Mười tám nòng hỏa tiễn 122 ly (DKB) đã lấy phần tử bắn xong. Đạn đã được lắp ráp, ở tư thế bắn. Hơn một trăm quả đạn đã chia đều cho các mục tiêu trong căn cứ Nậm Bạc. Tiểu đoàn 11, Trung đoàn 158 pháo binh, Sư đoàn 316 chờ lệnh khai hỏa để trút bão lửa vào các căn cứ của địch.
Đêm cuối năm, ở Việt Nam chắc chúng tôi sẽ rét cóng sau giờ thay gác ban đêm. Còn ở đây – vùng Bắc Lào này tiết trời chỉ hơi se lạnh. Đèn dù vẫn sáng rực phía Nậm Bạc. Mười một giờ đêm quân ta đánh chiếm cứ điểm ngoại vi Phu Nha Thầu. Sở chỉ huy của tiểu đoàn bộ binh gần trận địa chúng tôi. Chúng tôi nghe rất rõ những mệnh lệnh từ Sở chỉ huy. Một loạt tiếng nổ trầm của bộc phá. Cửa mở vẫn chưa thông do ngoài hệ thống dây thép gai còn có những hàng rào dày tre nứa. Sở chỉ huy ra lệnh: Điều súng phun lửa lên.
Đỉnh đồi Phu Nha Thầu rực sáng, quân ta làm chủ căn cứ. Trận địa chúng tôi được giao nhiệm vụ theo dõi bắt tù binh nếu bọn chúng chạy tới. Cả trận địa im ắng chờ bắt tù binh và nhận lệnh khai hỏa. Rồi đêm cũng qua đi, chúng tôi không bắt được tên tù binh nào và cũng chưa có lệnh khai hỏa. Cán bộ, chiến sĩ đều bồn chồn lo lắng. Theo kế hoạch tác chiến, mờ sáng chúng tôi phóng loạt cuối cùng và thu pháo rời khỏi trận địa…
Mặt trời đã lên cao, lá ngụy trang pháo đạn vẫn chưa được dỡ. Trên trời, hai chiếc T28 đang ngó nghiêng tìm mục tiêu. Chúng tôi được lệnh tuyệt đối giữ bí mật, không được để lộ trận địa. Bọn T28 lượn vòng lấy độ cao rồi bổ nhào trút đạn 20 ly xuống Phu Nha Thầu đã thất thủ tối hôm trước. T28 cũng như AD6, đều là loại máy bay cánhquạt được trang bị súng 20 ly nhiều nòng, bắn như vãi đạn xuống khu vực chúng nghi ngờ. Bọn chúng có khả năng bay lượn bắn phá nhiều giờ ở một khu vực. Nhưng chả hiểu sao, lần này sau vài loạt đạn vu vơα chúng chuồn thẳng.
Chúng tôi được lệnh thu pháo về vị trí tập kết. Tin chiến thắng dồn dập bay về, quân ta đã làm chủ Nậm Bạc. Nậm Bạc được giải phóng, dân đang quay về bản cũ. Làng bản lại sáng ánh đèn với những làn khói bếp lan tỏa. Cuộc sống thanh bình trở lại. Lúc này chúng tôi mới được biết lý do những trái đạn hỏa tiễn của chúng tôi không được phóng lên. Dõi theo những trận đánh vòng ngoài của quân ta, đồng chí lãnh đạo cao cấp của Bộ Quốc phòng Chính phủ cách mạng Lào nói: Các đồng chí phải đánh theo phương châm “nước không đục, sen không nát, bắt được cá”; nếu cứ đánh tiêu diệt gọn kiểu này, ít ngày nữa người Lào sẽ ra sao?”.
Theo đề nghị của bạn, Bộ Tư lệnh tiền phương Quân khu Tây Bắc chỉ đạo các đơn vị phải thay đổi cách đánh. Khi đã vào chiến dịch phải thay đổi cách đánh sẽ gây ra nhiều khó khăn hơn, tổn thất của bộ đội ta có thể sẽ lớn hơn. Quả thực nếu hơn một trăm trái hỏa tiễn rời khỏi bệ phóng, sức công phá của nó vô cùng to lớn. Thời điểm này đưa hỏa tiễn 122 ly vào Bắc Lào đang là một điều bí mật.
Cả tiểu đoàn trú quân trong những đồn điền cam chín vàng. Chúng tôi chưa thấy nơi nào nhiều cam như thế. Vườn cam nối tiếp vườn cam theo hai bờ sông chảy qua Nậm Bạc. Không thấy người dân thu hái. Không có bàn tay con người chăm sóc. Cam rụng vàng dưới gốc. Tiếc của, lính ta bố cam lấy nước. Nước cam đầy xoong nồi, lính ta bắc bếp nấu cao. Tưởng là sáng kiến hay, sau này mới biết là làm dở. Có cao cam lính ta cất kỹ trong ba lô, đến khi nắng nóng đem ra dùng. Thay vị chua của cam, đầu lưỡi lại cảm nhận vị tê tê, đăng đắng của tinh dầu vỏ cam. Thì ra lính ta làm dở, khi vắt cam lấy nước, để tinh dầu từ vỏ cam bắn vào nước cam nên gây ra tê tê, đắng đắng không dùng được. d
Rỗi rãi chúng tôi thăm thú khu vực trú quân. Ở một rừng cam gần đó chúng tôi thấy những hàng mộ mới theo hàng lối, an táng đồngđội hy sinh trong cuộc chiến. Ngả mũ chào vĩnh biệt đồng đội thân thương, chúng tôi đi ra bờ sông. Mùa này nước cạn, một đoàn tù binh dưới sự kiểm soát của ta đang lội qua sông về nơi tập kết. Bọn chúng mặc nguyên đồ trận, diễu qua trước mắt chúng tôi. Tôi chợt nghĩ: họ đã may mắn được sống, bởi những dàn hỏa tiễn của chúng tôi không được bắn. Lòng chúng tôi quặn đau, khi chợt nhớ trong khu rừng cam phía sau, hàng trăm con người yêu dấu của dân tộc Việt Nam mãi mãi nằm lại trên mảnh đất này, cảm giác cay cay nơi sống mũi.
Chúng tôi là lính pháo binh, nhiều lúc ghen tỵ với cánh bộ binh. Đánh xong họ nhanh chóng rời mục tiêu với vũ khí cá nhân nhẹ nhàng. Còn chúng tôi phải đào bới thu pháo, khiêng vác nặng và còn nhiều chuyện nữa. Nhưng khi đã gần nhau, họ lại chia sẻ với chúng tôi rất thân tình. Từ những người bạn lính bộ binh chúng tôi mới có những bật lửa cối, tắt bật tanh tách; những tấm vải dù vừa ngụy trang vừa làm tấm đắp; những con dao Thái đi rừng tiện lợi và thích nhất là được cánh bộ binh tặng lại những quả lựu đạn USA…
Chúng tôi cứ tưởng chỉ ở trong đồn điền cam Nậm Bạc ít ngày để thu quân về nước. Đầu giờ chiều ngày 11/1/1968, mệnh lệnh chiến đấu truyền tới: “Đại đội 1 với đủ cơ số đạn, hành quân chiếm lĩnh trận địa bắn”.
Không kịp họp chi bộ, cả đại đội gấp rút lên đường. Tiểu đội trinh sát bám sát chỉ huy tiểu đoàn. Tiểu đoàn trưởng Bùi Quang Sào và Chính trị viên tiểu đoàn Phú luôn dẫn đầu đoàn quân. Đây là trận đầu chúng tôi dùng hỏa tiễn 122 ly bắn có nòng ở chiến trường Lào.
Thông thường vào trận chiến, chúng tôi là lính trinh sát đo đạc, được cấp bản đồ địa hình, được phổ biến tình hình địch và tự tìm vị trí đặt trận địa, đài quan sát, đo đạc xác định tọa độ mục tiêu bắn phá. Lần này vào trận, cả đại đội gần một trăm con người khiêng pháo, đạn, khí tài theo chỉ huy tiểu đoàn hành tiến. Chúng tôi theo các lối mòn được trinh sát mặt trận dẫn đường. Hành quân từ chiều, tất cả đều vội vã, đường rừng, băng đèo, vượt suối rất khó đi. Nhiều đoạn vượt qua khe sâu chỉ với cây cầu độc mộc, không tay vịn, trời tối, mọi người thậntrọng bước qua. Tiếng chân bước nặng nề, thở hồn hến, vừa đói, vừa mệt nhưng ai cũng cố gắng bám sát đội hình.
Mười một giờ đêm được lệnh nghỉ hai tiếng nấu cơm, các bếp nhanh chóng đỏ lửa. Các trung đội kiểm tra chấn chỉnh lại đội hình, chuẩn bị cho chặng đường tiếp theo. Lúc này các đảng viên mới được phố biến nhiệm vụ chiến đấu của đơn vị: “Tiểu đoàn sử dụng Đại đội 1, gồm 6 khẩu đội, đủ cơ số đạn, hành quân khẩn cấp, tập kích hỏa lực, tiêu diệt Sở chỉ huy và trận địa pháo của quân ngụy Lào đang chiếm đóng Phu Huội Ngát”.
Bầu trời vẫn yên tĩnh không có tiếng máy bay gầm rú. Chỉ nghe thấy tiếng súng lớn phía trước vọng về. Một số cao điểm bao quanh thung lũng Nậm Bạc vẫn còn bọn ngụy Lào đang chiếm đóng. Không gian yên ắng, tĩnh lặng trừ những người được phân công cảnh giới và chuẩn bị cơm nước, còn lại đều tranh thủ ngủ với đủ tư thế… Sau khi ăn uống và nghỉ lấy sức, đúng một giờ sáng chúng tôi tiếp tục hành quân.
Đại đội trưởng Ngô Xuân Dung dặn tôi: Mục tiêu bắn đã có, khi chiếm lĩnh trận địa phải nhanh chóng lấy hướng chuẩn cho các khẩu đội và tính phần tử bắn, lượng sửa khí tượng chuẩn xác. Tôi thở phào nhẹ nhõm. Tiểu đội trinh sát có hai bộ phận quan trọng là: dùng máy đo đạc và kế toán; kế toán có nhiệm vụ tính toán phần tử bắn. Vào trận kiểu này nhiệm vụ của chúng tôi rất nhẹ nhàng. Trinh sát viên mắc máy lấy hướng chuẩn cho pháo và kế toán viên tính toán lượng sửa mặt đất, lượng sửa đường đạn cho phần tử bắn. Do vậy mà từ giờ phút này tôi luôn theo sát Hoàng Gia, trinh sát viên giữ máy phương hướng bàn và Vương Hùng, kế toán viên giữ máy đo gió, áp suất, nhiệt độ. Hai người đồng đội của tôi sức khỏe rất tốt, có kinh nghiệm đi rừng núi. Đội hình thưa dần, chỉ huy tiểu đoàn truyền lệnh: “Bám sát đội hình”.
Chúng tôi đi như chạy, nghe rõ tiếng thở hổn hển những bước đi nặng nề vội vã, tiếng va quệt của các bộ phận khiêng vác. Chỉ huy các cấp thúc giục chiến sĩ phải bám sát đội hình. Những người bị chuột rút, đau chân không theo kịp, được nhắc nhở nhường đường cho các đồng chí mang vác súng, đạn vượt lên trước. 30ma
Phía đông đã hứng sáng, đoàn quân mang vác nặng nề vẫn đang được nhắc nhở tăng tốc. Nặng nhọc nhất vẫn là cánh pháo thủ mang vác pháo đạn; đã hơn mười tiếng mang vác nặng nhọc nhưng không có người thay thế. Hai người mang vác một quả đạn 50kg, bốn người khiêng nòng và bệ chân pháo cũng vô cùng nặng nhọc. Không một tiếng kêu ca, mọi người đều quyết tâm hoàn thành nhiệm vụ.
Trời đã sáng rõ, chúng tôi vượt qua một thung lũng, với những tràn ruộng bậc thang lâu ngày không được canh tác, rồi leo dốc lên những ngọn đồi nhỏ. Tiểu đội trinh sát cùng với Đại đội trưởng Ngô Xuân Dung, đuổi kịp nhóm của Tiểu đoàn trưởng Bùi Quang Sào ở một đỉnh đồi lúp xúp cây non cũng là nơi đặt trận địa bắn. Nhận mục tiêu và vị trí đặt pháo từ tiểu đoàn trưởng, chúng tôi mắc máy phương hướng bàn, máy đo gió, cũng là lúc các khẩu đội chiếm lĩnh xong trận địa. Đúng 7 giờ sáng ngày 12/1/1968, một ngày đáng nhớ đi vào lịch sử sách hào hùng của Binh chủng Pháo binh quân đội ta.
Trinh sát viên Hoàng Gia đọc phần tử cho các khẩu đội lấy hướng chuẩn. Kế toán viên Vương Hùng cung cấp các dữ liệu tốc độ, phương vị gió, áp suất không khí, nhiệt độ… tôi tính lượng sửa mặt đất và lượng sửa đường đạn để sửa bắn. Mười lăm phút sau, trận địa đã sẵn sàng đợi lệnh bắn. Đúng giờ G, Đại đội trưởng Ngô Xuân Dung, ra lệnh:
- Lắp vòng cản… Chuẩn bị, bắn… Chớp lửa lóe sáng, khói bụi, lá cây rơi lả tả khắp trận địa.
- Kiểm tra phần tử… Nạp đạn… Bắn…
Đài quan sát thông báo: “Đạn nổ tốt, trúng mục tiêu”.
Những quả đạn ra khỏi nòng được lắp thêm vòng cản, gây ra tiếng gầm rú khủng khiếp. Khi đạn nổ, sẽ bắn ra hàng ngàn mảnh gang nhỏ gây chết chóc và ở tâm điểm nổ nhiệt độ khoảng 2.700°C, nung chảy mọi thứ…
Sau ba loạt bắn, đại đội được lệnh thu pháo, theo đường cũ hành quân trở lại Nậm Bạc. Chúng tôi rời khỏi trận địa và chờ đợi cuộc phản pháo của đối phương. Nhưng không gian vẫn yên tĩnh, chỉ nghe thấynhững lời nhắc nhở của chỉ huy các cấp về kiểm tra vũ khí, khí tài và bám sát đội hình. Xuống khỏi chân đồi, nơi có những đồng đội đau yếu không theo kịp, đội hình chững lại một chút. Vẫn không có phản ứng gì của quân địch, mọi người xem xét lại ngụy trang cá nhân đề phòng máy bay địch rồi tổ chức hành quân tiếp.
Hơn mười tiếng đồng hồ mang vác nặng, đi như chạy từ khu vực Nậm Bạc vượt qua gần 30 km đường núi, đại đội chúng tôi đã tới được khu vực Huội Ngát tập kích hỏa lực, tiêu diệt Sở chỉ huy dã chiến và trận địa pháo GM15 quân ngụy Lào. Chiến dịch Nậm Bạc toàn thắng, Tiểu đoàn 158 pháo binh thuộc Sư đoàn 316 hành quân về nước. Tiểu đoàn giữ lại 1 đại đội và bổ sung 2 đại đội cối 120 ly, cùng sư đoàn tham gia chiến dịch giải phóng Pa Thí. Trung đoàn 158 hành quân vào Tây Nguyên, nay là Lữ 40 thuộc Quân đoàn 3.
Rồi mấy tiếng đồng hồ sau, gần trưa hôm đó những chiếc N2 của không quân ta đã ném đạn cối 160 mm phá hủy những dàn ra đa của Mỹ trên đồi Pa Thí ở Hủa Phăn (Sầm Nưa).
Lần đầu tiên đại đội tôi dùng hỏa tiễn bắn phá và cũng lần đầu tiên không quân của ta chọc mù mắt đài không lưu của không quân Mỹ ở Pa Thí, đó là kỳ tích. Kẻ thù hoang mang lo sợ; còn chúng tôi những người lính “chân đồng vai sắt” luôn tự hào với những chiến công, thành tích của Binh chủng Pháo binh Việt Nam.
Trung tá Nguyễn Kim Chúc