Nhận lời mời của Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Nhân dân Cách mạng Lào, Chủ tịch nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào Thongloun Sisoulith, đồng chí Nguyễn Xuân Phúc, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Phu nhân cùng Đoàn đại biểu cấp cao Đảng và Nhà nước Việt Nam sẽ thăm hữu nghị chính thức nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào từ ngày 9 -10/8/2021.
Chuyến thăm hữu nghị chính thức Lào của Chủ tịch nước và Phu nhân một lần nữa khẳng định đường lối đối ngoại nhất quán của cả hai nước, đặc biệt coi trọng giữ gìn và không ngừng phát triển quan hệ hữu nghị vĩ đại, tình đoàn kết đặc biệt và sự hợp tác toàn diện Việt Nam-Lào, Lào-Việt Nam.
Giữ vững đà hợp tác trong bối cảnh đại dịch
Là hai nước láng giềng vô cùng thân thiết, trải qua quá trình lịch sử đấu tranh gian khổ, vượt qua những thử thách, mối quan hệ Việt Nam và Lào ngày càng gắn bó, thủy chung, tin cậy, hiệu quả. Với nền móng vững chắc được Chủ tịch Hồ Chí Minh và Chủ tịch Kaysone Phomvihane cùng các thế hệ lãnh đạo của hai Đảng, hai Nhà nước và nhân dân hai nước dày công vun đắp, tình hữu nghị, đoàn kết đặc biệt Việt Nam-Lào ngày càng phát triển tốt đẹp, “vững bền hơn núi, hơn sông”.
Chiêu đãi chào mừng Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Lào Thongloun Sisoulith và Phu nhân cùng đoàn cấp cao Lào ngày 28/6/2021, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã khẳng định: “Nhìn lại chặng đường lịch sử hào hùng đã qua, chúng ta vô cùng tự hào về mối quan hệ đặc biệt Việt Nam-Lào không ngừng phát triển và đơm hoa kết trái. Mối quan hệ này đã trở thành quy luật phát triển, là nhân tố quan trọng bảo đảm thắng lợi của sự nghiệp cách mạng của mỗi nước và là tài sản chung vô giá của hai Đảng, hai dân tộc mà thế hệ hôm nay cần giữ gìn, bảo vệ, vun đắp và truyền tiếp cho muôn đời con cháu mai sau”.
Trong bối cảnh đại dịch COVID-19, hai nước vẫn giữ được đà và phát triển quan hệ trên các lĩnh vực. Quan hệ chính trị tiếp tục phát triển tốt đẹp, hai bên tổ chức thành công Kỳ họp lần thứ 42 và 43 Ủy ban liên Chính phủ Việt Nam – Lào (tháng 1 và tháng 12/2020). Lãnh đạo cấp cao hai nước vẫn thường xuyên liên lạc, trao đổi dưới nhiều hình thức linh hoạt; nổi bật là Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Lào Thongloun Sisoulith thăm hữu nghị chính thức Việt Nam (28-29/6/2021). Hai bên cũng đang tích cực chuẩn bị cho chuyến thăm hữu nghị chính thức Lào của Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc (9-10/8/2021).
Hợp tác quốc phòng, an ninh và đối ngoại tiếp tục được khẳng định là một trong những trụ cột hết sức quan trọng trong quan hệ đặc biệt giữa Việt Nam và Lào. Hai bên tiếp tục phối hợp bảo đảm an ninh, duy trì đường biên giới hòa bình, hữu nghị; lên kế hoạch, triển khai xây dựng và duy tu, bảo dưỡng các cụm bản biên giới. Cùng với đó, phối hợp tìm kiếm, quy tập và hồi hương hài cốt liệt sỹ quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam hy sinh tại Lào trong thời kỳ chiến tranh. Các tỉnh có chung đường biên giới hai nước tiếp tục tăng cường kiểm soát biên giới, ngăn chặn việc nhập cảnh trái phép nhằm nỗ lực phòng tránh làn sóng lây lan dịch COVID-19 sau đợt bùng phát diện rộng gần đây tại Lào.
Hai bên cũng thực hiện có hiệu quả cơ chế tham vấn thường niên cấp Trưởng Ban Đối ngoại Trung ương và Bộ trưởng Ngoại giao; tăng cường trao đổi thông tin về tình hình thế giới và khu vực mà hai bên cùng quan tâm; phối hợp chặt chẽ, hiệu quả, ủng hộ lẫn nhau trong các diễn đàn đa phương, đặc biệt là trong khuôn khổ ASEAN, Liên hợp quốc và các cơ chế tiểu vùng.
Đa dạng lĩnh vực hợp tác
Trong bối cảnh dịch COVID-19 diễn biến phức tạp ở cả hai nước, hợp tác nhiều mặt giữa Việt Nam và Lào tiếp tục khởi sắc với nền móng vững chắc là mối quan hệ chính trị tin cậy, gắn bó, thực chất.
Hợp tác kinh tế, thương mại và đầu tư tiếp tục duy trì đà tăng trưởng. Giai đoạn 2016-2020, tổng kim ngạch thương mại giữa hai nước đạt khoảng 4,8 tỷ USD. Kim ngạch thương mại cơ bản có sự tăng trưởng, đến nay đã đạt trên 1 tỷ USD và đã có những bước phát triển tích cực.
6 tháng đầu năm 2021, kim ngạch thương mại hai chiều đạt 670 triệu USD, tăng hơn 36,5% so với cùng kỳ năm 2020. Lũy kế đến nay, Việt Nam có 209 dự án tại Lào còn hiệu lực, với tổng số vốn đăng ký khoảng 5,16 tỷ USD, duy trì vị trí thứ ba trong số các nước đầu tư trực tiếp vào Lào. Hai bên phối hợp chặt chẽ triển khai các dự án vốn viện trợ ODA của Việt Nam dành cho Lào. Giai đoạn 2016-2020, Việt Nam đã bàn giao 26 dự án cho Lào, riêng năm 2020 là 5 dự án. Hiện nay, Chính phủ Lào đã nhất trí mở cửa khẩu quốc tế Đắc-ta-oọc (Xê-công) – Nam Giang (Quảng Nam) để phục vụ xuất nhập khẩu hàng hóa giữa hai bên.
Các cơ chế ưu đãi về thuế xuất nhập khẩu đối với hàng hóa có xuất xứ từ hai nước được hai bên tiếp tục thực hiện và danh mục ngày càng được mở rộng. Nhiều lĩnh vực hợp tác trọng điểm cũng được Việt Nam-Lào chú trọng như: Hợp tác đào tạo nguồn nhân lực ngành giao thông, vận tải và xây dựng; hợp tác trong lĩnh vực công nghiệp năng lượng…
Về hợp tác giáo dục-đào tạo và phát triển nguồn nhân lực cho Lào, hai bên đặc biệt quan tâm đến việc nâng cao chất lượng, hiệu quả hợp tác trong lĩnh vực giáo dục-đào tạo phát triển nguồn nhân lực.
Bộ Giáo dục hai nước đã ban hành Đề án hợp tác giáo dục Việt Nam – Lào giai đoạn 2021-2030. Năm 2021, Việt Nam dành 1.220 suất học bổng cho cán bộ, học sinh Lào sang học tập tại Việt Nam; Lào dành cho Việt Nam 60 học bổng. Hiện, tổng số lưu học sinh Lào đang học tập tại Việt Nam là hơn 16.600 người, trong đó, diện thỏa thuận Chính phủ là hơn 4.000 người, gấp đôi so với 5 năm trước.
Hợp tác giữa các địa phương, nhất là các địa phương có chung biên giới tiếp tục được tăng cường, đặc biệt trong việc xây dựng cơ sở hạ tầng, chăm sóc y tế, đào tạo phát triển nguồn nhân lực, bảo đảm an ninh, trật tự an toàn tại các khu vực biên giới hai nước.
Các hoạt động đối ngoại nhân dân được hai nước quan tâm thường xuyên; tổ chức nhiều hoạt động giao lưu văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao, góp phần tăng cường sự hiểu biết giữa nhân dân hai nước, góp phần đưa mối quan hệ Việt Nam-Lào ngày càng đi vào chiều sâu.
Chuyến thăm hữu nghị chính thức Lào lần này của Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc có ý nghĩa đặc biệt, tiếp tục khẳng định sự ủng hộ mạnh mẽ, toàn diện của Việt Nam đối với công cuộc đổi mới, bảo vệ và xây dựng đất nước Lào.
Theo TTXVN