Sáng nay (26/11), theo chương trình nghị sự của Kỳ họp thứ 8, Quốc hội Lào khóa IX dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Lào Saysomphone Phomvihane, Bộ trưởng Bộ Công Thương Lào Malaythong Kommasith đã trả lời chất vấn của các Đại biểu Quốc hội về vấn đề sản xuất hàng hóa trong nước, việc cung cấp vốn để khuyến khích nhà đầu tư và thực hiện các nghĩa vụ hiệp định của ngành thương mại với khu vực và quốc tế.
Trả lời chất vấn của đại biểu về việc tại sao hoạt động sản xuất của Lào chưa vững mạnh, Bộ trưởng Bộ Công Thương Lào cho rằng sản xuất là quá trình tạo ra hàng hóa và dịch vụ để đáp ứng nhu cầu và sự cần thiết của con người. Nó liên quan đến sự chuyển dịch yếu tố sản xuất (nguyên liệu thô, lao động và công nghệ) để trở thành sản phẩm (hàng hóa và dịch vụ).
Ông cho biết, nguyên nhân làm cho hoạt động sản xuất của Lào chưa vững mạnh xuất phát từ nhiều yếu tố, như cấu trúc về kinh tế, những hạn chế về địa lý, thiếu thị trường và điều kiện môi trường về mặt chính sách.
Theo đó, Bộ trưởng Malaythong đã đưa ra một số nguyên nhân để lý giải cho việc sản xuất trong nước của Lào chưa vững mạnh thời gian qua, như: 1) Khoảng cách vận chuyển nguyên liệu thô, hàng hóa để tiếp cận thị trường trong nước hoặc xuất cảng tương đối xa dẫn đến chi phí cao; 2) Cơ sở hạ tầng như đường bộ, đường sắt, đường thủy, đường hàng không và dịch vụ logistics để kết nối với hệ thống vận tải, sản xuất và thị trường mặc dù phát triển tốt hơn, nhiều hơn nhưng vẫn còn nhiều hạn chế, một số loại hình vận tải có chi phí dịch vụ cao; 3) Quy mô thị trường trong nước nhỏ, sức mua không đủ mạnh cũng là nguyên nhân gây ra hạn chế về quy mô kinh tế; 4) Chính sách khuyến khích sản xuất chưa thành hệ thống, chưa có sự hài hòa, rõ ràng hay có trọng tâm và đủ sức hút; đồng thời việc thực hiện các chính sách, các ràng buộc về mặt pháp lý cũng như quy chế chưa nghiêm, chưa thống nhất và thường xuyên, khiến các nhà đầu tư thiếu tin tưởng; 5) Các sản phẩm tiêu thụ trong nước còn dựa quá nhiều vào việc nhập khẩu, chuỗi cung ứng trong nước hạn chế dẫn đến vốn sản xuất trong nước tăng cao; 6) Đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực sản xuất và chế biến không nhiều, phần lớn tập trung vào lĩnh vực khai thác tài nguyên thiên nhiên và năng lượng hoặc các đặc quyền quốc tế có xu hướng giảm trong tương lai làm cho sự phát triển trong lĩnh vực sản xuất có chiều hướng tăng trưởng chậm; 7) Lao động có kỹ năng trong nước không nhiều, xu hướng lao động ra nước ngoài làm việc tăng cao dẫn đến tình trạng thiếu lao động sản xuất và không đủ để đáp ứng cho các nhà máy trong nước; 8) Mặc dù tỷ lệ người dân Lào tham gia sản xuất nông nghiệp rất lớn, nhưng các doanh nghiệp và nhà đầu tư người Lào sản xuất kinh doanh trong lĩnh vực này đạt kết quả cao không nhiều, mà chủ yếu là đầu tư vào kinh doanh khoáng sản, năng lượng, thương mại, du lịch và dịch vụ.
Với chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách của Nhà nước, Lào đang đẩy mạnh xây dựng và phát triển đất nước theo nội dung Nghị quyết 04 của Bộ Chính về xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ trong giai đoạn mới, trong đó quyết tâm giải quyết khó khăn kinh tế – tài chính, cùng với sự phối hợp hài hòa giữa đẩy mạnh sản xuất, dịch vụ nhằm đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong nước, nâng cao năng lực của các cơ sở thu ngân sách trong nước với việc tăng cường hiệu quả trong công tác quản lý thu ngân sách và triển khai thực hiện nghiêm túc các biện pháp tiết kiệm, tiến hành rà soát lại chiến lược, cũng như phát triển cơ cấu kinh tế của vùng nhằm phân bổ lợi thế về vị trí mà tiềm năng của mỗi địa phương là động lực cho sự phát triển của quốc gia. Tuy nhiên, để thực hiện hiệu quả chủ trương trên, đòi hỏi phải có sự thống nhất trong toàn bộ máy chính trị, sự hợp tác, chung tay của toàn thể xã hội, có những chính sách khích lệ phù hợp và hợp tác với nước ngoài để kích cầu sự tăng trưởng của sản xuất trong nước, tạo ra thị trường mở và hứa hẹn cho các sản phẩm do chính Lào sản xuất được…
Tổng hợp