Trần Ngọc Long
Nguyễn Hà Hải
Hoàng thân Xuphanuvông sinh ngày 13 tháng 7 năm 1909, tại Kinh đô Luông Pha Băng, là con trai út của Phó vương Bun Khổng và bà Khăm Uộn. Mặc dù được sinh ra và nuôi dưỡng trong Hoàng gia Lào, song Hoàng thân Xuphanuvông không hề an phận: “Riêng tôi, từ thuở mười ba đã có quyết tâm dù phải trả giá thế nào, cũng phải từ bỏ thái độ buông trôi theo số phận, lười biếng, ngại khó, chỉ nói mà không làm”. Với bầu nhiệt huyết của tuổi trẻ, ngay từ thuở thiếu thời, Hoàng thân Xuphanuvông đã nhận ra đất nước và đồng bào của mình đang còn chìm đắm trong vòng nô lệ và ông tự thấy mình cần có trách nhiệm làm gì đó để thay đổi vận mệnh của dân tộc.
Năm 1920, Hoàng thân được Hoàng gia Lào gửi sang học tại Trường Albert Sarraut ở Hà Nội. Sau đó, Hoàng thân sang Pháp học, nhưng nỗi nhớ về Hà Nội, nhớ bạn bè. Việt Nam vẫn luôn thường trực trong ông. Đầu tháng 6 năm 1937, sau khi tốt nghiệp Trường Đại học quốc gia cầu đường, ngành đào tạo kỹ sư dân sự tại Pari (Pháp), Hoàng thân Xuphanuvông về công tác tại Nha Trang (Sở Công chính Nha Trang trực thuộc Khu công chính II của Trung Kỳ). Đây là thời điểm phong trào đấu tranh của nhân dân Việt Nam, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Đông Dương đang dâng cao. Kết quả tất yếu của các cao trào cách mạng thời kỳ này chính là “cơn lốc” Tổng khởi nghĩa tháng Tám năm 1945. Dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Đông Dương và Chủ tịch Hồ Chí Minh, toàn dân Việt Nam tiến hành thành công cuộc Cách mạng tháng Tám, đập tan xiềng xích nô lệ của thực dân Pháp và phát xít Nhật. Nước ta từ một nước thuộc địa, trở thành một quốc gia độc lập với chính thể dân chủ cộng hòa, nhân dân ta từ thân phận nô lệ đã vươn dậy, trở thành người tự do, là chủ nhân đích thực của đất nước mình.
Trên bình diện quốc tế, Cách mạng tháng Tám năm 1945 của Việt Nam đã bẻ gãy một mắt xích trong hệ thống xiềng xích thuộc địa của chủ nghĩa thực dân, đế quốc, tạo ra một đột phá khẩu để các dân tộc bị áp bức vùng dậy, giải thoát mình khỏi kiếp nô lệ. Nhờ ảnh hưởng thắng lợi của cách mạng Việt Nam, nhân dân Lào đã vùng lên đánh đuổi Pháp, Nhật, giành chính quyền. Từ bên Lào, Hoàng thân Phếtxarạt – anh trai Hoàng thân Xuphanuvông, điện gọi Hoàng thân về tham gia Chính phủ cách mạng. Đầu tháng 9 năm 1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh mời Hoàng thân Xuphanuvông từ Vinh ra Hà Nội để cùng bàn bạc về tình hình của khu vực. Tại Hà Nội, Hoàng thân gặp gỡ các đồng chí Phạm Văn Đồng, Trường Chinh, Võ Nguyên Giáp và các nhà lãnh đạo Việt Nam khác. Qua gặp gỡ trao đổi với các nhà lãnh đạo của Việt Nam, nhất là ảnh hưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã có tác động mạnh mẽ tới Hoàng thân. Khát vọng được làm “một cái gì đó” ngày nào của Hoàng thân Xuphanuvông đã dần dần trở thành hiện thực, như sau này ông kể lại rằng: “Tôi có dịp gặp được Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Hà Nội, tôi đã học được ở Cụ rất nhiều vấn đề. Tôi đã tham gia cuộc khởi nghĩa tháng Tám chống bọn xâm lược Nhật. Tôi nhận thấy rằng nhân dân Hà Nội, với phong trào quần chúng rộng lớn, đã giành được thắng lợi. Mọi chuyện đều trở nên rõ ràng, dễ hiểu đối với tôi. Sau đó, tôi trở về nước để lãnh đạo cuộc đấu tranh giải phóng nhân dân Lào”.
Sẵn có tố chất yêu nước, thương dân và quyết tâm muốn thay đổi vận mệnh dân tộc Lào, từ nô lệ sang độc lập, tự do và thịnh vượng, Hoàng thân Xuphanuvông tiếp nhận rất nhanh tư tưởng Hồ Chí Minh và quyết tâm học tập theo tấm gương đạo đức cách mạng cao cả của Người. Điều đó đã tạo nên sự chuyển biến tất yếu từ vị Hoàng thân trở thành nhà cách mạng chân chính của nhân dân Lào. Sau một thời gian sống trong bầu không khí cách mạng sôi động của nhân dân Việt Nam và lĩnh hội ý kiến chỉ dẫn của Chủ tịch Hồ Chí Minh về các vấn đề thuộc cách mạng Đông Dương và cách mạng Lào, đầu tháng 10 năm 1945, Hoàng thân Xuphanuvông được các chiến sĩ Quân tình nguyện Việt Nam bảo vệ, trở về Lào.
Ngày 12 tháng 10 năm 1945, Chính phủ độc lập lâm thời Lào Ítxala thành lập, gồm 12 người, trong đó có Hoàng thân Xuphanuvông. Hai ngày sau đó, Chính phủ nước Việt Nam dân chủ cộng hòa là nước đầu tiên tuyên bố công nhận Chính phủ độc lập lâm thời của Lào. Ngày 30 tháng 10 năm 1945, tại Thủ đô Viêng Chăn, hai chính phủ Việt Nam và Lào ký Hiệp định thành lập Liên quân Lào – Việt với mục đích nhằm giúp đỡ lẫn nhau về mặt quân sự để chống kẻ thù chung – thực dân Pháp. Hoàng thân Xuphanuvông được giao trọng trách là Tổng chỉ huy các lực lượng Liên quân Lào – Việt. Từ đây, cùng với các chiến sĩ người Lào thì các cán bộ, chiến sĩ Việt kiều giải phóng quân (từ ngày 30-10-1949 thống nhất các lực lượng quân sự Việt Nam ở Lào, gọi là Quân tình nguyện Việt Nam) rất vinh dự được sống và chiến đấu bên cạnh Hoàng thân Xuphanuvông, vì nền độc lập của hai dân tộc.
Sau 5 tháng thành lập, Liên quân Lào – Việt đã bước vào cuộc chiến đấu rất oanh liệt bảo vệ các thành phố, thị xã, trong đó tiêu biểu là Thà Khẹc. Bấy giờ, Liên quân Lào – Việt có khoảng 600 người, phải thường xuyên đánh địch để bảo vệ thành phố Thà Khẹc. Ngày 21 tháng 3 năm 1946, sau khi chiếm thị xã Xa Vẳn Na Khệt, bộ chỉ huy quân đội Pháp ở Lào huy động một lực lượng lớn, được sự yểm trợ của pháo binh và máy bay, đánh chiếm Thà Khẹc. Dưới sự chỉ huy trực tiếp của Hoàng thân Xuphanuvông, các chiến sĩ Liên quân Lào – Việt chiến đấu chống địch rất kiên cường, khiến cho quân địch bị thiệt hại nặng. Cuộc chiến đấu kéo dài suốt từ sáng đến trưa hôm đó. Do chiếm ưu thế về binh hỏa lực, nên quân địch dần tiến vào ven thành phố. Ban tham mưu Liên quân Lào – Việt khẩn thiết yêu cầu Hoàng thân Xuphanuvông tản cư qua sông, nhưng Hoàng thân chưa đi ngay, vì còn chờ nghe báo cáo tình hình từ mặt trận. Chỉ khi thấy không còn khả năng giữ Thà Khẹc được nữa, Hoàng thân mới cùng lực lượng liên quân xuống thuyền để vượt sông Mê Công sang Thái Lan.
Khi chiếc thuyền máy chở Hoàng thân Xuphanuvông và một số cán bộ ra giữa sông thì bị máy bay địch bắn. Để bảo vệ sự an toàn cho Hoàng thân, đồng chí Lê Thiệu Huy, Tham mưu trưởng Liên quân Lào – Việt, đã lấy thân mình che đạn cho Hoàng thân và anh dũng hy sinh. Sự hy sinh cao cả của đồng chí Lê Thiệu Huy đã để lại cho Hoàng thân Xuphanuvông niềm thương tiếc khôn nguôi.
Trong bức thư gửi cụ Lê Thước (cha của đồng chí Lê Thiệu Huy), một nhà Hán học nổi tiếng của Việt Nam, Hoàng thân viết: “Thưa Ngài, anh Lê Thiệu Huy, người con yêu quý nhất của Ngài mất đi, không những riêng trong gia quyến mất một người con yêu dấu mà nước Việt Nam và nhân dân Lào mất một chiến sĩ đầy tinh thần hy sinh vì công lý. Riêng tôi, cái chết của anh Lê Thiệu Huy không khỏi làm tôi bùi ngùi thương tiếc. Anh Lê Thiệu Huy đã sát cánh cùng tôi chiến đấu để giải phóng cho nước Lào, cho dân tộc Lào.
Tinh thần hy sinh cao cả đã nhắc nhở cho thanh niên Lào, cho nhân dân Lào, luôn luôn bền bỉ chiến đấu để giết đế quốc xâm lăng và giành độc lập thực sự cho đất nước”. Trong trận đánh này, chính Hoàng thân Xuphanuvông cũng bị thương. Khi thuyền sắp chìm, ông tay ôm vết thương, miệng vẫn luôn giục anh em chiến sĩ Lào – Việt: “Các em bơi vào bờ ngay. Cứ để tôi nằm lại đây”. Nhưng các chiến sĩ Lào – Việt quyết không bỏ mặc Hoàng thân, tất cả đã nhảy xuống sông, nâng thuyền lên và đưa Hoàng thân vào bờ.
Trận chiến đấu bảo vệ Thà Khẹc là một trong những trận chiến đấu diễn ra ác liệt ở Lào, cũng như các chiến trường Đông Dương khác đầu năm 1946. Trận chiến đấu dưới sự chỉ huy kiên quyết của Ban chỉ huy Liên quân, do Hoàng thân Xuphanuvông đứng đầu, trở thành tấm gương sáng ngời về tinh thần dũng cảm hy sinh chiến đấu và tình đoàn kết gắn bó keo sơn của Liên quân Lào – Việt, mãi mãi ghi sâu trong tâm khảm của hàng triệu người dân Lào và bà con Việt kiều yêu nước. Ngày 21 tháng 3 đã trở thành ngày “căm thù” của nhân dân Lào đối với giặc Pháp xâm lược. Đồng thời, là ngày đoàn kết xương máu, sống chết có nhau giữa nhân dân và quân đội hai nước Lào – Việt anh em.
Cuộc chiến đấu ở Thà Khẹc là một thử thách quyết liệt trong thời kỳ đầu Hoàng thân Xuphanuvông tham gia hoạt động cách mạng ở Lào. Hoàng thân đã thể hiện rõ nét hình ảnh của một nhà yêu nước đầy nhiệt huyết, một chiến sĩ cách mạng kiên cường, dũng cảm, một vị Tổng chỉ huy luôn sát cánh với các chiến sĩ Liên quân Lào – Việt trong chiến đấu.
Sau khi được chữa lành vết thương, Hoàng thân Xuphanuvông cùng với các chiến sĩ Liên quân Lào – Việt tổ chức lại lực lượng để tiếp tục đấu tranh vì độc lập của hai dân tộc. Tuy nhiên, tại Thái Lan, hoạt động của Hoàng thân trong việc chỉ đạo cuộc kháng chiến trong nước không được thuận lợi, vì Chính phủ Thái Lan, do Thống chế Phibun Xôốngkham thực hiện chính sách không ủng hộ phong trào cứu nước của nhân dân Lào. Chính lúc đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi lời mời Hoàng thân đến chiến khu Việt Bắc để cùng nhau bàn bạc việc cứu nước. Trong chuyến đi lịch sử này, các chiến sĩ Quân tình nguyện Việt Nam là những người đưa đường và bảo vệ Hoàng thân ra Việt Bắc an toàn.
Đồng chí Nguyễn Tử Quý, người chỉ huy trung đội bảo vệ đưa Hoàng thân Xuphanuvông gặp Chủ tịch Hồ Chí Minh, kể trong hồi ký của mình: “Hoàng thân Xuphanuvông leo núi với chiếc gậy cứng chắc… Đôi giày da cũ, đế mòn, vài nơi rách mép đã cọ xát chân, bước đi đau đớn nhưng Hoàng thân không nói với ai, vẫn cố gắng đi… Tôi đi sau, Hoàng thân quay lại nói vui với tôi: Giá như ở đây làm một dãy tay vịn thì hay quá! Hoàng thân ngoài tư trang đơn giản ra cả ba lô đầy tài liệu sách báo. Chúng tôi đề nghị Hoàng thân chia ra để anh em mang cho đỡ nặng. Hoàng thân nhìn chúng tôi thân mật bảo: “Tôi mang thế này cũng vừa sức thôi”. Anh em bảo vệ đi cải thiện măng, nấm, đọt mây làm cho bữa cơm thanh đạm mà ngon miệng.
Hoàng thân lấy trong ba lô ra một lọ tương ớt mời chúng tôi cùng ăn”. Qua những dòng hồi ức trên đây, chúng ta khó phân biệt được giữa một Hoàng thân – vị Tổng chỉ huy với các chiến sĩ Quân tình nguyện Việt Nam. Nhưng một điều dễ nhận thấy ở Hoàng thân Xuphanuvông, đó là một tấm gương sáng về lối sống khiêm nhường, giản dị, sẵn sàng chịu đựng mọi gian khổ. Đồng thời, luôn dành tấm lòng thương yêu nhất mực cho các chiến sĩ Quân tình nguyện Việt Nam. Sau chuyến đi vô vàn gian truân, rất ý nghĩa này, Hoàng thân gửi thư cho đồng chí Nguyễn Tử Quý, trong đó nêu rõ: “Kỷ niệm chuyến đi đầy gian khổ qua nước Lào mà nhờ sự sáng suốt, sự tận tâm và tinh thần trách nhiệm của ông đã được thực hiện an toàn”.
Trong giai đoạn cuối cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, Hoàng thân Xuphanuvông luôn dõi theo tình hình và động viên các đơn vị bộ đội tình nguyện Việt Nam trên các chiến trường Lào. Tại lễ mừng chiến thắng chiến dịch Thượng Lào (1953), Hoàng thân tới dự mít tinh và phát biểu, nhấn mạnh: “Sầm Nưa giải phóng là kết quả của tinh thần đoàn kết anh em giữa hai nước Việt – Lào, của sự giúp đỡ không điều kiện của nhân dân, của quân đội Việt Nam tiêu diệt kẻ thù chung”1.
Những dịp lễ tết, Hoàng thân luôn gửi thiệp chúc mừng tới các chiến sĩ Quân tình nguyện Việt Nam. Nhân dịp Xuân 1953, trong thư gửi Ban chỉ huy bộ đội tình nguyện Việt Nam, Hoàng thân viết: “Nhân dịp đầu năm mới, tôi thay mặt Chính phủ, Mặt trận Neo Lào và nhân danh cá nhân thân ái chúc toàn thể anh chị em cán bộ và chiến sĩ tình nguyện sức khỏe và chiến thắng… Nói đến thắng lợi của nhân dân Lào, tôi không quên công ơn của anh chị em đã đóng góp. Tôi đặc biệt hoan nghênh tinh thần yêu nước nồng nàn, đúng đắn, kết hợp với tinh thần quốc tế chân chính của anh chị em… Năm mới đến, khó khăn gian khổ sẽ tăng lên, nhưng thắng lợi nhất định sẽ vẻ vang hơn. Tôi mong các anh chị em càng cố gắng nêu cao truyền thống của Quân đội quốc gia Việt Nam, xứng đáng với lòng tin cậy của chính quyền và nhân dân hai nước Việt – Lào”. Cùng với những động viên về vật chất, những lời khích lệ về tinh thần của Hoàng thân luôn là nguồn cổ vũ lớn lao, giúp cán bộ, chiến sĩ Quân tình nguyện Việt Nam tiếp tục phấn đấu, vượt qua khó khăn gian khổ, hoàn thành mọi nhiệm vụ được giao.
Trong những năm kháng chiến chống đế quốc Mỹ, mỗi lần nhận được báo cáo bộ đội tình nguyện đánh giỏi như trong các chiến dịch Nậm Thà, Nậm Bạc, Cánh Đồng Chum, Đường 9 – Nam Lào, Hoàng thân thường kịp thời động viên khen ngợi thành tích anh em và hỏi thăm sức khỏe, tình hình khó khăn, thương vong, của bộ đội tình nguyện Việt Nam. Đồng thời, Hoàng thân nhắc nhở các cán bộ chỉ huy Quân tình nguyện Việt Nam cần phải hướng dẫn, huấn luyện cho anh em chu đáo, từ cách hành quân, sinh sống ở rừng, quan hệ với nhân dân. Có thời gian, bộ đội tình nguyện Việt Nam phối hợp với anh em bộ đội, công an Lào được trực tiếp tham gia bảo vệ Hoàng thân và gia đình. Rồi chính những cán bộ, chiến sĩ tình nguyện Việt Nam này lại nhận được sự chăm lo đặc biệt từ Hoàng thân. Anh em thường được Hoàng thân tặng quà, kể cả những món quà mà ông được nước ngoài tặng…
Cuộc đời hoạt động cách mạng của Hoàng thân Xuphanuvông từng trải qua rất nhiều gian khổ, thử thách khắc nghiệt. Tháng 7 năm 1959, ông cùng 15 cán bộ Neo Lào Hắc Xạt, trong đó có 7 nghị sĩ Quốc hội, 8 ủy viên Trung ương Neo Lào Hắc Xạt bị bắt và giam trong nhà tù Phôn Khênh (Viêng Chăn). Sự kiện này xảy ra do Chính phủ Vương quốc Lào, dưới quyền của Thủ tướng Phủi Xananicon, đã phản bội, âm mưu chống phá sự nghiệp cách mạng của nhân dân Lào. Lực lượng phản động hy vọng rằng, khi bắt giữ và sát hại những người lãnh đạo thì phong trào cách mạng Lào sẽ tan rã rồi nhanh chóng bị dập tắt.
Hoàng thân Xuphanuvông và các đồng chí lãnh đạo Lào bị bắt giam được Chủ tịch Hồ Chí Minh và Trung ương Đảng ta hết sức quan tâm. Đáp ứng yêu cầu của Trung ương Đảng Nhân dân Lào (từ năm 1972 là Đảng Nhân dân cách mạng Lào), ta đã nhanh chóng thành lập một tổ công tác đặc biệt phía Việt Nam, gồm 9 thành viên, do đồng chí Phan Dĩnh, nguyên Ủy viên Ban cán sự Đảng Viêng Chăn, làm tổ trưởng, soạn thảo kế hoạch giải thoát Hoàng thân, và các nhà cách mạng Lào. Đêm 24 tháng 5 năm 1960, cùng với quân đội Pathét Lào và các tầng lớp nhân dân yêu nước Lào, dưới sự lãnh đạo của Trung ương Đảng Bạn, đứng đầu là Tổng bí thư Cayxỏn Phômvihẳn, tổ công tác đặc biệt đã góp phần xứng đáng vào việc giải thoát Hoàng thân Xuphanuvông và các nhà lãnh đạo cách mạng Lào ra khỏi trại giam Phôn Khênh. Sự kiện này được coi như một kỳ tích đặc biệt mãi hàng chục năm sau, đối phương vẫn không thể hiểu tại sao một đoàn tù lớn như thế lại có thể thoát ra ngoài an toàn.
Trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, với cương vị là Chủ tịch ủy ban Trung ương Mặt trận Lào yêu nước, Hoàng thân đã chỉ đạo hoạt động tác chiến và xây dựng cơ sở chính trị ở nhiều địa bàn. Hoàng thân luôn gần gũi đi sát nhiều đơn vị bộ đội tình nguyện Việt Nam, nhất là ở các chiến trường ác liệt: Cánh Đồng Chum – Xiêng Khoảng, Sầm Nưa. Nhiều lần Hoàng thân đã đến tận trận địa tập kết chiến đấu, động viên bộ đội trước giờ xuất quân và đến thăm anh em thương, bệnh binh sau chiến dịch. Cán bộ, chiến sĩ Quân tình nguyện và Chuyên gia quân sự Việt Nam đã từng ở Lào, những người có dịp, dù chỉ là một lần gặp Hoàng thân Xuphanuvông, không bao giờ quên được hình ảnh thân thương, độ lượng, cởi mở của Hoàng thân đối với bản thân mình và đồng đội.
Sau khi cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ giành thắng lợi, đất nước Lào đã hoàn toàn giải phóng, Hoàng thân Xuphanuvông vẫn thường nhắc về những kỷ niệm đối với cán bộ, chiến sĩ Quân tình nguyện Việt Nam năm xưa. Đó có thể là một chiến sĩ bảo vệ, chị y tá, anh lái xe, có khi là người chở thuyền qua sông Thà Khẹc. Hình ảnh cán bộ, chiến sĩ Quân tình nguyện Việt Nam đã trở thành một phần không thể thiếu trong cuộc đời hoạt động cách mạng của Hoàng thân Xuphanuvông. Suy nghĩ, nhớ thương những chiến sĩ bộ đội tình nguyện Việt Nam đã anh dũng hy sinh trên đất nước Lào, Hoàng thân nói: “Những người mẹ, người vợ anh hùng Việt Nam đã gửi hàng sư đoàn quân tình nguyện đến giúp Lào. Hàng trăm ngàn chiến sĩ Việt Nam đã hy sinh trên đất nước Lào mà các người vợ, bà mẹ ấy vẫn âm thầm chịu đựng hàng chục năm trời”. Nhiều năm sau trận chiến đấu bảo vệ Thà Khẹc, khi Hoàng thân Xuphanuvông có dịp sang thăm Việt Nam, biết tin người vợ chưa cưới của đồng chí Lê Thiệu Huy đã đi tu, Hoàng thân cùng phu nhân là bà Nguyễn Thị Kỳ Nam (tức bà Viêng Khăm Xuphanuvông) tìm đến tận nơi để thăm hỏi và chia buồn với người nữ tu đó.
Những lần sang thăm Việt Nam, Hoàng thân đều mời cán bộ, chiến sĩ Quân tình nguyện Việt Nam đến gặp gỡ, nhắc lại những kỷ niệm sâu sắc trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ. Tháng 9 năm 1989, khi đã 80 tuổi, sau một trận ốm nặng, Hoàng thân Xuphanuvông đến thành phố Hồ Chí Minh nghỉ ngơi. Khi gặp nhà văn Trần Công Tấn – nguyên là chiến sĩ Quân tình nguyện Việt Nam từ năm 1946, Hoàng thân vui mừng thăm hỏi: “Cháu tìm xem anh em tình nguyện quân thời vượt sông ở Thà Khẹc còn ai không, cho Bác thăm”. Được biết còn ông Hoàng Xuân Bình, cán bộ Đài truyền hình, Hoàng thân Xuphanuvông cho mời ngay đến.
Lúc gặp ông Bình, Hoàng thân Xuphanuvông đã “ôm lấy ông như ôm lấy đứa con trai xa cách lâu ngày”. Trong những dịp. đoàn tụ như vậy, Hoàng thân thường nhắc với mọi người xung quanh rằng: “Tình nghĩa đối với nhân dân và Quân đội nhân dân Việt Nam, nói làm sao cho hết”. Hiện nay, ở gia đình Hoàng thân và trong khu lưu niệm Hoàng thân tại Thủ đô Viêng Chăn, cũng như tại Thông tấn xã Việt Nam còn lưu giữ rất nhiều bức ảnh Hoàng thần chụp chung với bộ đội tình nguyện Việt Nam. Những bức ảnh này lúc sinh thời được Hoàng thân rất trân trọng và được ông coi như là những kỷ vật không thể rời xa. Nhân dịp kỷ niệm 50 năm ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam, mặc dù lâm bệnh nặng, Hoàng thân vẫn cho tìm bức ảnh ông chụp với bộ đội tình nguyện Việt Nam và đọc lời đề tặng: “Nhân dịp kỷ niệm 50 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam anh hùng, bất khuất, tôi xin gửi lời chúc mừng thắm thiết và tình hữu nghị sâu đậm nhất đến với các Bạn, các đồng chí anh em Việt Nam thân yêu”.
Năm 1995, Hoàng thân Xuphanuvông, vị lãnh đạo kính yêu, người con yêu quý của nhân dân Lào qua đời, để lại niềm tiếc thương vô hạn đối với Đảng, Nhà nước, quân đội và nhân dân hai nước Lào – Việt. Thực tiễn cho thấy, cả cuộc đời và sự nghiệp cách mạng của Hoàng thân Xuphanuvông luôn gắn bó mật thiết với mối quan hệ, tình đoàn kết đặc biệt, liên minh chiến đấu Lào – Việt Nam và với cán bộ, chiến sĩ Quân tình nguyện Việt Nam. Mặc dù Hoàng thân Xuphanuvông không còn nữa, nhưng công lao to lớn, những tình cảm đặc biệt mà ông dành cho cán bộ, chiến sĩ Quân tình nguyện Việt Nam sẽ mãi mãi được gìn giữ và lưu dấu trong chiều sâu ký ức của mỗi cán bộ, chiến sĩ bộ đội tình nguyện, biểu tượng cao đẹp về tình đoàn kết đặc biệt, liên minh chiến đấu Việt – Lào./.
Ký ức người người lính Việt Lào