Tên lửa Sô Viết 11 DMP 912 (SAM-2) đặt trang trọng tại khu tưởng niệm bản Somboun, huyện Sanxay, tỉnh Attapeu, miền Nam Lào là một trong các chứng tích lịch sử trong giai đoạn chiến tranh Đông Dương, phản ánh tình đoàn kết và quan hệ gắn bó mật thiết giữa Lào và Việt Nam với chung lý tưởng cao đẹp cùng đấu tranh, giữ gìn nền độc lập dân chủ cho nhân dân hai nước.
Cách đây 46 năm, bất chấp khó khăn gian khổ, lòng yêu nước của hơn 1.000 chiến sĩ quân đội nhân dân Việt Nam vẫn sáng ngời giữa những cánh rừng già đại ngàn rộng mênh mông của nước bạn Lào trong những ngày hành quân mang khí tài tên lửa vào giải phóng Sài Gòn.
Theo hồi ức của ông Nguyễn Hữu Mão, cựu chiến binh Trung đoàn 263 Tên lửa Phòng không cho biết vào những năm 1959-1960, trước yêu cầu và nhiệm vụ mới của sự nghiệp giải phóng dân tộc, phối hợp chiến đấu giữa nhân dân hai nước Việt – Lào chống đế quốc Mỹ xâm lược, nhằm phá thế “độc tuyến” phía Đông Trường Sơn, sau khi được sự nhất trí của lãnh đạo Đảng hai nước Việt Nam và Lào, Đoàn 559 nhận nhiệm vụ “lật cánh” sang phía Tây, qua nước bạn Lào, mở thêm một tuyến đường chi viện mới cho chiến trường miền Nam. Từ đó, mạn Tây Trường Sơn đã trở thành tuyến đường huyết mạch, vận chuyển trọng yếu nhất của quân đội Việt Nam và Lào trong công cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước.
“Đến trước cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa xuân 1975 của Việt Nam, tuyến đường Đông Trường Sơn nối với Tây Trường Sơn được xây dựng với tổng chiều dài gần 20.000 km, bao gồm 5 hệ thống đường trục dọc và 21 hệ thống đường trục ngang, đảm bảo cung cấp sức người và trang thiết bị kỹ thuật, phục vụ thắng lợi Cuộc tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975 của nhân dân Việt Nam, đồng thời cũng giúp hai nước bạn Lào và Campuchia hoàn thành sự nghiệp kháng chiến chống Mỹ giải phóng dân tộc. Chính vì vậy, tuyến đường Tây Trường Sơn cùng với Đông Trường Sơn đã trở thành một huyền thoại, một biểu tượng của tình hữu nghị, đoàn kết, thủy chung, trong sáng giữa hai nước Việt Nam và Lào.
Có một kỷ niệm không thể nào quên đối với những người lính tên lửa Trung đoàn 263 chúng tôi về những ngày hành quân qua đất nước Lào mùa xuân năm 1975 đưa “rồng lửa” vào giải phóng Sài Gòn. Đó là khi đơn vị hành quân đến khu rừng Dongpaam, huyện Sansay thuộc tỉnh Attapeu thì một quả đạn tên lửa SAM-2 trên xe rơ mooc chở đạn bị gẫy vì đường xấu quá. Biết là quả đạn tên lửa này đã hỏng, không thể chiến đấu được, chỉ huy Trung đoàn quyết định cho các cán bộ và nhân viên kỹ thuật của đơn vị tháo lấy toàn bộ đầu nổ, các cánh lái tên lửa và các bộ phận chứa linh kiện điện tử trong quả đạn rồi để lại quả tên lửa chỉ còn vỏ ấy trong rừng Lào và đơn vị tiếp tục hành quân.
Cứ tưởng quả đạn tên lửa “xấu số” ấy không còn ai nhớ nữa thì bất ngờ những năm gần đây, nếu ai đi du lịch ở các tỉnh nam Lào sẽ được các hướng dẫn viên du lịch đưa đến xem một chứng tích chiến tranh là quả đạn tên lửa SAM-2 đã hỏng ấy ở tỉnh Attapeu. Thì ra, sau khi kết thúc chiến tranh, các bạn Lào đã phát hiện ra quả đạn tên lửa hỏng này và đưa ra trưng bày ở vị trí thuận tiện phục vụ khách du lịch.”
Kể từ năm 2000, chính quyền tỉnh Attapeu đã quyết định trưng bày chứng tích lịch sử tên lửa SAM-2 tại bản Somboun, huyện Sanxay, cách trung tâm tỉnh Attapeu 31km.
Tổng hợp