Hai nước Việt Nam và Lào có chung đường biên giới, có vị trí địa lý cận kề, có những nét lịch sử văn hóa tương đồng. Việt Nam và Lào sớm có mối quan hệ mật thiết gắn bó máu thịt. Tình đoàn kết hữu nghị giữa hai dân tộc Việt – Lào bền chặt.
Chuyên gia quân sự Việt Nam với Bộ đội Pa-thét Lào. (ảnh tư liệu)
Gần một thế kỷ dưới ách thống trị của thực dân Pháp, hai dân tộc đã gắn bó với nhau trong cuộc đấu tranh chống kẻ thù chung. Có chung cảnh ngộ mất độc lập, tự do, từ rất sớm tình đoàn kết chiến đấu giữa hai dân tộc được hình thành như một lẽ tự nhiên tất yếu. Nhân dân Việt Nam và nhân dân Lào đã tự liên kết nổi dậy đấu tranh chống thực dân Pháp với những hình thức khác nhau.
Tháng 2/1930, Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời, tháng 10/1930 đổi tên thành Đảng Cộng sản Đông Dương, nhận trách nhiệm lãnh đạo cách mạng Đông Dương. Cuộc đấu tranh của nhân dân Việt Nam và Lào trở nên gắn bó khi Hội nghị Trung ương lần thứ 8 (tháng 5/1941) khẳng định: “Cuộc cách mạng Đông Dương hiện nay là cuộc cách mạng dân tộc giải phóng”, chỉ rõ vấn đề đấu tranh không phải là giải phóng riêng rẽ từng xứ mà các dân tộc Đông Dương phải thành lập các đoàn thể phản đế nhằm đi đến thành lập Mặt trận thống nhất phản đế Đông Dương. Hội nghị Trung ương lần thứ 8 quyết định thành lập, Việt Nam độc lập đồng minh (Việt Minh) đồng thời chủ trương hết sức giúp đỡ Lào tổ chức Ai Lao độc lập đồng minh.
Tháng 9/1945, tổ chức Lào Ítxala và Việt kiều yêu nước nhất trí thành lập liên quân Lào – Việt, Tháng 11/1945, Ban Thường vụ Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương chỉ thị cho Xứ ủy Lào đẩy mạnh võ trang tuyền truyền vận động quần chúng, phát triển chiến tranh du kích “đặng bao vây lại quân Pháp ở những nơi sào huyệt của chúng và quét sạch ra khỏi đất Lào”. Liên quân Lào – Việt tổ chức ở nhiều nơi và đến năm 1947 nhiều tỉnh thuộc Chiến khu 4 đã tổ chức liên hệ phối hợp, giúp đỡ các địa phương Lào đẩy mạnh đấu tranh. Ngày 30/10/1949, Thường vụ Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương quyết định tổ chức các lực lượng quân sự Việt Nam sang giúp Lào chiến đấu thành hệ thống riêng, lấy tên là Quân tình nguyện. Thực hiện nhiệm vụ quốc tế, cán bộ và Quân tình nguyện Việt Nam đã giúp đỡ nhân dân Lào xây dựng cơ sở chính trị và vũ trang quần chúng, phát động chiến tranh du kích rộng khắp. Thực hiện chủ trương đẩy mạnh chi viện quân sự cho các chiến trường Lào, riêng năm 1951 lực lượng cán bộ và bộ đội Việt Nam chi viện cho chiến trường Lào tăng lên 12.000 quân.
Tháng 4/1953, Chính phủ Việt Nam và Chính phủ Lào kháng chiến quyết định mở chiến dịch Thượng Lào. Lực lượng quân đội Việt Nam gồm Đại đoàn 308, Đại đoàn 304, các Đoàn tình nguyện Việt Nam là 80, 81 82, 83 phối hợp với 5 đại đội bộ đội Lào Ítxala cùng hàng ngàn dân quân du kích, dân công hỏa tuyến tiến công giải phóng hoàn toàn tỉnh Sầm Nưa, một phần tỉnh Xiêng Khoảng và Phong xa lỳ. Thắng lợi của chiến dịch mở ra một vùng hậu phương kháng chiến rộng lớn của cách mạng Lào nối liền vùng tự do Việt Nam, tạo ra thế phối hợp chiến lược giữa hai nước. Các đơn vị Quân tình nguyện Việt Nam ở Thượng Lào, Trung Lào, Hạ Lào đã vượt qua muôn vàn khó khăn gian khổ, sát cánh cùng quân dân Lào chiến đấu và công tác. Từ chiến dịch Thượng Lào năm 1953 trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp, Quân tình nguyện Việt Nam thể hiện rõ vai trò là lực lượng nòng cốt trong liên minh chiến đấu, gồm các đại đoàn chủ lực và các đoàn tình nguyện, phối hợp tác chiến với lực lượng bạn Lào giành thắng lợi trên các chiến trường.
Sang thời kỳ chống đế quốc Mỹ, thực hiện lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh “Giúp bạn là mình tự giúp mình”. Lần lượt các Đoàn cố vấn, chuyên gia quân sự 100, 959, 463, 565 và các Đoàn Quân tình nguyện 335, 316, 763, 766, 968, 866 đã sang chiến trường Lào dốc sức giúp bạn xây dựng lực lượng, củng cố vùng giải phóng để kháng chiến lâu dài. Tất cả các chiến sĩ Việt Nam đều thấm nhuần lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh “Phải chấp hành sự lãnh đạo của Chính phủ kháng chiến Lào, tuyệt đối không được tự cao, tự đại, bao biện, phải luôn đoàn kết với cán bộ, chiến sĩ và nhân dân Lào”.
Tháng 7/1954, thành lập Đoàn cố vấn quân sự phiên hiệu là Đoàn 100, có nhiệm vụ giúp quân đội Pathét Lào trong tình hình cách mạng mới của bạn. Cán bộ, thành viên của Đoàn 100 được tuyển chọn từ các cơ quan Bộ Tổng tư lệnh, các đơn vị chủ lực, bộ đội địa phương, một số cán bộ đã hoạt động ở Lào. Ngoài việc tập trung giúp đỡ về tổ chức biên chế, giáo dục chính trị trong huấn luyện quân sự, cán bộ đoàn còn hướng dẫn các đơn vị bộ đội bạn luyện tập các kỹ thuật cơ bản như: bắn súng nguyên tắc vận dụng các hình thức chiến thuật từ tổ 3 người đến tiểu đội, trung đội, đại đội, tiểu đoàn. Năm 1958, Đoàn 100 hoàn thành nhiệm vụ về nước.
Trước yêu cầu nhiệm vụ mới của cách mạng Lào, theo đề nghị của Đảng Nhân dân Cách mạng Lào, tháng 9/1959, Bộ Quốc phòng Việt Nam ra quyết định thành lập Đoàn 959 (Đoàn công tác miền Tây). Nhiệm vụ của Đoàn là trực tiếp làm chuyên gia về quân sự cho Quân ủy Trung ương và Bộ Chỉ huy tối cao Quân đội Pathét Lào, tổ chức chi viện vật chất cho cách mạng Lào, trực tiếp chỉ huy các đơn vị bộ đội Việt Nam hoạt động ở khu vực Sầm Nưa, Xiêng Khoảng và Viêng Chăn. Đoàn 959 đã tham gia cùng các lực lượng bạn bố trí đón và đưa Hoàng thân Xuphanuvông cùng các vị lãnh đạo của Neo Lào Hắc xạt được giải cứu khỏi trại giam Phôn Khêng về căn cứ an toàn tháng 5/1960.
Giai đoạn 1960 – 1965, thực hiện sự thỏa thuận hai Đảng, hai Chính phủ, hai quân đội, Quân ủy Trung ương và Bộ Tổng tư lệnh đã điều các Đoàn chuyên gia quân sự 959, 463 khu vực Cánh Đồng Chum – Xiêng Khoảng, 763 khu vực Hạ Lào. Các đơn vị Sư đoàn 312, 316, 335, 330, 324, 304 trực thuộc Bộ và các Quân khu Tây Bắc, Quân khu 4 làm nhiệm vụ quốc tế ở Lào. Quân tình nguyện chính trị và Chuyên gia quân sự việt Nam đã giúp bạn phát triển lực lượng chính trị và vũ trang, xây dựng căn cứ kháng chiến tạo nên bước phát triển quan trọng cho cách mạng Lào và thế phối hợp chi viện giữa hai chiến trường hai nước.
Tháng 4/1962, Quân ủy Trung ương (Việt Nam) quyết định thành lập Đảng ủy Mặt trận Thượng Lào và thành lập Bộ Tư lệnh chiến dịch Nậm Thà. Tham gia Bộ Tư lệnh chiến dịch có đông chí Tư lệnh Quân khu Tây bắc Bằng Giang đồng thời là Tư lệnh Quân tình nguyện Bắc Lào và một số cán bộ cao cấp khác của Việt Nam. Phía Lào có đồng chí Xixavạt Kẹobunphăn, Tổng Tham mưu trưởng Quân đội Pathét Lào. Lực lượng tham gia chiến dịch, Quân tình nguyện Việt Nam có Lữ 316, Lữ 335, D3/Lữ 330 và các Tiểu đoàn pháo binh 75, cối 120 ly, cao xạ 12,7 và các đơn vị bảo đảm khác. Phía bạn có Tiểu đoàn 2, Tiểu đoàn 701 và 2 đại đội với dân quân du kích cấp xã. Toàn chiến dịch đã tiêu diệt 2.000 tên địch thuộc lực lượng cơ động chiến lược của quân ngụy Viêng Chăn trong đó 3 binh đoàn bị tiêu diệt và thiệt hại nặng. Chiến dịch Nậm Thà đã đập tan cứ điểm lớn nhất lúc bấy giờ, cũng là cứ điểm tiền tiêu của khối SEATO. Một đòn đánh mạnh vào âm mưu của Mỹ và chính quyền tay sai Phu-mi-nô-xa-vẳn, làm cho tinh thần quân đội đánh thuê hoang mang, dao động. Uy tín của Neo Lào Hắc xạt và quân đội giải phóng nhân dân Lào nâng cao.
Giai đoạn 1965 – 1973, các đơn vị Quân tình nguyện và Chuyên gia quân sự Việt Nam tập trung giúp bạn xây dựng lực lượng vũ trang, đẩy mạnh phối hợp mở các chiến dịch lớn đánh địch ở Bắc, Trung, Nam Lào góp phần đánh bại chiến lược chiến tranh đặc biệt của Mỹ và tay sai. Như các chiến dịch Nậm Bạc năm 1968, Pa Thí, Nà Khằng, Sầm Nưa năm 1968, các chiến dịch tiến công và phòng ngự ở Cánh Đồng Chum – Xiêng Khoảng từ năm 1969 đến 1973, và các chiến dịch Đường 9 Nam Lào… mà trong đó các đơn vị Quân tình nguyện Việt Nam là lực lượng chủ yếu, nòng cốt trong liên minh chiến đấu ở các chiến dịch lớn nêu trên. Từ năm 1973 – 1975, với sự phối hợp giúp đỡ hiệu quả của Quân tình nguyện và Chuyên gia quân sự Việt Nam, các lực lượng vũ trang yêu nước Lào đã đấu tranh buộc kẻ địch phải thực hiện Hiệp định Viêng Chăn giữ vững hòa bình, tạo thế, tạo lực tiến lên thực hiện thắng lợi các đòn chiến lược quân sự, chính trị, ngoại giao, kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến chống Mỹ ở Lào năm 1975.
Từ năm 1977 – 1987, tình hình Lào diễn biến phức tạp, kẻ địch tập trung chống phá cách mạng bạn. Hai Đảng, hai Nhà nước đã thỏa thuận cử một số đơn vị chủ lực trở lại đất Lào tham gia phối hợp lực lượng bạn để truy quét tàn quân địch do bọn phản động bên ngoài hỗ trợ, bảo vệ chính quyền trung ương tới cơ sở của Lào. Các đơn vị lần lượt cơ động sang Lào là Sư đoàn 324, 325, 968, 379, 335 tham gia phối hợp cùng lực lượng bạn tiêu diệt nhiều quân địch, giữ vững ổn định an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội tạo thuận lợi cho đất nước bạn phát triển kinh tế – xã hội – quốc phòng và an ninh.
Xuyên suốt chiều dài lịch sử liên minh chiến đấu Việt Nam và Lào, Quân tình nguyện và chuyên gia quân sự Việt Nam luôn thấm nhuần lời dạy của Bác Hồ “Giúp bạn là tự giúp mình”. Quân tình nguyện và Chuyên gia quân sự Việt Nam luôn kề vai sát cánh cùng với lực lượng vũ trang và nhân dân bạn, là nòng cốt trong liên minh chiến đấu Việt – Lào. Quân tình nguyện có lực lượng liên tục thường xuyên hoạt động tác chiến, xây dựng cơ sở đi suốt chiều dài cuộc kháng chiến, sống trong lòng nhân dân và lực lượng cách mạng bạn như Sư đoàn 316, Sư đoàn 968, Lữ đoàn 766, Trung đoàn 866, 335, 82. Các đơn vị Quân tình nguyện cơ động là những quả đấm thép giải quyết các chiến dịch then chốt như Sư đoàn 316, 312, 320, 308, 304, 324, 325, Sư đoàn 2 và các trung, lữ đoàn binh chủng chiến đấu và bảo đảm… Các đoàn Chuyên gia quân sự các cấp đã dốc lòng dốc sức giúp bạn xây dựng cơ sở vững mạnh, củng cố hậu phương giúp bạn kháng chiến lâu dài cho tới ngày toàn thắng. Bảy mươi năm truyền thống Quân tình nguyện và Chuyên gia quân sự Việt Nam tại Lào (30/10/1949 – 30/10/2019) là pho sử vẻ vang của cuộc kháng chiến vĩ đại chống giặc ngoại xâm của hai dân tộc Việt – Lào. Quân tình nguyện và Chuyên gia quân sự Việt Nam luôn thực hiện thắng lợi đường lối quốc tế vô sản trong sáng của Đảng và lời dạy của Bác Hồ kính yêu, đánh thẳng thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược. Quân tình nguyện và Chuyên gia quân sự Việt Nam khi máu xương đã hòa quyện trên đất nước Lào, thực sự là lực lượng nòng cốt trong liên minh chiến đấu Việt – Lào, đã vượt qua mọi thử thách gian nan cho tới ngày toàn thắng.
Thiếu tướng Bùi Minh Thứ
Nguyên Phó Tư lệnh, tham mưu trưởng Quân khu Thủ đô.