Ngày 25 tháng 4 năm 1985, Tiểu đoàn đặc công 31 chúng tôi nhận lệnh vượt Trường Sơn sang làm nhiệm vụ quốc tế ở nước bạn Lào. Đối tượng tác chiến của tiểu đoàn là bọn phỉ ở Buôn Lộng. Chúng chiếm gần một trăm ki-lô-mét vuông vùng núi cao hiểm trở trên dưới một nghìn mét. Vùng núi này có nhiều hang hốc dài hơn một trăm mét, cấu trúc tự nhiên làm 3 tầng, 5 cửa hệt như một địa đạo. Bọn phỉ đưa lương thực, thực phẩm, nước uống, đạn dược vào những hang này hòng chống cự với ta đến cùng. Phía trên hang, ở những mỏm núi, bọn phỉ xây dựng lô cốt, chất gỗ, đá bao quanh cùng những lớp dây thép gai, cành cây khô dày đặc. Nhiều lớp mìn được chúng chôn, cài xen trong những vật cản đó.
Đầu tháng 5 năm 1985, chiến dịch tấn công giải phóng Buôn Lộng được phát động. Đồng chí U Đòm – Ủy viên trung ương Đảng nhân dân cách mạng Lào, Bí thư Tỉnh ủy Xiêng Khoảng làm Chỉ huy trưởng, đại tá Hồ Đình Tiếu – Tham mưu trưởng làm Phó chỉ huy trưởng chiến dịch. Lực lượng tham gia tác chiến gồm Tiểu đoàn đặc công 31, Tiểu đoàn 6 thuộc Trung đoàn bộ binh 335 và Tiểu đoàn 258 bộ đội chủ lực Xiêng Khoảng. Trận đánh mở màn chiến dịch được ấn định vào đêm 12 rạng ngày 13 tháng 5 năm 1985.
Một đơn vị đặc công Việt Nam đang tiếp cận mục tiêu địch ở chiến trường Lào trong Kháng chiến chống Mỹ
Ngày đó, tôi vừa nhập ngũ tròn 6 tháng, chưa huấn luyện xong kỹ chiến thuật đặc công đã cùng đơn vị lên đường. Rừng núi, suối ke, đèo dốc…tôi cũng chỉ mới làm quen trong thời gian huấn luyện, nên sang đất Lào thấy núi rừng trùng điệp, tôi nhìn mà ngơ ngẩn. Nhất là khi nghe quân y và các thủ trưởng kể về bệnh sào chốt rét. Nghe nói khi bị sốt, người rã rời, cầm cái bát ăn cơm còn không nổi, nói chi đến khẩu súng. Thế là lo. Tất nhiên chỉ là lo thôi chứ không sợ! Tiểu đoàn nhận lệnh vào chiến dịch. Suốt hai ngày 11 và 12 tháng 5 chúng tôi xuyên rừng tiến về Buôn Lộng. Chạng vạng tối, đội hình hành quân của tiểu đoàn vượt qua cánh rừng gần bản Bôn La. Nằm trên vùng núi cao gần một nghìn mét, nên màn đêm chưa ập xuống, cánh rừng đã mịt mờ sương khói, người đi sau chỉ còn thấy lòa nhòa cái lưng người đi trước. Đamg đi, tự dưng tôi thấy người ớn lạnh, hai thái dương đau buốt, đầu nặng chình chịch. Xung quang tôi cây cối, sương mù, con đường đảo lộn, quay tròn. Người tôi rét run lên. Tôi lảo đảo khụy xuống. Anh em trong mũi vội vã chạy đến đỡ tôi dậy. Mũi trưởng đặt tay lên trán tôi, thở dài:
-Người ngợm chi mà nóng nảy như ri! Cứ như chạm phải hòn than ấy. Gọi y tá nhanh lên! Cậu này sốt rét mất rồi!
Sốt rét? Cái điều đáng sợ nhất sao lại đến với tôi lúc này, ngay trong trận đánh mở màn chiến dịch, ngay trong trận đánh đầu tiên đời lính của mình? Tôi lẩy bẩy bỏ mấy viên quynin mà cậu Lê Văn Sáu y tá đại đội mới trao cho vào mồm nuốt vội vừa co rúm người lại chống chọi với cái rét. Sáu bấm đèn pin nhìn nhiệt kế, lắc đầu:
-Phải đưa cậu ấy vào bản gần đây gửi lại thôi. Sốt 41 độ rưỡi thế này đi đứng sao được. Không chừng bị ác tính thì nguy to. Đêm ni nổ súng rồi, làm khổ anh em khiêng vác còn sức đâu mà đánh đám nữa!
-Nhưng Lĩnh là xạ thủ B40. Vắng cậu ấy mũi ta khuyết đi một hỏa lực chủ công đấy!
-Đành vậy, chứ biết làm sao!
Sau khi báo cáo với Tiểu đoàn trưởng, tôi được đưa vào bản Bôn La, một trong những bản vùng này có tổ chức Đảng, lực lượng dân quân mạnh, bọn phỉ không dám bén mảng đến khống chế. Nghe có bộ đội Việt bị sốt rét, trưởng bản vội vã ra đón. Ông hết sờ trán lại nắn tay tôi rồi chỉ vào ngôi nhà đầu bản:
Đưa đồng chí thả hán (bộ đội) Việt này vào. Đó là nhà Bun Hương, cán bộ phụ nữ bản cùng con gái Xao Đi. Nghỉ ngơi một lúc, thả hán Việt khắc khỏi sốt thôi mà !
Tôi được đưa vào nhà, nằm trên tấm chiếu đan bằng lác bên bếp lửa vừa được nhen lên. Vừa nằm xuống, tự dưng cái rét quay trở lại hành hạ tôi. Nó như những dòng nước đá cuộn ra từ lồng ngực, buốt nhói làm tôi phải nghiến răng kèn kẹt, cắn cả vào mép chiếu, run lên bần bật, Bồng bềnh nửa tỉnh, nửa mê, tôi nghe tiếng bà Bun Hương rối rít lúc gần, lúc xa:
-Xao Đi à, đừng nấp như con dán trong buồng nữa. Ra đây rồi đưa hết chăn bông, chăn len, chăn chiên, đắp cho đồng chí bộ đội Việt đi. Đắp cả vào, bộ đội Việt rét lắm đấy! Đưa cả nước ra cho bộ đội Việt uống nữa. Mẹ phải đi họp bên nhà trưởng bản bàn việc đồ xôi, mổ lợn khao bộ đội đây!
Rét quá! Tôi cuộn tròn người lại, dưa hai cùi tay kẹp vào thái dương vẫn thấy đầu mình nhói như kim châm. Tôi gồng người chống lại cơn sốt, cố nén tiếng rên. Đang vật vã, bỗng tôi như thấy có ai ôm lấy mình và một cái gì đó thật mềm, thật ấm áp sát người tôi, ôm chặt lấy tôi. Một thứ hơi ấm cùng mùi thơm lạ lẫm tôi chưa thấy bao giờ. Mệt quá, tôi ngủ thiếp đi trong mùi hương nồng nàn và cái hơi ấm quấn riết lấy mình như thật như mơ ấy!
Những cô gái dân tộc H’mong Xiêng Khoảng ngày nay
Khi tỉnh giấc, người nhẹ hẳn, tôi tung đống chăn lồm cồm ngồi dậy. Lúc này tôi mới nhận ra cô gái Xao Đi- tên cô gái tôi nghe bà Bun Hương gọi trong mê – đang ngồi bên tấm chiếu tôi nằm, hai chân gấp về phía sau theo kiểu ngồi nền nếp của con gái Lào, nghoẹo đầu gối lên đôi cánh tay trần khoanh trên chiếc bàn con ngủ ngon lành. Mái tóc đen nhánh của Xao Đi xõa tung phủ kín cả mặt bàn, tràn cả ra sàn nhà. Từng đợt gió từ cánh rừng xa ào đến rít u u qa khe liếp, lạnh tê tái. Tôi rón rén đứng dậy nhẹ nhàng sửa lại chiếc khăn thổ cẩm màu hồng đầy những hoa văn trễ xuống trên vai Xao Đi, rồi cứ ngồi yên nhìn cô ngủ. Khuôn mặt Xao Đi bị mái tóc dày che kín, chỉ còn lộ ra chiếc mũi thanh tú như một nét vẽ. Cặp môi Xao Đi mòng mọng đỏ, chúm chím như đang mỉm cười. Tôi cứ ngồi lặng lẽ, như thể nếu đánh động, người con gái đẹp như một thiên thần trước mắt tôi sẽ tan biến như một giấc mơ!
Có lẽ lâu lắm, tôi không xác định được thời gian. Xao Đi khẽ cựa mình đưa tay dụi mắt. Cô ngẩng đầu lên ngơ ngác nhìn tôi:
-Ui da! Thả hán Việt ngồi dậy được rồi, khỏe rồi! Ui da! Khi thả hán Việt sốt người nóng chi lạ. Nọong cứ lo lo là…
Nghe Xao Đi nói thật hiền, chợt nhớ lại vòng tay mềm mại, bộ ngực căng tròn mềm ấm và mùi thơm da thịt con gái kỳ lạ lần đầu trong đời ôm lấy mình khi đang chống chọi với cái rét của cơn sốt, tôi mang máng hiểu ra. Hẳn là Xao Đi đã dùng hơi ấm thân thể con gái của mình để sưởi cho tôi. Tôi bồi hồi nhìn cô. Xao Đi bẽn lẽn quay đi. Như chợt nhớ ra điều gì, cô nhấc chiếc nồi nhôm trên bếp xuống. Mùi cháo trứng gà bốc lên thơm lừng. Xao Đi ngượng ngịu:
–Ải vừa sốt dậy, ăn đi cho nóng, cho khỏe để còn phải đi đánh bọn phỉ Buôn Lộng nữa. Ải ăn đi! Nhiều giờ rồi đó!
Không đói, nhưng nghe Xao Đi nói tôi xúc động quá, bưng cháo lên húp xì xụp. Thỉnh thoảng ngừng húp, ngước nhìn lên, tôi bắt gặp ánh mắt Xao Đi. Cả Xao Đi và tôi đều luống cuống quay đi. Bỗng Xao Đi cười vang:
-Ui da! Chắc là ải chưa có người yêu?
-Ờ…..ờ….Mà sao Sao Đi biết hay vậy?
-Nhìn ải thì biết! Ngồi trước con gái mà cứ lúng ta lúng túng như con gà trống chân bị quấn rơm. Thế ai mà chẳng biết!
Tôi cười buồn:
-Đời người lính mà Xao Đi! Yêu đương làm gì để người ta phải đợi chờ, lo lắng thêm khổ. Với lại hết nghĩa vụ tôi còn phải thi vào đại học nữa mà…!
Xao Đi nhìn tôi, cái nhìn thật lạ:
–Ải nói chi mà lạ! Đợi chờ biết là buồn, là khổ, nhưng đợi chờ cũng có niềm vui, hạnh phúc, hy vọng chớ! Dù chẳng ai mong tình yêu hóa đá, nhưng nọong nghe nói bên Việt Nam có nhiều nhiều đá moong há phúa ( vọng phu ) lắm mà!
Chưa kịp trả lời ra sao, nhìn vào đồng hồ, tôi hốt hoảng:
-Hai mươi giờ rưỡi rồi, thế là tôi đã phải nằm lại mấy tiếng đồng hồ. Cảm ơn mẹ Bun Hương, cảm ơn Xao Đi nhiều lắm! Nhưng lúc này tôi phải đuổi theo đơn vị cho kịp giờ G! Trận đánh mở màn chiến dịch này tôi không thể không có mặt. Có con đường tắt nào đến Buôn Lộng gần hơn không Xao Đi?
Xao Đi đứng dậy, lặng lẽ nhìn tôi. Tiếng cô hụt hẫng:
-Có đấy ải à! Con đường này nếu nhiều người đi một lúc thì không được, vì đường phải đi gần hai bản Nậm Chắc, Nà Cọi bị bọn Pun khống chế. Nhưng chỉ ải với nọong đi thì được, vì hai người lẩn trong rừng dễ hơn. Để rồi nọong dẫn ải đi. Đường vòng thì như cánh cung, ta đi đường tắt thẳng như mũi tên bay, kịp thôi mà!
Bài đăng trong cuốn BÊN DÃY TRƯỜNG SƠN do Nhà xuất bản Quân đội nhân dân phát hành năm 2009
Chúng tôi xuống cầu thang, hai người chìm vào bóng đêm rừng. Tôi cứ nhìn theo vệt trăng của đôi cánh tay trần và đôi bắp chân trần lấp lóa của Xao Đi phía trước, cắm cúi bước. Hơn hai giờ sau, tới một khoảng rừng cháy trụi, Xao Đi chỉ tay vào dãy núi dựng đứng trước mặt. Dưới bầu trời đêm cuồn cuộn sương khói, dãy núi như đang đổ ập xuống đầu chúng tôi:
-Buôn Lộng đó. Nọong biết kỉ luật bộ đội Việt nghiêm lắm, nếu không noọng sẽ dẫn ải tới tận nơi. Ải cứ đi thẳng về phía núi, chỉ còn cách một tiếng hú nữa là đến thôi mà!
Rồi em khẽ khàng cởi chiếc khăn thổ cẩm đang quàng trên cổ mình, nhón chân quàng cho tôi, dịu dàng:
–Ải quàng khăn phá phe (khăn quàng) này vô cho ấm. Ải chưa hết sốt mà. Ải cứ coi như đây là vật kỉ niệm của noọng Lào. Biết đâu sau này nó sẽ là của tin để chúng mình tìm được nhau!
Xao Đi chớp chớp mắt. Người em đứng sát ngay trước mặt, gần đến nỗi tôi nghe rõ nhịp tim em dưới vòng ngực căng tròn đập liên hồi. Đôi mắt em ngước nhìn tôi thăm thẳm…
Nhờ Xao Đi dẫn đường tôi đã nhanh chóng tìm được đơn vị. Đúng giờ G – 3 giờ 30 phút rạng sáng hôm đó ( 13-5-1985) chúng tôi nổ súng tấn công, mở màn chiến dịch Buôn Lộng. Tôi đang ôm khẩu B40 lao lên đúng tầm để diệt một lô cốt địch trước hang đá đang khạc đạn vào mũi chủ yếu của quân ta, bỗng thấy hông mình lạnh buốt. Sờ tay xuống, thì ra một mảnh phóng lựu đạn của địch đã chém vào đó, vết thương rộng hoác. Băng cá chân bị rơi đâu mất. Chợt nhớ đến chiếc khăn Xao Đi trao đang quàng trên cổ, tôi vội cởi ra quấn mấy vòng quanh bụng, cột chặt lại. Gắng hết sức, tôi quỳ xuống nâng khẩu B40 lên vai nhằm thẳng vào lô cốt địch. Khi chớp lửa quả đạn bùng lên trông rõ cả từng mảng bê tông vỡ toác, tung tóe, cũng là lúc mắt tôi hoa lên, tối sầm lại. Tôi ngất lịm đi…
Từ trận đánh mở màn thắng lợi ấy đến khi kết thúc chiến dịch Buôn Lộng, ta tiêu diệt gần 50 tên địch, gọi hàng 200 tên, thu hàng trăm súng các loại; đưa hơn 3.000 dân bị địch khống chế về bản cũ làm ăn. Ta hoàn toàn làm chủ cả khu vực Buôn Lộng rộng lớn, phá vỡ hoàn toàn kế hoạch gây bạo loạn của địch ở Xiêng Khoảng. Chúng ta đã thực hiện đúng quyết tâm của Bộ chỉ huy Liên quân Lào – Việt: “ Không bắn nhầm dân. Không bỏ sót địch. Ít đổ xương máu mà giành thắng lợi lớn!”.
Tôi trở về Tổ quốc điều trị vết thương ở Viện quân y 4 ( quân khu 4). Một chiều cuối tháng 5 năm 1985, người hộ lý phòng vào thông báo tôi có khách. Tôi ngồi dậy nhìn ra cửa thì, trời ơi, hai người khách vừa bước vào phòng là mẹ Bun Hương và Xao Đi! Mẹ Bun Hương nói với tôi rằng, tỉnh Nghệ Tĩnh mời bà sang thăm Nam Đàn quê hương Bác Hồ, thăm thành phố Vinh; Xao Đi nằng nặc đòi đi cùng, để đến thăm thả hán Lĩnh bị thương. Xao Đi ôm chầm lấy tôi sụt sịt khóc. Nước mắt em ướt đẫm cả áo tôi.
…..
Hai mươi bốn năm qua rồi, từ một chiến sĩ mới toanh lần đầu tiên đi chiến trường, tôi trở thành một tiểu đoàn trưởng tiểu đoàn đặc công anh hùng. Từ khi ra đời trong những năm đánh Mỹ, đến bây giờ, tiểu đoàn vẫn son sắt thủy chung; Sẵn sàng cơ động làm nhiệm vụ quốc tế ở nước bạn Lào. Riêng với tôi, nước Lào gần lắm, ngay giữa trái tim mình. Nơi có biết bao gương mặt những người bạn Lào yêu dấu: nơi có Xao Đi và ánh mắt em đêm Bôn La ấy… đằm sau trong ký ức người lính của tôi, không bao giờ phai mờ!
Trại viết Hồ Tây, thu 2009.
XUÂN DIỆU
(Ghi theo lời kể của đồng chí Nguyễn Đình Lĩnh )