Theo báo Kinh tế thương mại, ngày 05/12 Kỳ họp 6 Quốc hội khóa VIII với 121 phiếu tán thành tỷ lệ 93% đã chính thức công nhận bộ tộc B’ruh là dân tộc thiểu số độc lập thuộc các bộ tộc Lào, đưa tổng số các dân tộc thiểu số được thừa nhận tại Lào lên con số 50.
Dân tộc B’ruh được công nhận và xếp vào nhóm ngôn ngữ Môn Khmer, hay còn gọi là ngữ hệ Nam Á (loại ngôn ngữ trong đó có cả tiếng Việt Nam). dân tộc B’ruh có nguồn gốc lịch sử phát triển khá lâu dài, phân bố sinh sống tại các tỉnh miền trung và nam Lào như tỉnh Khăm muôn, Sạ văn na khệt… Người B’ruh sử dụng hệ tiếng nói riêng, tập quán sinh hoạt có nét bản sắc riêng.
Trước khi công nhận dân tộc B’ruh, cộng đồng 49 dân tộc Lào nằm trong 4 hệ ngôn ngữ, phổ biến nhất đồng thời được sử dụng làm hệ chữ quốc ngữ là tiếng Lào-Tay với 8 dân tộc chiếm 64.9%, các hệ ngữ Môn Khmer với 32 dân tộc chiếm 22.6%, Mông-Iumien với 2 dân tộc chiếm 8.5% và Chin Tibet với 7 dân tộc chiếm 2.8%. Từ năm 2008, theo nghị quyết 213/QH của Quốc hội, Lào đã chính thức không còn sử dụng 3 tên gọi Lào thơng, Lào sủng, Lào lùm.