Bộ Năng lượng và Mỏ Lào đã tiến hành các biện pháp đối với các dự án còn nợ phí tô nhượng và vốn theo hợp đồng, đồng thời phối hợp với các bộ phận liên quan tiến hành giám sát, kiểm tra sát sao để các giai đoạn của dự án thực hiện đúng quy định.
Ông Phoxay Xayasone, Bộ trưởng Bộ Năng lượng và Mỏ trả lời chất vấn của các đại biểu Quốc hội tại Kỳ họp thường kỳ thứ 8 Quốc hội Lào khóa IX ngày 26/11, dưới sự chủ trì của ông Saysomphone Phomvihane, Chủ tịch Quốc hội.
Ông Phoxay Xayasone cho biết: Biện pháp đối với các dự án đang nợ tiền tô nhượng và các khoản vốn theo hợp đồng sẽ tiến hành như sau: Đối với các dự án đang trong giai đoạn thăm dò – khảo sát sẽ không được chấp thuận thông qua báo cáo kết quả thăm dò – khảo sát hoặc bất kỳ đề xuất nghiên cứu nào của công ty, còn các dự án trong giai đoạn nghiên cứu khả thi về kinh tế sẽ không được ký hợp đồng phát triển khai thác và các dự án trong giai đoạn khai thác – chế biến sẽ không được phân phối khoáng sản. Đối với các dự án che giấu hoặc báo cáo sản lượng khai thách được không chính xác, thời gian qua Bộ Năng lượng và Mỏ đã phối hợp với các bộ phận liên quan, đặc biệt là Bộ Tài chính tiến hành kiểm tra thực tế ngay tại thực địa và ở các cửa khẩu, tuy nhiên vẫn chưa thể giám sát được đầy đủ do hạn chế về số lượng cán bộ và công cụ sử dụng để thực hiện công tác trên, trong khi chủ đầu tư chưa trung thực trong hoạt động kinh doanh.
Đối với các dự án trong giai đoạn thăm dò và khảo sát: Trong đánh giá thường niên của năm 2023 có 151 công ty và 166 hoạt động, đã cho kết quả phân loại: C+ (yếu) với tổng số 52 công ty, 57 hoạt động, loại: C (kém hoặc không hoạt động) có 18 công ty, 23 hoạt động. Đến nay, phần lớn các dự án mà Chính phủ quyết định hủy bỏ, chấm dứt hợp đồng đều là các dự án xếp loại C hoặc không hoạt động. Chính phủ cũng đã thành lập Ban 116 để cùng các bộ phận liên quan nghiên cứu tổng hợp báo cáo cung cấp thông tin cho Chính phủ để Chính phủ quyết định rút hoặc chấm dứt hợp đồng.
Các công ty trong giai đoạn thăm dò và khảo sát khoáng sản xếp loại C gồm có 18 công ty, Chính phủ đã gia hạn hợp đồng cho 4 công ty nằm trong khả năng có thể khắc phục những thiếu sót, còn 14 công ty còn lại hiện đang chờ kết quả đánh giá của Ban 116, sau khi có kết quả sẽ tiến hành nghiên cứu, nếu nhận thấy không thể khắc phục sẽ tiến hành hủy bỏ hoặc chấm dứt hợp đồng.
Các công ty xếp loại C+ sẽ tiến hành mời đến trao đổi tìm giải pháp khắc phục, tháo gỡ tùy từng trường hợp cụ thể và lập biên bản chung có thời hạn, nếu không khắc phục được các vướng mắc, thiếu sót sẽ báo cáo cấp trên xem xét ra thông báo hủy bỏ hoặc chấm dứt hợp đồng.
Bộ trưởng Bộ Năng lượng và Mỏ cho biết thêm: Các dự án trong giai đoạn thăm dò, khảo sát không gây tác động nhiều đến môi trường và con người, chủ yếu để nghiên cứu thông tin tìm hiểu nguồn khoáng sản thông qua các hoạt động như mở đường, đào hố, khoan thăm dò… Tuy nhiên vẫn có những trường hợp gây ảnh hưởng đến hiện trạng đất đai của người dân, khi rơi vào trường hợp này, phía công ty phải phối hợp với chính quyền cấp tỉnh, huyện để triển khai các biện pháp đền bù đất đai thỏa đáng với người dân. Nếu có ảnh hưởng thì phải có bồi thường và bồi thường theo đơn vị đền bù được quy định theo quyết định được ký bởi Tỉnh trưởng địa phương đó. Phần lớn tác động đến môi trường và đời sống người dân xuất phát từ các dự án đang trong giai đoạn khai thác-chế biến khoáng sản, tất cả các dự án đều phải hoàn thành việc xây dựng kế hoạch khai thác, chế biến và đánh giá tác động môi trường, xã hội trước khi thực hiện dự án và công ty phải thực hiện theo kế hoạch trên. Trong trường hợp dự án gây ảnh hưởng đến môi trường và con người thì công ty phải chịu trách nhiệm về những sự việc đó. Hiện nay, các dự án khai thác, chế biến gây ảnh hưởng nhiều đều là dự án thí điểm do các dự án này chưa có nghiên cứu, quy hoạch chi tiết trước khi triển khai.
Tổng hợp