Ở nhiều nước trên thế giới, đã từ rất lâu, hành vi đối xử tàn nhẫn với động vật như vậy đã bị coi là phạm pháp. Bên cạnh việc ban hành đạo luật bảo vệ các loài động, thực vật hoang dã, quý hiếm, có nguy cơ tuyệt chủng, nhiều quốc gia còn xây dựng một hệ thống pháp luật để điều chỉnh việc chăn nuôi, chăm sóc, giết mổ… gia súc, gia cầm và vật nuôi khác. Ví dụ ở Mỹ, Luật chăm sóc động vật (Animal Welfare Act) đã được ban hành và thực thi từ những năm 60 của thế kỷ 20 hay ở Anh quốc có Luật chọi gà 1952…
Mọi sinh vật đều có sự sống và đều ham sống sợ chết, chúng cũng biết đau, biết buồn. Có những con vật là những người bạn thân thiết của con người, biết buồn khi người chủ của chúng buồn, biết cứu chủ khi chủ của chúng gặp nạn… Vậy tại sao con người lại hành hạ, gây đau đớn, giết mổ chúng theo cách có thể gây đau đớn cho chúng?
Điều 353 Bộ luật hình sự Lào đã quy định rõ về việc nghiêm cấm và hình thức xử phạt các hành vi hành hạ, ngược đãi động vật như sau:
Đối tượng có hành vi ngược đãi động vật như bỏ đói, bắt động vật lao động quá sức, đánh đập, hành hạ, ép chở hàng nặng quá sức, giết hại động vật theo cách man rợ, đầu độc sẽ bị phạt tù hoặc phạt tiền từ 500 nghìn đến 3 triệu Kíp.
Nếu tái phạm việc ngược đãi, hành hạ động vật sẽ bị giam giữ từ 3 tháng đến 1 năm và phạt tiền từ 3 triệu đến 10 triệu Kíp
Đối với động vật hoang dã, Lào được xem là vương quốc của các loài thú rừng khi có thể dễ dàng bắt gặp hoẵng, don, cầy, dúi… được bày bán la liệt và công khai tại các chợ địa phương, đặc biệt là các tỉnh miền núi trong những năm trước đây.
Sau gần 15 năm trở thành thành viên của Công ước CITES về thương mại quốc tế các loài động, thực vật hoang dã nguy cấp, Lào đã chưa thực sự làm được nhiều điều để kiểm soát vấn đề mua bán động vật hoang dã trong nước và cả vận chuyển ra nước ngoài. Tuy nhiên, kể từ khi Chỉ thị 05/TT của Thủ tướng Chính phủ được ban hành về việc siết chặt quản lý và kiểm tra thú rừng và lâm sản được ban hành. Cơ quan chức năng đã tăng cường tuần tra xử lý mạnh tay các trường hợp vi phạm.
Theo đó, Chỉ thị 05/TT nghiêm cấm việc mua bán, xuất nhập khẩu thương mại thú rừng sống, cá thể, bộ phận thú rừng bị đe dọa tuyệt chủng theo phụ lục I của Công ước CITES; Yêu cầu dừng các hoạt động trang trại nuôi nhốt thú rừng nhóm I với mục đích thương mại, đồng thời phải chuyển sang hoạt động theo dạng vườn bảo tồn, vườn bách thú phục vụ mục đích tham quan và nghiên cứu. Đối với thú rừng thuộc phụ lục II và III, Chính phủ yêu cầu các ban ngành chức năng thắt chặt kiểm soát, kiểm tra sớm phát hiện và xử lý các hành vi nuôi nhốt, giết hại và mua bán trái phép đi ngược lại với tiêu chí Công ước CITES mà Lào là thành viên./.