Tỉnh Thừa Thiên Huế vừa cho phép Công ty cổ phần đầu tư PTS Viễn Đông khảo sát, nghiên cứu dự án đầu tư xây băng tải chở than từ Lào qua cửa khẩu Hồng Vân và A Đớt.
Công ty cổ phần đầu tư PTS Viễn Đông là nhà thầu vận chuyển than cho Tập đoàn Phonesack Group từ mỏ than Kà Lừm, tỉnh Sekong, Lào về các cảng Chân Mây, Thuận An của Thừa Thiên Huế và Cửa Việt qua cửa khẩu quốc tế La Lay, Quảng Trị.
Mỏ than tại huyện Kà Lừm trữ lượng khoảng 670 triệu tấn. Kế hoạch vận chuyển than của công ty giai đoạn 2023-2024 khoảng 4-6 triệu tấn/năm; 2025-2026 khoảng 8-10 triệu tấn/năm và từ năm 2027 đạt 15 triệu tấn/năm trở lên.
Than đá đang được Công ty PTS Viễn Đông vận chuyển bằng đường bộ qua cửa khẩu La Lay, theo đường Hồ Chí Minh qua quốc lộ 49A về cảng Chân Mây và Thuận An. Tuyến đường này dài hơn 150 km qua đồi núi, nhiều khúc cua nguy hiểm, từng xảy ra một số vụ tai nạn với xe chở than.
Để giảm thiểu rủi ro khi chạy trên cung đường hiểm trở, tăng sản lượng chở than, Công ty PTS Viễn Đông đã đề nghị với tỉnh Thừa Thiên Huế được khảo sát, lập dự toán đầu tư xây dựng hệ thống vận chuyển than đá xuyên biên giới qua cửa khẩu Cô Tài của tỉnh Salavan, Lào với cửa khẩu Hồng Vân, huyện A Lưới bằng đường ống áp suất và băng tải.
Băng tải kín sẽ đi nổi trên cầu máng và hệ dầm, giàn thép, vận hành bằng điện. Điểm đầu tuyến tại bản Cô Tài, gần cửa khẩu Hồng Vân – Cô Tài; điểm cuối dự kiến tại kho bãi trung chuyển xã Phong Xuân, huyện Phong Điền để vận chuyển bằng đường bộ về cảng Chân Mây.
Dự án có tổng mức đầu tư dự kiến 8.000 tỷ đồng, được chia thành ba giai đoạn, hoàn thành sau 2 năm. Giai đoạn 1 nhà đầu tư sẽ xây dựng tuyến băng tải dài 12 -15 km từ kho bãi trung chuyển bản Cô Tài đến kho bãi trung chuyển cửa khẩu Hồng Vân, huyện A Lưới, gần đường Hồ Chí Minh. Tổng diện tích đất sử dụng khoảng 30 ha, gồm đường băng tải và bãi hạ tải kho vận.
Giai đoạn 2, nhà đầu tư xây dựng tuyến băng tải dài 25-30 km từ cửa khẩu Hồng Vân đến cao tốc Cam Lộ – Túy Loan, đi qua huyện A Lưới và huyện Phong Điền về bãi tập kết than tại xã Phong Xuân, huyện Phong Điền. Tổng diện tích đất sử dụng khoảng 40 ha.
Giai đoạn 3, nhà đầu tư xây dựng tuyến băng tải dài 75-85 km từ mỏ than Kà Lừm, tỉnh Sekong đến cửa khẩu A Đớt, huyện A Lưới. Tổng diện tích đất sử dụng khoảng 70 ha.
Sau khi khảo sát thực địa, ông Hoàng Hải Minh, Phó chủ tịch tỉnh Thừa Thiên Huế, đã thống nhất chủ trương cho phép Công ty PTS Viễn Đông khảo sát, nghiên cứu dự án đầu tư như đề nghị của Sở Công Thương. Doanh nghiệp cần tuân thủ quy định pháp luật của cả Việt Nam và Lào, lưu ý về hướng tuyến và công nghệ, giảm thiểu tác động đến môi trường, đất rừng…, phối hợp với các sở, ngành, đơn vị liên quan để dự án có tính khả thi, hiệu quả cao nhất.
Tỉnh Thừa Thiên Huế đề nghị Công ty PTS Viễn Đông nghiên cứu thêm tuyến đường ống từ cửa khẩu A Đớt về huyện Nam Đông theo đường tỉnh 74 trong giai đoạn 3.
Trước đó đầu tháng 6, Công ty Central Capital đề xuất với tỉnh Quảng Trị xây dựng băng tải than đá dài 160 km từ cửa khẩu quốc tế La Lay, huyện Đakrông về cảng chuyên dụng ở Mỹ Thủy, huyện Hải Lăng. Băng tải rộng 6 m, vận hành bằng điện, vận tốc đạt 18 km/h, đi trên hệ dầm, giàn thép trên cao.
Song song với băng tải than, nhà đầu tư đề xuất xây dựng cảng chuyên dụng tại cảng biển Mỹ Thủy, có khả năng chuyển than xuống tàu 50.000 DWT để giải tỏa đầu ra cho than nhập về Việt Nam. Tổng mức đầu tư hai hạng mục là 7.500 tỷ đồng, gồm băng tải 5.000 tỷ, cảng chuyên dụng 2.500 tỷ.
Hiện nay, nhu cầu than đá của Việt Nam mỗi năm khoảng 97 triệu tấn, dự báo đến 2030 là 127 triệu tấn. Nguồn than đá trong nước đến từ việc khai thác của Tập đoàn Than – Khoáng sản Việt Nam, nhập khẩu từ Nga, Australia, Indonesia, Lào… Khối lượng nhập khẩu khoảng 80 triệu tấn mỗi năm và ngày càng tăng.
Theo VnExpress