Nhân dịp kỷ niệm 52 năm Ngày thành lập Sư đoàn 968 Anh hùng (28/6/1968 – 28/6/2020) xin gửi bạn đọc về một ký ức cách đây đã nửa thế kỷ, thuở ấy những chàng trai Việt theo lời Đảng, vâng lời Bác Hồ kính yêu đã không quản hiểm nguy, đói khổ đã hành quân vượt Trường Sơn sang làm nhiệm vụ quốc tế giúp Lào – “Giúp bạn là tự giúp mình”. Ký ức ngày ấy luôn sống mãi trong tôi …
Tôi sinh ra và lớn lên trên quê hương đồng chua nước mặn. Nơi ấy người ta quen gọi là “Xứ Đông Cổ Am, xứ Nam Hành Thiện”. Sau khi tốt nghiệp cấp III, ngày 29/6/1963 tôi lên đường nhập ngũ.
Tác giả – thượng tá Đào Bá Bỉnh (thứ 3 từ phải qua) cùng đồng đội ôn lại những ký ức xưa mỗi khi có dịp gặp lại nhau
Ngày 24/ 2/1964, chúng tôi lên tàu về Hà Nội, rồi bổ sung về Tiểu đoàn 2, Trung đoàn 98. Sau một thời gian huấn luyện bổ sung và kiện toàn tổ chức, ngày 20/4/1964, Tiểu đoàn 2 lên đường đi chiến đấu. Ngồi trên xe bạt bịt kín, lòng tôi lưu luyến nhớ thương mẹ già và quê hương.
Đến Quảng Bình, qua Cổng Trời sang đất Lào chúng tôi bắt đầu hành quân bộ, đi dưới trời mưa tầm tã từ 4 giờ sáng đến 6 giờ tối. Đi 4 hoặc 5 ngày được nghỉ 1 ngày, 10 ngày mới có chỗ lấy gạo. Lúc ấy Trường Sơn chưa có đường xe thồ, đường ô tô, các đơn vị vận tải đều gánh bằng bồ bọc kín ni-lon.
Ngày 12/ 7/1964, Tiểu đoàn vào tới tỉnh Tàvên Oọc (nay là tỉnh Sêkoong), Hạ Lào, nơi đây núi rừng hiểm trở.
Vài ngày sau, chúng tôi đến bản Đắc Don, đồng chí Phum Ma (Tư lệnh Quân khu Hạ Lào) và nhân dân hân hoan đón tiểp. Đoàn 763 có đổng chí Lê Kích, Đoàn trưởng, đến nhận quân và giao nhiệm vụ cho tiểu đoàn.
Cuối tháng 7, đại đội 1 được giao nhiệm vụ ở lại hoạt động vùng Xà Khẹ – Mường Cầu tỉnh Atôpơ, còn tiểu đoàn rút về Mường Xăngxây và Đắc Chưng. Ở đây nhân dân chủ yếu là người dân tộc A-lắc và Nghé, lạc hậu và đói nghèo.
Sau một thời gian dừng chân trong khu rừng gần bản Toọc huấn luyện bổ sung, tiểu đoàn hành quân về Tha Teng, tổ chức đánh trận đầu. Mục tiêu là đồn Viêng Khăm.
Khoảng 3 giờ sáng ngày 11/8/1965, pháo hiệu từ Sở chỉ huy tiểu đoàn bắn lên, lệnh nổ súng bắt đầu. Cối 82 và ĐKZ nổ vang trời. Khẩu đội tôi bắn 6 quả ĐKZ75 vào khu nhà chỉ huy của địch, khói lửa mịt mù, sáng rực một góc trời. Trận đánh đầu tiên bằng pháo kích, bộ binh chỉ đi yểm trợ, vì thế ta chỉ thương vong 1 người còn địch thiệt hại nặng nề, nhất là về tinh thần đối với những tên sống sót.
Các chiến sỹ lớp đầu tiên của Tiểu đoàn 2 Quân tình nguyện Nam Lào ngày ấy, nay các Cựu chiến binh đều đã gần 80 tuổi nhưng vẫn hào sảng khi kể cho nhau nghe về những kỷ niệm ơ chiến trường Nam Lào thời Kháng chiến chống Mỹ.
Ngày 13/1/1966, Tiểu đoàn vượt Phù Sết, một đỉnh núi cao của cao nguyên Bôlôven, sang hoạt động ở Lào Ngam. Khi chuẩn bị vượt qua đường 23, trinh sát phát hiện địch đang ở bản Mừn Mày. Tiểu đoàn liền tổ chức đánh địch. Cuộc chiến đầu diễn ra rất ác liệt, địch đông, quân số 1 tiểu đoàn 4BI, lại cố thủ trong bản. Ta từ ngoài tấn công vào, vì vậy có nhiều khó khăn. Sau mấy giờ chiến đấu, địch thiệt hại nặng, bỏ chạy về Thateng và Salavan. Ta diệt 40 tên, bắt sống 1 tên, thu 1 điện đài 15w, 1 cối 81ly, 1 ĐKZ 57ly, 1 đại liên và các loại súng khác. Bên ta hy sinh 3, bị thương 14, dân bị thương 1. Sở dĩ thương vong của ta lớn là vì đánh vào bản, tiểu đoàn chỉ dùng đại liên và B40, không dám dùng cối và ĐKZ sợ chết dân. Sau trận Bản Mừn, giải quyết thương binh, tử sĩ và củng cố lại đơn vị xong, tiểu đoàn tiếp tục hành quân sang Lào Ngam, tỉnh Salavan. Thời kì này chúng tôi nay đây mai đó, mỗi chỗ chỉ ở 2-3 ngày, cuộc sống như người du mục, nhiều hôm về đóng quân ở rừng chuối Vang Nhao. Mùa rét, lấy lá chuối khô làm ổ ngủ có ấm thật, nhưng ve đốt rất nhiều; ăn thì mỗi ngày chỉ có 2 lạng gạo nếp Lào, nhưng may nhờ có chuối xanh ăn độn thêm (cả thân, củ, quả) nên cũng đỡ đói.
Tháng 7/1966, chúng tôi phục kích đánh địch ở đồng cỏ Na Tàn Đông, tiêu diệt được nhiều địch và thu nhiều vũ khí, trong đó có ĐKZ 57ly vác vai của Mĩ. C1 hy sinh một đồng chí (chiến sĩ Sẩm). Từ đấy, chúng tôi được đổi ĐKZ75 nặng nề lấy ĐKZ57, việc cơ động chiến đấu, hành quân xa cũng có nhiều thuận lợi.
QTN Việt Nam trước giờ nổ súng
Giữa tháng 9, tiểu đội tôi phối thuộc với C3 của tiểu đoàn đánh tập kích đồn Natơi. Đêm mưa rét vô cùng gian khổ. Cả ngày chúng tôi chỉ được ăn hai lạng gạo nếp, cơm phát cho anh em từ tối, nhưng ai cũng để dự phòng, chưa dám ăn. Tôi còn nhớ lúc triển khai đội hình chiến đấu, đồng chí Sang bỏ cơm ra định ăn, tôi ngăn lại: “Ăn bây giờ, chốc nữa đánh xong lấy gì bỏ vào bụng để có sức mà chạy”, vì đánh xong phải nhanh chóng chạy khỏi trận địa để tránh phi pháo.
Tiểu đội tôi được bố trí cạnh chuồng bò của dân tại chân đồi đồn Natơi, trong đội hình của C3, hướng đánh từ trái lên. Khoảng 3 giờ sáng, lệnh nổ súng bắt đầu. Cối 82ly của ta bắn cấp tập vào đồn, địch nổ súng chống lại. Một khẩu súng máy bắn về hướng chúng tôi. Tôi lệnh cho đồng chí Bồi bắn một phát ĐKZ57 vào mục tiêu đó, đồng thời tôi kề AK vào cọc chuồng bò bắn quét lên đồn. Thế rồi trong giờ phút ác liệt ấy, một quả đạn không xác định được là cối hay M79 nổ ở trên cây góc chuồng bò, mảnh trùm xuống đội hình của tiểu đội tôi. Tôi bị choáng trong khoảnh khắc, sau đó nghe thấy đồng chí Bồi báo cáo bị thương vào nách, rồi vào tay. Lúc đó đồng chí Liễu, C phó C3 gọi rất to: “Đồng chí Bỉnh cho ĐKZ lên”, tôi trả lời “Rõ”. Tôi để đồng chí Bồi nằm xuống, sờ bên cạnh thấy đồng chí Sang nằm bất động. Thì ra đồng chí Sang bị mảnh đạn vào giữa trán và đã hy sinh. Rồi đồng chí Bồi cũng hy sinh. Thế là tôi mất hai chiến sỹ. Lòng đau đớn xót thương, nhìn thấy nắm cơm bằng quả trứng vịt còn ở thắt lưng đồng chí Sang, tôi ân hận vô cùng vì trước đấy tôi không cho đồng chí Sang ăn, bây giờ đồng chí phải chết đói.
Sau 30 phút nổ súng, ta làm chủ chiến trường, địch thiệt hại nặng nề, số còn lại rút chạy. Về phía ta, ở các đại đội khác tôi không nắm được, nhưng riêng C4 hoả lực hy sinh 3 đồng chí: đồng chí Phàn tiểu đội trưởng đại liên, đồng chí Sang và đồng chí Bồi, chiến sỹ ĐKZ tiểu đội tôi.
Trận đánh kết thúc, tôi và đồng chí Phùng rút theo đơn vị, còn 3 đồng chí ở lại cùng vận tải giải quyết thương binh, tử sỹ. Trời mưa tầm tã, ăn nắm cơm bằng quả trứng vào bụng chẳng có nghĩa lí gì, đói quá. Chúng tôi chạy qua nương rẫy gặp dân, xin cơm ăn. Khi rút đã xa trận địa, đơn vị tạm dừng ở một khu rừng để củng cố và giải quyết thương binh tử sĩ, tôi bùi ngùi muốn khóc khi nhớ lại hình ảnh nắm cơm bằng quả trứng còn dắt ở thắt lưng đồng chí Sang lúc hi sinh…
Thế rồi ngày tháng trôi qua, lòng thương nhớ đồng đội đã biến thành lòng căm thù giặc sâu sắc, tiếp thêm sức mạnh cho chúng tôi vào các trận đánh sau này.
Tôi còn nhớ rất rõ trận phục kích trên đường về bản Palây, huyện Tha Teng. Hôm ấy, tôi đang sốt rét thì có lệnh đi phối thuộc với C3 đánh địch hành quân. Chúng tôi vội vàng chuẩn bị súng đạn, quân tư trang và cơm nắm. 5 giờ chiều ngày 11/3/1967, chúng tôi có mặt tại C3 do đồng chí Bính là đại đội trưởng, đồng chí Liễu là đại đội phó, đồng chí Bàn là chính trị viên. Chúng tôi hành quân đến 4 giờ sáng thì đến trận địa, đồng chí Bính chỉ vị trí bố trí cho khẩu đại liên do đồng chí Lạc phụ trách, và ĐKZ do tôi phụ trách. Chúng tôi đảm nhiệm ở bộ phận chặn đầu, đồng chí Bính bảo tôi: “Cậu để cho địch đi qua khoảng 1 trung đội thì hãy nổ súng”.
Khoảng 5 giờ sáng, địch lọt vào trận địa của ta. Tôi đếm khoảng 20 tên đã đi qua, tôi và anh Lạc đồng loạt nổ súng. Khẩu đại liên bắn xối xả vào đội hình địch. Tôi và anh Lạc cùng lúc nhảy ra mép đường bắn quét, tiêu diệt mấy tên nằm ở rãnh xe bò và hai tên nằm ở gốc cây. Tôi bảo anh Lạc: “Anh bên phải, tôi bên trái”. Anh Lạc đang đứng bắn thì bị một tên nằm ở gốc cây dùng các-bin bắn một loạt đạn vào ngực. Tôi quỳ bắn và hướng về bên trái, nên đạn bay qua đầu. Tôi lập tức bắn một loạt AK, tên này chết luôn và tan cả báng khẩu các-bin. Tôi bảo đồng chí Phùng băng cho anh Lạc, vết thương to quá, phải lấy hết băng của tiểu đội.
Lúc này ở cuối đội hình, cuộc chiến đấu diễn ra ác liệt. Chiến sỹ mang B40 hy sinh, đồng chí Liễu, C phó bò lên lấy B40 bắn vào đội hình địch. Ở phía cuối đội hình địch, chúng thổi kèn thúc quân inh ỏi. Tôi lệnh cho đồng chí Đề đứng bắn 3 phát ĐK57 vào đội hình phía sau địch và vào chỗ chúng đang thổi kèn. Tôi đoán đó là chỉ huy tiểu đoàn của địch. Sau mấy phát ĐKZ, kèn địch tịt hẳn, tiếng súng thưa dần. Sau 45 phút, ta làm chủ trận địa, địch chết khá nhiều (trong đó có 1 trung đội bị diệt gọn). Bên ta, một trung đội bị thương vong nặng, riêng bộ phận phối thuộc của tôi hi sinh 2, bị thương 1.
Cuối tháng 4/1967, chúng tôi đánh địch trong khu rừng gần bản Noọngchùa, trận ác chiến dỉễn ra suốt cả buổi sáng. Địch thiệt hại nặng, còn C1 thương vong 6 đồng chí. Đến gần trưa đồng chí Mộc, đại đội trưởng cho rút về Phù Sết theo đường bản Ổn. Địch bắn pháo từ Lào Ngam ra, đồng chí Đề, chiến sĩ của tôi hy sinh.
Chiều ngày 5/5/1967, chúng tôi được lệnh đi phục kích trên đường từ bản Xìxiểngmày đi bản Noọngchùa. Sau khi chuẩn bị cơm nước, vũ khí, đạn dược, đúng 18 giờ tối chúng tôi hành quân về hướng bản Noọngchùa. Khoảng 3 giờ sáng chúng tôi tới vị trí chiến đấu. Đội hình của ta bố trí dọc theo con đường cách bản Noọngchùa khoảng 600m, kéo dài về phía bản Xìxiểngmày. Bộ phận ĐKZ của tôi và một tiểu đội bộ binh làm nhiệm vụ chặn đầu do tôi phụ trách. Chúng tôi nằm chờ địch từ 3 giờ sáng đến 3 giờ chiều, không thấy động tĩnh gì. Tôi bảo anh em ăn cơm nhưng phải ngồi ở vị trí chiến đấu. Khẩu trung liên của tiểu đội bộ binh có nhiệm vụ cảnh giới. Chúng tôi vừa ăn xong thì nghe thấy có tiếng ồn ào ở phía trước. Vài phút sau địch xuất hiện, đi thẳng theo đường mòn vuông góc với trận địa. Chờ địch tới gần, chúng tôi nổ súng vang trời. Tôi bắn hết băng đạn, nằm rạp phía sau một thân cây để thay băng. Một khẩu đại liên từ phía địch bắn xối xả về phía tôi. Thân cây tôi đang nấp toác ra nhiều mảnh, tôi gục xuống tránh đạn. Sau đó tôi bảo đồng chí Phú chuẩn bị, khi nào tôi đứng lên bắn yểm hộ thì đồng chí phải nhanh chóng đứng lên bắn ĐKZ diệt khẩu đại liên đó. Nói xong, tôi vụt đứng dậy, nép vào thân cây bắn quét vào khu vực có khẩu đại liên. Đồng chí Phú nhanh chóng đứng dậy, một tiếng nổ vang trời, khẩu đại liên cùng với xác địch tung lên. Tôi yểm hộ và đồng chí Phú bắn thêm hai phát ĐKZ vào giữa đội hình địch. Cuộc chiến đấu diễn ra ác liệt. Khoảng 7 phút sau, nhận được lệnh rút của đồng chí Mộc, tôi đứng dậy và hô xung phong thật to, sau đó ra hiệu cho chiến sĩ B40 của tiểu đội bộ binh bắn một phát về phía địch rồi cùng rút lui.
Chúng tôi rút khỏi trận địa về khu vực rẫy của dân đã bỏ, cách trận địa khoảng hai giờ đồng hồ. Chúng tôi không ở trong rừng già, vì đó là mục tiêu của pháo và máy bay. Trận đó, ta không thương vong đồng chí nào.
Ngày 23/2/1968 tôi được lệnh về nước rồi vào trường Sỹ quan lục quân học khoá đào tạo giáo viên quân sự. Đến năm 1991, tôi nghỉ hưu với quân hàm Thượng tá. Cả một đời trong quân ngũ, những năm tháng chiến đấu trên đất Nam Lào là những kỉ niệm mà tôi không thể nào quên.
(Chú thích: Phiên hiệu Tiểu đoàn 2 TN tồn tại từ 7/1964 đến 4/1972. Từ 26/4/1972 khi thành lập Sư đoàn 968, Tiểu đoàn 2 TN đổi thành d5e19f968).
Thượng tá Đào Bá Bỉnh