Đó là cặp vợ chồng nông dân ở làng Huội Phầy, huyện Xukhuma, tỉnh Chămpaxắc ( Hạ Lào). Anh chị là cơ sở cách mạng từ năm 1950.
Làng Huội Phầy nằm ở phần đất hữu ngạn sông Mề Khỏong ( Mê-Kông) giáp Thái Lan, là vùng kiểm soát của địch trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ vừa qua, cũng là địa bàn cát cứ của dòng họ lãnh chúa phong kiến Bun Ùm Náchămpaxắc.Sống dưới sự áp bức, bóc lột của thực dân phong kiến, có thời kì lệ thuộc Thái Lan, nên nhân dân ở đây có tinh thần đấu tranh sôi nổi từ lâu, kể từ phong trào chống Pháp của ông Kẹo, ông Côm-ma-đăm trên cao nguyên Bôlôven (1901-1936), đặc biệt là từ khi có sự lãnh đạo của Xứ ủy Ai Lao, Đảng Cộng sản Đông Dương, rồi đến Đảng nhân dân cách mạng Lào. Năm 1954, sau khi Hiệp định Giơ-ne-vơ được kí kết, là đội trưởng du kích của xã, anh Ký có tên trong danh sách đi tập kết lên căn cư địa Sầm Nưa, anh sẵn sàng lên đường để chị Chom ở nhà, mặc dù anh chị kết hôn đã 5-6 năm mà chưa có con. Xét yêu cầu của cơ sở nên tổ chức đã bố trí anh ở lại để làm nòng cốt cho phong trào đấu tranh chính trị ở địa phương.
Từ tháng 8/1954, Ban cán sự Đảng khu Hạ Lào bố trí tôi “nằm vùng”, tham gia tổ cố vấn, gồm ba cán bộ Việt Nam giúp Tỉnh ủy bí mật Chămpaxắc. Cuối năm 1956, tôi được phân công sang giúp bạn ở các huyện hữu ngạn sông Mê- Kông. Những ngày tháng “nằm vùng” ở đây tôi được cán bộ cơ sở và nhân dân nước bạn chăm sóc, giúp đỡ, nuôi nấng, bảo vệ tận tình, đặc biệt là hai vợ chồng anh Ký – chị Chom, đều là đảng viên Đảng Nhân dân Cách mạng Lào. Anh Ký được phân công giúp đỡ tôi trong hoạt động. Hằng ngày, theo kế hoạch đã định, anh bí mật đưa tôi, chủ yếu là về ban đêm, đi gặp cán bộ cơ sở nắm tình hình, bàn bạc, hướng dẫn việc củng cố, phát triển cơ sở, lãnh đạo nhân dân đấu tranh bằng các hình thức hợp pháp như đưa đơn, gặp gỡ và trình bày kiến nghị lên chính quyền đối phương ở tổng, huyện, kể cả ở tỉnh, hoặc các quan lại cấp trên đi kinh lý đến địa phương, đòi đối phương chấm dứt các hoạt động khủng bố người kháng chiến cũ, tổ chức tổng tuyển cử bổ sung, thành lập Chính phủ liên hiệp có Pathét Lào tham gia, thực hiện đường lối hòa bình, trung lập, miễn giảm sưu cao, thuế nặng, cải thiện dân sinh…
Chú thích ảnh: Bác Nguyễn Văn Nghiệp, tác giả – nhân chứng của câu chuyện Anh Ký, chị Chon
Là đội trưởng du kích xã nên anh Ký thông thạo đường đi lối lại, những lúc gặp địch đi tuần tra, lùng sục anh đều khẩn trương đưa tôi đi lánh đến nơi an toàn. Việc ăn uống anh đều bàn với cơ sở tổ chức chu đáo, an toàn. Khi về đến Huội Phầy mọi việc đều do chị Chom lo liệu. Cẩn thận hơn chị còn chuẩn bị cho tôi một túi gạo nếp rang phòng khi có trở ngại tiếp tế không kịp. Thỉnh thoảng chị còn bồi dưỡng cho tôi mấy quả trứng gà luộc, nải chuối chín. Ban đêm tiện đâu, hai anh em lại mắc võng ngủ ở rừng hoặc ngủ trên các “thiêng na” (nhà giữ ruộng của dân làng) giáp bìa rừng. Đêm nào mưa to, gió lớn anh đưa tôi vào ngủ tại nhà anh. Chốc chốc anh lại dậy canh chừng giấc ngủ của tôi.
Khi anh em mắc võng cạnh nhau ở trong rừng anh thường tỉ tê về hoàn cảnh gia đình anh, về nỗi khổ sở khi sống dưới ách áp bức của lãnh chúa phong kiến Bun Ùm. Anh cũng hỏi hoàn cảnh gia đình tôi. Khi biết tôi còn có mẹ già, em nhỏ sống dưới chế độ Mỹ – Diệm, anh rất thông cảm. Anh nói: “Dù có khó khăn, gian khổ, nhưng tôi vẫn may mắn là sống và hoạt động cùng gia đình tại quê hương mình, không phải xa nhà biền biệt như các anh, phải chịu khó, gian khổ vì dân, vì đất nước Lào”. Vì vậy anh Ký rất quý trọng và thương tôi. Rồi anh chị bàn với hau về đề ghị nhận tôi làm em kết nghĩa. Tôi cảm ơn tình cảm và nhã ý của anh chị. Vài ngày sau anh chị đã làm lễ chúc phúc, buộc chỉ cổ tay để nhận tôi làm em kết nghĩa tại một “thiêng na” ở mép cánh đồng bên dòng suối Huội Khá Muồn và đặt cho tôi cái tên Lào là Khăm Chăn (Khăm là vàng, Chăn là mặt trăng), thay cho tên Khăm Xỉ do một bà mẹ Lào đặt cho tôi trong thời chống Pháp. Ba chúng tôi lại có buổi liên hoan với xôi, thịt gà nướng chấm “cheo”(một thứ thức ăn thông dụng của người Lào gồm cá khô, giã chung với muối và ớt thật cay) và những lá rau rừng chị đã chuẩn bị sẵn ở nhà mang ra.
Sau đợt công tác tôi phải quay về cơ quan Tỉnh ủy bí mật ở tả ngạn sông Mê – Kông. Đêm chia tay, đông đảo cán bộ huyện, xã, đa số là sống công khai hợp pháp, cùng một số cơ sở nòng cốt đến tiễn biệt tôi tại một cánh rừng khộp. Tiễn tôi ra đến bến sông Thà Hè đã được bố trí bí mật, có vợ chồng anh Ký, chị Chom và hai thanh niên. Bắt tay mọi người khi xuống thuyền, dưới ánh trăng tôi nhìn thấy đôi mắt chị Chom rớm lệ. Tạm biệt mảnh đất hữu ngạn sông Mê – Kông nơi có những người dân Lào yêu nước, những đảng viên Đảng nhân dân Cách mạng Lào. Xa anh Ký, chị Chom tâm tư tôi bồi hồi, xúc động như phải chia tay những người thân yêu của mình.
Cuối năm 1957. Chính phủ liên hiệp lần thứ nhất được thành lập có Pathét Lào tham gia, tổ cố vấn chúng tôi được lệnh rút về nước. Vì phải bí mật lên đường gấp theo kế hoạch đã định, tôi không có thời gian quay lại bên hữu ngạn sông Mê – Kông để chào giã biệt anh Ký, chị Chom và số cán bộ, cơ sở thân quen. Sau đó nhiều năm không có điều kiện trở lại Chămpaxắc. Mãi đến năm 1981, khi trở lại công tác ở Viêng Chăn tôi mới có dịp xuống Chămpaxắc. Tôi thu xếp thời gian đến bản Huội Phầy để thăm anh Ký, chị Chom. Nhưng đến nơi được biết anh chị qua đời. Đứng dưới gốc dừa cạnh nền nhà cũ của anh chị tôi thầm khấn chúc hương hồn anh chị mãi an lạc nơi cõi vĩnh hằng. Một luồng gió thổi làm đong đưa tàu lá dừa khiến tôi có cảm giác hương hồn anh chị đang quanh quất nơi đây mà lòng vô cùng xúc động.
Nguyễn Văn Nghiệp (ghi)