Dịch Covid-19 làm trầm trọng hơn các thách thức đối với nền kinh tế Lào.
Kết quả chương trình khảo sát tác động của Covid-19 do Phòng Công nghiệp và Thương mại Lào tổ chức mới đây (6-27/2020) cho thấy có hơn 65% doanh nghiệp trong nước nhận thấy nguy cơ phải đóng cửa hoạt động, đặc biệt là khu vực dịch vụ lưu trú, vận tải và thương mại.
Tuy nhiên, cũng theo khảo sát của LNCCI, khu vực tài chính và bảo hiểm dự kiến sẽ không phải chịu ảnh hưởng đến mức doanh nghiệp phải đóng cửa hoạt động.
Theo đó, các thách thức lớn nhất mà dịch Covid-19 đem lại cho doanh nghiệp Lào là vấn đề trả lương cho người lao động, không đủ khả năng thanh toán lãi và nợ gốc cũng như chứng kiến nhu cầu giảm sút từ khách hàng.
71% doanh nghiệp buộc phải cắt giảm nhân sự, đáng chú ý, trong đó bao gồm 50% cắt giảm tới một nửa số người làm của mình để duy trì khả năng hoạt động.
Cũng theo khảo sát, có 83% doanh nghiệp sụt giảm doanh thu trong quý I/2020, trong đó bao gồm 27.5% chứng kiến mức sụt giảm nghiêm trọng, từ 80-100% doanh thu.
Nếu không tính ngành năng lượng và khai khoáng, khu vực doanh nghiệp Lào sẽ mất khoảng 1.17 tỷ USD doanh thu trong quý đầu tiên của năm 2020, tương đương 6% GDP năm 2019.
Theo LNCCI, đại dịch Covid-19 tác động tiêu cực đến cán cân cung-cầu trong nước với hậu quả nghiêm trọng và kéo dài. Các tác động này được tập trung vào ngành công nghiệp chế biến, nông nghiệp, chế biến nông sản, du lịch, LNCCI không có đánh giá về ngành điện lực, khai khoáng và doanh nghiệp nhà nước.
Cụ thể, ngành Công nghiệp chế biến có tổng giá trị sản xuất 27.953 tỷ LAK, chiếm 9% GDP, số liệu xuất khẩu ở mức 10.3% năm, tương đương 4.45 tỷ USD. Do Covid-19, khó khăn trong việc nhập khẩu các yếu tố sản xuất và nguyên liệu khiến Lào không thể đáp ứng được các đơn hàng xuất khẩu. Bên cạnh đó, Chỉ thị 06/TTg của Chính phủ yêu cầu các nhà máy đóng cửa cũng đã khiến nhịp sản xuất và dòng hàng xuất khẩu bị đình trệ, xảy ra hiện tượng nhà đầu tư chuyển dây chuyền sang quốc gia khác. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp trong lĩnh vực này, do phải ngừng hoạt động, đã không đủ khả năng chi trả phí nhân công, lãi suất và nợ gốc cũng như chi phí thuê địa điểm, thuế quan các loại.
Trong khi đó, ngành nông nghiệp chiếm 15.7% GDP và có 70% dân số Lào hoạt động trong lĩnh vực này. Theo LNCCI, ngành chế biến nông sản cũng chịu các tác động tương tự như ngành công nghiệp chế biến nói chung, đặc biệt là mô hình nông nghiệp-hợp đồng do thị trường du lịch tê liệt, Chính phủ hạn chế tối đa việc vận tải liên tỉnh cũng như khó khăn trong xuất khẩu hàng nông sản. Tác động dây chuyển nông dân-doanh nghiệp gây ra tình trạng khủng hoảng về vốn để tái sản xuất do khả năng tiếp cận tín dụng tại Lào vẫn rất khó khăn.
Liên quan đến lĩnh vực du lịch, đây là ngành chiếm 12% GDP và đang có sức tăng trưởng nhanh. Năm 2019, du lịch đóng góp doanh thu 935 triệu USD khi ghi nhận 4.7 triệu lượt khách. Tuy nhiên, thị trường du lịch của Lào chỉ giới hạn ở các quốc gia quen thuộc như Trung Quốc, Việt Nam, Thái Lan và Hàn Quốc, và chưa ghi nhận số liệu đáng kể từ thị trường khác.
Các tác động của Covid-19 đến du lịch Lào bắt đầu từ đầu năm 2020, đã có 60% khách sạn, nhà nghỉ, điểm du lịch trên cả nước phải đóng cửa. Đặc biệt, các trung tâm du lịch trọng điểm là Luang Prabang, Vang Vieng gần như tê liệt 100%.
Tựu chung, các tác động của Covid-19 đến các thành phần kinh tế Lào gây khó khăn về vấn đề tài chính và vốn cho cách doanh nghiệp trong nước khi khó tiếp cận các khoản vay cần thiết. Nguyên nhân xuất phát từ khả năng cung cấp dịch vụ tài chính của các tổ chức tài chính nhà nước, tư nhân của Lào đang khá dè dặt để tránh rủi ro cao của thị trường vốn trong bối cảnh kinh tế vĩ mô không mạnh mẽ và thiếu tính đa dạng. Bên cạnh đó, một số ngân hàng thương mại cũng như tổ chức tài chính tại Lào cũng không có thanh khoản tốt, khó cung cấp tín dụng cho doanh nghiệp, điều này dẫn đến tình trạng 50% vốn vay của doanh nghiệp đến từ các nguồn tài chính ngoài hoặc bán hệ thống.
Về vấn đề lao động, Lào có 4.7 triệu dân, tương đương 68% dân số trong độ tuổi lao động. Theo số liệu điều tra năm 2017, Lào có 1.9 triệu lao động chính thức. Hệ thống phúc lợi lao động của Lào bao gồm 1.783 đơn vị doanh nghiệp với tổng cộng 124.000 người.
Theo LNCCI, việc cắt giảm việc làm tạm thời hoặc cắt giảm hoàn toàn, kết hợp với tình trạng thị trường lao động Lào vốn không rõ ràng đã tác động tiêu cực đến người lao động, dẫn đến xảy ra tình trạng chuyển đổi việc làm liên tục, thậm chí từ bỏ lao động để trở về quê, làm sụt giảm thu nhập và kinh tế gia đình.
Hiện hệ thống an sinh xã hội của nhà nước chỉ có khả năng hỗ trợ 0.6% tổng số lao động, gia tăng tỷ lệ thất nghiệp, người lao động không đủ năng lực tài chính để chi trả các nhu cầu sinh hoạt cơ bản cho gia đình.
Theo LNCCI