Những năm tháng ở chiến trường Lào tôi vốn là lính trinh sát ảnh của Tiểu đoàn Trinh sát 31 Mặt trận 31̣( ̣trước đó là BTL 959), chuyên đi chụp các căn cứ của địch để phục vụ yêu cầu của trên, thông qua những bức ảnh chụp tại thực tế kết hợp với các phương thức, thủ đoạn trinh sát khác nhằm theo dõi nắm chắc lực lượng, cách bố trí trận địa, phòng thủ của địch góp phần tích cực cho Thủ trưởng và cơ quan tham mưu có thêm cơ sở để phân tích, đưa ra các hình thức tác chiến và sử dụng lực lượng, phương tiện thích hợp nhất nhằm đảm bảo thắng lơi cho chiến dịch.
Sau khi Hiệp định chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam ký chính thức 27/1/1973 thì tại Lào, ngày 20/2/1973 Hiệp định về chấm dứt chiến tranh tại Lào được ký tắt tại Viêng Chăn và ngày 21/2/1973, Hiệp định được ký chính thức tại nhà riêng Hoàng thân Xuphana Phuma. Để kịp thời phản ánh khí thế, cục diện và thực tại chiến trường, Bộ Tư lệnh Mặt trận 31 chủ trương tiến hành Đại hội tổng kết 4 năm và mở Triển lãm hình ảnh thành tựu của Bộ đội Mặt trận Miền Tây cũng như của tình đoàn kết chiến đấu quân dân Việt – Lào khuếch trương chiến thắng vang đội Cánh Đồng Chum – Xiêng Khoảng. Theo kế hoạch đã định thì Đại hội tổng kết và Triển lãm thành tựu của Mặt trận được tổ chức vào cuối năm nhưng ngay từ tháng 3/1973 phải triển khai các mặt. Tuy nhiên lúc này đội ngũ phóng viên, nhà báo của Mặt trận ít, đặc biệt là phóng viên nhiếp ảnh (hầu như chỉ có anh Trọng Thụy là kiêm chụp ảnh, còn anh Hoàng Tống và Khánh Tường chuyên viết bài) nên cấp trên có trưng dụng tôi đi chụp ảnh cho báo “Chiến sĩ miền Tây”. Vì tình hình gấp, đêm 12/3/1973 tôi mới nhận được lệnh mai đi công tác.
Hình ảnh tác giả Cựu chiến binh đại tá Triệu Hồng Chiến tại chiến trường Xiêng Khoảng năm 1973
Sáng 13/3 tôi lên phòng Quân báo của Bộ tư lệnh Mặt trận, Thủ trưởng Phòng giao nhiệm vụ rồi tôi sang Cục Chính trị nhận lệnh. Được biết đây là đợt đi công tác dài ngày khá căng thẳng, đặc biệt đến những khu vực sát vùng địch, ngay trong lòng địch và sâu trong vùng địch. Tôi cũng rất lo vì chỉ sợ mình không hoàn thành nhiệm vụ, đây không phải là chụp ảnh trinh sát như sở trường của mình mà là chụp ảnh cho báo “Chiến sĩ miền Tây”, loại hình này cần yếu tố nghệ thuật, với tôi đây là lần đầu tiên làm quen trong lĩnh vực này, mặc dù như nhiều người trong đơn vị đều đánh giá tôi vốn có năng khiếu về nghệ thuật. Ngày 14/3 tôi sang gặp Phó Chủ nhiệm chính trị Đoàn Độ giao nhiệm vụ và đ/c Mạnh Lân phổ biến về tầm quan trọng của đợt đi công tác này. Chiều và tối hôm đó tôi chuẩn bị đầy đủ nhưng gọn nhẹ tối đa: máy ảnh, phim, thuốc tráng (đã thành thông lệ: các chuyến đi xa, quan trọng chụp xong tôi phải tiến hành tráng phim ngay tại thực địa để nếu chất lượng phim không tốt hay hỏng thì phải chụp lại ngay), một nửa chiếc ống nhòm (bài học ngay từ khi học nghiệp vụ chụp ảnh Trinh sát tại Trường: chụp qua ống nhòm để mục tiêu gần, rõ hơn nhiều, tuy nhiên chúng tôi được trang bị loại máy ảnh của Đức, chỉ loại này mới lắp vừa) súng ngắn, dao găm, địa bàn, lương khô… và quân tư trang cần thiết nhất.
Ngày 15/3/1973 tôi bắt đầu thực hiện chuyến đi. 15h đến d27 (tiểu đoàn đặc công của Bộ tăng cường cho Mặt trận). Đến đây tôi được tiếp đón rất trọng thị vì trên giấy giới thiệu ghi rõ “đồng chí Triệu Hồng Chiến, phóng viên báo “Chiến sĩ miền Tây” được cử đến đơn vị … làm phóng sự ảnh truyền thống, đề nghị chỉ huy các đơn vị giúp đỡ, tạo điều kiện tốt nhất để đ/c Chiến hoàn thành nhiệm vụ”. Về tâm lý, thủ trưởng và anh em cán bộ chiến sĩ đơn vị nào cũng muốn có tin, ảnh của mình trên mặt báo nên rất phấn khởi khi biết tin tôi đến. Tại một số đơn vị của d27 tôi đã chụp được một số hình ảnh theo ý định và dự kiến là ngày 16/3 tôi sang đơn vị c24, đặc công của Trung đoàn 866. Nhưng Chỉ huy d27 cứ níu giữ tôi lại để kịp kỉ niệm ngày thành lập đơn vị Binh chủng Đặc công (ngày 19/3). Nhưng do phải đi chụp nhiều đơn vị nên tôi hẹn sẽ quay lại và được đơn vị cử hai đồng chí dẫn đường là đồng chí Mùa và Hòe nhưng đi được vài tiếng hai đồng chí này không thạo địa hình, chúng tôi đi loanh quanh khá lâu, khi chiều tà phải vào hang Thẩm Cạp để tạm nghỉ. Rất may ở đây có quân và dân của Bạn Lào, sau đó tôi liên hệ với Chỉ huy của đơn vị Bạn, nói rõ tôi là phóng viên của báo “Chiến sĩ miền Tây” – Quân đội Việt Nam được cử đi để chụp một số hình ảnh về chiến thắng của quân dân Việt-Lào tại Cánh đồng chum Xiêng Khoảng, cũng như muốn chụp một số hình ảnh phản ánh tình đoàn kết kề vai chiến đấu giữa hai quân đội vậy xin một tổ nam bộ đội Pathet Lào và một tổ nữ dân quân đi cùng để thực hiện Phóng sự ảnh. Mọi việc đều thuận lợi cả. Bạn nói: Bạn chuẩn bị và ngày mai thực hiện đúng như yêu cầu của tôi. Như hẹn, ngày 17/3, tôi cùng hai đồng chí chiến sĩ trinh sát của Đoàn đặc công 27, Bạn cử 6 người, 3 nam và 1 tổ dân quân 3 nữ (trong đó có một cô người Lào sủng) đi với tôi. Trưa hôm đó đến Thị xã Xiêng Khoảng, tuy nhiên do thời tiết xấu không tác nghiệp được, tôi rất sốt ruột, cảnh Thị xã thì hoang tàn do bom đạn của giặc trần đi chà lại. Đợi đến đầu giờ chiều, trời hửng sáng thuận lợi cho việc chụp ảnh, tôi đã thực hiện tác nghiệp, vừa phải đạo diễn các cảnh vừa phải trực tiếp thực hiện, nhưng do ngôn ngữ bất đồng nên nhiều cảnh phải làm đi làm lại, có lúc mê mải với công việc tôi tôi toàn thốt lên tiếng Việt làm họ cứ ngớ ra mà vừa bực vừa buồn cười. Gần tối mới chụp xong các cảnh về quân dân Lào tuần tra, canh giữ bản làng, chiến đấu chống quân địch và những cảnh phối hợp với bộ đội Việt Nam chiến đấu. Về cơ bản tôi đã hài lòng về những cảnh mình đã thực hiện được sau một ngày vất vả. Ngày 18/3 tôi và hai tổ của Bạn tiếp tục đi chụp ảnh qua các cầu, suối, vách đá, những địa hình quen thuộc mà Bạn và ta đã từng chiến đấu chống quân Vàng Pao và quân đánh thuê Thái Lan. Sau đó, khi thực hiện xong, chúng tôi quay về hang Thẩm Cạp.
Hình ảnh báo Chiến sỹ miền Tây trong những năm chiến tranh.
Ngày 19/3, Tiểu đoàn 27 làm Lễ chính thức Kỉ niệm ngày thành lập Binh chủng. Tuy nhiên còn phải chờ Đại tá Lê Linh, Chính ủy Mặt trận (sáng Thủ trưởng bận) nên 15h chiều mới tiến hành được. Mặc dù Trung tá Cót, Tham mưu trưởng Bộ tư lệnh Đặc công 305 cũng mới ở bên nước sang rất nóng ruột, sau có thêm nhà báo Trọng Thụy nên hai người đã tiến hành được các cảnh chụp ưng ý.
Ngày 21/3, Qua Cánh đồng Chum, đi nhờ xe được một đoạn, tối đến kho Bản Phồn, anh em ở đây nghe nói có phóng viên báo Mặt trận đến rất thích, tôi cũng đã chọn lựa để chụp một số cảnh phản ảnh về tinh thần sẵn sàng chiến đấu, sinh hoạt của anh em ở đây. Ngày 22/3, hành quân tiếp, đầu giờ chiều đến c22 Vận tải của Trung đoàn ̣174, rất mệt… gần tối mới đến hang Loa Kèn.
Ngày 23/3, làm việc với Ban chính trị về mục đích chuyến đi xong nghỉ ngơi tắm giặt vì để đơn vị còn bố trí và thông báo cho các đơn vị đến chụp hình.
Ngày 24/3, làm tại d3 của Trung đoàn ̣174 (Sư 316) sau sang làm ở c11.
Ngày 25/3, lên đồi DK để chụp cảnh sẵn sàng chiến đấu của lực lượng ta tại đây, bố trí được nhưng thời tiết không thuận mưa và mù suốt nên phải chờ đợi đến gần trưa, chiều làm tiếp c11, đến gần tối cũng vừa xong một cuộn phim.
Ngày 26/3, được đơn vị cử người dẫn đường, tuy nhiên đường đi tắt nên khá hiểm trở, nhiều chỗ cheo leo vách đá, đi chừng hơn ba tiếng thì đến cứ của đơn vị, nghỉ ngơi cho lại sức xong chụp mấy khẩu đội DK trên trận địa, chiều mưa phải nghỉ, ở đây độ cao 1800m nên trời lạnh và mù, đêm nằm rét co ro vì không có chăn.
Ngày 27/3, sáng vẫn mưa tầm tã, trưa ngớt, chiều hửng nắng lên chốt chụp, thời tiết ủng hộ nên được những bức ảnh đẹp. Ngày 28/3, sáng đi chụp tiếp đơn vị c10, qua chụp chiếc trực thăng của địch bị quân ta bắn hỏng, qua khu vực bọn địch ở vẫn còn rất nhiều các trang thiết bị, khí tài của chúng bị pháo ta bắn hư hỏng, rách nát nằm la liệt… Trong các ngày tiếp theo lần lượt qua các đơn vị, các khu vực địa bàn để chụp các cảnh thực tế tại chiến trường đặc biệt có xác các chiếc máy bay: Trinh sát L.19, Trực thăng H.34, ném bom cánh quạt T.28… rồi lần lượt đến các đơn vị c25, c28, , c29 để tái hiện lại một số cảnh chiến đấu hay chụp hiện trạng các đơn vị vẫn luôn trong trạng thái vừa huấn luyện, vừa học tập vừa sẵn sàng chiến đấu và các cảnh sinh hoạt thực tại của các đơn vị trong điều kiện chiến trường ác liệt, muôn vàn khó khăn nhưng đời sống sinh hoạt của cán bộ chiến sĩ ta vẫn được bảo đảm đầy đủ. Đặc biệt là về tinh thần tư tưởng thì rất vui, rất lạc quan, yêu đời, đầy niềm tin tất thắng.
Tác giả Cựu chiến binh đại tá Triệu Hồng Chiến tặng sách Ký ức người lình cho đồng chí Bun Lua Tham tán Thông tin – Văn hoá Đại sứ quán Lào tại Hà Nội trong lễ kỷ niệm 70 năm Quân đội nhân dân cách mạng Lào tháng 1 năm 2019.
Ngày 8/4 tôi đến c2 của Tiểu đoàn Công binh Mặt trận (d25) quay một số cảnh hoạt động của đơn vị và tái tạo lại một số cảnh đơn vị công binh làm nhiệm vụ bảo đảm trong chiến đấu thì được lệnh trở ra để phối hợp với Đoàn quay phim của TCCT ở bên nước sang để dựng lại bộ phim “Chiến thắng Cánh đồng Chum – Xiêng Khoảng”. Rất may khi rời đơn vị được hơn tiếng thì gặp hai đ/c lính tăng đang loay hoay đi tìm chỗ, khu vực thích hợp để đoàn làm phim quay cảnh các xe tăng của ta phối hợp tác chiến hiệp đồng binh chủng cùng Pháo binh, bộ binh, đặc công ta tấn công cứ điểm địch. Khi về đại bản doanh dã chiến tôi biết được: tối qua các đơn vị bộ binh, pháo binh, đặc công cùng xe tăng, thiết giáp chở quân đã tập kết đầy đủ, sẵn sàng như chuẩn bị chiến đấu thật.
Ngày 11/4, Tôi cùng các anh trong đoàn quay phim: Hữu Doanh, a Minh, a Trữ cùng phối hợp dàn dựng và quay được rất nhiều cảnh sống động, hôm sau tiếp tục cùng đoàn làm phim quay những cảnh các đơn vị chiến đấu hiệp đồng, khi quay cảnh các khẩu đội cao xạ 37mm bắn máy bay vì ham quá không để ý nên bị một quả bộc phá nổ ngay sát chân, đất cát mù mịt không nhìn thấy gì cả, tôi bị choáng mất một lúc lâu.
Liền mấy ngày sau đó tôi vẫn theo đoàn làm phim, ra chụp cảnh xe tăng ta húc pháo địch khi ta chiếm lĩnh được trận địa, cảnh chiến đấu hiệp đồng binh chủng cũng như đặc tả từng đơn vị, binh chủng một, qua chuyện trò và cùng tác nghiệp với các anh trong đòan làm phim, các phòng viên của Báo QĐND tôi học hỏi được rất nhiều từ cách bố cục, góc độ chụp thế nào cho đẹp, cho sinh động.
Trưa quay về d924 – e866, ngày 16/4 lên Phu Khe, ngày 17, 18 lên các chốt và khu vực trận địa của d924 chụp, tối tráng phim luôn. Ngày 19/4 rời d924 về đơn vị sau khi hoàn thành các mục tiêu …
Ngày 21/4/1973, lên cơ quan Chính trị Mặt trận báo cáo kết quả chuyến đi cùng những cuộn phim tôi chụp được ở các đơn vị của ta và một vài đơn vị Bạn Lào. Sau khi nghe báo cáo và thực tế kết quả phim ảnh, với con mắt nghề nghiệp thấy được khả năng của tôi, anh Trọng Thụy rất tin tưởng và mến mộ, ngỏ ý sẽ báo cáo trên để tuyển mộ sang Phòng Tuyên huấn và sẽ bố trí cho đi học phóng viên … tôi suy nghĩ rất nhiều, chẳng biết tương lai sẽ ra sao. Tôi cũng trao đổi vấn đề này với đ/c Hà Sơn, Đại đội trưởng (sau giải phóng chuyển ngành, đi học đạo diễn điện ảnh ở Liên Xô), anh Vi Văn Mạn, chính trị viên (sau này là Đại biểu QH, Trung tướng, Chính ủy QK1), và anh bạn thân cùng nằm trên Ban chỉ huy là Ngô Quang Liên, văn thư kiêm quân lực của đơn vị (sau này là Thiếu tướng, nguyên Thư ký cho TTMT Lê Văn Dũng, chuyển tiếp Thư ký riêng của TTMT và Bộ trưởng QP Phùng Quang Thanh) các anh ấy đều khuyên tôi nên ở lại đơn vị để đi học sỹ quan vì thấy tôi có năng lực, nếu đi làm phóng viên thì hơi tiếc vì khó phát triển hơn. Tôi cũng thật khó nghĩ, chẳng biết theo hướng nào.
Trong những ngày sau đó vừa làm nhiệm vụ ở đơn vị Trinh sát tôi vừa liên tục đi chụp các sự kiện, hoạt động ở BTL như tham gia tổ chức đón đoàn Văn công TCCT Pathet Lào và hoạt động ở các đơn vị như Quân bưu, đội 8, d24, d27, d26 Thông tin, d31 Trinh sát Mặt trận, Trung đoàn 866…
Ngày 5/5, theo TMT Mặt trận Dũng Mã xuống Tiểu đoàn xe tăng, thiết giáp: d195, tại đây tiếp tục dàn dựng chụp mô phỏng những cảnh chiến đấu, sinh hoạt, huấn luyện, học tập chính trị, rèn luyện, sẵn sàng chiến đấu và cả những cảnh rất đời thường, sinh động như bộ đội ta tranh thủ trồng rau, nuôi gà, chăn lợn, cắt tóc cho nhau, đọc báo, nghe đài, đánh bóng chuyền … của các đơn vị thuộc 195.
Sau này tôi tiếp tục được BTL Mặt trận điều động đi chụp cho Tuyên huấn, đến các đơn vị, cơ quan thuộc Bộ Tham mưu, Cục Chính trị, Cục Hậu cần, các đơn vị chiến đấu, đi rất nhiều nơi thuộc khu vực cánh đồng Chum, các địa danh: hang Toa tàu, hang Loa kèn, Thẩm Lửng, Hin Tặng, dãy 1566 , …
Ngày 5/6 tôi tập trung làm ảnh, tại chiến trường không có điều kiện trang bị tù máy móc, hầm tối, dụng cụ in tráng … nên công việc phóng ảnh cũng rất vất vả. Tôi phải đào hầm phóng ứng dụng, tận dụng ánh sáng mặt trời để làm, hầm đất rất tối và ngột ngạt, mồ hôi nhễ nhại nhưng rất vui vì những cuộn phim, tấm ảnh tráng và in ra đều đạt chất lượng tốt, đáp ứng yêu cầu của trên. Buối chiều tôi nhận được thư anh Phượng (thầy dạy ảnh, Phòng 78 của Cục 2) và Trưởng phòng 78: thủ trưởng Đôn viết thư rất khen bộ ảnh đồ tôi đi chụp ở Sảm Thông – Long Chẹng (̣gửi về từ trước), có giá trị lớn cho trên nghiên cứu, hạ quyết tâm chiến đấu chính xác (các Thủ trưởng Bộ ngồi ở Hà Nội nhưng vẫn có thể nhìn rõ được địa hình căn cứ Long Chẹng của địch từ khu núi Vua, sân bay, kho tàng quanh sân bay, trận địa pháo, kho xăng dầu, đường xá, địa hình khu vực Phu Mộc, hay dãy núi đá 1433 …
Sau này tôi tiếp tục được BTL Mặt trận điều động đi chụp cho Tuyên huấn, đến các đơn vị, cơ quan thuộc Bộ Tham mưu, Cục Chính trị, Cục Hậu cần, các đơn vị chiến đấu, đi rất nhiều nơi thuộc khu vực cánh đồng Chum, các địa danh: hang Toa tàu, hang Loa kèn, dãy 1566 , điểm cao, I6, K3 …
Ngày 14/11, vào chụp tại Viện 139, đặc biệt dịp này có Bác sĩ Tôn Thất Bách mới từ bên nước sang thực hiện những ca mổ quan trọng cứu chữa kịp thời cho nhiều thương binh nặng của ta. Để có được những hình ảnh sống động tôi đã vào tận phòng mổ để chụp một số cảnh phẫu thuật cho thương binh ta. Cả những cảnh Bác sĩ, Y sĩ, Hộ lý của viện cứu chữa, chăm sóc thương binh, trong đó có gặp các chị: Phương Tiến (sau này là vợ anh hùng Phạm Tuân), chị Tâm, chị Giang Quí, anh Trai ̣(hiện đều là thành viên Ban LL Hà Nội ) vì các chị vốn rất quen anh Hà Sơn, Đại đội trưởng đơn vị của tôi lúc đó.
Ngày 16/11, chụp tại Đại hội tổng kết mừng công của Mặt trận ở BTL, suốt mấy ngày liền tôi và anh Trọng Thụy ̣(chủ yếu là tôi vì anh Trọng Thụy còn phải viết bài) lăn lộn, bám sát chụp để có những bức ảnh chân thực nhất về không khí Đại hội, đặc biệt là các hình ảnh Thủ trưởng Bộ đến dự: Thiếu tướng Lê Trọng Tấn, Tư lệnh Mặt trận: Đại tá Vũ Lập, Chính ủy: Đại tá Lê Linh, các Thủ trưởng khác như Huỳnh Đắc Hương, Nguyễn Hữu An, Nam Hà, Thiết Hùng, Dũng Mã, Lê Kỳ … để kịp thời có những tấm ảnh cho Triển lãm ngay sau Đại hội.
Những ngày trung tuần tháng 12 thì tôi chủ yếu chụp phục vụ Đại hội Trinh sát toàn Mặt trận ở BTL, Tư lệnh Đại tá Vũ Lập và TMT Lê Kỳ đều đến dự, có các Thủ trưởng Cục 2 ̣(nay là Tổng cục II) từ Hà Nội sang dự và chỉ đạo ̣Hội nghị diễn ra từ . 19/12 đến hết 22/12/1973.
Quá trình chụp cho báo “Chiến sĩ Miền Tây” tôi luôn song song chụp ảnh Trinh sát và ngược lại (xem bài “Về hai lần luồn sâu chụp ảnh Trinh sát tại căn cứ Long Chẹng, Mặt trận CĐC – Xiêng Khoảng” đã đăng trong tập 8 “Ký ức người lính”). Một số hình ảnh do tôi chụp tại căn cứ Sảm Thông, Trung tâm Long Chẹng và các vị trí quan trọng khác sau này được chọn lọc đăng tải kịp thời trên các số báo “Chiến sĩ Miền Tây” và được đánh giá rất cao vì trên thực tế chưa có phóng viên của báo nào có điều kiện luồn sâu vào tận sào huyệt địch, nơi mà chúng thường xuyên canh phòng hết sức nghiêm ngặt để chụp được.
Những chuyến đi của tôi đã góp phần phục vụ cho cuộc Triển lãm một số hình ảnh Chiến đấu và xây dựng trưởng thành của Bộ đội Miền Tây trong 4 năm từ 1969 đến 1973, đặc biệt là Chiến dịch “Z” mùa khô 1972 đã thể hiện sinh động trận đánh hiệp đồng binh chủng qui mô lớn, đánh dấu sự trưởng thành vượt bậc của Bộ đội Miền Tây, đó là những kỷ niệm sâu sắc không bao giờ quên đối với tôi.
Cùng với những thước phim quí giá của Đoàn làm phim TCCT đến quay thực tại, những bức ảnh, bài biết tôi cùng các đ/c nhà báo: Hoàng Tống, Khánh Tường, Trọng Thụy … và một vài đ/c phóng viên kháctăng cường của Mặt trận đã phần nào tái hiện lại được những chiến thắng to lớn của ta trong 4 năm (1969-1973): ta đã tiêu diệt 34.500 tên địch, phá và thu 18.779 súng các loại trong đó có 108 khẩu pháo và súng cối hạng nặng. Đáng chú ý là trong nhiệm vụ tiêu diệt sinh lực địch. Chúng ta đã tiêu diệt gọn và đánh thiệt hại nặng nhiều đơn vị tinh nhuệ của địch, trong đó có 3 Binh đoàn cơ động (GM), 27 tiểu đoàn (có 6 tiểu đoàn lính đánh thuê Thái Lan) bị tiêu diệt gọn (có 12d lính đánh thuê). Điều quan trọng nhất là những chiến thắng đó có ý nghĩa hết sức to lớn đã làm thay đổi so sánh lực lượng trên chiến trường. Sức chiến đấu của các đơn vị trên toàn Mặt trận không ngừng được nâng cao. Chúng ta đã đập tan mưu đồ chiến lược của Mỹ – Ngụy Lào, đánh bại biện pháp, thủ đoạn tiến hành chiến tranh xâm lược tàn bạo của chúng ở khu vực Cánh đồng Chum – Xiêng Khoảng với công thức “Quân đội tay sai + hỏa lực, hậu cần Mỹ”. Cả ba lực lượng chiến lược của Mỹ: quân Ngụy Lào, quân đặc biệt và lính đánh thuê, niềm hy vọng của Mỹ ở Đông nam Á đều bị ta đánh cho thảm bại, buộc địch phải ký kết Hiệp định về chấm dứt chiến tranh tại Lào ngày 21/2/1973.
Trong các số báo của tờ “Chiến sĩ Miền Tây” ra trong tháng 12/1973, nhất là dịp Đại hội tổng kết, Triển lãm Một số hình ảnh chiến đấu, xây dựng và trưởng thành của bộ đội Miền Tây tổ chức khi đó có rất nhiều hình ảnh phản ánh sinh động hoạt động của các đơn vị tại Mặt trận do tôi chụp. Tôi cũng lưu giữ được một số tờ làm kỷ niệm, tuy nhiên khi về nước chỉ mang được vài tờ, sau này do thời gian quá lâu, điều kiện bảo quản không tốt bị dính nước đã hỏng, rất may sau này tôi cắt ép được một số hình ảnh ít ỏi làm kỷ niệm, những tư liệu sống vô cùng quí giá đối với tôi, đó cũng là động lực thôi thúc tôi viết ra những dòng hồi ký này.
(Đại tá Triệu Hồng Chiến – Nguyên Tùy viên Quốc phòng Việt Nam tại Trung Quốc)