Đầu mùa khô năm 1952-1953, anh Liễn – Chỉ huy trưởng mặt trận Sê Kông giao nhiệm vụ cho tôi xuống vùng Hôm Lùm – Hôm Thơng để thay anh Phi Cơ làm nhiệm vụ quân báo bám nắm địch ở thị xã Mường Mày ( Át-tô-pơ). Anh Phi Cơ là quân báo của khu Hạ Lào bị bệnh nặng phải về Khu điều trị.
Tôi xuống đến nơi thì anh Phi Cơ đã về Khu nên không được ai bàn giao lại nhiệm vụ, nhất là các cơ sở nắm địch ở Mường Mày. Tôi phải tự mình đi tìm và xây dựng cơ sở nắm địch lại từ đầu. Cái khó hơn nữa là khi học ở phân hiệu Võ bị Trần Quốc Tuấn – Liên khu 5 (1-1950 – 5-1951) tôi chỉ được học Chỉ huy bộ binh tiểu đội và trung đội, chưa được học một chút gì về trinh sát quân báo.
Tình cảm Quân tình nguyện Việt Nam và bà con dân bản Lào trong Kháng chiến chống Pháp
Lúc bấy giờ khoảng đầu tháng 10 dương lịch, đang là cuối mùa mưa, lúa đang đòng nên dân bản Hôm phần lớn còn đang ở nhà ngoài ruộng chờ gặt hái. Trong làng chỉ còn lại một số ít người, tôi phải trực tiếp đến từng nhà gặp dân, quan sát cuộc trò chuyện, cách tiếp đón, thái độ cư xử của từng người để phát hiện ra người tốt, xây dựng cơ sở cho hoạt động bám trụ của mình ở Bản Hôm, làm bàn đạp để nắm tình hình địch ở Mường Mày.
Bản Hôm là cơ sở của ta, có trưởng bản và một số du kích bí mật. Đó là cơ sở tốt, là chỗ dựa của anh Phi Cơ trước đây. Một trong số đó là gia đình mẹ Liềm – gia đình từng che chở giúp đỡ anh Phi Cơ. Gia đình mẹ có 5 người, bố mẹ đã già cả và đều là nông dân. Con trai duy nhất của bố mẹ bị địch bắt đi lính ở Trung Lào. Hai cô cháu gái trạc 25 – 30 tuổi là con của chị gái mẹ Liềm, do mồ côi cha mẹ nên được gia đình mẹ nuôi dưỡng từ thuở bé. Chính mẹ Liềm đã hướng dẫn cho tôi liên lạc để nhận tiếp tế của mẹ và giúp tôi tổ chức người vào thị xã Mường Mày nắm tình hình địch.
Tôi nằm sâu trong rừng. Hàng ngày ra bám rìa rừng giáp cánh đồng Bản Hôm nhìn ám hiệu ở sàn hiên nhà ruộng của mẹ. Khi nào thấy mẹ phơi áo trắng là an toàn, không có địch, có thể vào liên lạc với mẹ. Nếu thấy mẹ phơi áo vàng là ám hiệu không an toàn, có địch hoặc bọn tay chân lượn lờ rình rập. Nhiều lần có quân địch, mấy tên lính người làng về thăm nhà, mẹ đều phơi áo vàng làm ám hiệu cho tôi biết. Những lần đó, tôi không vào được, mẹ lại nhờ hai cô cháu gái mẹ bí mật mang xôi và thức ăn ra rừng, treo vào một chỗ mà mẹ đã quy định sẵn với tôi.
Mẹ Liềm đã giới thiệu các anh du kích bí mật dẫn tôi vào bản sa Phào (cách Mường Mày 6 km) để xây dựng cơ sở quân báo và quan sát bốt địch ở Huội Tà Hãy ở đầu sân bay Mường Mày.
Ở Át-tô-pơ lúc bấy giờ chỉ có một tiểu đoàn ngụy Lào do tên Grand Fean – quan ba người Pháp chỉ huy và tên Xủn Thon – quan hai người Lào làm phó chỉ huy. Tiểu đoàn của Grand Fean mùa mưa cụm về cố thủ ở thị xã Mường Mày, một đại đội bảo vệ sân bay đóng ở đầu cầu Huội Ta Hãy. Hàng ngày, một đến hai trung đội đi tuần tiễu hoặc bí mật phục kích ngăn bộ đội Ít-xa-la thâm nhập.
Đến mùa khô (từ tháng 11 đến tháng 4 dương lịch) địch ở Mường Mày mới phối hợp với các cánh quân từ Pạc Xòong cao nguyên Bô-lô-ven xuống và cánh quân từ Stung Treng ( Cam-pu-chia) lên để càn quét vào huyện Xa-năm-xay là căn cứ của khu Hạ Lào.
Mẹ Liềm đã giúp tôi tổ chức được một số cơ sở, hầu hết là các mẹ, các chị ở Bản Hôm và bản Xa-phao, bằng cách cho tôi giả mua bán hoặc đi thăm hỏi bà con ở thị xã Mường Mày. Qua đó nắm quân số, vũ khí, đội hình bố trí kho hàng của địch, nhất là sự chuẩn bị của địch trong đợt càn quét vào vùng hậu cứ khu Hạ Lào. Đặc biệt mẹ Liềm đã vận động thuyết phục được cô Bua – người ở Bản Hôm, vợ tên quan hai Xủn Thon – có cảm tình với cách mạng, với Ít-xa-la và cô đã cung cấp cho tôi một số tin quan trọng.
Bài viết được đăng trong cuốn Bên dãy Trường Sơn – Tổng cục Chính trị, Quân đội Nhân dân Việt Nam
Mẹ Liềm nhận tôi là con nuôi, đặt tên Lào cho tôi là Bua Phẵn ( Mộng Liên). Bố Liềm cũng thương tôi như con, hai cháu gái của mẹ coi tôi như em.
Mùa làm ruộng nên dân ở nhà ruộng. Nhà nọ cách nhà kia khá xa nên chúng tôi dễ vào liên lạc, tiếp tế hơn. Sau khi gặt, đập lúa xong (khoảng tháng một dương lịch) dân lại quay về làng ở ven sông Sê Kông. Việc liên lạc có khó khăn hơn. Thường thì tối đến chúng tôi mới vào làng gặp cơ sở, đêm lại phải ra rừng leo lên cành cây cao cột võng để ngủ ( chủ yếu đề phòng cọp). Chúng tôi luôn thay đổi chỗ ngủ, lúc ở nhà ruộng, lúc chui vào đống rơm giữa ruộng. Có lúc mẹ Liềm bảo bố chèo thuyền đưa tôi ra ngủ ở cồn cát giữa sông cho an toàn, song ở đó nhiều con dĩn, nếu đốt lửa thì lại sợ bị lộ, vì thế mẹ Liềm đã may cho tôi một chiếc xà lùng và một áo chàm Lào, một khăn phá phe rằn để hóa trang thành người Lào cho bớt lộ liễu. Vả lại, bộ quần áo bộ đội của tôi bằng vải xita được liên khu 5 trang bị lúc sang Lào hồi tháng 7 năm 1951 đến nay đã vá chằng vá đụp.
Một lần, ban đêm địch từ Mường Mày bí mật hành quân bao vây Bản Hôm, phục kích chờ đón bắt Ít-xa-la vào liên lạc. Sáng ra, mẹ Liềm phát hiện được, bà cùng hai cháu gái giả vờ đeo giỏ đi kiếm măng, kiếm nấm, đọt mây để ra rừng báo tin và tiếp tế cơm nước cho tôi.
Gặp tôi, mẹ bảo:
-Mẹ lo quá, sợ con không biết mà vào làng thì bị địch bắt mất, nên mẹ mới liều mạng tìm cách ra báo tin.
-Thế bọn chúng không gây khó khăn cho mẹ sao?
-Có chứ, thằng chỉ huy quan một kiên quyết giữ lại không cho mẹ đi, nó bảo “Để bà đi báo tin cho Keo Việt à”.
-Thế mẹ và hai chị đã làm cách nào để ra được với con?
-Mẹ quay về, hai chị của con bảo hay là mình đi đường tắt sau làng vào rừng, song lại gặp một bộ phận lính gác ở đó. Ba bốn con đường mòn ra rừng đều có lính gác cả, mẹ càng lo cho sự an nguy của con. Ba dì cháu nghĩ mãi chẳng có cách nào đi được, chỉ biết khấn Phật phù hộ, ngăn cho con đừng vào làng. Bố con thấy ba dì cháu mang giỏ đi rồi lại quay về, rầm rì to nhỏ nên hỏi. Mẹ đành nói thật, bố con liền bảo: “Xảo Bua nó mới đi thăm chồng nó ở Mường Mày về hôm kia, hay bà đến nhờ nó nói với quan một thử xem, may ra…(Xảo Bua là vợ quan hai Xủn Thon – cấp trên của quan một).
-Đúng là mẹ già lú lẫn, có thế mà nghĩ không ra. Mẹ bèn đến nhà gặp Xảo Bua, cô ấy đưa ba dì cháu mẹ theo đường chính gặp tên chỉ huy, nó nói gì đó mẹ không nghe rõ, chỉ thấy tên chỉ huy ra chào mẹ và để cho ba dì cháu vào rừng.
-Thế mẹ không sợ Xảo Bua đứng về phía chồng là quan hai Xủn Thon à?
-Ồ không nó là con cháu trong làng, mẹ biết tính nó từ nhỏ, đã có lần me nói với con, nó rất có cảm tình với cách mạng. Nghe mẹ kể về các con, nó thương và quý các con lắm. Chính nó là cơ sở nắm địch của ta đó. Vì nó là vợ quan hai Xủn Thon nên ra vào đồn địch ở Mường Mày thoải mái. Chính nó đã cho mẹ biết nhiều tin tức quan trọng của địch. Vừa rồi, mẹ nói thật với nó là ra để cứu con. Giờ đã báo được tin cho con là mẹ mừng và yên tâm rồi.
Mẹ Liềm và hai chị ôm chặt tôi như để truyền hết niềm vui của họ sang cho tôi.
Bỗng mẹ Liềm đột ngột dừng lại và nói:
-Quá mừng vui suýt nữa mẹ quên nói với con một tin cực kỳ quan trọng. Xảo Bua gửi lời hỏi thăm con và bảo con báo ngay lên thượng cấp là địch ở Mường Mày đang chuẩn bị ra càn. Con nhớ báo ngay nhé. Mẹ và các chị con phải vào rừng kiếm ít nấm, ít măng để khi về thằng quan một khỏi nghi ngờ.
Tôi vội vã băng rừng về Pui để báo cáo tin trên cho anh Liễn rồi trở lại Bản Hôm bám cơ sở. Đầu tháng một dương lịch, trời rất rét. Tối tôi thường chui vào giữa đống rởm ngoài ruộng để ngủ, đêm nay đống nay, đêm mai đống khác để khỏi lộ. Một đêm, sáng ngủ dậy, chui ra khỏi đống rơm để về rừng, bỗng giật mình khi thấy dấu giày đinh dày đặc, cách chỗ tôi ngủ chừng 15 mét băng đồng đi về hướng Pui, Úc. Tôi lần theo vết giày đinh. Chúng không rẽ vào Pui – nơi cơ quan mặt trận đóng mà đi thẳng về hướng Úc Tạy – nơi đại đội 200 cơ động của Khu đóng.
Về đến cơ quan mặt trận thì anh em cơ quan đã biết rồi. 5 giờ sáng hôm đó đã nghe tiếng mìn nổ ở Úc Tạy. Anh Liễn – Chỉ huy trưởng giao cho tôi nhiệm vụ mới, cùng với Thừa và Xuân mang 10 quả mìn muỗi trở lại bố trí một bãi mìn ở gần đồn sân bay Huội Ta Hãy, nằm chờ để đón đánh cánh quân của Grand Fean sau khi càn quét trở về. Tôi đưa Thừa và Xuân qua Hôm, Sa Phào vào gần Huội Ta Hãy rồi từ đó quay ra chọn địa hình nơi địch có thể quay về. Ngày thứ hai chúng tôi đã bố trí xong bãi mìn, chuẩn bị ăn cơm trưa thì nghe tiếng chân lào xào. Quân của Grand Fean đã về, nhưng không theo đường mòn mà băng qua suối, dừng lại nghỉ ở cánh rừng rậm cách bãi mìn của chúng tôi chừng 10 mét.
Bố trí mìn lại thì không kịp, chúng tôi bàn nhau vòng ra phía trước đội hình hành quân của địch, tìm một cây gỗ đổ ngang, nấp vào sau cây gỗ đó chờ đánh địch. Xuân được trang bị khẩu súng trường Mút-cơ-tông với ba viên đạn, còn tôi và Thừa mỗi đứa chỉ được một quả lựu đạn để phòng thân. Chúng tôi im lặng nằm chờ. Gần một tiếng đồng hồ địch mới lục tục chuẩn bị hành quân. Chờ toán đi đầu của địch cách chúng tôi tầm 10 mét, tôi ra lệnh cho Xuân nổ súng vào tên đi đầu, còn tôi và Thừa ném lựu đạn vào địch rồi rút chạy.
Ba chúng tôi cắm đầu băng rừng chạy, ước chừng được khoảng 70, 80 mét thì địch mới bắn đuổi theo. Đạn nghe chíu chíu trên ngọn cây. Chỉ khoảng 10 phút sau thì im tiếng súng. Chiều hôm đó, chúng tôi quay lại quan sát chỗ đánh nhau chỉ thấy một vũng máu lớn, chung quanh có một số cành cây nhỏ bị lựu đạn tiện đứt. Có thể chỉ chết thằng đi đầu do Xuân bắn, còn hai quả lựu đạn của tôi và Thừa chỉ sát hại được vài ba lùm cây thôi.
Quay về mặt trận hay tin là Grand Fean đã bí mật hành quân thọc sâu đánh vào doanh trại của đại đội 200 cơ động của khu ở Úc Tạy. Hai anh Trường của cơ quan mặt trận ngủ canh rẫy đã bị địch bắn chết.
Do được báo trước tin địch sắp ra càn nên Đại đội 200 đã kịp thời chuyển lên núi Tà Pạc, chỉ để lại ba người trông coi và đã cài 10 quả mìn muỗi quanh doanh trại khi địch tập kích thì 6 quả nổ tại chỗ, chỉ 1 quả nổ văng mảnh và không ai khác, người bị trọng thương bởi trúng mảnh quả mìn đó là quan ba pháp Grand Fean – tên cầm đầu của cánh quân.
Cách địch từ Pạc Xoòng xuống cũng bị thiệt hại nặng. Cuộc càn mùa khô 1952 -1953 của Pháp thất bại. Sau đó mặt trận Sê Kông giải tán rồi thành lập Ban Quân sự của từng huyện. Tôi được điều về huyện Xàn Cũn Xay làm thư ký cho huyện. Sau 3 tháng đi xây dựng du kích ở: Úc, Pai, Chèng, In Thư, rồi làm trinh sát bám địch đồn Pui, sau đó về Ban Quân báo khu, tháng 10 năm 1954 hành quân cùng bạn Lào lên hai tỉnh tập kết Sầm Nưa, Phông Xa Lỳ tôi mới được gặp lại bố mẹ Liềm và hai cháu gái của mẹ.
Ngày 15 tháng 10 năm 1954 quân tình nguyện Hạ Lào cuối cùng hành quân theo đường lên Bô-lô-ven, Sa-ra-van, sa- vản, Khăm-muộn ra miền Bắc (Việt Nam). Còn đại bộ phận đã sang Kon Tum qua Giá Vụt, Ba Tơ về Quảng Ngãi, Quy Nhơn rồi được tàu thủy Ba Lan đón đưa ra Bắc.
Trên đường hành quân tập kết từ Át-tô-pơ đi, nhân dân các bản Sa Phào, Hôm, Pui, Úc dọc đường 18 ra đứng hai bên đường bịn rịn tiễn đưa các con Việt Nam. Bố mẹ Liềm cùng hai chị cũng có mặt trong đoàn người dân Bản Hôm đi tiễn hôm ấy. Bố mẹ mừng rỡ khi gặp được tôi – đứa con nuôi của mình – lòng mừng vui mà nước mắt lưng tròng. Tôi tạm xa gia đình mẹ Liềm với cái tên Lào thân thương Thao Bua Phẵn.
21 năm cách xa biền biệt, tưởng chẳng bao giờ mẹ Lào con Việt được gặp lại nhau. Hai mẹ con nghẹn ngào mừng vui mà nước mắt rưng rưng, không nói được nên lời.
Việt Nam đất nước tôi còn hai miền chưa thống nhất. Tôi chưa về được quê hái quả xoài tượng Bình Định để tặng mẹ Liềm, tôi đã mua một chiếc khăn Nam Định để tặng mẹ. Gặp lại nhau khoảng một tiếng đồng hồ tôi lại phải xin phép mẹ về thị xã Mường Mày. Cuộc hội ngộ bất ngờ của hai mẹ con Lào – Việt quá ngắn ngủi như một giấc mơ.
Hồ Tây, ngày 21 tháng 8 năm 2009
QUÁCH BÁ ĐẠT