Mùa mưa năm 1969, tổ công tác chúng tôi cần phải đi xuống vùng đồng bằng để nắm tình hình. Xong nhiệm vụ chúng tôi tìm đường trở về rừng, đường lầy lội, khó đi hơn so với đi trên đường rừng. Tôi và đồng chí Xổm Xa Vạt còn khổ vì nỗi chưa mua được dép. Vùng rừng bằng Nam Viêng Chăn nhiều cây mây nước, gai nhọn.
Quang cảnh hồ Nậm Ngừm ngày nay
Đi qua những đoạn đường như vậy, chúng tôi phải luồn chân vào bao gạo, hoặc lấy quần đùi quấn bàn chân để đỡ vướng gai. Cũng còn may là Phò Thít Tha thạo đường hướng và hiểu quy luật hoạt động của địch, nên phần lớn chúng tôi đi ban ngày, trong rừng khộc, dọc rừng ven đường cái, đường con. Chỉ những hôm vượt các cánh đồng trống trải, hoặc vượt đường cái giao thông quan trọng mới đi đêm. Nan giải nhất vẫn là chuyện nấu ăn. Mùa mưa, củi đóm ướt sũng, đất ướt. Trời lại mưa dầm dề, nhóm được bếp để đun nấu có khi mất cả tiếng đồng hồ. Trong lĩnh vực đun nấu mùa mưa, Phò Thít Tha là người có rất nhiều kinh nghiệm. Phò biết có loại cây tươi chặt ra, chẻ làm củi cháy tốt hơn là cây khô ngấm nước. Phò lại có sáng kiến, tìm chỗ cao, đào bỏ đất ướt, đến chỗ đất khô thì nhóm bếp nấu ăn.
Chỉ còn một ngày một đêm nữa thì chúng tôi vượt sông Nậm Ngừm chuẩn bị lên Phù Khâu Khoai về Phù Huốt sơ kết công tác chung cả bốn nhóm trước khi về Trung ương báo cáo.
Bộ đội Việt Nam trong kháng chiến chống Mỹ
Kế hoạch Phò Thít Tha vạch ra là bí mật bơi qua sông bằng phao ni lông (lấy ni lông gói đồ đạc lại làm phao bơi). Việc qua sông bằng phao là chuyện bình thường đối với cán bộ cơ sở vùng địch hậu Viêng Chăn. Tổ chúng tôi may mắn thay là ai cũng biết bơi nên kế hoạch bơi qua sông Nậm Ngừm chẳng có ai thắc mắc. Riêng đồng chí xổm Xa Vạt và tôi không có vải mưa, không có đồ đạc thì chặt lấy thân cây chuối làm phao để bơi. Kế hoạch thì như vậy, nhưng sẩm tối ra bờ sông quan sát thấy nước dâng tràn. Dòng sông chảy rất xiết, nước cuồn cuộn, sóng đánh vào bờ tung bọt trắng xóa, nhìn sang bên kia không thấy đâu là bến là bờ. Trên sông, thuyền máy xuôi ngược, đèn pha quét lấp loáng. Rõ là cảnh giao lưu hàng hóa giữa các vùng dọc con sông chính Viêng Chăn. Nhìn sông, nhìn nước, nhìn thuyền, lượng xét sức mình, chúng tôi thấy khó bơi qua được. Nếu bơi nước đẩy về xuôi không thể cập vào một điểm. Kẻ bơi giỏi có thề vượt qua, người yếu sức khó bơi tới đích. Rồi trường hợp gặp ca nô xuôi ngược có thể bị nhấn chìm.
Tình huống nước sông Nậm Ngừm lên cao, chảy xiết, thuyền máy, ca nô xuôi ngược tấp nập nằm ngoài dự kiến của Phò Thít Tha. Phương án bơi qua sông không thể thực hiện được, nó quá phiêu lưu. Chúng tôi không còn ai tin có thể vượt sông an toàn.
Sản vật từ sông, hồ Nậm Ngừm ngày nay
Phò Thít Tha hội ý chớp nhoáng cùng tổ tìm cách vượt sông. Có ý kiến đi dọc bờ, tìm chiếc thuyền câu, tự chở qua sông. Nhưng thuyền câu, tự chèo bằng tay, một lần qua chỉ chở được hai người, có thể suốt đêm chưa qua được hết.
Đồng chí Xổm Xa Vạt hiến kế đón một chiếc thuyền máy chạy gần bờ, nhờ họ chở qua sông. Ý kiến hay, song đợi ở đâu, và chắc gì có thuyền máy chạy sát bờ.
Cuối cùng, Phò Thít Tha đề nghị đột nhập vào bản. Yêu cầu Nai bản chở thuyền máy cho tổ qua sông. Nhân thể vào bản hỏi mua dép cho đồng chí Xổm Xa Vạt và tôi, mua pin đi đường và bỏ vào đài, mua vải mưa, mua thuốc lá, thuốc chữa bệnh, xin pađẹc, muối, gạo.
Cụ Đào Văn Tiến (ngoài cùng bên trái) cùng các CCB QTN Việt Nam giúp CM Lào dâng hương nghĩa trang quốc gia Lào nhân dịp BQP Lao moi sang dự lễ kỷ niệm 70 năm QTNVN (30/10-1949/2019) – Viên Chan 23/12/2019.
Bản bên sông, có thể gặp địch, Phò Thít Tha chịu trách nhiệm vào liên hệ với Nai bản. Toàn tổ chia hai nhóm canh chừng lính địch và bảo vệ an toàn cho Phò Thít Tha.
Sau nửa giờ căng thẳng, Phò Thít Tha đi ra cùng với hai người đàn ông. Một người xách theo một gói hàng. Người thứ hai xách theo con sào chống. Phò Thít Tha đưa cho chúng tôi một típ xôi, một túi gạo, rồi theo người đàn ông cầm sào chống xuống sông.
Chúng tôi nhanh chóng xuống thuyền máy.
Người đàn ông chống thuyền ra chỗ sâu, nổ máy rồi từ từ ngược phía trên, đoạn hướng mũi thuyền, cho thuyền rẽ nước sang ngang. Khoảng nửa giờ sau, thuyền máy cập bến bờ đối diện. Chúng tôi lặng lẽ lên bờ.
Phò Thít Tha nói lời cám ơn người chở thuyền và bảo người đó về nói với Nai bản, mai lên đồn địch báo cáo đêm qua, lính Pathet Lào đột nhập vào bản, bắt lấy thuyền máy chở qua sông. Họ còn lấy mấy yến gạo của dân. Qua sông rồi họ đi ngay vào trong núi.
Khi thuyền máy trở ra đến giữa sông, Phò Thít Tha bảo chúng tôi đi vào bãi tha ma của một làng gần đó nghỉ lại. Phò bảo, mai có thể địch sẽ truy tìm theo hướng vào núi. Ta ở lại nơi này sẽ yên ổn hơn.
Kết quả, Nai bản không đi báo cáo. Địch cũng không đi lùng sục. Chúng tôi nghỉ cả ngày trong bãi tha ma. sẩm tối, khi những người dân ra đồng cày cấy trở về nhà ruộng, chúng tôi lại lầm lũi tắt đồng hướng lên phía núi mà đi. Trời vẫn té nước xuống trần gian. Đến chân núi, nghỉ lại, tìm chỗ mắc võng ngủ qua đêm, mai đi tiếp. Tôi hỏi Phò Thít Tha vì sao đêm qua nghỉ lại trong bãi tha ma vì tôi được biết người Lào thường hỏa táng trong chùa. Phò cho biết người Lào có hai cách chôn cất người chết. Người chết tốt hỏa táng ở chùa, tro xương cho vào lọ gắn vào tường, người có danh vị, nhiều công đức, thì tro xương được để trong tháp. Có dân tộc không theo theo tục lệ hỏa táng thì chôn người chết vào bãi tha ma. Người chết cũng được chia của. Sau một thời gian, người ta làm lễ bỏ nhà mồ, từ đó vắng người qua lại, bãi tha ma cây mọc thành rừng và trở thành rừng cấm, rừng thiêng, lính địch cũng sợ không dám vào. Chỉ cán bộ QTN Việt Nam và bộ đội Pathet Lào, những lúc gặp hiểm nguy mới vào bãi tha ma ẩn nấp.
Nửa thế kỷ đã qua nhưng những kỷ niệm xưa mãi mãi vẫn vẹn nguyên!
Đào Văn Tiến