Chính phủ Lào và đại diện các doanh nghiệp tại Lào vừa mới tổ chức thảo luận về việc nới lỏng các biện pháp phòng chống dịch Covid-19 để thúc đẩy trở lại hoạt động kinh doanh cũng như các dự án quan trọng. Chủ trì cuộc họp là Phó thủ tướng, Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Lào Sonexay Siphandone, ông cũng là trưởng ban chuyên trách Trung ương phụ trách các vấn đề kinh tế do tác động của dịch Covid-19.
Cuộc họp được diễn ra trong bối cảnh chính phủ Lào mới quyết định gia hạn thêm thời gian triển khai các biện pháp phòng dịch Covid-19 cho đến ngày 03/5 tới, vì vậy, để tránh tác động tiêu cực hơn đến khu vực doanh nghiệp, các doanh nghiệp và dự án nằm trong nhóm nguy cơ thấp có thể được sớm hoạt động trở lại nếu đáp ứng đủ các điều kiện về phòng ngừa dịch.
Phát biểu tại cuộc họp, Chủ tịch Phòng Công nghiệp và Thương mại Lào Oudet Souvannavong đề nghị chính phủ xem xét cho doanh nghiệp và dự án đáp ứng đầy đủ các tiêu chuẩn phòng dịch được hoạt động trở lại và bắt đầu cung cấp dịch vụ của mình.
Đáp lại lời kêu gọi, Ủy ban chuyên trách về phòng chống Covid-19 do Phó thủ tướng, Bộ trưởng Tài chính Somdy Duangdy làm trưởng ban cũng đã ban hành hướng dẫn về 9 điều kiện và 6 biện pháp đề làm thước đo cho khả năng tái hoạt động của các doanh nghiệp.
Các nhóm doanh nghiệp chính tại Lào kêu gọi việc giãn các hạn chế để được quay lại hoạn động gồm các lĩnh vực công nghiệp chế biến, may mặc, sản xuất vật liệu xây dựng, nhà hàng, bán buôn bán lẻ, các dự án cả trong và ngoài khu kinh tế chuyên biệt. Mặt khác, do Covid-19 chỉ được xác nhận tại Luangprabang và thành phố Vientiane, các doanh nghiệp tại các địa phương không được xác nhận có sự lây lan của dịch đang rất muốn sớm hoạt động trở lại.
Chỉ thị 06/TTg của thủ tướng Chính phủ Lào có hiệu lực đến 03/5 đã áp đặt nhiều biện pháp chặt chẽ để phòng ngừa khả năng bùng phát của dịch Covid-19, trong đó có lệnh yêu cầu tạm ngừng các hoạt động không thiết yếu, bao gồm các doanh nghiệp hoạt động ở nhiều lĩnh vực khác nhau, nhất là các nhà máy sản xuất, nơi tập trung nhiều công nhân và dễ trở thành nguồn lây lan dịch bệnh.
Lệnh hạn chế này đã khiến hàng nghìn người lao động tại Lào gặp phải khó khăn, đặc biệt là lao động tự do, nằm ngoài phạm vi của hệ thống an sinh xã hội.
Phòng Công nghiệp và Thương mại Lào cho biết có đến 80% lao động không đóng quỹ an sinh xã hội, là nhóm bị tác động mạnh nhất, vì vậy chính phủ Lào nên sớm có các biện pháp hỗ trợ thích hợp, có thể là các khoản trợ cấp cố định trong giai đoạn dịch Covid-19.
Theo ông Sonexay Siphandone, các kiến nghị của khu vực doanh nghiệp sẽ tiếp tục được đề cập và xem xét tại hội nghị chính phủ tháng 4 sẽ diễn ra vào ngày mai 24/4 và vấn đề cấp bách về người lao động sẽ được thảo luận cụ thể để tìm biện pháp giải quyết.
Ngoài các đề xuất kể trên, khu vực doanh nghiệp cũng kêu gọi chính phủ tháo gỡ các rào cản đối với việc vận tải hàng hóa nội địa bằng việc xem xét dỡ bỏ lệnh hạn chế di chuyển liên tỉnh, liên huyện đang được áp dụng trong nỗ lực hạn chế nguy cơ lây lan của Covid-19.
Khu vực doanh nghiệp cũng đề nghị chính phủ xem xét yêu cầu các ngân hàng thương mại áp dụng chính sách giãn trả nợ, cho phép các tổ chức tài chính vi mô cung cấp khoản vay mềm để doanh nghiệp tiếp cận.
Ngoài ra, chính phủ Lào cũng được đề nghị áp dụng các chính sách ưu đãi về thuế, hải quan, chi phí thuê đất và hạ tầng trong khoảng 6 tháng để giảm bớt gánh nặng chi phí cho khu vực doanh nghiệp.
Trước đó, trong bối cảnh dịch Covid-19 tác động mạnh mẽ lên nền kinh tế, chính phủ Lào đã ban hành nhiều chính sách để giảm thiểu thiệt hại bao gồm: miễn thu thuế thu nhập của người lao động và doanh nghiệp nhỏ trong vòng 3 tháng; miễn thuế-quan đối với hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa thiết yếu để phục vụ phòng dịch; giãn thời hạn thực hiện nghĩa vụ thuế của khu vực dịch vụ du lịch; giãn thời hạn nộp báo cáo tài chính thường niên; cho phép Ngân hàng trung ương giảm lãi suất cơ bản và giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc của ngân hàng thương mại; cho phép Ngân hàng Trung ương áp dụng chính sách tín dụng hỗ trợ khu vực doanh nghiệp.
Tổng hợp