Chiếc sừng dê Lào đen bóng bụi thời gian treo trước ngực người thương binh già. Tôi như thấy lại gương mặt những bà mẹ Lào năm xưa đã từng ngày vắt kiệt hai bầu sữa căng tròn của mình để cứu sống những người lính Việt Nam. Đó là một trong nhiều kỷ niệm đẹp, rất cảm động mà tôi được chứng kiến trong 4 năm công tác ở nước bạn trên cương vị là Đại sứ Việt Nam tại Lào trong các năm từ 2005 đến 2009.
Năm 2008, các cơ quan hữu quan Việt Nam và Lào tổ chức một số cuộc liên hoan giao lưu, hội ngộ giữa những người lính Pa-thét-Lào và những người lính tình nguyện Việt Nam năm xưa đã cùng chiến đấu sát cánh bên nhau trên các mặt trận Thượng Lào, Trung Lào và Hạ Lào trong hai cuộc chiến tranh chống Pháp và chống Mỹ. Đoàn cựu Quân tình nguyện Việt Nam sang dự cuộc gặp mặt được tổ chức tại tỉnh Xiêng-khoảng có trên 60 người, phần lớn đều đã ở tuổi 70- 80, có những bác lành lặn, khỏe mạnh nhưng cũng có những bác là thương, bệnh binh, đi lại khó khăn.
Để đến cuộc gặp mặt lịch sử, các bác đã tập kết ở Thanh Hóa, đi ô tô hơn 400 km đường đèo, núi để đến nơi giao lưu. Tuổi cao, sức yếu, đường sá xa xôi, núi non hiểm trở, tuy mới vào đầu mùa đông nhưng cái rét ở vùng cao đã buốt lạnh như cắt vào da, thịt. Niềm mong đợi được gặp lại những người đồng đội Lào sau nửa thế kỷ xa cách nên khi sang đến Xiêng-khoảng, mọi người trong đoàn dường như quên hết mọi vất vả, mệt nhọc. Bước vào ngày Hội Giao lưu, cả hội trường lớn của Tỉnh ủy và Chính quyền tỉnh Xiêng-khoảng rực lên bởi sắc đỏ lấp lánh của những tấm huân, huy chương nổi bật trên nền vải trắng bộ quân phục đại lễ Việt Nam và nền vải xanh cỏ úa bộ quân phục đại lễ Lào mà những người lính già của hai nước hẳn lâu lắm nay mới có dịp trân trọng mặc lại.
Lẫn trong những tràng pháo tay tưởng như không dứt và tiếng cười, tiếng chào hỏi nhau thân thiết bằng hai thứ tiếng Việt, Lào, những người lính già hồ hởi, cảm động ôm hôn nhau, siết chặt lưng nhau, sờ, nắn chân tay nhau; một số hét lên đến lạc cả giọng vì xúc động, vui sướng khi bỗng nhận ra nhau, còn nhớ được tên nhau sau nhiều chục năm xa cách. Họ vạch cho nhau xem những vết sẹo kỷ niệm một thời bom đạn, kéo nhau về ngồi chung một hàng ghế, mời nhau một trái nước dừa non, một đọn cơm lam, kể cho nhau nghe cơ man nào là chuyện.
Trong số các đại diện phía Việt Nam được mời lên sân khấu hôm đó có một thương binh cụt một tay, mang quân hàm Đại tá, đã gần tám mươi tuổi. Ông nâng niu một chiếc sừng dê đen bóng bụi thời gian mà người Lào thường dùng để đựng nước, uống rượu. Giọng nghẹn ngào, bồi hồi xúc động, ông kể: Năm 1969, đơn vị của ông được điều sang chi viện cho chiến trường Thượng Lào. Các trận đánh giằng co giữa Quân Giải phóng Lào và Quân Tình nguyện Việt Nam với Lực lượng đặc biệt của Vàng-Pao và Lực lượng phản động của Koong-Le xung quanh Cánh Đồng Chum diễn ra dai dẳng, khốc liệt. Thương vong bên địch và bên ta mỗi ngày một lớn.
Trong một đợt địch phi pháo, ông và nhiều người trong đơn vị của ông bị thương, được đồng đội chuyển về tuyến sau điều trị. Không may mắn, binh trạm nơi ông điều trị cũng bị trúng bom. Nhiều cán bộ binh trạm và thương, bệnh binh hy sinh tại chỗ, Bị mất liên lạc vớỉ đơn vị gốc, những thương, bệnh binh còn sống sót cõng nhau tản vào rừng tránh bom, người còn đi được, bò được thì vào rừng đào măng rừng, củ chuối dại để ăn và mang về nuôi lại những đồng đội bị thương nặng. Ông thuộc số những đồng chí bị thương nặng, bị bom phạt cụt mất cánh tay trái, nằm rừng đến ngày thứ ba thì vết thương bị nhiễm trùng, mưng mủ, sốt cao mê man nằm chờ chết.
Sang đến ngày thứ tư, vào lúc bom đạn chợt lắng xuống, bà con người Lào cũng vào rừng kiếm cái ăn và họ tình cờ phát hiện ra những người lính Tình nguyện Việt Nam thương tật đầy mình – cả những người đang đào măng, củ trong rừng và những người nằm lại trong những lán, lều dựng tạm, bất động, mê man, đói lả, với cơ man nào là dòi bọ, ruồi, vắt tranh nhau bâu kín những vết thương đang rỉ máu. Thế là, người nọ truyền tai người kia, chỉ ít giờ sau đó, bà con Lào từ các bản mang theo gạo, mắm, lá thuốc lặng lẽ kéo nhau đến nơi thương binh ta trú ngụ. Bà con giảng giải bằng tiếng Lào pha tiếng Việt và bằng cả điệu bộ, tay chân cốt để bộ đội ta hiểu rằng bị thương mà ăn măng rừng, củ chuối là rất mau chết, phải ăn cơm, ăn bắp mới mong sống được.
Nói rồi ai nấy hối hả vào việc. Các mẹ, các chị kiếm nước lau rửa, dùng các lá thuốc băng rịt các vết thương, giặt giũ, vá víu áo quần, cho thương binh ăn. Cánh đàn ông, đa phần là người già, thì đẵn tre, gỗ, chọn nơi kín đáo dựng nhanh các lán, lều ở tạm cho bộ đội. Nhưng điều nan giải là số thương binh nặng, sốt cao, đã kiệt sức, thì hầu như không còn ăn nổi cơm, cháo nữa. Bà con cứ loay hoay mãi nhưng hễ cố bón, thì những anh em này cũng không tự nuốt được.
Sau nhiều cố gắng không thành, đồng bào kéo nhau ra một góc thì thào trao đổi nhỏ to, rồi theo lệnh của già làng, các mẹ, các chị lẳng lặng tản ra trở về bản. Chừng một tiếng sau đó, các mẹ, các chị hối hả trở lại, dẫn theo một vài chị em mà sau này mọi người mới biết đều là những chị đang nuôi con bằng sữa mẹ. Các chị kín đáo tản vào rừng, nặn sữa vào ống nứa, sừng dê, chén, bát,… rồi quây lại dỗ dành, bóp mồm, đổ sữa cho những thương binh đang mê man.
Ngày hôm sau, rồi những ngày sau nữa, những người lính Việt Nam ốm đau, thương tật tiếp tục được bà con các dân tộc Lào chăm sóc thuốc men, người còn ăn được cơm thì cho ăn cơm, người không ăn nổi cơm thì các mẹ, các chị tự tay vắt sữa từ những bầu vú căng tròn đang nuôi con của mình cho uống. Nhờ vào sự kỳ diệu đó, hầu hết những thương, bệnh binh nặng trong đó có người lính già mang quân hàm Đại tá hôm nay đã qua cơn hiểm nghèo, sức khỏe hồi phục dần, từ chỗ chỉ ăn sữa đã dần ăn được cơm, rồi ăn cơm lẫn măng rừng, rau, củ, không cần uống sữa.
Một thời gian sau đó, được đồng bào chỉ dẫn, đơn vị gốc đã cho người trở lại tìm và tiếp nhận số thương, bệnh binh còn sống sót sau ba tuần chiến sự ác liệt. Giờ phút chia tay với đồng bào, với các mẹ, các chị thật cảm động, nghẹn ngào. Người lính trẻ Tình nguyện Việt Nam đã xin các mẹ, các chị Lào cho anh mang theo chiếc sừng dê bà con dùng để bón, mớm sữa cho anh những ngày qua. Rời trại an dưỡng của Quân đội, anh được trên chấp thuận cho trở lại đơn vị chiến đấu.
Chiếc sừng dê lại theo anh rong ruổi khắp các nẻo đường chiến tranh. Hòa bình trở về trên hai Tổ quốc Lào, Việt. Người lính trẻ năm xưa nay vẫn nâng niu chiếc sừng dê, ông treo kỷ niệm thiêng liêng ấy tại một vị trí trang trọng trong căn nhà cấp bốn của gia đình ông ở Hà Nội. Và hôm nay, ông đưa nó trở lại Lào, để nói với các đồng đội Lào – Việt của ông, nói với những thanh, thiếu niên hai nước đang có mặt tại hội trường, về một kỷ niệm mà ông và các đồng đội của ông mãi mãi sẽ không quên và không bao giờ được phép quên. Hôm đó nghe ông kể mà cả hội trường lặng đi, nghẹn ngào, xúc động.
Đường bộ từ Xiêng-khoảng trở lại Thủ đô Viêng-chăn cheo leo, hiểm trở, cảnh vật hai bên đường đẹp như trong tranh. Nhưng chẳng mấy tập trung được vào phong cảnh hai bên đường, tôi cứ miên man nghĩ mãi về tình cảm sâu nặng mà nhân dân các dân tộc Lào dành cho các chiến sĩ tình nguyện Việt Nam. Bất giác, cảm nghĩ của tôi lại dồn về chiếc sừng dê Lào đen bóng bụi thời gian treo trước ngực người thương binh già Việt Nam. Tôi như thấy lại gương mặt những phụ nữ Lào tại buổi Giao lưu, rồi tự hỏi trong số những bà mẹ Lào kia, trải qua bao bom đạn, thời gian, liệu có còn ai đó năm xưa từng ngày ngày vắt kiệt hai bầu sữa căng tròn của mình để cứu sống những người lính Việt Nam? Họ là những anh bộ đội Cụ Hồ đã hiến dâng trọn tuổi thanh xuân, hy sinh một phần xương thịt, để cùng với nhân dân các bộ tộc Lào viết nên một trong những trang chói lọi nhất, oanh liệt nhất trong lịch sử dựng nước và bảo vệ đất nước Triệu Voi anh hùng.
Nguyễn Huy Quang
Nguyên Đại sứ Việt Nam tại Lào
Phó Chủ tịch Hội Hữu nghị Việt – Lào