Đảng Cộng sản Việt Nam thành lập ngày 3/2/1930, đánh dấu bước ngoặt lớn của cách mạng Việt Nam. Tháng 10/1930, Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam quyết nghị đổi tên thành Đảng Cộng sản Đông Dương; xác lập các nguyên tắc, phương hướng, đường lối chính trị và những nhiệm vụ cơ bản của phong trào cách mạng ba nước Đông Dương; đồng thời đề ra những chủ trương và giải pháp cụ thể chỉ đạo các cấp bộ Đảng tăng cường quan hệ đoàn kết, hỗ trợ lẫn nhau.
Bộ Việt Nam và Lào
Sau khi giành chính quyền, tháng 10/1945, Chính phủ hai nước Lào – Việt Nam ký Hiệp ước tương trợ Lào – Việt Nam và Hiệp định về tổ chức Liên quân Lào – Việt Nam, đặt cơ sở pháp lý đầu tiên cho hợp tác và liên minh chiến đấu chống kẻ thù chung của hai dân tộc Việt Nam – Lào. Tiêu biểu cho tình đoàn kết và liên minh chiến đấu của liên quân Lào – Việt trong năm đầu của cuộc kháng chiến là trận đánh địch ở Mường Láp (Sầm Nưa) ngày 20/10/1945. Bị đánh đau, địch bỏ chạy, ta thu nhiều vũ khí, quân trang quân dụng. Tiếp đó là trận thắng lớn bảo vệ Thà Khẹt, ngày 21/3/1946.
Ngày 20/1/1949, Đội Látxavông (tiền thân của Quân đội nhân dân Lào) thành lập tại vùng căn cứ Xiềng Khọ (Hủa Phăn), do đồng chí Cayxon Phômvihản – Tổng chỉ huy. Sự kiện trọng đại này đánh dấu bước trưởng thành của lực lượng kháng chiến Lào.
Từ những diễn biến mới của cách mạng Việt Nam và cách mạng Lào, ngày 30/10/1949, Ban Thường vụ Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương quyết định, các lực lượng quân sự của Việt Nam làm nhiệm vụ quốc tế giúp Lào tổ chức thành hệ thống riêng, mang danh là Quân tình nguyện. Tháng 4/1953, Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và Chính phủ Kháng chiến Lào quyết định mở chiến dịch Thượng Lào. Với thắng lợi của chiến dịch Thượng Lào, hậu phương kháng chiến của Lào đã nối thông với vùng tự do của Việt Nam, tạo thế phối hợp chiến lược giữa Việt Nam – Lào, góp phần đưa cuộc kháng chiến của nhân dân ba nước Đông Dương tiến thêm một bước mới.
Tháng 9/1953, Bộ Chính trị Đảng Lao động Việt Nam thông qua kế hoạch tác chiến Đông Xuân 1953 – 1954. Tháng 12/1953, một bộ phận quân chủ lực Việt Nam phối hợp với bộ đội Lào Ítxala và Quân tình nguyện Việt Nam mở chiến dịch sông Nậm U ở phía tây Điện Biên và nhiều chiến dịch ở Trung Lào, Hạ Lào, góp phần làm phá sản kế hoạch tập trung quân của Nava.
Trao tặng Nhà Hữu nghị Việt – Lào cho mẹ Kanchia, tỉnh Sekong
Cuối năm 1953, Bộ Chính trị Đảng Lao động Việt Nam quyết định mở chiến dịch Điện Biên Phủ nhằm giải phóng hoàn toàn vùng Tây Bắc Việt Nam, tạo điều kiện cho quân và dân Lào giải phóng vùng cực Bắc Lào. Ngày 13/3/1954, quân và dân Việt Nam mở cuộc tiến công tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ. Phối hợp với chiến trường chính Việt Nam, quân và dân Lào liên tục đẩy mạnh các hoạt động quân sự từ Bắc xuống Nam Lào để kiềm chế lực lượng địch, đồng thời ủng hộ chiến dịch Điện Biên Phủ 300 tấn gạo và 400 quả đạn pháo 105 mm… góp phần tạo nên những chiến công “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”. Ngày 7/5/1954, tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ của Pháp bị tiêu diệt hoàn toàn.
Thực hiện lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Giúp nhân dân nước bạn tức là mình tự giúp mình”, trong những năm kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược, gần nửa triệu lượt Quân tình nguyện và Chuyên gia quân sự, Thanh niên xung phong, Dân công hỏa tuyến Việt Nam vượt qua dãy núi Trường Sơn hùng vĩ sang Lào làm nghĩa vụ quốc tế cao cả, hy sinh những năm tháng tuổi thanh xuân, sức lực, trí tuệ, thậm chí cả tính mạng của mình để giành độc lập, tự do cho cả hai dân tộc Việt Nam – Lào. Từng tấc đất, ngọn cây của núi rừng Trường Sơn và trên khắp mọi miền đất nước Lào đều có dấu chân, những giọt mồ hôi, những giọt máu của các chiến sĩ hai nước hòa quyện với nhau. Các lực lượng Quân tình nguyện và Chuyên gia quân sự Việt Nam đã góp phần xây dựng cơ sở, xây dựng lực lượng và căn cứ kháng chiến của Lào từ không đến có, từ nhỏ đến lớn.
Trao tặng Nhà Hữu nghị Việt – Lào cho mẹ Kanchia, tỉnh Sekong
Các nhà lãnh đạo cao nhất của Lào ghi nhận, đánh giá cao đóng góp của nhân dân và Quân đội nhân dân Việt Nam giúp cách mạng Lào. Chủ tịch Xuphanuvông từng nói: “Những người mẹ, người vợ anh hùng Việt Nam đã gửi hàng Sư đoàn Quân tình nguyện đến giúp Lào. Hàng chục nghìn chiến sĩ Việt Nam đã hy sinh trên đất Lào mà các người vợ, người mẹ vẫn âm thầm chịu đựng..” Chủ tịch Cayxỏn Phômvihản đánh giá: “Trong lịch sử của cuộc cách mạng thế giới đã có nhiều tấm gương trong sáng về tinh thần quốc tế vô sản, nhưng chưa ở đâu và chưa bao giờ có tình đoàn kết, liên minh chiến đấu đặc biệt, lâu dài, toàn diện như thế… Đảng, Nhà nước và nhân dân Lào vô cùng tự hào và thấy rằng: Qua những thử thách gay go, quyết liệt trong nhiều thập kỷ, cán bộ, đảng viên, chiến sĩ và nhân dân hai nước Lào – Việt Nam thề hy sinh tất cả, kể cả hy sinh xương máu của mình vì thắng lợi và độc lập dân tộc của hai nước.
Ngày 30/10/1949 là ngày truyền thống của Quân tình nguyện và Chuyên gia quân sự Việt Nam giúp Lào. Lập nhiều chiến công, thành tích xuất sắc, Quân tình nguyện và Chuyên gia quân sự Việt Nam đã được Nhà nước Việt Nam tặng thưởng Huân chương Sao Vàng, Nhà nước Lào tặng thưởng Huân chương Vàng quốc gia và hàng chục nghìn tập thể, cá nhân được tặng thưởng huân chương, huy chương các loại của Việt Nam và của Lào.
… Từ ngày thành lập đến nay, Hội Hữu nghị Việt Nam – Lào đã tích cực hoạt động theo tôn chỉ, mục đích; góp phần tăng cường sự hiểu biết giữa nhân dân hai nước, củng cố và phát triển quan hệ hữu nghị vĩ đại, đoàn kết đặc biệt và sự hợp tác toàn diện Việt Nam – Lào. Hội quan hệ rộng rãi với các tổ chức chính trị – xã hội, các doanh nghiệp ở Lào vì lợi ích của nhân dân hai nước, vì hòa bình, hợp tác và phát triển ở Đông Nam Á và trên thế giới.
Tổ chức các đoàn đại biểu của Hội thăm hỏi, trao đổi kinh nghiệm hoạt động của Hội với các đoàn đại biểu Lào nhân dịp sang thăm, làm việc tại Việt Nam và với Đại sứ quán Lào tại Việt Nam. Trung ương Hội, phân hội, chi hội hữu nghị Việt Nam – Lào ở các địa phương, cơ sở phối hợp các hoạt động tuyên truyền giáo dục nhân dân, đặc biệt là ở các tỉnh, thành phố có chung biên giới Việt Nam – Lào tăng cường xây dựng, củng cố và duy trì đường biên giới hữu nghị, hòa bình, hợp tác và thịnh vượng.
… Gần đây nhất, trong năm 2017, Hội Hữu nghị Việt Nam – Lào đã phối hợp chặt chẽ với Hội Truyền thống Quân tình nguyện và Chuyên gia quân sự Việt Nam giúp cách mạng Lào tổ chức kỷ niệm trọng thể 40 năm ngày ký Hiệp ước Hữu nghị và Hợp tác (18/7/1977 – 18/7/2017) và 55 năm ngày thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam – Lào (05/9/1962 – 05/9/2012), với nhiều nội dung và hình thức phong phú, sâu sắc, đạt kết quả cao… Úng hộ nạn nhân bị ảnh hưởng vỡ đập thủy điện Attapeu và tặng bà Kanchia ở tỉnh Sê Kông nhà hữu nghị (dự án tình hữu nghị của hai Hội), tri ân nghĩa cử cao đẹp khi bà đã chia sẻ phần sữa của con để cứu sống chiến sĩ Quân tình nguyện Việt Nam, tổng trị giá hàng tỷ đồng. Với các hoạt động tích cực, hiệu quả, Hội Hữu nghị Việt Nam – Lào được Liên hiệp các tổ chức Hữu nghị Việt Nam tặng cờ đơn vị thi đua xuất sắc ba năm liên tiếp.
Hội Truyền thống Quân tình nguyện và Chuyên gia quân sự Việt Nam giúp Lào là thành viên tập thể của Hội Hữu nghị Việt Nam – Lào. Với chức năng nhiệm vụ tuyên truyền, vận động cán bộ, hội viên phát huy bản chất, truyền thống Bộ đội Cụ Hồ, thực hiện tốt các chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước Việt Nam và Lào, làm công tác ngoại giao nhân dân, góp phần thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế – xã hội trong thời kỳ đổi mới và hội nhập của mỗi nước. Chăm lo giúp đỡ nhau trong cuộc sống và hoạt động tình nghĩa; tích cực xây dựng tổ chức Hội, Ban liên lạc vững mạnh, hoạt động đạt kết quả cao. Đến nay, ở 32/63 tỉnh, thành phố cả nước đã có tổ chức Hội hoặc Ban liên lạc với hàng chục vạn hội viên. Công tác ngoại giao nhân dân với nhân dân các bộ tộc Lào càng ngày càng sâu rộng, thiết thực, hiệu quả. Tổ chức nhiều cuộc về nguồn, thăm, tặng quà và tri ân các anh hùng liệt sĩ, đồng đội, nhân dân các bộ tộc Lào từng cưu mang, đùm bọc và hy sinh xương máu bảo vệ Quân tình nguyện và Chuyên gia quân sự Việt Nam; tìm kiếm, quy tập hàng nghìn hài cốt liệt sĩ; góp phần giải quyết chế độ chính sách, khen thưởng cho hàng trăm nghìn Quân tình nguyện và Chuyên gia quân sự Việt Nam giúp Lào…
Sau khi hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ quốc tế cao cả giúp Lào, các cựu Quân tình nguyện và Chuyên gia quân sự Việt Nam giúp Lào trở về nước. Nhiều cán bộ, chiến sĩ tiếp tục phục vụ trong quân đội, đồng thời nhiều đồng chí khác tham gia xây dựng phát triển kinh tế – xã hội đất nước. Dù ở đâu, làm việc gì đều phát huy bản chất, truyền thống của Bộ đội Cụ Hồ, của Quân tình nguyện và Chuyền gia quân sự, tiếp tục hoàn thành tốt các nhiệm vụ. Nhiều năm gần đây, nhất là năm 2019 kỷ niệm 70 năm ngày truyền thống Quân tình nguyện và Chuyên gia quân sự Việt Nam tại Lào (30/10/1949 – 30/10/2019), Hội tập trung củng cố, kiện toàn tổ chức, hoạt động nền nếp; đấy mạnh tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức và trách nhiệm cho Quân tình nguyện và Chuyên gia quân sự phát huy truyền thống cách mạng. Từ liên minh chiến đấu chống kẻ thù chung đến thời kỳ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc của hai nước Việt Nam – Lào, Quân tình nguyện và Chuyên gia quân sự Việt Nam giúp Lào đã có nhiều đóng góp quan trọng tăng cường tình hữu nghị, đoàn kết đặc biệt giữa hai Hội, trở thành lực lượng nòng cốt của Hội Hữu nghị Việt Nam – Lào.
Trong tình hình mới với những điều kiện lịch sử cụ thể của mỗi nước, tình hữu nghị, đoàn kết và hợp tác giữa hai dân tộc Việt Nam – Lào được giải quyết trên nguyên tắc mới, phù hợp với lợi ích chính đáng của nhân dân mỗi nước cũng như sự ổn định, hòa bình trong khu vực và trên thế giới. Trải qua những “đắng cay, ngọt bùi”, hai dân tộc sát cánh trên những chặng đường chiến đấu ác liệt và vượt qua khó khăn, gian khổ xây dựng phát triển đất nước, nghĩa tình Việt Nam – Lào thủy chung son sắt, trước sau như một. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định trong lời thơ bất hủ: “Thương nhau mấy núi cũng trèo/Mấy song cũng lội, mấy đèo cũng qua/Việt – Lào hai nước chúng ta/Tình sâu hơn nước Hồng Hà, Cửu Long”. Chủ tịch Cayxỏn Phômvihản từng nói: “Núi có thể mòn, sông có thể cạn, song tình nghĩa Lào – Việt Nam sẽ mãi mãi vững bền hơn núi, hơn sông”.
Đồng chí Nguyễn Phú Trọng, Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam, Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam nhấn mạnh: “Việt Nam và Lào đang bước sang một giai đoạn mới, giai đoạn đẩy mạnh công cuộc đổi mới, chủ động và tích cực hội nhập quốc tế; phấn đấu xây dựng, phát triển đất nước Việt Nam, đất nước Lào giàu mạnh… Hai Đảng, hai Nhà nước và nhân dân hai nước cần tiếp tục củng cố, tăng cường hơn nữa tình hữu nghị vĩ đại, đoàn kết đặc biệt, hợp tác toàn diện Việt Nam – Lào, coi đây là lẽ sống, là nghĩa tình thân thiết, trước sau như một, dù gian nan nguy hiểm cũng không hề lay chuyển. Việt Nam và Lào sẽ cùng nhau giữ gìn, bảo vệ mối quan hệ đặc biệt đó, như giữ gìn và bảo vệ con ngươi của mắt mình; làm sâu sắc, phong phú thêm và đưa mối quan hệ đặc biệt Việt Nam – Lào ngày càng phát triển mạnh mẽ, đi vào chiều sâu, coi đây là tài sản thiêng liêng vô giá, cần trao truyền lại mãi mãi cho các thế hệ mai sau”.
Trần Văn Tuý – Nguyên UVTW Đảng, Chủ tịch Hội Hữu nghị Việt Nam – Lào