga Boten nằm trên biên giới Lào – Trung Quốc.
Với tốc độ tối đa 160km/h, các chuyến tàu có thể đưa du khách và doanh nhân từ Trung Quốc sang Lào trong vòng chưa tới một ngày và ngược lại. Tuyến này cũng là điểm nút đầu tiên trong kế hoạch đầy tham vọng của Bắc Kinh về mạng lưới đường sắt nối miền nam Trung Quốc với Bangkok (Thái Lan), Kuala Lumpur (Malaysia) và cuối cùng là Singapore.
Báo South China Morning Post cho biết theo thỏa thuận giữa hai bên năm 2016, Trung Quốc nắm giữ 70% liên doanh, Lào giữ 30% còn lại. Do đây là dự án theo hợp đồng xây dựng – chuyển giao – kinh doanh (BOT), Chính phủ Lào sẽ tiếp nhận khai thác và nhận 100% lợi nhuận sau 50 năm nữa, Asia Times cho biết.
Động lực cho Lào và các nước
Truyền thông nhà nước Trung Quốc nhấn mạnh dự án này đã biến Lào từ một nước nội lục (nằm sâu trong lục địa và không giáp biển) thành một trong các mắt xích kết nối vận tải quan trọng, giảm khoảng 30-40% chi phí vận chuyển hàng hóa so với đường bộ.
Các nhà ga ở thành phố Luang Prabang, thị trấn Vang Vieng và thủ đô Vientiane cũng hứa hẹn mang đến sự bùng nổ du lịch cho Lào trong tương lai.
Chính phủ Lào và Trung Quốc đầu tuần này đã ký thỏa thuận tạo khuôn khổ pháp lý cho việc vận chuyển hàng hóa và hành khách xuyên biên giới.
Tuy nhiên theo giới quan sát, do biên giới Trung Quốc vẫn đang đóng chặt vì dịch COVID-19, du khách Trung Quốc chưa thể đến Lào ngay sau khi khai trương. Tờ Nikkei Asia nhận định sẽ cần ít nhất 5 năm để thấy rõ tác động của tuyến đường sắt đối với kinh tế Lào.
Ngoài vấn đề kinh tế, tuyến đường sắt Lào – Trung Quốc cũng cho thấy Bắc Kinh có thể thực hiện các dự án liên quan đến Sáng kiến Vành đai và con đường nhằm phát triển thương mại toàn cầu.
Tàu Lane Xang được sử dụng trên tuyến đường sắt tốc độ cao Lào – Trung có 1 toa hạng nhất và 6 toa hạng hai cùng 1 toa ăn.
Giá vé cho toa hạng nhất đi từ Vientiane đến Boten là 529.000 kip Lào (khoảng 1,1 triệu đồng), vé cho toa hạng hai là 333.000 kip Lào (khoảng 700.000 đồng), theo báo Laotian Times.
Đại sứ Trung Quốc tại Lào Jiang Zaidong ước tính nhờ tàu Lane Xang, việc đi từ Vientiane tới biên giới Trung Quốc chỉ mất 3 tiếng thay vì 2 ngày như trước.