Bộ Tài chính cho biết trong thời gian tới, các doanh nghiệp vừa và nhỏ ( SMEs) tại Lào sẽ có cơ hội tiếp cận vay vốn từ quỹ 200 tỷ Kíp do nhà nước thành lập.
Theo KPL, trong phần báo cáo tại kỳ họp thứ 7, Quốc hội Lào khóa 8. Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Tài chính Somdy Duangdy đã cung cấp thông tin xoay quanh nhiều chủ đề được quan tâm của Đại biểu Quốc hội.
Theo đó, Bộ trưởng cho biết, năm 2018 vừa qua, đối với vấn đề xử lý tài sản liên quan đến phạm pháp, Chính phủ đã thực hiện thu hồi nhiều lô đất sai phạm, hàng chục nghìn phương tiện nhập lậu trốn thuế, đặc biệt là hơn 4000 xe các loại tại chỉ riêng tỉnh Luangprabang. Các tài sản tiền mặt, hiện vật có giá trị liên quan đến sai phạm cũng đã được thu nộp ngân sách.
Ngoài ra, Bộ trưởng cũng đề cập đến khó khăn của quỹ dự trữ ngoại hối quốc gia trong bối cảnh Kinh tế Lào đang trong giai đoạn gặp khó khăn, các chính sách của Nhà nước hiện tại vẫn là nỗ lực khuyến khích sản xuất và tăng cường xuất khẩu cũng như thúc đẩy du lịch phát triển để tăng thêm nguồn thu ngoại tệ.
Năm 2016, Lào chỉ tiếp cận được 16% tổng giá trị ngoại tệ có trong nước là 2.270 tỷ USD, năm 2017, con số tăng lên 26% của tổng số 2.6 tỷ USD và năm 2018, cũng trong tổng số 2.6 tỷ USD, Lào cũng chỉ tiếp cận thực tế được khoảng 28%. Phần lớn ngoại tệ được sử dụng để nhập khẩu nhiên liệu, loại hàng hóa mà Lào hoàn toàn lệ thuộc nước ngoài, Bộ trưởng Somdy cho biết.
Đối với chính sách phát triển nhóm doanh nghiệp vừa và nhỏ, nhận thấy nhu cầu về vốn lớn của khu vực này, Chính phủ Lào đang xem xét điều chỉnh lại Chỉ thị của Thủ tướng về việc thành lập quỹ khuyến khích phát triển SMEs, dự kiến sẽ nâng lên con số 200 tỷ Kíp, nguồn vốn này được trích từ vốn vay Ngân hàng thế giới, Ngân hàng phát triển Châu Á, vốn đầu tư của Chính phủ Lào. Nếu Chính phủ vay được vốn với lãi xuất thấp, các doanh nghiệp cũng sẽ được tiếp cận với nguồn vốn lãi xuất thấp và ngược lại. Bộ trưởng Tài chính cho biết thêm.
Ngoài ra, trả lời câu hỏi nợ lương công chức từ tháng 11/2018 tại nhiều địa phương, Phó Thủ tướng cho biết Chính phủ đang chỉ đạo cơ quan hữu quan rà soát và xử lý sớm nhất có thể, đồng thời tiếp tục nghiên cứu phân cấp quản lý thu ngân sách cho các địa phương để đảm bảo kịp thời thu nhập cho cán bộ, công nhân viên chức.
Đặc biệt, nhiều Đại biểu Quốc hội đề xuất ý kiến lên Bộ Tài chính và Bộ Tài nguyên Môi trường xem xét nên có chính sách xây dựng nhà ở cho cán bộ lãnh đạo, tạo điều kiện thuận lợi cho việc luân chuyển cán bộ từ địa phương lên Trung ương.
Theo KPL