Tỷ lệ lạm phát hàng năm của Lào giảm nhẹ từ 41,3% trong tháng 2 xuống 41% trong tháng 3, theo báo cáo mới nhất của Cục Thống kê Lào.
Tuy nhiên, chi phí của tất cả hàng hóa và dịch vụ vẫn còn rất cao, khiến Lào là một trong những nước có tỷ lệ lạm phát cao nhất trong khu vực. Theo Cục Thống kê, giá rau tháng 3 tăng 30,3% so với cùng kỳ năm ngoái.
Tháng 3 vừa qua ghi nhận mức tăng giá cao nhất ở nhóm thực phẩm và đồ uống không cồn, tăng 51% so với cùng kỳ năm ngoái, tiếp theo là nhóm chăm sóc y tế và thuốc (41,8%), nhóm truyền thông và vận tải (41,7%), khách sạn nhà hàng (36,9%) và hàng gia dụng (35%). Đơn cử, giá gạo loại I tăng vọt từ 14.384 kip/kg trong tháng 2 lên 14.637 kip/kg trong tháng 3, theo Cục Thống kê Lào.
Giá thịt lợn tăng từ 74.458 kip/kg trong tháng 2 lên 76.349 kip/kg và giá thịt bò loại I tăng từ 96.579 kip/kg lên 105.725 kip/kg.
Các nhà kinh tế lo ngại rằng giá lương thực sẽ tiếp tục tăng trong tháng 4, khi hầu hết người dân Lào ăn mừng năm mới, thường làm tăng nhu cầu lương thực. Trong khi đó, Chính quyền Lào cũng đang chỉ đạo giám sát chặt giá cả hàng hoá bán lẻ để giảm áp lực cho người lao động có thu nhập thấp.
Cục Thống kê Lào cho biết rất khó để dự đoán khối lượng hàng hóa nhập khẩu trong những tuần tới, đồng thời cho rằng tỷ lệ lạm phát trong tháng 4 có thể cao hơn mức được ghi nhận trong tháng 3.
Theo báo cáo của Ngân hàng Thế giới, áp lực lạm phát liên tục ở Mỹ đang dẫn đến các điều kiện tài chính thắt chặt hơn không chỉ ở Mỹ mà còn ở khu vực Đông Á và Thái Bình Dương, bao gồm cả Lào. Để giải quyết những áp lực lạm phát này, một số quốc gia trong khu vực đã tăng lãi suất trong nước, giúp giảm bớt dòng vốn chảy ra. Tuy nhiên, việc thắt chặt hơn nữa ở các nền kinh tế tiên tiến có thể làm gia tăng áp lực tài chính đối với các nền kinh tế trong khu vực.
Theo một báo cáo gần đây của CNBC, Cục Dự trữ Liên bang đã công bố một đợt tăng lãi suất 25 điểm cơ bản khác, khiến tỷ lệ chuẩn lên mức cao nhất kể từ năm 2007. Lần tăng lãi suất thứ chín liên tiếp nhằm ngăn chặn lạm phát bằng cách tăng chi phí đi vay. Do lãi suất tăng, giá trị của đồng USD cũng tăng so với các loại tiền tệ khác bao gồm cả đồng kip, khiến đồng bạc xanh trở nên hấp dẫn đối với các nhà đầu tư toàn cầu.
Sự mất giá của đồng kip so với USD và đồng baht của Thái Lan là một trong những yếu tố chính thúc đẩy lạm phát ở Lào. Đồng kip yếu khiến chính phủ Lào gặp khó khăn trong việc kiềm chế chi phí hàng hóa và dịch vụ gia tăng, đặc biệt khi 1/3 hàng hóa được sử dụng để tính toán mức tăng giá là hàng nhập khẩu.
Các nhà kinh tế cho rằng Lào phụ thuộc quá nhiều vào nhập khẩu, đồng thời nói thêm rằng nước này cần thúc đẩy mạnh mẽ năng suất trong nước, giảm nhập khẩu và thúc đẩy đầu tư vào các lĩnh vực có tiềm năng mang lại ngoại tệ cho đất nước.
Tổng hợp