Thủ tướng Lào vừa thành lập Ban Chuyên trách giải quyết vấn đề xăng dầu, giá cả hàng hóa và tiền tệ do một Phó Thủ tướng làm Trưởng ban nhằm giải quyết khẩn cấp một số vấn đề nóng vốn đang được dư luận nước này quan tâm.
Cảnh xếp hàng mua xăng dầu kéo dài ra tận ven đường tại một cây xăng ở Thủ đô Vientiane, trong khi đa số cây xăng đều đóng cửa. (Ảnh: XUÂN TÙNG)
Ban Chuyên trách do Phó Thủ tướng Sonexay Siphandone đứng đầu có nhiệm vụ đưa ra các giải pháp khẩn cấp nhằm đối phó và ngăn chặn vấn đề giá hàng hóa tăng cao, lạm phát ở mức cao và tăng liên tục trong nhiều tháng qua cũng như vấn đề khan hiếm xăng dầu tại Lào trong thời gian qua.
Ban Chuyên trách giải quyết vấn đề xăng dầu, giá cả hàng hóa và tiền tệ gồm các thành viên: Bộ trưởng Tài chính, Bộ trưởng Công thương, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước, Phó Chánh Văn phòng Trung ương Đảng, Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát, Chủ tịch Hiệp hội xăng dầu, khí đốt Lào có thẩm quyền, nhiệm vụ đề ra các biện pháp bảo đảm việc nhập khẩu xăng dầu để đáp ứng nhu cầu cần thiết một cách bình thường, bảo đảm việc quy định giá trong từng giai đoạn cho kịp thời, phù hợp với diễn biến của giá xăng dầu trên thị trường thế giới và tình hình thực tế của Lào; đề ra các biện pháp và cách thức thực tế trong việc cung ứng ngoại tệ, quản lý tỷ giá trao đổi ngoại tệ, giải quyết các cửa hàng đổi tiền, sử dụng tiền tệ trong thị trường bảo đảm tính ổn định; giám sát, kiểm tra và thực hiện các biện pháp nghiêm ngặt đối với các trường hợp vi phạm quy định của pháp luật, gây bất ổn, thiệt hại cho nền kinh tế-tài chính của đất nước; đề ra các biện pháp để kiểm soát giá cả hàng hóa, xác định hàng hóa chiến lược để bình ổn giá cả tại thị trường và đề ra các biện pháp để giải quyết các vấn đề tác động, ảnh hưởng đến sự ổn định nền kinh tế để có thể ứng phó kịp thời với tình hình thực tế xảy ra.
Việc thành lập Ban Chuyên trách giải quyết vấn đề xăng dầu, giá cả hàng hóa và tiền tệ của Lào nhằm giải quyết khẩn cấp ba vấn đề lớn đang gây chú ý trong dư luận xã hội. Thứ nhất là việc thiếu xăng dầu nghiêm trọng với việc các cây xăng cạn kiện nguồn cung trên toàn quốc, có thời điểm nhiều phương tiện giao thông phải ngừng hoạt động do thiếu nhiên liệu.
Trong tháng 5, Chính phủ Lào đã tăng giá nhiên liệu 2 lần, đẩy giá nhiên liệu tăng 92,6% so với cùng kỳ năm ngoái. Do Lào là nước nhập khẩu xăng dầu 100%, vì vậy giá xăng dầu trên thế giới tăng cao đã gây khó khăn rất nhiều cho các doanh nghiệp nhập khẩu và phân phối tại Lào.
Thứ hai là việc giá cả các mặt hàng thiết yếu tại Lào tăng mạnh trong thời gian vừa qua. Báo Pasaxon, (Cơ quan ngôn luận của Đảng Nhân dân Cách mạng Lào) dẫn nguồn tin các cơ quan của Lào cho biết, lạm phát trong tháng 5 tại Lào ở mức 12,8%, cao nhất trong 15 năm qua. Tính trung bình 5 tháng đầu năm nay, mức lạm phát của Lào đạt 9%/tháng. Giá xăng dầu tăng cao, làm tăng chi phí đầu vào trong sản xuất, dẫn đến một loạt mặt hàng tại Lào tăng theo như giá khí đốt, vàng và thép lần lượt tăng 39,7%, 48,5% và 68% so với cùng kỳ năm ngoái.
Cuối cùng là việc đồng kíp Lào (LAK) giảm giá nhiều so đồng USD và Baht, hai loại ngoại tệ chủ yếu tại Lào. Tỷ giá đồng LAK so USD và Baht có độ vênh rất lớn giữa quy định của Nhà nước và thị trường. Nguyên nhân được cho là do các loại ngoại tệ không được thanh toán thông qua hệ thống ngân hàng khi xuất khẩu hàng hóa.
Mặc dù 4 tháng đầu năm, Lào xuất siêu 589,66 triệu USD, tăng 50% so cùng kỳ năm ngoái, tuy nhiên chỉ 33% giá trị xuất khẩu được chuyển vào Lào thông qua hệ thống ngân hàng, trong khi đó 98% giá trị nhập khẩu được chuyển ra thông qua hệ thống ngân hàng, vì vậy đã gây tình trạng ngoại tệ chuyển ra nước ngoài thông qua ngân hàng nhiều hơn ngoại tệ chảy vào nội địa. Tình trạng này đã làm cho các ngân hàng thương mại có được lượng ngoại tệ ít hơn dự kiến và không đủ nguồn cung cho các doanh nghiệp.
Theo NDĐT