Mọi cá nhân, tổ chức dân sự được phép tham gia vào cuộc chiến phòng chống tham nhũng của Chính phủ Lào
Mới đây ít ngày, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra TW, Tổng thanh tra Chính phủ ông Bunthong Chitmany đã ký văn bản hướng dẫn việc tổ chức thực hiện Luật Phòng chống tham nhũng (sửa đổi bổ sung), trong đó yêu cầu các cơ quan tổ chức nhà nước tạo điều kiện tối đa cho mọi thành phần nhân dân có thể tham gia vào phòng chống tham nhũng mà Chính phủ Lào đang đẩy mạnh. Văn bản trên nhằm cụ thể hóa nội dung Luật Phòng chống tham nhũng (sửa đổi bổ sung) hiện hành bị cho là có phạm vi quá rộng và chưa rõ ràng, có một số nội dung đáng chú ý như khuyến khích Mặt trận Lào xây dựng đất nước, các ban ngành, đoàn thể, tổ chức dân sự, cơ quan truyền thông cũng như mọi công dân Lào phát huy quyền và nghĩa vụ nhất định tham gia vào công tác thanh tra và phòng chống tham nhũng. Có quyền theo dõi các hoạt động của lực lượng công an, cảnh sát, công chức, doanh nghiệp nhà nước, lãnh đạo địa phương trong công tác để phát hiện sai phạm, tham nhũng, đồng thời có quyền báo cáo các hành vi tham nhũng lên chính quyền cấp cao một cách thường xuyên thông qua kênh trực tiếp hoặc gián tiếp, thông qua các đường dây nóng của các cơ quan chức năng. Bên cạnh đó các cá nhân, tổ chức trên được phép tham gia vào các phiên họp thường kỳ của chính quyền địa phương để đóng góp ý kiến xoay quanh công tác phòng chống tham nhũng.
Thời gian qua, Chính phủ Lào đang nỗ lực tăng cường hoạt động phòng chống tham nhũng xảy ra trong nội bộ Đảng. Điển hình là quyết định đình chỉ hoặc buộc thôi việc nhiều trường hợp lãnh đạo địa phương xảy ra sai phạm nghiêm trọng. Tỷ lệ tham nhũng và biển thủ công quỹ của Lào đang là vấn nan nhức nhối khiến thế giới đánh giá mức độ hiệu quả công tác phòng chống tham nhũng của Lào là cực kỳ thấp, theo khảo sát mới nhất về chỉ số nhận thức tham nhũng CPI năm 2018 do Tổ chức Minh bạch Quốc tế (Transparency International – TI) công bố, Lào xếp hạng 132 trên 180 quốc gia và vùng lãnh thổ.