Hà Nội mùa thu năm 2017
Tách ra từ đại đội 31 Trinh sát Quân khu Tây Bắc, chúng tôi tập trung về đóng quân ở Gốt – Xuân Mai. Cấp trên quán triệt các đồng chí sẽ được huấn luyện bổ sung một số khoa mục đặc biệt để nhận nhiệm vụ đặc biệt. Việc luyện tập kỹ – chiến thuật Đặc Công được tổ chức bài bản, mọi người căng mình ra thành thục những môn học đặc thù. Cuối năm 1964, đơn vị được bổ sung lực lượng và trở thành một đại đội hoàn chỉnh với phiên hiệu “S1”. Đầu năm 1965, thay mặt thủ trưởng bộ Quốc Phòng đồng chí Hoàng Văn Thái cùng Tư lệnh bộ đội Đặc công đã tới giao nhiệm vụ và động viên. Cả đơn vị ai cũng cảm thấy vinh dự, tự hào. Riêng trong tôi còn bộn bề những lo toan về một trọng trách hết sức nặng nề của người chỉ huy đại đội độc lập – vì đây là nhiệm vụ quốc tế đặc biệt. Đầu năm 1965, ăn Tết nguyên đán xong chúng tôi được lệnh gấp rút hành quân sang Lào hoạt động trong lòng địch.
Vượt biên giới tới Xiêng Khoảng chúng tôi tiếp tục đi về Viên Chăn. Đường đi không có giao liên, cắt phương vị nhắm hướng Tây Nam mà đi. Ở Lào đã chớm mùa mưa, những cơn mưa bất chợt làm nước sông dâng cao, lũ về quấn theo mọi thứ của rừng già. Lúc này địch đã chiếm đóng hầu hết các địa bàn trọng điểm từ Xiêng Khoảng qua Tha Viêng, Tha Thơm, rồi qua vùng căn cứ địa cách mạng của bạn được xây dựng từ thời Pháp ở Pha-la-vẹt, Phu Huột, Phu Sột, băng qua dãy Phu Khấu khoai để thọc xuống đồng bằng Viêng Chăn. Chúng tôi luồn rừng tránh địch chứ không thể tránh mưa tránh lũ được. Một lần vượt Nậm Nhiếp, mảng tre tự chế để vượt sông bị lũ quấn đâm vào ghềnh đá, mảng vỡ tan người và trang bị rơi cả xuống sông, rất may chiến sỹ cơ yếu bỏ mặc tư trang liều mình cứu bằng được máy 15W, nếu không cả đơn vị sẽ không biết xoay sở thế nào. Chúng tôi lọt qua các bản Xiêng Le Na, Na Khăn Thung, Đìn Đeèng, Na Thé, dọc theo hữu ngạn Nậm Ngừm rồi lại vượt sông. Dựa vào bản Thà Đoọc Khăm, bản Na Phoọc, Na Môn rồi lại vòng tránh trường Cảnh sát trung ương Ngụy Lào ở Đon Tịu. Đây là vòng ngoài cuối cùng để vào thành Viên Chăn. Nhiều khi chạm địch, mục tiêu quá ngon nếu nổ súng chắc chắn sẽ diệt gọn, nhưng để giữ bí mật nhiệm vụ chiến lược đành bỏ chờ thời cơ mới… Chỉ có việc hành quân thôi nhưng đã phải vượt qua bao nhiêu gian khổ. Cái khó nhất là không có bất cứ cơ sở nào để bấu víu, cái sống và cái chết luôn cận kề. Trước đó chúng tôi cũng đã được quán triệt: Ngoài cơ số lương thực thực phẩm thuốc men được cấp ban đầu, còn lại phải: “tự mình đi, tự mình đến, tự mình lo ăn, tự mình xây dựng cơ sở, tự mình nắm địch, nắm dân và tự mình đánh địch…”. Ròng rã lăn lộn, trà trộn trong dân, tìm hiểu nắm tình hình cả năm trời, những cơ sở đầu tiên mới bắt đầu hé mở.
Nơi đây thời kháng Pháp. Khi mới hơn 10 tuổi, vì nhà nghèo tôi được người cậu ruột đưa sang Lào tìm kế sinh nhai. Lớn khôn một chút, theo lời gọi của Bác Hồ tôi tham gia hoạt động trong đội thanh thiếu niên Việt kiều yêu nước rồi từ đó tôi vào bộ đội. Năm 1955 theo Hiệp định Genève tôi tập kết lên Bắc Lào tham gia các chiến dịch Thượng Lào. Sau 10 năm cách biệt giờ bí mật trở lại, mọi sự đã đổi thay khác lạ. Thời kỳ này địch đã ổn định xong nội thành, chúng tập trung hoạt động vòng ngoài để củng cố vành đai. Chỉ trong thời gian ngắn, địch đã đóng thêm nhiều đồn bốt đặc biệt là phía Nam và phía Đông như: đồn Đon-Nún. Khu vực vành đai còn có đồn Thà Ngòn, Hạt Kiệng, Na Tàn…
Chúng tăng cường lực lượng và củng cố mở rộng quy mô khu Kho quân sự ở Km21. Bố phòng cụm Tăng – Thiết giáp ở Km25 để dễ bề cơ động. Mặt khác chúng tổ chức quản lý khống chế nhân dân rất ngặt nghèo, không ai tự do đi lại kiếm ăn trong rừng như trước, mặt khác chúng đàn áp bắt bớ giam cầm cán bộ cách mạng và những người chúng nghi có tư tưởng yêu nước, theo Ít Xa La (theo cách mạng) một cách ráo riết.
Số cán bộ chuyển hướng về hoạt động địa phương trong những năm 1958 – 1959 phần lớn đã bị bắt bỏ tù ở Phu Khấu Khoai và nhà tù ở Say Nha Bu Ly, một số ẩn dật trong thành hoặc chạy về các tỉnh Nam Lào, số ít trốn qua Thái Lan vào tu ở các chùa. Các vùng nông thôn, chúng phát hiện gia đình cha mẹ, vợ con ở bản thì chúng khủng bố, o ép, hành hạ đến cùng cực. Đêm đêm chúng thường cho tụi lính kín phóng xe Jeep xuống các bản, cứ nhà nào nghi có cơ sở cách mạng chúng gọi đúng tên người có trong sổ xuống để chúng gặp, khi xuống cầu thang gặp là chúng bắn liền. Ngày xưa dân và cách mạng quyện lấy nhau bao nhiêu, nay bị kẻ địch dùng mọi thủ đoạn tách ra xa bấy nhiêu. Dân gặp ta giữa đường là bỏ chạy, ta vào bản là dân hô hoán lên, cả bản phải thắp đuốc hò la đuổi bắt. Khắp nơi bao trùm bầu không khí bi thương, sợ sệt, buồn lo sâu lắng. Bản làng vốn đã tiêu điều, Pháp ra đi thì Mỹ lại đến, quê hương càng chìm trong đau thương. Bị o ép đè nén nặng nên phong trào cách mạng ngày càng lắng xuống.
Qua trao đổi với cơ sở ở căn cứ Pha-la-vẹn, trong vùng có một số đảng viên và cán bộ cấp tỉnh, cấp huyện đang bí mật hoạt động, nhưng từ hơn 2 năm nay không ai bắt được liên lạc. Ngày tháng cứ trôi đi, nhiệm vụ chưa tiến được là mấy, dấu vết tổ chức cách mạng cấp huyện, tỉnh vẫn mờ mịt. Lương thực, thuốc men cạn dần, chúng tôi buộc phải quyết định ăn ít, cố gắng kéo dài cơ số dự trữ. Đơn vị tổ chức tăng gia, trồng lúa ngô, nuôi lợn gà ở những cánh rừng sâu để kiên trì bám, phục bắt liên lạc với cán bộ nằm rừng.
Tại nơi giấu quân, nước sinh hoạt đang kỳ khan hiếm. Một buổi trưa chúng tôi bàn nhau nghĩ cách để chuyển địa điểm. Đang mải nhìn cây, nhìn trời suy nghĩ mông lung. Bỗng đồng chí gác báo có tiếng động lạ, tôi hạ lệnh chuẩn bị chiến đấu. Tất cả nhanh chóng vào vị trí quan sát và chờ đợi. Nhưng sao chỉ thấy có một người, địch hay dân đi rừng, họ đến đây với mục đích gì, kiếm ăn ở nơi rừng sâu này chưa có tiền lệ? Người đàn ông lạ đeo bên mình khẩu carbine dáng nhanh nhẹn. Bí mật để ông đến rất gần tôi mới hô:
– Đứng lại.
Ông ta chững lại, thấy hai bên đều có người, những nòng súng AK và khẩu K59 của tôi đều chĩa vào ông. Tôi hô rất gọn:
– Anh là ai? Anh đi đâu?
Ông đứng khựng không nói được. Và dường như trí nhớ đã mách bảo tôi điều mừng hơn lo lắng.
– Phò Xoổm hả, tôi bật hỏi luôn ông.
– Thạo Uỏn, có phải anh Uỏn không, ông ta nhẹ nhàng chùng người xuống và hỏi lại tôi.
Uỏn là tên tôi ở vùng này, (tên này tôi cũng đăng ký với tổ chức trước khi hoạt động tại Lào), chúng tôi quen nhau từ hồi chống Pháp. Thời gian hoạt động ở Bắc Lào, những năm 1962-1963 tôi và ông đã có mấy lần cùng dự tổng kết các chiến dịch Nậm Thà, U Đom Xay tại căn cứ Sầm Nưa nhưng sau này thì mất liên lạc. Nói chưa xong câu thứ hai ông khóc òa, tôi cũng khóc theo. Anh em tuy không biết tiếng Lào nhưng nhìn cơ cảnh mà cảm xúc theo, anh nào mắt cũng đỏ khoe. Cả năm loay hoay xoay xở tìm kiếm cơ sở cũ, nay “Trời Phật” đã đưa ông tới. Ông cho biết, hiện ông là phó Bí thư huyện nằm vùng, lực lượng cách mạng huyện, tỉnh đang thiếu hụt ghê gớm nay rất cần bổ sung, củng cố và phát triển.
Qua ông, tôi bắt liên lạc với Tỉnh đội Viên Chăn, nói Tỉnh đội cho to tát chứ họ chỉ có một đại đội vẻn vẹn 12 tay súng do Bun Thay làm đại đội trưởng và Thịt Ming làm chính trị viên. Sau đó tôi gặp được đồng chí Thoong Pẻn – đại diện tỉnh ủy khu vực Đông Viên Chăn. Bí thư Huyện ủy Xaythany là đồng chí Phò Mướn. Mừng đến rơi nước mắt, ta có bạn, bạn có ta. Có thêm lực lượng, cả ta và bạn tinh thần khí thế phấn chấn hẳn lên, rồi mỗi người một việc ai cũng hăng hái, say sưa lao vào công tác. Kỳ lạ thật, từ khi ta bạn gặp nhau, tuy với thời gian rất ngắn mà chúng tôi đã làm được nhiều việc hữu ích và kẻ địch cũng đã ngửi thấy. Chúng lại càng hoạt động gắt gao hơn, tụi ác ôn hung hăng hơn, chúng khủng bố đàn áp dân trắng trợn hơn. Trước yêu cầu của tình hình, Ban chỉ đạo quyết định tăng cường đấu tranh dò xem phản ứng của địch, kể cả việc tổ chức ngay một số trận đánh để củng cố tinh thần cho quần chúng. Thực hiện ý định trên chúng tôi bàn nhau phải phục kích diệt tên Ạt-Păng-Thoong Chốp-Peng-Bun, hắn là tên quan hai đại gian ác. Chính hắn đã bắn giết nhiều cơ sở cách mạng và tra tấn dã man nhiều cán bộ, nhân dân trong vùng vô cùng căm phẫn. Qua điều tra quy luật hoạt động, hàng tháng hắn thường dẫn quân ra ngoại thành quãng 3 hay 4 lần. Theo đường 13 chúng ra đến cụm Thiết giáp ở Km25 rồi quay lại. Hắn thường ngồi trên chiếc xe bọc thép có nhiều lính rằn ri và xe hộ tống; khi đi qua khỏi đồn Đon Nún chúng rất hay xả đại liên ra hai bên rìa rừng để thị uy. Tôi quyết định lấy khu vực Km17 làm điểm phục kích. Địa hình ở đây bằng phẳng, có nhiều ụ mối cao, vận động chiến đấu thuận tiện, gần rừng rậm, lui quân nhanh và an toàn.
Lực lượng chiến đấu gồm 8 đồng chí, trong đó có 3 Lào (Xiêng Đi, Khăm Bum và một người nữa). Mũi trưởng là đồng chí Trường.
Vào một buổi sáng sớm mùa hè 1968 (ngày 24/7), khi tiếng mõ ở các chùa xung quanh thi nhau rộ lên là lúc mũi chiến đấu đã bí mật mai phục xong. Mặt trời đã nhô ra khỏi đỉnh Phu Khẩu Khoai dội nắng vào các kẽ lá rãi ra khắp nơi. Cái nóng oi bức của một ngày mới bắt đầu. Tiếng trâu gõ mõ, tiếng trẻ con reo hò ở hướng đường cái vọng vào, xa xa có tiếng xe cơ giới chạy từ phía Nam lên.
Đang im lặng bỗng nghe súng nổ, một tiếng B40 rồi tiếng AK liên hồi. Sau vài phút mới nghe tiếng đại liên địch bắn trả dữ dội. Cuộc chiến đấu xẩy ra nhanh gọn, sau đó tiếng súng rời rạc dần, chưa đầy chục phút sau tiếng súng im hẳn. Kết quả mũi chiến đấu đã bắn cháy một xe tăng và tiêu diệt một số sinh lực địch. Rất không may, đồng chí Trường mũi trưởng bị thương nặng. Đang lúng túng tìm cách lui quân. Một người mẹ Lào bất ngờ xuất hiện, mẹ bí mật cho mượn thuyền và chỉ dẫn cho cả mũi chiến đấu trở về căn cứ an toàn. Chỉ tiếc rằng không biết mẹ tên gì, ở đâu? Đã nhiều lần dò tìm các cơ sở để nói lời cảm ơn mẹ, nhưng tuyệt nhiên không ai biết. Cho tới tận bây giờ chiến tranh đã qua hơn nửa thế kỷ cả ta và bạn vẫn chưa biết mẹ là ai – Một người mẹ đáng kính!
Sau trận phục kích, được tin cơ sở báo, tên quan hai thoát chết hắn lại càng hăng tiết… Ngày hòa bình, người Lào đã không xử tử kẻ nợ máu. Với tư tưởng “bắt cá không làm đục nước” chính quyền cho hắn đi cải huấn một thời gian rồi trở về làm ăn lương thiện.
Địch tăng cường lùng sục, đàn áp những cơ sở chúng nghi ngờ. Một buổi tối, theo kế hoạch một tổ công tác do đồng chí Đích chỉ huy bí mật vào bản nắm tình hình (thường thì “ngày địch, đêm ta”, nhưng gần đây chúng tăng mật độ đi đêm để đàn áp, khủng bố). Khi màn đêm đã buông xuống những mái nhà sàn Đông Băng yên tĩnh. Lúc cả tổ đã lọt vào bản khá êm, bỗng phía trước xuất hiện một tốp người lạ đi ngược chiều. Đồng chí Đích nhắc anh em chú ý cảnh gác. Tốp người lạ đi ngang qua tổ công tác, linh cảm như có điều khả nghi nhóm “Mư mượt” (lực lượng ám sát) của địch đi khủng bố. Một thoáng định thần, trong nháy mắt đồng chí Đích rút súng ngắn nhằm tên chỉ huy bóp cò, toán địch bỏ chạy ra hướng quốc lộ và tiếng động cơ xe Zép vụt đi trong màn đêm.
Một thời gian dài ta và bạn tiếp tục bám cơ sở, tìm cách diệt bọn Mư mượt làm cho chúng rất hạn chế đi đêm. Tình hình mỗi ngày một khá hơn, phong trào cách mạng được củng cố, mọi người càng thêm tin tưởng mặt trận Ít xa la. Tình cảm người dân với anh em bộ đội Lào – Việt ngày càng mật thiết gắn bó hơn. Lực lượng bạn được bổ sung lớn mạnh, lương thực, thực phẩm được dân bản chắt chiu vẫn bí mật đưa vào rừng tiếp tế ngày càng đều hơn. Chúng tôi không còn thiếu đói như trước nữa. Một trong những người thường xuyên bí mật tiếp tế có Liên Khăm, một cô gái mới độ 15, 16 tuổi. Phò Liên, cha đẻ của cô là một cán bộ vùng cốt cán, ông là đảng viên Đảng Cộng sản Đông dương. Gương kiên trung và tình yêu cách mạng của Phò Liên đã thấm vào trái tim cô con gái cưng. Khăm Liên có tài luồn rừng rất giỏi, nhiều lần bí mật cung cấp tin tức của địch và dẫn đường cho bộ đội, nên cả ta và bạn ai cũng quý. Khi Trường bị thương nặng trong trận đánh phục kích, chính cô là người liên tục tiếp tế đường sữa, thuốc men cho thương binh. Mùa mưa năm ấy đến sớm, chúng tôi bàng hoàng khi nghe tin cô bị địch bắt do nghi ngờ hoạt động bí mật. Suốt hai tháng Liên Khăm bị giam cầm tra tấn rất dã man. Cô cắn răng chịu cực hình mà không hề khai báo điều gì, không tìm thấy chứng cứ buộc tội chúng phải thả cô. Để đề phòng, chúng tôi đã bí mật chuyển nơi giấu quân. Bất ngờ Liên Khăm xuất hiện tại căn cứ mới của đơn vị, tôi giữ Liên Khăm ở lại không cho cô ấy về bản vội, đề phòng bất trắc. Thời gian trôi đi, mọi việc vẫn được vẹn nguyên, ai cũng nể phục tấm lòng thủy chung, son sắt của cô. Được bạn hỏi ý kiến về Khăm Liên, tôi mạnh dạn đề nghị các đồng chí lãnh đạo cho cô ấy ra căn cứ Sầm Nưa. Rồi sau này Khăm Liên được cử sang Hà Nội đào tạo và cô đã trở thành cán bộ cao cấp của bạn.
Ban chỉ đạo Đông Viên Chăn bàn nhau phải đánh lớn, phải tìm mục tiêu quan trọng đánh để gây tiếng vang, đánh để uy hiếp địch. Được cấp trên chấp nhận, công tác trinh sát được tiến hành khẩn trương. Để lọt vào nội ô Viên Chăn, chúng tôi buộc phải vượt qua trại lính của trường Cảnh sát Đon Tịu, đồn Đon Nún. Cả đơn vị chỉ có ba người biết tiếng Lào, được chia làm hai tổ. Với vốn tiếng Lào và am hiểu phong tục văn hóa Lào khá vững tôi đi với đồng chí Nguyễn Văn Đích, một tổ do Đồng Thanh Hợp và Pòng Văn Chiêng (cả hai cũng biết tiếng Lào). Tuy vậy, Bạn cũng cử thêm người đi cùng. Một tháng trời ẩn nấp nội ô, nhiều mục tiêu được chúng tôi chà đi xát lại, như Sân bay Vạt Tày, cơ quan viện trợ Mỹ USA IĐ đóng ở cây số 6, Bộ chỉ huy quân khu V do tướng Cupờraxít phụ trách, Kho xăng dầu tại Thanaleẹng. Cân nhắc kỹ lưỡng, cuối cùng tôi quyết định chọn mục tiêu là Tổng kho chiến lược của địch đặt ở Km21. Chúng tôi bí mật lập đài quan sát. Quy mô kho nơi đây lớn nhất của ngụy Lào, với hơn 21 dãy nhà kho chứa hàng ngàm tấn vũ khí đạn dược. Được biết, tổng kho này chuyên cung cấp cho các chiến trường Trung và Bắc Lào (QK5, QK2 và QK Viên Chăn). Diện tích kho có chu vi trên 2,5km. Gồn các khu nhà kho đạn, kho bom, một bãi lớn chứa các bồn xăng, bãi để xe quân sự, và hai khẩu pháo 105ly chuyên để thử đạn pháo.
Công tác điều nghiên ở tổng kho ta đã thu thập khá chi tiết. Từng mục tiêu được đánh dấu trong sơ đồ, đâu là đường đi lối lại, trung tâm chỉ huy kho, lực lượng cảnh giới bảo vệ và quy lật tuần tra canh phòng. Ở một hướng có những vạt cỏ xanh sát hàng rào, dự kiến làm lối tiền nhập nhưng nghi địch gài mìn. Chúng tôi bí mật mua mấy kg muối ăn về tung xung quanh hàng rào để nhử trâu bò vào gặm cỏ. Nhìn những chú trâu bò ung rung gặm cỏ vào sát hàng rào kho địch mà không hề có trở ngại gì. Quá yên tâm, chúng tôi rút về nơi giấu quân trong rừng rậm. Anh em cả ta và bạn lòng như lửa đốt, cả tháng trời không về cứ, ai cũng lo lắng chờ đợi. Lúc trở về ai cũng như trút đi được gánh nặng, mừng vui khôn xiết. Chúng tôi lập sa bàn trận địa giả định, các mũi hướng được tổ chức huấn luyện liên tục trong bốn ngày.
Mục tiêu tấn công đã được báo về mặt trận để báo cáo lên cấp cao xin chỉ thị. Trên đã cấp cho bốn tạ thuốc nổ kèm theo các vật liệu hỗ trợ.
Ngày 22/8/1969 đã tới. Khi màn đêm đã phủ kín núi rừng Phu Khấu Khoai chúng tôi đã ra khỏi bìa rừng bí mật tiến về hướng Km21. Tới nơi tập kết, mọi người ẩn mình rải rác gần khắp làng Thà Nạc cách tổng kho 1,5km. Đến giờ tiền nhập áp sát mục tiêu, tôi đi cùng đ/c Đích mũi trưởng mũi chủ công đánh trung tâm chỉ huy tổng kho. (Mũi chủ công còn có Bun Thay và mấy đồng chí bạn đi cùng, việc này tôi cũng giấu cấp trên vì Bạn cứ khăng khăng đòi đi đánh cùng). Đồng chí Pò Văn Chiêng và đ/c Hợp mỗi người chỉ huy một mũi đánh vào các khu kho và trại lính bảo vệ. Một mũi do Huyền chỉ huy và có bạn tham gia, vừa cảnh giới vừa bí mật chôn mìn sẵn sàng chặn đánh xe thiết giáp nếu chúng từ Km25 tới ứng cứu. Hai người dân do bạn cử dẫn đường cho mũi chủ công xong họ đã tắt rừng về đường 13 cùng bộ đội địa phương phục chặn địch. Một tổ phối thuộc của bạn gồm 8 bộ đội và 4 dân quân mang theo 4 bộ cáng đề phòng có thương binh tử sỹ…
Các mũi bí mật luồn qua các trạm gác áp sát mục tiêu theo đúng quyết tâm chiến đấu và chờ lệnh. Không gian chìm trong màn đêm yên tĩnh, chỉ có trái tim những người lính đặc công đang đập mạnh. Đúng giờ “G” tôi hít một hơi thật sâu rồi ra lệnh: – Đánh! Khối bộc phá chuẩn có trọng lượng 3kgTNT do Đích mũi trưởng đảm nhiệm điểm hỏa. Một ánh chớp lóe sáng kèm theo tiếng nổ long trời xé tan màn đêm yên bình của Đông Viên Chăn. Đồng loạt tất cả các mũi cùng đánh, tiếng bộc phá, tiếng thủ pháo nổ ran hết kho này sang kho khác, B40 kết hợp thủ pháo nhằm vào trung tâm chỉ huy kho và trại lính bảo vệ đồng loạt tấn công. Những ánh chớp và tiếng nổ cứ đan vào nhau không ngớt, toàn bộ tổng kho chìm trong lửa khói. Những đám cháy từ các kho đạn, thuốc nổ bị kích hoạt bùng lên dữ dội. Những tiếng nổ chói tai từ kho bom các loại có sức công phá ghê gớm. Sóng xung kích làm chấn động rung lắc mạnh, nhiều cửa kính nhà dân trên các khu phố lân cận bị vỡ vụn. Địch huy động toàn bộ các phương tiện cứu hỏa từ nôị ô tới ứng cứu nhưng cũng phải bốn ngày sau đám cháy mới được dập tắt. Bị đánh bất ngờ địch không kịp phản ứng, nhiều tên chết ngay tại chỗ, có tên choàng tỉnh nhanh chân tháo chạy thì thoát thân còn không kịp thì bị đạn bom nổ lan truyền đều không sống sót.
Trận tập kích chỉ diễn ra chưa đầy mươi phút. Các mũi nhanh chóng xốc lại đội hình lui quân theo phương án đã định. Trên đường 13, các căn cứ đồn bốt, trại lính của địch đèn pha bật sáng trắng cả một vùng, xe cơ giới rú còi inh ỏi. Đám cháy khổng lồ vẫn bùng lên dữ dội, những tiếng nổ vẫn không ngớt nên bọn chúng cũng không dám tới gần. Mũi chốt chặn của bạn được lệnh gỡ mìn lên rồi ngụy trang xóa dấu vết và lui quân. Theo phương án cả đội hình bí mật rút vào làng Tha Đoọc Khăm, dưới sự chỉ dẫn của cơ sở chúng tôi vượt sông Ngừn về dấu quân ở vùng Huội Khăng Ban. Tại đây cũng rất gần địch, anh em phân tán tìm nơi an toàn trú ẩn. Dân làng Tha Đoọc Khăm cũng như dân làng các bản khác luân phiên tiếp tế cơm ăn, thức uống cho cả đơn vị trong suốt những ngày ẩn náu căng thẳng.
Đúng như nhận định, ngay sáng hôm sau và cả nhiều ngày nữa địch cho chặn tất cả các ngả đường, trên trời máy bay trinh sát liên tục quần đảo, dưới đất bộ binh, xe cơ giới chạy trên lộ 13 thay nhau lục soát dọc theo những bìa rừng. Súng đại liên trên xe liên tục khạc đạn vào những cánh rừng nghi có đối phương. Chúng không thể ngờ, toàn bộ S1 trên 60 tay súng vẫn đang “án binh” trong vòng kiểm soát của chúng. Đơn vị quyết định ở lại trong lòng dân là táo bạo nhưng đúng sách. Bởi nơi đây đã trải qua nhiều thử thách cam go ác liệt, nơi chúng đã khủng bố chà đi xát lại từng căn nhà góc vườn. Nơi đây dân bản đã cùng chúng tôi chiến đấu diệt ác, trừ gian bảo vệ cho dân làng. Nhiều năm tháng cơ hàn đã qua, chúng tôi hiểu họ, họ hiểu chúng tôi. Họ gắn bó thương yêu bộ đội như chính con em ruột thịt của mình.
Ngay sau trận tập kích, toàn bộ sỹ quan, binh sỹ và học viên Trường Cảnh sát Đon Tịu bỏ trường sở chạy tháo thân. Nhiều sỹ quan – công chức cao cấp ngụy Lào di tản gia đình sang Thái. Dân phố thị hoang mang lo sợ, chợ búa không ai họp. Máy bay chiến đấu địch chuyển gấp sang sân bay Nọng Khai, ở VạtTày chỉ để lại 2 trực thăng, 3 chiếc trinh sát và 2 chiếc máy bay chở khách loại nhỏ. Kho xăng Thanalẹng không bơm xăng dự trữ nữa mà chỉ cấp xăng dùng trong ngày. Chuyên gia cố vấn Mỹ tại Km6 rút 50% quân số và được tăng cường một đại đội lính bảo vệ. Thủ tướng Phu Ma nhờ trung gian liên lạc với ta khẩn cấp đề nghị Phi quân sự hóa thành phố Viên Chăn.
Khoảng năm ngày sau, khi tình hình đã lắng xuống chúng tôi bí mật rút dần về rừng. Tổng kết trận đánh ai cũng hân hoan phấn khởi, anh em cả Việt và Lào không dấu nổi cảm xúc cứ ôm nhau nhảy múa chúc mừng chiến công chung. Một trận đánh lớn giữa hậu cứ địch, huy động gần 100 con người cả ta và bạn, cả chủ lực và dân quân. Địch thì đông, lực lượng bố phòng dày đặc liên hoàn và sau đó chúng còn bao vây phong tỏa như thế. Nhưng ta và bạn vẫn an toàn tuyệt đối, duy có một chiến sỹ khi phá khóa kho để vào đánh bộc phá không may va vào cánh cửa kho bị thương nhẹ. Tin chiến thắng được báo về mặt trận, Lãnh đạo mặt trận đã gửi điện chúc mừng động viên anh em. Sau trận đánh S1 đã được nhà nước tặng thưởng HCCC hạng Nhất, tôi cũng được tặng HCCC hạng Nhất, Đích, Hợp và Chiến HCCC hạng Hai, cùng nhiều hình thức khen thưởng khác cho anh em trong đơn vị.
Qua trận đánh, càng thấy rõ giá trị cao đẹp của tình đoàn kết liên minh chiến đấu Việt Lào – Lào Việt. Một điều hết sức thiêng liêng và trân quý là tình người dân các bản Đông Viên Chăn, những con người bình dị, chịu thương chịu khó. Họ lành hiền chân chất như bông lúa, bắp ngô, thân thiện như nương rẫy cây rừng quanh bản, nhưng tấm lòng của họ thì cao thượng vô cùng. Nếu không có những người đồng chí, những người mẹ, người chị, người em luôn yêu thương đùm bọc, nuôi giấu, chở che cho quân Tình nguyện Việt Nam thì làm sao chúng ta có thể hoàn thành nhiệm vụ quốc tế cao cả.
ĐÔNG VIÊNG CHĂN SAU 10 NĂM
Khi ba nước trên bán đảo Đông Dương được hoàn toàn giải phóng. Năm 1976 tôi vinh dự được bộ Quốc Phòng Việt Nam cử sang làm Chuyên gia Quân sự cho bạn ở Viêng Chăn. Ký ức những năm tháng lăn lộn cùng Bạn thời chiến tranh ở Đông Viêng Chăn luôn sâu nặng. Những câu chuyện về tình người, tình làng ở mảnh đất đầy ắp những kỷ niệm bi tráng ngày nào luôn thôi thúc tôi trở lại. Được cấp trên cho phép, chọn một ngày đẹp trời tìm về với dân bản. Đất nơi tôi đứng cứ hiện về như một bức tranh. Tiếng mõ chùa, tiếng trẻ em nô đùa, đàn trâu đủng đỉnh gặm cỏ bên những cánh đồng dọc dòng Nậm Ngừm uốn lượn, rồi cả tiến súng nổ đâu đó vọng lại, những bước chân gấp gáp, những nụ cười ánh mắt cả những giọt nước mắt. Máu và cả mồ hôi của đồng bào, đồng chí đã thấm đẫm trên mảnh đất này.
Tôi trở về thăm các bản làng nơi đã từng in dấu chân chúng tôi – những người lính Tình nguyện Việt Nam. Đây rồi, Thà Nạc, Na Môn, Na Phoọc, Đồng Băng, Tha Dọc, Khăn Lạt Khoai…Ở Thà Nạc tôi gặp Tụ Chân Xén, Phò Muôn, Mè Tụ Xái. Bản Đồng Bằng tôi gặp cụ Tụ Xôn Lý, Mà Héng, Mà Phới, Mà Chăn My,… Ở Na Phoọc gặp Tụ Nuôn, Me Bùa,… Các cụ vẫn ở làng từ bấy tới giờ. Ai ai cũng mừng mừng, tủi tủi chuyện vui chuyện buồn lúc râm ran, khi chùng xuống. Nhiều cụ còn nhớ và nhắc lại chuyện bộ đội bắn xe địch trên đường 13, chuyện Bắc cộng làm cháy nổ Tổng kho địch ở Km21 năm nào, chuyện luồn rừng đưa cháo cho thương binh… Ngày ấy, vùng này là rừng Khôộc rộng mênh mông, ai đi chưa quen là bị lạc, có người lạc đường cả tháng trời không biết lối mà ra. Nay đồng bằng thẳng cánh cò bay, đứng ở Km17 (trận địa năm xưa) ho một tiếng to là ở cả bản Thà Nạc nghe thấy.
Về thăm lại chiến trường xưa, tìm gặp lại bà con dân bản những người một thời “Hạt gạo chia đôi, cọng rau sẻ nửa” đùm bọc chở che cho bộ đội S1. Có người còn, cũng có người đã mất. Nhiều người tôi nhận ra và họ cũng nhận ra tôi hơn 10 năm về trước. Dẫu rằng da đã nhăn nheo, tóc bạc trắng, nhiều người trông ốm yếu nhưng đôi mắt vẫn ánh lên niềm tự hào về những năm tháng đã qua. Chúng tôi ôm lấy nhau, nắm chặt tay nhau hỏi thăm tình hình. Vui lắm, sung sướng lắm mà sao nước mắt cứ chảy hoài…
Trở về Viêng Chăn tôi mang câu chuyện của người dân các bản Đông Viêng Chăn đã ngoan cường dũng cảm và kiên trung với cách mạng kể cho các đồng chí của Bạn nghe, ai cũng xúc động và bảo tôi hãy viết lại những câu chuyện ấy để báo cáo Tỉnh có hình thức khen thưởng cho xứng đáng. Nói vậy chứ trong thâm tâm, sau chiến tranh tôi đã có ý định viết về họ – viết về một thời bom đạn mà con người vẫn thủy chung son sắt, sống bên nhau trọn nghĩa vẹn tình.
Thế rồi tôi đã giành thời gian, với trí nhớ vẫn vẹn nguyên tôi đã viết về Họ. Viết xong tôi gửi Phò Tiềng, người bạn chiến đấu, người đồng chí phụ trách Ban tổ chức Thành ủy. Phò Tiềng đọc rồi anh chuyển cho đồng chí Xi-Xa-Vạt Kẹo-Bun-Phăn bí thư Đảng ủy Viêng Chăn (sau này ông là UVBCT, Thủ tướng CP, Chủ tịch UB TW Mặt trận Lào xây dựng đất nước). Một điều không ngờ là chuyện tôi viết lại được Bạn chuyển thành tài liệu báo cáo thành tích trong KCCM của dân bản vùng Đông Viêng Chăn. Thời gian sau cơ quan Tỉnh ủy hoàn thiện hồ sơ báo cáo lên Trung ương. Năm 1978, Nhà nước Lào đã tuyên dương danh hiệu Anh hùng lực lượng Vũ trang cho tập thể dân làng bản Đoong Băng (là bản tiêu biểu nhất trong khu vực Đông Viêng Chăn ngày ấy). Tin vui làm cho tâm trí tôi thêm rạo rực – Họ còn xứng đáng hơn thế nữa bởi, không chỉ hơn ba năm trời ròng rã trong bom đạn, dù còn nghèo khó nhưng dân làng đã đã chắt chiu nhường cơm sẻ áo nuôi giấu chở che cho gần một tiểu đoàn quân (cả ta và bạn) Và nhiều người đã phải đổ máu vì những nghĩa cử trên. Nhiều đêm không ngủ tôi cứ miên man về những gương mặt thân quen một thời chung chiến hào. Dù rằng trong số họ đã khuất núi quá nhiều nhưng hình bóng họ vẫn sống mãi trong ký ức của tôi và những người lính Đặc công S1 ngày ấy.
Đại tá Thạo Oỏn kể
Đại tá Trần Phong ghi