Tháng 8/1945, nhân dân các bộ tộc Lào dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Đông Dương, trực tiếp là Xứ ủy Lào đã đứng lên đập tan ách thống trị của Phát xít Nhật giành độc lập cho đất nước Lào 12/10/1945. Nhưng ngay sau đó, thực dân Pháp đã nấp dưới bóng quân đồng minh vào tước khí giới quân Nhật để quay trở lại xâm lược nước Lào.
Tháng 3/1946 quân Pháp do tướng Alexandrie chỉ huy đưa quân từ Campuchia và từ Trung bộ Việt Nam tiến đánh các tỉnh Hạ Lào, Trung Lào và thủ đô Viêng Chăn. Chúng đã bị quân dân Lào cùng liên quân Lào – Việt Nam tại các tỉnh Savannakhet, Thà Khẹt, Viêng Chăn chiến đấu quyết liệt, gây cho chúng nhiều tổn thất. Lúc bấy giờ ở Xiêng Khoảng, sau khi giành chính quyền, lực lượng vũ trang, các đoàn thể mới được thành lập chưa được củng cố sức mạnh, còn bọn tàn quân Pháp sau khi Nhật đảo chính đã chạy trốn vào rừng. Chúng được bọn tay sai do Tubi – một tên trùm phản động thân Pháp, cầm đầu và bảo vệ, tổ chức dân vệ phối hợp với tổ chức quân Com-măng-đô đã nhân cơ hội đó tiến vào chiếm thị xã Xiêng Khoảng, giết nhiều người Lào yêu nước. Riêng ở hai bản Pà Đông, Đông Đàn, chúng giết và cướp tài sản của hàng trăm Việt kiều. Sau đó, chúng tỏa ra các địa phương đặt lại ách thống trị.
Cuối tháng 6/1946, Pháp cho đội quân Com-măng-đô cùng với lực lượng dân vệ do tên Tubi cầm đầu kéo xuống Noọng Hét bao vây hai bản Kẹo-ba-tu và bản Phắc-lắc nhằm tiêu diệt lực lượng chống đối do các ông Phay Đang, Nhia Vư và Tho-tu chỉ đạo (Tubi và các ông Phay Đang, Tho-tu vốn có mâu thuẫn với nhau từ thời Pháp thuộc đến khi Nhật đảo chính Pháp).
Đây là cuộc chiến đấu một mất một còn, giữa một bên là dân Mông hai bản nói trên với một bên là quân xâm lược Pháp gồm toàn lính Com-măng-đô thiện chiến cùng bọn dân vệ do tên Tubi, một tên trùm phản động thân Pháp lại có mối thù riêng không đội trời chung với các ông Phay Đang và Tho-tu.
Dân hai bản Kẹo-ba-tu và Phắc-lắc có khoảng trên 50 hộ dân người Mông do các ông Phay Đang, Nhia Vư và Tho-tu cầm đầu đã thực hiện một hình thức đấu tranh quân sự mang tính toàn dân với cách đánh du kích linh hoạt chủ động. Người dân được phân công rõ ràng, thanh niên và những người có vũ khí (súng kíp, nỏ) được chia thành các tốp bố trí phục kích bắn trả. Phụ nữ lo cơm nước tiếp tế cho mọi người và trông nom trẻ con, phục vụ người bị thương. Các ông già thì làm thuốc súng và làm đạn ghém bằng chì hoặc bằng gang đập vụn ra. Cuộc chiến đấu diễn ra không kể ngày đêm. Du kích tỏa ra ngoài rừng, đánh vào sau lưng quân địch khiến chúng bị bất ngờ và bị thiệt hại nhiều, hàng chục tên bị thương vong, có cả sĩ quan cấp úy người Pháp. Tuy nhiên, với lực lượng đông, chúng siết chặt vòng vây, hy vọng dân và du kích bị đói, đồng thời tăng cường bắn phá vào bản hòng buộc họ đầu hàng nhưng chưa hiệu quả.
Về phía chỉ huy, các ông đã thống nhất kế hoạch cần phải bảo toàn lực lượng, bảo vệ tính mạng và tài sản của dân, cần bí mật lợi dụng đêm tối đưa toàn bộ dân bản rút ra vùng biên giới Việt Nam. Trận đánh diễn ra suốt 3 ngày đêm. Hai ngày đầu, địch vừa đánh vừa thăm dò. Chúng tập trung quân từ xa, rồi cho hai cánh quân tiến vào hai bản. Phía chống lại theo kế hoạch, cho dân bản tản vào rừng, mang theo những tài sản quan trọng. Các tay súng thì bố trí trên những điểm địch có thể đi qua để bắn tỉa vào những mục tiêu quan trọng như: bọn Tây chỉ huy, những tên mang súng ngắn, hoặc súng cối, súng máy… Có những đoạn hiểm yếu trên vách đá, dưới suối sâu, vực thẳm thì chặt cây cho cây đổ chặn đường, buộc chúng phải dừng lại rồi tập trung các tay súng bắn một lúc vào đám đông, gây cho chúng nhiều thiệt hại.
Sang ngày thứ ba, địch tập trung bắn súng cối và súng trọng liên vào bản. Các ông chỉ huy đã gặp nhau bàn kế hoạch và thống nhất nhận định, tình hình là địch sẽ tập trung triệt hạ hai bản, bắt dân chuyến đi nơi khác, tìm bắt các vị chỉ huy những kẻ thù của bọn tay sai. Dân và các tay súng đã rất hăng hái trong hai ngày qua nhưng tình hình không thể kéo dài, cần phải bảo toàn lực lượng và bảo vệ tính mạng tài sản của dân. Bằng cách lợi dụng đêm tối và thông thạo đường đi lối lại trong rừng, ban đêm đưa dân làng rút ra rừng rồi theo hướng đông rút sang biên giới Việt Nam lánh nạn.
Ông Tho-tu chỉ huy một số tay súng ngắn chặn bọn địch bằng cách chia tổ quấy rối địch, rồi rút theo sau để bảo vệ dân, nếu kẻ địch phát hiện truy đuổi. Kết quả sau ba ngày chiến đấu, bọn địch bị thương vong hàng chục tên, trong đó có một tên quan Tây.
Cùng thời gian này, Pháp đã chiếm thị xã Sầm Nưa, tỉnh Hủa Phăn. Đội vũ trang gồm 30 người cùng với 16 tay súng do ông Xiêng Xinh (tức ông Phìa Hom) phụ trách cũng đã rời địa bàn, theo sông Nậm Mô rút về Cửa Rào thuộc huyện Tương Dương, tỉnh Nghệ An để được sự giúp đỡ.
Trước tình hình biên giới Nghệ An – Xiêng Khoảng có sự biến động, tỉnh Nghệ An một mặt báo cáo lên Khu ủy Khu 4, mặt khác giao cho phủ Anh Sơn cử cán bộ lên ngay biên giới tiếp nhận và cùng với địa phương giải quyết việc sinh sống cho hai lực lượng nói trên.
Phủ Anh Sơn đã cử đồng chí Lê Văn Bính – Phó Chủ tịch huyện Con Cuông và đồng chí Lê Văn Diễm – Ủy viên tuyên truyền phủ Anh Sơn (phủ Anh Sơn hồi đó được tỉnh Nghệ An giao phụ trách cả hai huyện Con Cuông và Tương Dương) lên Mường Xén cùng với địa phương bàn bạc và quyết định đưa dân sang lánh nạn các vùng Mỹ Lý, Mường Lống và Khe Kiền, Mường Xén. Các địa phương trên giúp dân làm rẫy, dựng lán trại để ở. Đồng thời tổ chức việc canh gác, đề phòng bọn địch đột nhập đánh phá (việc này có sự phối hợp chặt chẽ với du kích địa phương bên Việt Nam).
Trước mắt, đề nghị tỉnh cung cấp muối, gạo, cá khô, thuốc men cần thiết để chữa bệnh và vải để may quần áo…
Về địa bàn cư trú các ông thỏa thuận, bộ phận của ông Phay Đang gồm Khe Kiền, Phu Quạc. Bộ phận của ông Tho-tu ở bên Mường Lống, Mỹ Lý do ở đây có một số bản người Mông cư trú, thời kỳ Khậu-phạ Pat-chay thất bại chạy sang lánh nạn.
Thời kỳ này ở tỉnh Nghệ An đối với phong trào kháng chiến ở Xiêng Khoảng có sự chồng chéo về chỉ đạo. Phía Nghệ An đã có lực lượng lên biên giới Mường Xén hoạt động chủ yếu ngăn chặn sự xâm chiếm của Pháp, đề phòng chúng cho quân tràn sang. Có cả một Tiếu đoàn là D264 từ đầu năm 1946. Phía Liên khu lại cử đồng chí Lý Thế Sơn (tức ông Kiếm, sau này là em “kết Xiều” với ông Tho-tu) từ Mặt trận đường 9 ra Mặt trận đường 7 tiếp nhận lực lượng của Nghệ An, trong lúc quân ta phân tán lực lượng.
Những năm tháng ở Mường Lống
Đến Mường Lống, sau khi tiếp xúc với địa phương, nhất là sau khi gặp gỡ trao đổi với cán bộ tỉnh Nghệ An và đồng chí Lý Thế Sơn (tức ông Kiểm), ông Tho-tu đã xác định được, ông đưa anh em bà con và dân Mông sang Việt Nam không chỉ là đi lánh nạn mà quan trọng hơn là sang để cùng anh em Việt Nam đoàn kết, xây dựng lực lượng để cùng đánh Pháp xâm lược và tay sai, giành độc lập cho hai đất nước. Vùng Mường Lống, tây Nghệ An không chỉ là chỗ dựa mà còn là hậu phương vững chắc cho Cách mạng Lào, cho dân Mông và lực lượng vũ trang H’Mông.
Ông cũng nhận ra du kích là từ trong dân Mông. Du kích muốn mạnh phải được nhân dân giúp đỡ, nuôi dưỡng. Dân có thóc gạo, ngô, mới nuôi được du kích. Du kích mạnh mới bảo vệ được dân. Hơn nữa, dân cũng là du kích mà du kích cũng là dân. Cho nên khi vào vùng đất mới, ông Tho-tu (cũng như lực lượng của ông Phay Đang cũng vậy) đã khảo sát vùng đồi núi này và phân chia người dân ra từng cụm, từng xóm để làm nhà dựng bản rồi hướng dẫn cho dân phát rẫy trồng lúa, trỉa ngô.
Khi đang triển khai công việc thì Ban Biên chính Khu 4 cử cán bộ đến Mường Lống xem có phải giúp đỡ gì thì giải quyết cho kịp thời. Lo cho sự sinh sống, làm ăn của dân mới đến được ổn định đồng thời giúp đỡ đơn vị du kích H’Mông do ông Tho-tu chỉ huy.
Theo đồng chí Nguyễn Văn Viên và đồng chí Nguyễn Xuân Trình kế lại: “Chưa ngồi ấm chỗ, cả vùng còn bề bộn, ngổn ngang, anh Tho-tu đã dẫn chúng tôi ra quan sát địa hình khu dân cư vừa mới tản cư đến. Anh bảo họ Già của tôi đông lắm, hàng trăm gia đình. Một nửa còn ở trong vùng địch kiểm soát, còn một nửa từ Phắc-lắc, Kẹo-ba-tu, Noọng Hét kéo nhau về đây để lánh nạn. Nói cho đúng hơn là về đây để cùng kháng chiến, cùng đi làm Cách mạng” (đồng chí Viên đã ở Xiêng Khoảng nhiều năm biết tiếng Lào và tiếng Mông. Đồng chí Trình là cán bộ Ban Biên chính đã công tác ở Mường Mô cùng dân Mông). Rồi anh Tho-tu chỉ dãy đồi núi tiếp nhau chạy dài bao quanh dãy núi đá cao vút phía trước rồi nói tiếp: “mỗi khoảnh đồi tôi bố trí một cụm dân khoảng 10-15 gia đình rồi chỉ định một người làm trưởng cụm kiêm chỉ huy du kích”.
Dân đang dựng lán, làm nhà sát vách núi phía sau là một hang núi, có một dòng suối ngầm nước chảy ra trong vắt. Lập bản như thế này rất thuận lợi, có nơi làm rẫy, có chỗ trồng thuốc phiện tốt. Có hang để trú mưa, cất giấu tài sản. Có nước sinh hoạt. Những điểm dân cư thế này không dễ kiếm.
Anh Tho-tu còn cho biết, ở mỗi bản anh chọn 5 tay súng làm du kích trang bị súng đạn đầy đủ. Ngoài ra, mỗi gia đình tùy theo số con trai còn có một đến hai khẩu súng kíp nữa. Con trai H’mông theo tập quán từ mười tuổi trở lên đã biết sử dụng súng đi săn.
Chúng tôi hỏi các cụm dân cư có tất cả bao nhiêu tay súng. Anh bảo tôi chưa đếm được nhưng chắc chắn gia đình nào cũng có một khẩu. Rồi anh nói tiếp “có hai việc rất cần, rất cấp bách là dân về đây không mang theo được mảnh sắt nào để làm dao, làm súng, nhất là muối ăn không còn một hạt. Thiếu muối chân tay rã rời không làm được việc gì nữa. Vậy đề nghị các anh báo cáo lên Cụ Tài giúp ngay cho để dân có muối ăn, có sắt để rèn dao, làm súng thì mới đánh giặc Pháp lâu dài được”. Anh còn nhấn mạnh làm súng kíp thì phải có thép tốt. Kinh nghiệm người H’mông thì thép nhíp các loại xe là thép tốt nhất!
Vậy là, chỉ một thời gian rất ngắn mà chúng tôi nắm được tình hình và yêu cầu cấp thiết của người Mông di cư sang.
Bà Pany Tho-tu, Chủ tịch Quốc hội Lào (con gái người Anh hùng các dân tộc Lào Tho-tu Gia-xay-chu) cùng cựu chiến binh Đào Văn Tiến – cựu Chuyên gia quân sự Việt Nam tại Lào trao đổi nội dung ấn phẩm viết về cha mình sắp xuất bản (Viêng Chăn, 6/2019)
Đào Văn Tiến
Người chỉ huy trận đánh Pháp đầu tiên ở Xiêng Khoảng – cùng với các ông Phay Đang, Nhia Vư