Việt Nam – Lào còn nhiều dư địa hợp tác thương mại và đầu tư, đặc biệt Lào sẽ là điểm đến đầu tư nhiều tiềm năng trong các lĩnh vực nông nghiệp, du lịch, logistics cho doanh nghiệp Việt Nam thời gian tới.
Đây là nhận định của các đại biểu tại Diễn đàn thương mại và đầu tư Việt Nam – Lào do UBND Tp. Hồ Chí Minh phối hợp Tổng Lãnh sự quán Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào tại Tp. Hồ Chí Minh tổ chức ngày 13/12.
Ông Nguyễn Văn Nên, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành uỷ Tp. Hồ Chí Minh cho biết, trong 60 năm thiết lập quan hệ ngoại giao, mối quan hệ truyền thống tốt đẹp giữa nhân dân hai nước Việt Nam – Lào đã vượt qua nhiều khó khăn, thách thức, trở thành mối quan hệ mẫu mực, thủy chung hiếm có. Đặc biệt, sau khi hai nước ký kết Hiệp ước Hữu nghị và Hợp tác (1977) đây, quan hệ hữu nghị vĩ đại, đoàn kết đặc biệt và hợp tác toàn diện Lào – Việt Nam tiếp tục được vun đắp và phát huy, ngày càng đem lại nhiều lợi ích thiết thực cho nhân dân hai nước.
Theo ông Nguyễn Văn Nên, mối quan hệ chính trị, tình cảm tốt đẹp là nền tảng vững chắc để hai nước triển khai các hoạt động hợp tác kinh tế. Lào hiện là thị trường đầu tư ra nước ngoài lớn nhất của doanh nghiệp Việt Nam, đứng thứ nhất trong số 78 quốc gia, vùng lãnh thổ mà Việt Nam đầu tư ra nước ngoài, với 238 dự án, có tổng vốn đăng ký 5,34 tỷ USD; trong đó, nhà đầu tư đến từ Tp. Hồ Chí Minh có 44 dự án với tổng số vốn đăng ký khoảng 496 triệu USD. Cho đến nay, các dự án đầu tư của Việt Nam có mặt tại hầu khắp các vùng miền của Lào, thuộc nhiều lĩnh vực như tài chính ngân hàng, viễn thông, dịch vụ, nông lâm nghiệp…. Nhiều dự án đã đi vào hoạt động đạt hiệu quả tốt, có đóng góp nhiều mặt cho phát triển kinh tế – xã hội của Lào và được Chính phủ Lào ghi nhận, đánh giá cao.
Phó Thủ tướng Lào Sonexay Siphandone khẳng định, đầu tư Việt Nam tại Lào góp phần quan trọng trong việc thực hiện nhiệm vụ bảo vệ và xây dựng phát triển đất nước Lào. Việt Nam hiện là quốc gia đầu tư lớn thứ 3 trong tổng số 53 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào Lào. Tuy nhiên, những kết quả hiện nay vẫn chưa tương xứng với tiềm năng và nhu cầu hợp tác giữa hai quốc gia.
Theo Phó Thủ tướng Lào Sonexay Siphandone, sau giai đoạn khó khăn do ảnh hưởng dịch bệnh COVID-19, hiện nay Lào đang nỗ lực để triển khai các biện pháp để doanh nghiệp, người dân thích ứng trong tình hình mới; đồng thời tập trung phát triển tận dụng thế mạnh tiềm năng để thu hút, vận động các thành phần kinh tế trong và ngoài nước quan tâm đầu tư vào Lào. Chính phủ Lào cũng cố gắng cải thiện các điều kiện về cơ sở hạ tầng giao thông, tăng cường kết nối với các quốc gia trong khu vực, củng cố dịch vụ vận chuyển hàng hóa, thúc đẩy các ngành liên quan như dịch vụ, du lịch, thu hút nhiều nhà đầu tư đến làm ăn, kinh doanh hơn nữa.
“Diễn đàn thương mại và đầu tư Việt Nam – Lào là cơ hội tốt để nhà nước, doanh nghiệp Lào lắng nghe, ghi nhận ý kiến của doanh nghiệp Việt Nam đang đầu tư tại Lào và có ý định đầu tư tại Lào trong thời gian tới. Chính phủ Lào cam kết sẽ hỗ trợ các doanh nghiệp Việt Nam đầu tư sang Lào được thuận lợi hơn nữa; đồng thời mong muốn sẽ đón nhiều doanh nghiệp Việt Nam đến Lào đầu tư nângcao hiệu quả hợp tác kinh tế tương xứng với mối quan hệ hai nước. Phó Thủ tướng Lào Sonexay Siphandone nhấn mạnh.
Bà Phimpha Keomixay, Tổng Lãnh sự Lào tại Tp. Hồ Chí Minh thông tin về chính sách thu hút đầu tư của Lào tại diễn đàn.
Bà Phimpha Keomixay, Tổng lãnh sự nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào tại Tp. Hồ Chí Minh cho biết, Lào – Việt Nam đã ký Hiệp định Thương mại song phương và Thương mại biên giới từ năm 2015. Thời gian qua Lào luôn tăng cường xúc tiến và phát triển thương mại biên giới và dịch vụ thương mại kết nối với logistics quá cảnh với Việt Nam.
Ngoài ra, hai nước đã phối hợp thực hiện ưu đãi thuế nhập khẩu hàng hóa có xuất xứ từ hai nước cũng như danh mục hàng hóa được miễn thuế 0%, thể hiện kim ngạch thương mại giữa Lào – Việt Nam có sự tăng trưởng đáng chú ý. Thành công của nhiều doanh nghiệp nhỏ và vừa của Việt Nam trong lĩnh vực kinh doanh tại Lào đã và đang kích thích các doanh nghiệp lớn của Việt Nam trong các lĩnh vực ngân hàng, viễn thông, hàng không… chuyển hướng đầu tư sang Lào ngày một nhiều hơn.
Theo bà Phimpha Keomixay, hoạt động đầu tư của Việt Nam tại Lào đã có ở hầu hết các ngành, lĩnh vực kinh tế quan trọng như: nông nghiệp, năng lượng, sản xuất, phân phối các hàng hóa thiết yếu như điện, xăng dầu, hàng tiêu dùng; cung ứng các dịch vụ quan trọng như ngân hàng, du lịch, khách sạn, trung tâm thương mại… Các hoạt động đầu tư trên một mặt mở rộng thị trường cho doanh nghiệp Việt Nam nhưng cũng giúp tạo nền tảng, cơ sở cho việc thành lập các ngành công nghiệp trong tương lai của nước Lào.
Trong tương lai, Lào tiếp tục là thị trường tiềm năng cho các doanh nghiệp nước ngoài, đặc biệt là Việt Nam nhờ dân số ổn định, trẻ (50% dưới 25 tuổi và 60% dưới 35 tuổi); GDP tăng trưởng tốt; thu nhập khả dụng tăng, tầng lớp trung lưu đang mở rộng; Chính phủ Lào cũng đặt mục tiêu trở thành “nguồn năng lượng cho Đông Nam Á” thông qua các hoạt động khai thác các nguồn năng lượng tái tạo bền vững.
Chia sẻ kinh nghiệm khảo sát đầu tư tại Lào, bà Hứa Thị Bích Thu, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Xúc tiến Thương mại Indochina Holdings cho biết: Lào đang có nhiều lợi thế để thu hút đầu tư như lãnh đạo và người dân đều rất thân thiện; còn quỹ đất lớn, khí hậu tốt phù hợp phát triển sản xuất nông nghiệp kết hợp với dịch du lịch. Tuy nhiên là việc di chuyển giữa các vùng của Lào còn khá khó khăn do mạng lưới giao thông hạn chế.
Theo bà Hứa Thị Bích Thu, để thu hút các nhà đầu tư Lào cần tăng cường thông tin về các chính sách, dự án ưu tiên đầu tư; đồng thời, tập trung cải thiện mạng lưới giao thông, các tuyến đường kết nối giữa các vùng khác nhau và giữa Lào với các nước lân cận trong khu vực.
Nghi thức trao Biên bản ghi nhớ hợp tác và Hợp đồng kinh tế giữa các doanh nghiệp Việt Nam – Lào tại diễn đàn.
Tại Diễn đàn, các doanh nghiệp Việt Nam đã ký 17 biên bản hợp tác ghi nhớ (MOU) và 1 hợp đồng kinh tế với các bộ, ngành, địa phương của Lào để triển khai dự án hợp tác trong các lĩnh vực nông nghiệp như: phát triển giống cây trồng, chế phẩm sinh học, thức ăn chăn nuôi; năng lượng thủy điện, khoáng sản thương mại, công nghệ thông tin, du lịch.