Xiêng Khoảng khả năng sẽ được đầu tư nâng cấp cơ sở hạ tầng sau khi Cánh đồng chum được chính thức công nhận là di sản văn hóa thế giới nhằm phát huy thế mạnh du lịch sẵn có.
Sau khi UNESCO cơ bản chấp thuận cho Cánh đồng chum trở thành di sản văn hóa thế giới vào đầu năm 2019 này, Lào cần phải chờ quyết định công bố chính thức tại Đại hội lần thứ 43 của Ủy ban di sản thế giới diễn ra trong các ngày 30/6-10/7 tới tại thủ đô Baku của Azerbaijan. Sau sự kiện này, Xiêng Khoảng chắc chắn sẽ có những thay đổi lớn về mọi mặt nếu nhận được đầu tư đúng mực của nhà nước là lời nhận xét của Đại biểu Quốc hội tỉnh Xiêng Khoảng Vilaysouk Phimmasone tại kỳ họp thứ 7, Quốc hội Lào khóa 8 đang diễn ra từ 5-25/6 tại thủ đô Viêng Chăn.
Vị này cho biết, trong những năm qua, cơ sở hạ tầng của địa phương chỉ đủ đáp ứng lượng nhỏ du khách đến thăm các địa điểm du lịch, năm 2018, toàn tỉnh chỉ ghi nhận 80 nghìn lượt khách như trên. Vì vậy, việc đầu tư nâng cấp hạ tầng đường giao thông, cơ sở dịch vụ và đặc biệt, là sân bay nội địa thành sân bay quốc tế nên được Chính phủ quan tâm xem xét.
Theo công bố của Cục Di sản, Bộ Thông tin, Văn hóa và Du lịch cho biết, Cánh Đồng Chum Xiêng Khoảng được tiến hành khảo sát đồng bộ với mục tiêu hoàn thiện cơ sở dữ liệu để trình UNESCO kể từ năm 1998, trải qua 5 giai đoạn kéo dài 20 năm, đến tháng 1/2018 tại thủ đô Paris, Pháp, Bộ Thông tin Văn hoá và Du lịch đã đại diện Chính phủ Lào chính thức hoàn tất hồ sơ và chuyển đến Uỷ ban di sản thế giới xem xét thông qua việc công nhận Cánh đồng chum là di sản thế giới.
Cánh đồng chum là một quần thể bao gồm 11 địa điểm riêng biệt, nơi tồn tại của nhiều chiếc chum đá cổ nằm trên địa bàn huyện Paek, Phaxay, Phoukoud và Kham của tỉnh Xiêng Khoảng. Những chum đá có kích thước đa dạng được chạm khắc từ sa thạch và đá granit, có chum đá rất nhỏ đến rất lớn lên tới 3,5 mét. Theo Vientiane Times, quần thể chum đá nói trên được cho rằng có niên đại hơn 2.000 năm tuổi.
Trên thực tế, chum đá xuất hiện rải rác tại khoảng 80 địa điểm khác nhau nhưng chỉ xuất hiện tập trung tại 11 địa điểm chính. Theo Vientiane Times, Một số chum đá cũng được tìm thấy ở huyện Phoukhoun, tỉnh Luangprabang, tiếp giáp với Xiêng Khoảng.
Cánh đồng chum nổi tiếng với du khách trong và ngoài nước với 3 khu vực chính bao gồm: điểm đầu tiên cách tỉnh lỵ Phonsavanh của Xiêng Khoảng 15km về phía Tây Nam với khoảng 300 chum đá. Địa điểm thứ hai cách Phonsavanh 25km về phía Nam và chứa khoảng 90 chum thuộc phạm vi nằm trên hai ngọn đồi lớn. Địa điểm thứ ba cách huyện Phonsavanh 35km về phía Đông Nam và có khoảng 150 chum.
Lần đầu tiên Lào được UNESCO công nhận có Di sản Thế giới là vào năm 1995, khi thị trấn cổ Luangprabang được vinh danh. Lần tiếp theo vào năm 2001 khi quần thể chùa đá Vat Phou ở tỉnh Champassak tiếp tục được công nhận là Di sản Thế giới. Ngoài ra, Bộ Thông tin Văn hoá và Du lịch Lào đã được UNESCO đề nghị hợp tác với Việt Nam để đưa khu bảo tồn Hinnamno, tỉnh Khammuan và Vườn quốc gia Cúc phương, Quảng Bình thành di sản thiên nhiên xuyên quốc gia.
Tổng hợp