Thành phố Hòa Bình, Ngày 26/7/2018
Tin Chủ tịch nước ký quyết định phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang cho đồng chí Phạm Minh Giám đã làm nức lòng các cựu chiến binh quân Tình nguyện Việt Nam. Với đại đội Đặc công 24 (c24) Anh hùng thuộc Trung đoàn Anh hùng e866 còn hơn cả những ngày hội lớn.
Sau gần nửa thế kỷ, những trận đánh huyền thoại trên chiến trường Xiêng Khoảng lại được các chiến sỹ đặc công c24 sẻ chia. Đặc biệt trước và trong ngày chủ tịch tỉnh Hòa Bình thừa ủy quyền Chủ tịch nước tổ chức lễ trao tặng danh hiệu Anh hùng cho anh Giám (26/7/2018). Từ biên giới phía bắc tới các tỉnh miền Đông Nam bộ những người lính già c24 lại háo hưc trở về bên nhau.
Người Anh hùng đầu tiên của c24 được Nhà nước Việt Nam phong tặng năm 1970 – Bác Vi Đức Cường từ Con Cuông Nghệ An đã không quản tuổi cao, thương tật, sức yếu, đường xa để ra Hòa Bình từ hai hôm trước chúc mừng người em, người đồng chí và gặp gỡ đồng đội cùng chung chiến hào, cùng xây nên những chiến công vang dội đại đội 24 Anh hùng…
Đây cũng là dịp, là cơ hội để chúng tôi tìm hiểu cặn kẽ về những chuyện của anh – những huyền thoại trên chiến trường cao nguyên Xiêng Khoảng. Ngày ấy, lớp lính trẻ chúng tôi được bổ sung vào những năm 1969, 1970 đã rất ngưỡng mộ anh. Một người lính đặc công “xuất quỷ nhập thần” mưu trí, dũng cảm, can trường… Nhân dịp này chúng tôi chỉ xin chép lại một vài chi tiết mà anh cùng đồng đội đi trinh sát để phục vụ cho trận đánh vào Trung tâm chỉ huy của địch ở Mường Sủi tháng 5/1968.
Câu chuyện “Một mình vào hang cọp”.
Mường Sủi nằm hướng Tây Bắc Cánh Đồng Chum, trên đường 7A qua Phu Keng về bản Ang (nơi có nhiều chum đá) nối liền tới thị xã Xiêng Khoảng, phía Nam có Phu Cút, Phu Sủng, Phu Keng… Những địa danh huyền thoại thời kháng chiến chống Mỹ.
Đây là một trung tâm chỉ huy chiến lược của địch có cố vấn Mỹ CIA thường trực. Từ trung tâm chỉ huy Mường Sủi chúng đốc chiến các đạo quân đi đánh chiếm các cao điểm tây bắc Cánh Đồng Chum, trong đó có Phu Cút là cao điểm đặc biệt quan trọng để khống chế án ngữ cao nguyên Xiêng Khoảng. Nơi đây có cánh đồng rộng, rộng hơn nhiều so với thung lũng Long Chẹng. Xung quanh Trung tâm địch bố trí 4 tiểu đoàn lính đặc biệt của Vàng Pao, một số tiểu đoàn lính Hoàng gia, có trận địa pháo 105 ly lính đánh thuê Thái Lan, có các đơn vị xe tăng và được sự chỉ huy của cố vấn quân sự Mỹ. Dân H’Mông (Mẹo) cũng được ở xen kẽ đảm nhiệm vai trò dân binh. Tại trung tâm chỉ huy, đêm đêm chúng dùng máy nổ để phát điện. Xung quanh có các hàng rào dây thép gai bao bọc, ẩn dưới lớp cỏ cây lúp xúp quanh hàng rào địch gài nhiều lớp mìn chiếu sáng, mìn sát thương.
Đầu tháng 5 năm 1968, đại đội trưởng đặc công 24 Dương Xuân Tương và chính trị viên trưởng Ngô Thuận Quang trực tiếp nhận nhiệm vụ tại sở chỉ huy Trung đoàn 866. Thủ trưởng Nguyễn Hữu Thơi chỉ thị: “Trung tân chỉ huy địch ở Mường Sủi là vị trí đặc biệt quan trọng. Theo nhận định của trên, chúng đang chuẩn bị tổ chức hành quân tấn công đánh chiếm Phu Cút, Phu Keng và cánh đồng Chum. Nơi đây địch chưa bị ta tiến công lần nào, chúng có phần chủ quan. C24 có nhiệm vụ khẩn trương tổ chức trinh sát ngay, phải nhìn thấy tận mắt, tay phải sờ tận nơi, lập sa bàn, tổ chức luyện tập… Sớm có kế hoạch tập kích đánh đòn phủ đầu, đã đánh là chắc thắng để ngăn chặn sức tiến công của chúng ra vùng giải phóng Cánh Đồng Chum…”.
Sau khi nhận nhiệm vụ, một tổ trinh sát gồm 5 đồng chí cấp tốc lên đường. Đồng chí Ngô Thuận Quang chính trị viên đại đội trực tiếp chỉ huy, tôi (Vi Đức Cường), cùng Ngô Thanh Ngân, Đông và Bình đi cùng. Chúng tôi được trang bị toàn đồ phỉ (lính đặc biệt Vàng Pao), từ quần áo, giày, mũ, ba lô, thuốc lá, bật lửa, đèn pin, súng tiểu liên cực nhanh AR-15 và Các bin.
Sau khi nghiên cứu kỹ bản đồ, cả tổ hành quân luồn rừng tiến về mục tiêu. Đài quan sát được bí mật đặt trên một mỏm núi cao, từ đây quan sát được toàn bộ khu vực Mường Sủi. Điểm quan sát cách sân bay khoảng 300m nhìn về phía Bắc, có cây cối thấp nên tiện cho quan sát và giấu quân. Từ 14 giờ đến 18 giờ chúng tôi phát hiện trên sân bay có 4 chiếc C47, 2 chiếc OV -10 va 1 trực thăng vũ trang. Gần tối chỉ còn 4 chiếc đậu, cạnh sân bay có một đường ô tô, phía bên kia có nhà dân, bò trâu đi lại, dưới chân núi có trại lính, nhà chỉ huy, cạnh là Trung tâm thông tin, khu gia binh cũng ở ngay sát chân núi. Theo kế hoạch tối sẽ tiền nhập, hướng vào là khu vực mà từ đài quan sát phát hiện không thấy có bóng địch hoạt động.
Trời vừa tối, cả tổ đóng giả lính Mẹo đi về hướng sân bay. Tôi đi đầu, tay cầm khẩu các bin chậm rãi, khệnh khạng bước, lúc tiến, lúc dừng rồi thong thả đi vào. Bất ngờ tôi nhìn thấy một tên địch cách mình 5m, hắn đứng trố mắt nhìn chúng tôi miệng ú ớ, súng tuột khỏi tay rơi bịch xuống đất và ngã vật ra chiến hào. Tôi vội quay lại hô nhỏ đủ nghe: “Chạy!”
Chỉ sau vài phút, địch bắn một loạt súng và ném lựu đạn về hướng chúng tôi vừa rút, rất may mọi người đã vượt qua tầm nổ của lựu đạn, đạn AR-15 bay chíu chíu trên đầu. Đồng chí Quang quyết định rời về sau đài quan sát 1km để đề phòng. Chúng tôi đánh giá lại tình hình và tính toán công việc tiếp theo, rất có thể địch đã bí mật bố trí cảnh giới chốt chặt vòng ngoài, cũng có thể tốp “lính Mẹo” chúng tôi đã diễn chưa chuẩn.
Cả ngày hôm sau tâm lý rất căng thẳng, lo lắng hồi hộp chờ đợi địch phản ứng. Các trinh sát căng mắt quan sát, kiên nhẫn dõi xem chúng sẽ làm gì. Sáng ra chúng dùng một tiểu đội đi lùng sục kiểm tra ráo riết nhiều vòng, nhưng không thấy bất cứ dấu vết lạ nào nên chúng đã bỏ về. Đài quan sát vẫn an toàn, khoảng 15h30 bỗng có tiếng dao chặt cây, tiếng người đi về hướng đài quan sát. Một phụ nữ và một cậu bé khoảng 12 tuổi đang tiến lại phía chúng tôi, cách chừng khoảng 20m, 15m họ lại chặt cây rồi nói với nhau: Về thôi! Bóng họ xa dần, khuất hẳn sau vạt rừng, lúc đó mọi người mới thở phào nhẹ nhõm. Tối hôm đó quan sát hoạt động của địch về đêm để định hướng tiền nhập, xác định từng mục tiêu…
Đêm thứ ba đồng chí Quang cho 2 người vào trinh sát, là tôi và Hoàng Văn Ngân. Ngân có nhiệm vụ yểm trợ, một mình tôi bí mật luồn vào. Trời tối đen như mực, chỉ còn những ánh điện đỏ quạch phát ra từ các nhà trú quân của địch, ánh đèn dầu tù mù và bếp lửa leo lét từ những nhà dân bản xung quanh hắt ra, thỉnh thoảng bóng một vài tên lính ể oải vác súng đi tuần.
Khi đến hàng rào, tôi bảo Ngân ở ngoài chờ, một mình tôi lặng lẽ đi thẳng vào khu gia binh. Bất ngờ một con chó sủa phía trước, tôi rẽ sang trái đi vào nhà vệ sinh. Tôi quyết định vào sở chỉ huy trước, một ngôi nhà ba gian, mái lợp tranh, tường xây, cửa ra vào mở dọc hướng vào nhà, trong nhà đèn sáng trưng. Trước mặt là một cái sân rộng, một giọng nói bất ngờ phát ra: Đi đâu đấy? Giật mình tôi dừng lại, quan sát kỹ tôi thấy bên trái có ba bóng đen từ ngoài cửa đi vào, chúng đứng nói với nhau rồi cả bốn tên đi vào nhà. Bên trong bóng một tốp lính đang chụm đầu quây quanh một chiếc bàn. Tôi lấy thuốc lá bật lửa châm thuốc hút, rồi thẳng sang khu thông tin. Qua nhà chỉ huy nhìn thấy có chiếc lán để xe ô tô con. Tôi vào sờ tận nơi thì đó là chiếc xe Jep.
Trước sân có cột ăng ten, cạnh sân có một đống đen đen, lại gần sờ vào lành lạnh, hóa ra đây là chiếc xe tăng của địch, tôi giang tay đo thử xem chiếc xe này dài bao nhiêu, mới đo được độ một sải tay, thấy bóng một tên đang đi về hướng mình, tôi ép sát thành xe lẩn vào bóng tối. Tên địch đi về phía đầu xe, tôi đi ra sau xe, hắn vòng lại phía sau thì tôi lại lẻn về đằng trước. Không phát hiện thấy gì hắn đi về phía trong nhà, tôi bám theo dưới nền nhà có ánh sáng hắt lên, có tiếng tạch tè, tạch tè phát ra. Ghi nhớ trong đầu khu thông tin, tôi vòng sang nhà ở của lính. Một nhà dài, xung quanh thưng bằng phên nứa. Đầu đốc có cửa ra vào, một tên lính gác cầm súng ngồi chặn cửa. Không vào trong được, tôi đành phải nằm đợi chờ thời cơ. Thật không may, tôi đã nằm ngay cạnh tổ kiến. Thấy hơi người mấy con đã bò tới cắn vào tay vào cổ, dịch sang trái một chút nhưng vẫn bị chúng thi nhau hành hạ. Sau nửa giờ, tên gác quay vào trong (đổi gác). Tôi nhanh chóng lẻn vào theo, rồi chui ngay vào gầm giường. Trong nhà không có đèn chỉ còn tiếng ngáy, tiếng mê sảng, tiếng ho của tụi lính đang ngủ phát ra. Giường của chúng làm bằng sạp tre dài hết dãy nhà, hai bên sạp ở giữa có lối đi. Tôi đếm được vài đôi giày, thấy lâu lại không chính xác, lấy tay sờ vào chân để đếm. Sờ vào chân một tên, tên này co chân lại và lảm nhảm điều gì, biết tay mình lạnh tôi lấy áo lót vào tay để đếm. Đếm hết một bên, tôi nhẩm tính nhà này chúng có 1 trung đội ước tính hơn ba chục tên, vị chi cụm này địch có một đại đội bảo vệ. Đang nghĩ vậy, mấy chú kiến còn sót trong áo lại cắn tiếp, ngứa quá. Họng lại giở chứng, tôi len vào chỗ giường trống chùm tấm chăn mỏng gãi, ho thoải mái. Lần về cuối nhà thấy súng đủ loại dựng ở giá. Phát hiện có một cửa khép hờ, tôi nhẹ nhàng lách ra khỏi nhà. Quan sát thấy còn hai nhà lính nữa, mỗi nhà cách nhau hơn 10m. Không vào đó nữa, tôi đi ra phía sau, cách đó hơn 20m có một dãy nhà không đèn. Bí mật tiến vào, phát hiện một bếp ăn. Tôi xờ xịt thấy nào xoong, nào chảo, ở chạn còn ít xôi, tôi quyết định lấy về làm bằng. Xong xuôi tôi đi thẳng về nơi Ngân đang chờ. Hai anh em gặp nhau mừng mừng tủi tủi. Tôi chia nắm xôi ra đưa cho Ngân. Ngân vui ra mặt ôm chầm lấy tôi sung sướng vì đã trở ra an toàn. Trời mờ sáng hai chúng tôi về tới đài quan sát, đồng chí chính trị viên cùng Đông và Bình đón chúng tôi như người thân đi xa lâu ngày trở về. Cả tổ nhanh chóng hành quân về hậu cứ. Kết quả trinh sát, đ/c Quang báo cáo trực tiếp với Trung đoàn. Trung đoàn trưởng biểu dương c24 tổ chức trinh sát tốt, nhưng phải tiếp tục tổ chức trinh sát thêm sân bay, kho xăng, đây cũng là mục tiêu cần phải tiêu diệt.
Nghiêm chỉnh chấp hành mệnh lệnh của trung đoàn, c24 tổ chức đi trinh sát đợt hai. Đợt này gồm 5 người, do đại đội trưởng Dương Xuân Tương chỉ huy gồm có tôi, Đông, Định và Ngân cùng đi.
Sáng sớm cả tổ đã có mặt tại đài quan sát. Tôi chỉ cho đại đội trưởng những mục tiêu đâu là chỉ huy sở, khu thông tin, khu nhà lính, khu sân bay. Tại sân bay có 2 máy bay L19, 3 máy bay vận tải C47 đang đỗ trên đường băng, những bồn xăng lộ thiên nằm phía nam sân bay.
Tối đến, anh Tương quyết định chỉ để 2 người vào trinh sát là anh và tôi. Số còn lại do anh Đông mũi trưởng chỉ huy di chuyển xuống chân núi, nằm chờ để đón bộ phận trinh sát trở về. Thường những dịp đi trinh sát, hầu hết đại đội hay chỉ định tôi tham gia, mọi người đều biết khả năng và lợi thế vốn tiếng H’Mong của tôi. Là người dân tộc Thái ở Con Cuông – Nghệ An tôi cũng phần nào am hiểu tiếng nói phong tục dân bản địa ở Xiêng Khoảng. Sương đêm càng về khuya đậm hơn, hai người lặng lẽ lách qua những bóng lính địch đang đứng gác hoặc đi tuần để vào gần nhà chỉ huy hơn. Xác định hướng tiếp cận và dự kiến cách đánh xong. Chúng tôi thẳng sang khu thông tin, rẽ qua kiểm tra chiếc xe tăng xác định xe bị hỏng không phải đánh. Quan sát khu nhà lính mà không vào. Hai người đi thẳng ra cổng, xa xa bên cánh trái vẫn thấy bóng địch đi tuần. Tôi bật lửa châm thuốc lá hút bình thản như những người lính Mẹo đi tuần…
Hướng tiếp theo, chúng tôi lọt vào khu sân bay. Vượt qua hai lớp hàng rào thép gai, lúc này đã 3 giờ sáng. Tôi đi trước, anh Tương đi sau, lúc gần nhau, lúc cách nhau 5 đến 7m. Đi trên đường băng rộng, tôi thận trọng đi thẳng về hướng chiếc máy bay vận tải C47. Nhìn những chiếc máy bay to lừng lững đỗ trước mặt, nghĩ không có người tôi cứ tiến vào. Bỗng một tiếng quát từ dưới cánh máy bay và cả tiếng đạn lên nòng.
– Lìn từ… mùng khó từ – Nho tư dử – cú tua lề? (Ai, đi đâu, đứng lại không tôi bắn?)
– Cú mùng sềnh sử… cú hài kìa ly đớ (Tôi…đi tuần đây) – không chần chừ tôi trả lời ngay.
– Ua chằng mùng ý lềnh? (Sao lại đi một mình?)
Ngoảnh lại không thấy anh Tương đâu cả, tôi trả lời ngay:
– Ua chằng sáy như chính – Mùng ý lềnh giá ua chằng? (Sao anh không nhìn cho kỹ, một người không đi được sao?)
– Tùy lầu tró căng… Lo đở no chư tâu! (Anh ra ngoài kia, không được vào đây!)
– Sắng tùa sáy me me … Chư khếnh tề chia ly (Muốn đến xem một tý, không thì thôi)
Tôi bình tĩnh lấy bật lửa châm thuốc hút, và cố tình để tên địch nhìn thấy bộ đồ lính “Mẹo” mờ ảo của tôi qua ánh lửa – Thật hú vía, tôi chỉ cách tên lích gác 15m. Tôi đi tiếp về phía cổng.
Ra tới cổng không thấy anh Tương đâu cả, tôi quyết định vòng về hướng có bồn xăng đếm số bồn xăng và không quên đếm số máy bay đậu trên sân. Mải cho xong việc cũng là lúc trời đã tang tảng sáng. Không thể ra được rồi, sáng quá nhanh tôi quyết định ở lại sân bay. Tôi chọn giữa hai hàng rào có những bụi cây lúp xúp, ngụy trang kín nằm yên chờ đợi. Một ngày như dài vô tận, bụng đói và khát cồn cào nhưng vẫn cố chịu đựng. Cũng may địch chỉ đi tuần lướt qua mà không lùng sục kỹ, dân không thả trâu bò vào khu vực này. Chờ mãi rồi tối cũng đến, tôi bò ra lần đường trở về hướng tập kết đã quy ước.
Ở nơi đón đợi, anh em ai cũng lo lắng cho tôi. Anh Tương cho rằng khả năng tôi đã bị địch bắt sống. Cả một ngày mòn mỏi, thắc thỏm trông chờ, trên đài anh em căng mắt quan sát mục tiêu xem có gì khác lạ. Không thấy bất cứ di biến động nào của địch. Một vài tia hy vọng mỏng manh về một phép mầu nào đó sẽ đến… Mãi khuya đêm đó tôi trở về, niềm vui chợt vỡ òa. Các anh ôm tôi vào lòng, mọi người mừng mừng tủi tủi vỗ về, hỏi han như thể người thân thất lạc từ lâu lắm rồi. Và còn hơn thế nữa – vì cả một ngày và gần hai đêm trong hang cọp.
Về nơi giấu quân, đơn vị cho đắp sa bàn theo đúng kết quả trinh sát. Đại trưởng giao nhiệm vụ cho từng người, từng tổ, từng mũi tập luyện theo quyết tâm chiến đấu.
Trận tập kích vào căn cứ Mường Sủi diễn ra sau đó ít ngày. Tham gia trận đánh này có 10 người chia thành 4 tổ: Tổ 1 do đồng chí Tương đại trưởng trực tiếp chỉ huy đánh vào trung tâm chỉ huy địch, tôi lại được giao bộc phá chuẩn (8kg thuốc TNT) phát nổ làm hiệu lệnh cho các tổ đồng loạt đánh vào các mục tiêu được giao. Đ/c Ngô Thanh Ngân xạ thủ B40 đảm nhiệm diệt máy phát điện ngay sau khi bộc phá chuẩn nổ. Đ/c Khâm yểm trợ cho bộc phá chuẩn và đánh mục liền kề. 3 tổ còn lại mỗi tổ gồm 2 người, có trách nhiệm đánh khu thông tin, nhà lính, khu sân bay, kho xăng.
Một ngày cuối tháng 5 năm 1968, khi màn đêm đang bao trùm cứ điểm Mường Sủi. Đúng giờ “G” lệnh nổ súng – tôi điểm hỏa bộc phá chuẩn, đồng thời B40 cũng phát hỏa. Ánh chớp bộc phá lóe sáng, vầng lửa xanh lét của B40 lao đi, các ánh chớp bộc phá các tổ chớp lóa, chớp lóa liên tục…Những tiếng nổ long trời của bộc phá cùng những luồng lửa đạn B40 và thủ pháo làm bùng lên rữ dội sáng rực cả một vùng rộng lớn trùm lên căn cứ Mường Sủi. Rất nhanh, chỉ chừng trên dưới 10 phút tất cả các tổ nhanh chóng rút ra lui quân về nơi tập kết. Ít phút sau pháo sáng của địch ở các điểm xung quanh tới tấp bắn lên. Các trận địa pháo của địch trong khu vực thi nhau bắn về phía Phu Cút (nơi địch nghi chúng ta lui quân). Chúng lệnh cho hai xe tăng chạy lên truy đuổi… Hơn một giờ sau anh em trở về nơi tập kết đông đủ và an toàn. Tất cả đều vô cùng phấn khởi ôm nhau, sung sướng khôn tả.
Kết quả trận đánh ta đã tiêu diệt 73 tên địch, xóa sổ Sở chỉ huy; Trung tâm thông tin; phá hủy hai máy bay, một máy phát điện; một ô tô; toàn bộ kho xăng cùng nhiều súng đạn và phương tiện chiến tranh của địch. Theo đài kỹ thuật thông báo ta còn tiêu diệt một tên đại tá cố vấn Mỹ cùng trung tâm chỉ huy Mường Sủi của địch.
Sau chiến thắng Mường Sủi, c24 lại được giao đánh tiếp những mục tiêu quan trọng của địch ở khu vực: Mường Om, Mường Ao, Mường Trà, Ta Ny Nọi, cho tới năm 1970 cũng có năm trận đánh xuất sắc như: Khang Kho I, Khang Kho II, Phu Xen Luang, Phu Vai, Phu Lai. Tất cả những trận đánh đều giành thắng lợi lớn, góp phần tiêu diệt và làm thiệt hạị nặng cho quân địch bảo vệ vững chắc vùng giải phóng…
Với những chiến công đặc biệt xuất sắc, ngày 25/8/1970 Chủ tịch nước đã ký quyết định trao tặng danh hiệu AHLLVTND cho đại đội đặc công c24 và đồng chí Vi Đức Cường.
…Hôm nay sau 48 năm, những người lính đại đội đặc công c24 lại mừng vui khôn xiết. Họ hể hả nắm chặt tay nhau, họ ôm nhau chúc mừng sự vinh danh của nhà nước đối với anh Phạm Minh Giám như đối với chính họ – những cái ôm hôn của những ông già trên dưới 70, 80 tuổi vẫn thắm chặt như xưa, ánh mắt nụ cười vẫn tươi rói như ngày nào ở độ tuổi 18 đôi mươi. Vậy là từ nay đại đội đặc công c24 có thêm một danh hiệu AHLLVT. Nhìn Anh hùng Vi Đức Cường nắm chặt tay tân Anh hùng Phạm Minh Giám lòng dạ chúng tôi lại rưng rưng nhớ về những năm tháng oanh liệt trên chiến trường Lào…
Anh hùng Vi Đức Cường Kể, Đoàn Phú Vân và Trần Phong ghi.