Trong Chương trình hoạt động “ Theo dấu chân Chủ tịch Xuphanuvông” tại Việt Nam, nhân kỷ niệm lần thứ 100 ngày sinh (13-7-1909 – 13-7-2009), có cuộc gặp gỡ, giao lưu thân tình giữa cựu chuyên gia và cựu quân tình nguyện Việt Nam với Đoàn đại biểu nhân sĩ, trí thức và các con, cháu của cố Chủ tịch Xuphanuvông do Liên hiệp các Tổ chức hữu nghị Việt Nam và Trung ương Hội hữu nghị Việt Nam-Lào, tổ chức tại nhà Hữu nghị 105A, phố Quan Thánh, Hà Hội. Là Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Hội hữu nghị tham dự cuộc gặp mặt này, tôi có dịp gặp Thiếu tá Lê Thị Hiền, phu nhân của ông Nguyễn Tử Quý, nguyên Trưởng ban quân báo kiêm giao liên tuyến mật Việt Nam-Lào-Thái Lan, có chiến công đặc biệt xuất sắc đón Hoàng thân Xuphanuvông từ Thái Lan, vượt qua vòng vây địch, đi Việt Bắc gặp Bác Hồ.
Đã từ lâu tôi muốn viết lại câu chuyện đẹp này, nhưng chưa có nguồn tư liệu chính xác. Như có hồn thiêng mách bảo, trong cuộc gặp bà Lê Thị Hiền tôi được biết ông Nguyễn Tử Quý đã dành thời gian viết hồi ký kể lại kỷ niệm sâu sắc nhất trong đời làm quân báo, để lại cho con cháu. Tại cuộc gặp tình nghĩa với các bạn Lào thân thiết, bề bộn nghi thức và những phát biểu của cựu chuyên gia, cựu quân tình nguyện Việt Nam từng phục vụ Hoàng thân Chủ tịch, tôi không có nhiều thời gian hỏi chuyện với bà Hiền, chỉ kịp xin số điện thoại và địa chỉ gia đình bà.
Theo lời hẹn, ngay ngày hôm sau tôi đến thăm gia đình bà tại nhà số 8, ngách 3/77, đường Thái Hà, Hà Nội. Tôi được bà Hiền cho xem lý lich trích ngang của ông Nguyễn Tử Quý. Ông sinh ngày 2-2-1922, tại xã Phú Mỹ, huyện Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên-Huế trong một gia đình công nhân ngành xe lửa. Sớm giác ngộ tinh thần yêu nước, 22 tuổi ông đã sang Lào, tham gia Hội Việt kiều cứu quốc tại tỉnh Khăm Muộn, vào Đảng Cộng sản Đông Dương tháng 7 năm 1945 tại chi bộ Đảng ở Thà Khẹc. Từ tháng 8 năm 1947, là chiến sĩ tình nguyện quân tại Lào, Chính trị viên Đội tình nguyên quân chuyên đảm nhận nhiệm vụ đặc biệt đưa đón cán bộ, chiến sĩ từ Lào về Quân Khu IV và ngược lại. Tiếp đó ông được cử làm Trưởng Ban chính trị Tiểu đoàn 365; rồi Trưởng Ban quân báo kiêm giao liên tuyến mật Việt Nam- Lào- Thái Lan.
Sau khi thắp hương xin phép ông, bà Hiền đem cuốn hồi ký và tấm ảnh Hoàng thân Xuphanuvông tặng ông cho tôi xem. Bao chi tiết quý về cuộc hành trình lịch sử có cả đây, thời gian ngắn không thể ghi hết vào sổ. Tôi có nhã ý muốn mượn cuốn hồi ký đem đi photocopy, nhưng không được bà đồng ý. Bà cho biết, sau khi viết xong cuốn sách này, ông Quý cho con đem photocopy nhiều bản. Đã có nhà văn, nhà báo đến mượn sách, nói là để viết văn, viết báo, không trả lại tài liệu, mà cũng chẳng thấy sách, chẳng thấy báo đăng. Còn mỗi cuốn này, để bàn thờ ông, các cháu không cho mang ra khỏi nhà. Biêt chuyện photocopy không được, tôi xin phép bà cho chụp lại những trang viết của ông. Trong nhà không đủ ánh sáng, tôi đem cuốn hồi ký ra sân, đặt trang trọng trên bàn, lần giở từng trang, bấm máy trong ánh sáng trời tự nhiên.
Gửi lại bà Hiền cuốn hồi ký đánh máy, tôi còn được nghe bà kể chuyện về ông. Bà nói, cuộc sống và công việc của chiến sĩ quân báo như ông Quý bận rộn, khẩn trương và vất vả lắm. Luôn phải xa bản, xa dân, gần như quanh năm ngày tháng sống trong rừng, ăn lương khô, rau rừng, uống nước suối. Ông Quý bị cơn sốt rét quái ác quật đổ bệnh, phải được đưa về điều trị tại Viện quân y 108. Trong những ngày điều trị bệnh, chăm sóc sức khỏe cho ông, cảm phục tinh thần yêu nước, hiền lành và quý mến ông, bà đã kết bạn đời với ông. Điều trị dứt cơn sốt rét, ông Quý lại đeo ba lô , túi dết đi chiến trường. Công việc cuốn hút, ông ít có thời gian về thăm gia đình. Bà kể, có lần ông được ghé qua Hà Nội ít ngày thăm vợ, nhưng bà lại đang làm việc tại Yên Bái, bởi ở bệnh viện không thể thiếu bàn tay bà trong nhiều ca mổ. Hiểu công việc của nhau, vì nhiệm vụ chung, ông và bà lại tiếp tục xa nhau trong tình thương nỗi nhớ da diết…
Có nguồn tư liệu quý qua cuốn sổ ghi chép của ông và qua câu chuyện bà Hiền kể, tôi đã viết bài “ Người bảo vệ Hoàng thân Xuphanuvông đi Việt Nam gặp Bác Hồ”. Câu chuyện được kể từ sau thắng lợi Cách mạng Tháng Tám năm 1945 ở Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã cử ông Lê Văn Hiến vào Vinh (Nghệ An) mời Hoàng thân Xuphanuvông ra Hà Nội và tiếp Hoàng thân vào ngày 4 tháng 9 năm 1945, bàn về liên minh chiến đấu chống kẻ thù chung. Sau cuộc gặp lịch sử này, Hoàng thân Xuphanuvông về nước tham gia lãnh đạo cuộc kháng chiến chống thực dân xâm lược. Ngày 12 tháng 10 năm 1945 (Xip xoỏng tu la), Lào tuyên bố độc lập và thành lập Chính phủ lâm thời Ítxalạ do Phaya Khămmao làm Thủ tướng. Hoàng thân Xuphanuvông phụ trách công chính…
Đúng như dự đoán của Đảng Cộng sản Đông Dương, dựa vào quân Anh và sự giúp đỡ của quân Nhật, thực dân Pháp trở lại xâm lược. Sau khi đánh chiếm Sài Gòn, quân Pháp huy động lực lượng bộ binh, xe tăng, thiết giáp, pháo binh và máy bay yểm trợ đánh chiếm Xavẳnnakhệt, Thà Khẹc. Ngày 24-4-1946, chiếm Thủ đô Viêng Chăn. Sau khi chiếm toàn bộ lãnh thổ Lào, thực dân Pháp khủng bố, giết hại dã man những người yêu nước. Chính phủ lâm thời Lào Itxalạ phải sơ tán sang Thái Lan. Trước khó khăn bộn bề, các thành viên Chính phủ lâm thời Itxalạ phân hóa. Ngày 25-10-1949, Thủ tướng Phaya Khămmao tuyên bố đầu hàng Pháp và giải tán chính phủ. Cùng ngày, tại Băng Cốc, Hoàng thân Xuphanuvông họp báo, tố cáo sự phản bội của Phaya Khămmao và tuyên bố cuộc kháng chiến của nhân dân Lào chống thực dân Pháp xâm lược vẫn tiếp tục và nhất định thắng lợi .
Tháng 11- 1947, chính phủ tiến bộ Priđi Phạ Nômnhông của Thái Lan bị tướng Phibun Xổngkham đảo chính lật đổ, lập chính phủ quân phiệt, khủng bố các đảng phái và tổ chức yêu nước Việt kiều ủng hộ cuộc kháng chiến ở Lào. Hoàng thân Xuphanuvông cho rằng từ Thái Lan chỉ đạo cuộc kháng chiến trong nước có nhiều khó khăn. Hơn nữa, chính phủ phái hữu do Phibun Xổngkham đứng đầu không ửng hộ cuộc kháng chiến ở Lào. Trước ngã ba lịch sử, Hoàng thân Xuphanuvông nhận được lời mời của Chủ tịch Hồ Chí Minh, đến căn cứ địa Việt Bắc để bàn bạc, thống nhất những vấn đề hệ trọng của hai nước.
Đơn vị giao liên mật Việt – Lào – Thái do đồng chí Trần Hoàn làm Bí thư chi bộ kiêm chỉ huy trưởng, đầu tháng 11 năm 1949 đi Băng Cốc nhận nhiệm vụ mới. Một tổ giao liên mật từ Khu IV sang Lào, gồm: Nguyễn Tử Quý (ảnh1) , Đào Ngọc Dung, Trương Văn Quý và Trương Đình Nghi … Đồng chí Trần Hoàn gặp tổ công tác mật giao nhiệm vụ đón đoàn khách đặc biệt: Hoàng thân Xuphanuvông, Hoàng thân Xuthixan và bác sĩ Đặng Văn Ngữ – một trí thức yêu nước từ Tokyo về Băng Cốc, đi Việt Nam gặp Bác Hồ. Đồng chí Nguyễn Tử Quý làm Chỉ huy trưởng, Đào Ngọc Dung làm Chỉ huy phó; Trương Văn Quý làm hướng đạo và Trương Đình Nghi phụ trách tổ hậu vệ.
Ông Nguyễn Tử Quý thời trai trẻ
Đoàn khách cùng các chiến sĩ Việt – Lào lên 3 chiếc thuyền chài, xuôi theo hữu ngạn sông Mê Công. Đến Bưng Khả, thuyền dừng lại để ba vị khách quốc tế chia tay người đi tiễn. Hoàng thân Xuphanuvông bắt tay, ôm hôn và cảm ơn đồng chí Trần Hoàn. Đi được 5 km, đoàn thuyền dừng lại quan sát, thấy an toàn, nhanh chóng bẻ lái hướng thuyền sang phía tả ngạn, mọi người lên bờ. Trời tảng sáng, tổ công tác đặc biệt ra hiệu cho khách nhanh chân vượt qua vùng kiểm soát của địch, rồi qua đường 13, tiến vào rừng sâu, qua tỉnh Bôlikhămxay. Giày của Hoàng thân rách, chân đau, nhưng Hoàng thân vẫn nén đau, đi nhanh cùng mọi người. Có đêm trời mưa, không đưốc, chỉ có ánh đèn pin le lói như đom đóm, mọi người phải vượt qua nhiều dốc cheo leo, hiểm trở. Có đoạn đường trơn, xuống dốc, thi thoảng Hoàng thân bị trượt chân, ngã. Nguyễn Tử Quý xin phép được mang giúp đồ tư trang, nhưng Hoàng thân không đồng ý.
Đi bộ gần một tháng trời, mọi người mới vượt qua phía tây Trường Sơn. Sang phía đông, có nhiều suối, dốc, nước chảy xiết, phải lội. Có đoạn, đi ngược dòng, không chèo thuyền được, phải chống thuyền. Gặp gềnh đá chắn ngang, các chiến sĩ phải lội xuống nước kéo thuyền, hoặc khiêng thuyền qua bãi đá. Có lần Hoàng thân Xuphanuvông bị trượt chân, trôi theo dòng chảy, nước suối cuốn đi mấy vòng, Nguyễn Tử Quý phải lao theo, ôm Hoàng thân, cõng lên bờ…
Sau 40 ngày hành quân, vượt qua nhiều đèo cao, suối sâu, đường hiểm trở ở Trường Sơn, mọi người mừng vui đến đường số 7. Chia tay các chiến sĩ giao liên tuyệt mật, Hoàng thân Xuphanuvông đã tặng Nguyễn Tử Quý tấm ảnh, có chữ ký và lưu bút: “Thân tặng ông Nguyễn Tử Quý. Kỷ niệm chuyến đi đầy gian khổ qua nước Lào, nhờ sáng suốt, sự tận tâm và tinh thần trách nhiệm của ông đã được thực hiện an toàn”
Tới Khe Choang, một ô tô ngụy trang như “lùm cây di động”, đón khách quốc tế. Cán bộ, chiến sĩ Phòng Biên chính Liên khu IV đón Hoàng thân Xuphanuvông từ làng Như Xuân, tổng Đặng Sơn, xuôi thuyền trên sông Lam đến Đô Lương (Nghệ An). Chủ tịch Ủy ban giải phóng Đông Lào Nuhắc Phumxavẳn và các ông Xingcapô Xikhốt Chulamani, Xột Phêtlaxỉ, Thạo Lầu tiếp đón trọng thị Hoàng thân Xuphanuvông.
Nghỉ lại ít ngày, Hoàng thân Xuphanuvông tiếp tục hành trình đến Việt Bắc. Đồng chí Nguyễn Chí Thanh vừa từ Khu ủy 4 ra, đưa Hoàng thân đến gặp Bác Hồ. Hôm đó, Hoàng thân mặc bờludông Mỹ, đội mũ páctidăng lật vành, chân đi đờmighêt, thắt lưng xanhtuyarông Mỹ, có khẩu súng côn và con dao nhỏ, vai khoác chiếc đài philip. Từ xa, thấy cụ già mặc quần áo gụ đang cuốc đất vun gốc cây, Hoàng thân Xuphanuvông như muốn trút bỏ bớt “trang bị” lỉnh kỉnh trên mình. Mọi người rảo bước đến gần Bác Hồ. Bác bắt tay Hoàng thân: “ Chú. Lâu ngày mới gặp. Đi đường dài chắc vất vả lắm”. Bác hỏi thăm sức khỏe “thím” và các cháu.
Rửa chân tay xong, Bác vào phòng làm việc, ngồi bên cạnh Hoàng thân. Trong khi làm việc, Bác đều nói “ Hoàng thân” và xưng là chúng tôi, hay tôi. Cuộc tiếp kiến diễn ra nhanh gọn. Trong bữa cơm Bác gọi Hoàng thân là “ chú”, hỏi thăm “thím” và “các cháu”. Tối hôm đó, Bác mời Hoàng thân và đồng chí Nguyễn Chí Thanh đến nhà sàn Bác ở. Đầu giường có chồng sách, trong đó có cuốn Nhà nước và cách mạng của V.I.Lênin. Chia tay ra về, Bác và Hoàng thân ôm hôn thắm thiết. Tay Hoàng thân vỗ mãi vào lưng Bác: “ Kính chúc Bác khỏe” . Bác nói: “ Chú lên đường bình an, cho tôi gửi lời thăm thím và các cháu…” Trên đường về, Hoàng thân rất vui, nhờ đồng chí Nguyễn Chí Thanh kiếm cho cuốn sách Nhà nước và cách mạng bằng tiếng Pháp và may cho Hoàng thân một bộ quàn áo bà ba. Ít ngày sau, sách Nhà nước và cách mạng và hai bộ quần áo bà ba được gửi kịp thời đến Hoàng thân. Từ đó, tại Đá Bàn, Làng Ngòi (Tuyên Quang), nhân dân địa phương thấy một ông già người Lào mặc quần áo bà ba, sống giản dị, chan hòa theo phong cách Bác Hồ ( ảnh 2)
Tại Việt Bắc, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Hoàng thân Chủ tịch Xuphanuvông có nhiều buổi đàm đạo về tăng cường tình hữu nghị láng giềng và liên minh chiến đấu Việt-Lào chống kẻ thù chung.
Từ ngày 13 đến ngày 15 tháng 8 năm 1950 hơn 100 đại biểu, đại diện cho lực lượng vũ trang, yêu nước họp Đại hội quốc dân Lào, bầu ra Neo Lào Itxalạ (Mặt trận Lào Tự do) và Chính phủ kháng chiến Lào. Ban lãnh đạo Trung ương Neo Lào Itxalạ do Hoàng thân Xuphanuvông làm Chủ tịch; cùng các đồng chí: Phumi Vôngvichit, Nuhắc Phumxavẳn, Cayxỏn Phômvihản, Khăm Tày Xiphănđon, Xingcapô Xikhôt Chulamani, Xỉxanạ Xixản, Thao Mừn, Thạo Ma… Chính phủ kháng chiến Lào, gồm : Hoàng thân Xuphanuvông, Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Bộ Ngoại giao; Còn có các vị Phumi Vôngvichit, Cayxỏn Phômvihản, Nủhắc Phumxavẳn, Xúc Vôngxắc, Xithôn Commađăm, Phayđang Lôbliayao…
Tại cuộc giao lưu với Đoàn đại biểu Lào nhân kỷ niệm 100 ngày sinh của Chủ tịch Xuphanuvông, ông Nguyễn Thế Nghiệp, cựu chuyên gia Thông tấn xã Việt Nam giúp Lào trước năm 1975, trao cho bà Nhọtkẹomani Xuphanuvông, đại diện gia đình cố Chủ tịch Xuphanuvông bức ảnh tư liệu quý, chụp năm 1972 tại Phu Khe-Sầm Nưa .
Trong dịp kỷ niệm 60 năm ngày truyền thống Quân tình nguyện Việt Nam tôi viêt bài cho báo Quân đội nhân dân, do khuôn khổ trang có hạn, chỉ kể được một phần cuộc hành trình lịch sử của các chiến sĩ quân báo Việt Nam đón Hoàng thân Xuphanuvông từ Thái Lan đi Việt Bắc. Sáng ngày 30-10-2009, tại cuộc mít tinh trọng thể kỷ niệm Ngày truyền thống Quân tình nguyện và chuyên gia quân sự Việt Nam tại Lào, tổ chức tại Trung tâm Hội nghị quốc gia Mỹ Đình, có nhiều đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước , Quân dội và gần một nghìn đại biểu Quân tình nguyện Việt Nam tham dự. Báo Quân đội nhân dân đã đến tay mọi người. Đọc bài viết của tôi, nhiều bạn đọc đã đã gọi điện cảm ơn tôi có bài viết rất ý nghĩa trong dịp này. Bà Nguyễn Thị Hiền điện thoại cho tôi: “ Nhiều bà con trong họ nhà ông Quý và họ nhà tôi đã được đọc và rất tâm huyết với bài báo của chú. Nhiều chuyện riêng tư của vợ chồng tôi, như chuyện ông Quý bị sốt rét, điều trị tại Bệnh viện 108, được tôi chăm sóc; chuyện ông Quý từ Lào về nước ít ngày, ghé thăm tôi, nhưng tôi lại đang công tác ở Yên Bái, không về được. Hiểu công việc của tôi, thương tôi, ông Quý còn động viên tôi yên tâm công tác, rồi lại đeo ba lô trở lại chiến trường… Có những chuyện, các con tôi còn chưa biết mà chú đã biết. Chú như người trong nhà tôi vậy. Xin cảm ơn chú”.
Tôi nói với bà:” Bài viết đã được đăng báo, bác và mọi người đọc thấy đúng và vui là tôi mừng. Tuyên truyền về quan hệ hữu nghị đặc biệt Việt-Lào thủy chung, trong sáng, là trách nhiệm, là lương tâm của người cầm bút chân chính. Cảm ơn bác đã giúp đỡ để tôi có được bài viết này”./.
Nguyễn Thế Nghiệp – Nguyên Trưởng cơ quan đại diện TTXVN tại Lào