Trong khuôn khổ chuyến thăm Việt Nam của Phó Chủ tịch Quốc hội Lào Sommad Pholsena và Đoàn đại biểu cấp cao Quốc hội Lào, chiều qua đã diễn ra Hội thảo chia sẻ kinh nghiệm công tác giữa Quốc hội Việt Nam và Quốc hội Lào. Việc tổ chức thành công hội thảo lần này tiếp tục khẳng định mối quan hệ hữu nghị truyền thống và quan hệ hợp tác tốt đẹp giữa Quốc hội hai nước ngày càng toàn diện, hiệu quả và đi vào chiều sâu.
Thực tiễn, hiệu quả
Với tinh thần khẩn trương, trách nhiệm và cởi mở, các đại biểu Quốc hội Việt Nam và Lào cùng lãnh đạo một số bộ, ngành của Việt Nam đã trao đổi về nhiều vấn đề mang tính lý luận và thực tiễn cao. Những vấn đề trao đổi, thảo luận tại Hội thảo vừa thuộc quy trình, thủ tục thực hiện các hoạt động của Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, vừa nhằm đáp ứng đòi hỏi thực tiễn trong điều hành, quản lý nền kinh tế nổi lên trong thời gian qua ở mỗi nước.
Một nội dung quan trọng được nhiều đại biểu phía bạn Lào mong muốn lắng nghe thông tin, kinh nghiệm từ Quốc hội và các cơ quan của Quốc hội Việt Nam liên quan đến công tác xem xét, quyết định chủ trương đầu tư, phân bổ vốn đầu tư công. Cụ thể là các nguyên tắc, quy trình, trình tự lập dự toán ngân sách; giải pháp nâng cao hiệu quả việc xem xét phê duyệt, phân bổ vốn đầu tư công; sự kết hợp hài hòa giữa chính sách tài khóa và tiền tệ trong điều hành nền kinh tế; giám sát tổ chức thưc hiện một số chỉ tiêu được nghị quyết về phát triển kinh tế – xã hội của Quốc hội quy định…
Đưa ra vấn đề xem xét phê duyệt chủ trương đầu tư và phân bổ vốn đầu tư công, Chủ nhiệm Ủy ban Kế hoạch, Tài chính và Kiểm toán của Quốc hội Lào Leeber Leebouapao lý giải, hàng năm, Quốc hội Lào xem xét, thông qua các dự án đầu tư công ở cấp Trung ương và địa phương dựa trên dự toán và danh mục các dự án đầu tư công được Chính phủ trình. Tuy nhiên, việc xây dựng dự toán và cung cấp danh mục các dự án đầu tư công của Chính phủ còn rất chậm và không kịp theo quy định pháp luật liên quan. Vì vậy, ông Leeber Leebouapao mong muốn nghe các cơ quan của Quốc hội Việt Nam chia sẻ kinh nghiệm, thông tin về nguyên tắc phân bổ ngân sách đối với các dự án đầu tư công; việc cung cấp danh mục dự án đầu tư công để Quốc hội phê duyệt thông qua.
Chia sẻ thông tin liên quan đến vấn đề này, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính – Ngân sách Nguyễn Hữu Toàn cho biết, công tác quản lý đầu tư công, xem xét quyết định dự án đầu tư công, phân bổ vốn đầu tư công ở Việt Nam được điều chỉnh chủ yếu tại hai đạo luật (Luật Ngân sách Nhà nước và Luật Đầu tư công). Theo quy định của hai đạo luật này, tại kỳ họp cuối năm của năm thứ 5 trong nhiệm kỳ Quốc hội, Chính phủ trình Quốc hội kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn sau để Quốc hội cho ý kiến. Tại kỳ họp đầu tiên của Quốc hội khóa mới, Quốc hội xem xét, thông qua Kế hoạch đầu tư công trung hạn. Nguồn vốn đầu tư công trung hạn được cân đối trong tổng thể nguồn thu ngân sách nhà nước, nhu cầu đầu tư công, khả năng vay, trả nợ của quốc gia trong giai đoạn 5 năm gắn với kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội của đất nước. “Việc tính toán nguồn vốn đầu tư công dựa vào kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội 5 năm, khả năng cân đối thu, chi ngân sách Nhà nước, khả năng vay nợ, trả nợ của quốc gia bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, an ninh an toàn tài chính của đất nước”, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Nguyễn Hữu Toàn cho biết.
Đối với băn khoăn của Đoàn đại biểu Quốc hội Lào về việc xem xét, quyết định danh mục dự án đầu tư công, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính – Ngân sách cho biết, phân bổ vốn đầu tư công của Việt Nam được thực hiện theo nguyên tắc có trọng tâm, trọng điểm, phải đúng, trúng các mục tiêu, định hướng, nhiệm vụ phát triển kinh tế – xã hội đề ra. Đồng thời, tập trung nguồn lực cao độ để bảo đảm dự án đưa vào sử dụng, phát huy hiệu quả càng sớm càng tốt, thậm chí các dự án đầu tư công được giới hạn cụ thể thời gian hoàn thành. “Ngoài dự án quan trọng quốc gia được Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư và thời gian thực hiện, các dự án nhóm A, B, C thuộc thẩm quyền của Chính phủ, Bộ, ngành, các địa phương cũng được quy định cụ thể thời gian hoàn thành”, ông Nguyễn Hữu Toàn chia sẻ.
Một số nguyên tắc quan trọng khác trong phân bổ vốn đầu tư công cũng được Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính – Ngân sách đưa ra gồm: ưu tiên bố trí vốn cho những dự án đang triển khai để sớm đưa vào sử dụng; ưu tiên bố trí vốn cho vùng biên giới, hải đảo, vùng dân tộc thiểu số còn nhiều khó khăn… Đặc biệt, việc phân bổ vốn đầu tư công được thực hiện theo một số nguyên tắc “cứng”, được quy định rõ trong Luật Ngân sách Nhà nước và Luật Đầu tư công.
Cùng với việc lắng nghe thông tin, kinh nghiệm từ Quốc hội Việt Nam, Đoàn đại biểu Quốc hội Lào cũng chia sẻ một số kinh nghiệm xem xét dự án đầu tư trong lĩnh vực tài nguyên thiên nhiên của Quốc hội hay Ủy ban Thường vụ Quốc hội Lào. Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế, Kỹ thuật và Môi trường Linkham Douangsavanh cho biết, các dự án đưa ra xem xét là các dự án có tính chiến lược, dự án quy mô lớn, có giá trị cao mà Nhà nước đầu tư hoặc có tác động lớn tới môi trường xã hội và thiên nhiên; là các dự án thuộc chủ trương, kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội quốc gia trong từng giai đoạn, thuộc thẩm quyền của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Để tham mưu cho hoạt động này, Ủy ban sẽ phối hợp với các Ủy ban, bộ/ngành, chính quyền địa phương đi sâu nghiên cứu, xem xét những vấn đề gồm: lợi ích trực tiếp và gián tiếp về kinh tế, giá trị tài nguyên thiên nhiên, thuế quan, tiền cổ tức, phí tô nhượng, các loại lệ phí liên quan khác được quy định trong luật; đóng góp vào quỹ, vào phát triển cộng đồng và địa phương…
Trở thành cơ chế thường xuyên, đi vào chiều sâu
Đồng chủ trì Hội thảo cùng Phó Chủ tịch Quốc hội Lào Sommad Pholsena, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải chia sẻ nhiều kinh nghiệm trong phối hợp giữa chính sách tiền tệ, tài khóa; xử lý nợ xấu; chính sách, pháp luật hỗ trợ phát triển thị trường chứng khoán…
Nhấn mạnh Đảng, Quốc hội, Chính phủ Việt Nam luôn kiên định, nhất quán trong chỉ đạo, điều hành các chính sách kinh tế vĩ mô, hướng tới mục tiêu ưu tiên là kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế bền vững. Nhờ đó, nền tảng kinh tế vĩ mô duy trì ổn định, lạm phát được kiểm soát phù hợp với mục tiêu, thị trường tài chính, tiền tệ ổn định.
Phó Chủ tịch Quốc hội cũng nêu rõ, để thực hiện phục hồi kinh tế, vừa qua Quốc hội Việt Nam đã ban hành Nghị quyết số 43/2022/QH15 về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế – xã hội. Nhiều quy định trong nghị quyết này đã cho thấy sự phối hợp nhuần nhuyễn giữa chính sách tài khóa và tiền tệ, đặc biệt chính sách nào còn dư địa nhiều hơn thì tập trung hơn. Trong đó, tại Nghị quyết quyết định dùng khoảng 2 tỷ USD cho vay để hỗ trợ lãi suất cho doanh nghiệp, nhờ đó, kích hoạt đưa vào nền kinh tế ước khoảng 100 tỷ USD trong hai năm.
Đối với vấn đề xử lý nợ xấu, Phó Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, nguyên tắc của Việt Nam là không sử dụng ngân sách nhà nước để xử lý một số vấn đề phát sinh trong hoạt động của hệ thống ngân hàng. Quan điểm của Việt Nam là ban hành cơ chế, chính sách để tạo điều kiện cho hệ thống ngân hàng thương mại vận hành theo các tiêu chuẩn quản trị ngân hàng thế giới, từ đó nâng cao hiệu quả hoạt động của hệ thống ngân hàng.
Trong bối cảnh hai nước đều chịu ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19, những chủ đề được lựa chọn và đưa ra thảo luận tại hội thảo lần này có ý nghĩa rất thiết thực. Kết quả của hội thảo một lần nữa cho thấy, việc phối hợp tổ chức các hội thảo chuyên đề giữa Quốc hội hai nước đã và đang trở thành cơ chế thường xuyên, đi vào chiều sâu, đem lại hiệu quả thực chất.
Với mong muốn củng cố và bồi đắp cho mối quan hệ hữu nghị truyền thống, tình đoàn kết đặc biệt và hợp tác toàn diện Việt Nam – Lào lên tầm cao mới, Phó Chủ tịch Quốc hội Lào Sommad Pholsena và Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải tin tưởng, Quốc hội hai nước sẽ tiếp tục có những hoạt động hợp tác ngày càng toàn diện và hiệu quả, tiếp tục triển khai các hoạt động chia sẻ kinh nghiệm về nghiên cứu lý luận, tổng kết thực tiễn trong quá trình điều hành, lãnh đạo đất nước.
Theo QH