Hủa Phăn, Mùa Thu 2017
Ngày 09 tháng 03 năm 1970, Tiểu đoàn 923 đã giải phóng Tòng Khọ sau 3 lần tập kích. Những trận đánh cam go và ác liệt tại Tòng Khọ trong hơn một tháng qua đã làm những người lính mệt nhoài. Chúng ta đã loại khỏi vòng chiến đấu một trung đoàn địch, giải phóng cả một vùng Mường Thơm góp phần mở rộng căn cứ cách mạng của Bạn ở thượng Lào. Những toán địch sống sót từ Tòng Khọ đã tháo chạy về hướng Phu Lơi. Chúng dồn hàng trăm dân thường chạy theo chúng, để vừa làm lá chắn vừa dụ dân về với phỉ Vàng Pao.
Chấp hành chỉ thị của mặt trận, đồng chí Văn Đình Song chính trị viên tiểu đoàn 923 và chỉ huy đại đội c62 giao nhiệm vụ và động viên chúng tôi: “Các cậu phải nhanh chón truy kích địch, đồng thời khẩn chương giành bằng được dân bản đưa ra vùng giải phóng”.
Chúng tôi, những người lính b4 c62 lại hối hả lên đường. Ở Lào lúc này đã có những cơn mưa đầu mùa tầm tã. Đường rừng trơn trượt nên chúng tôi chỉ trang bị gọn nhẹ rồi bắt đầu hành quân về Phu Lơi nơi tàn quân địch đang tháo chạy. Sau nửa ngày đường chúng tôi đã gặp một số người già không đi được bị chúng bỏ lại dọc đường. Anh em phân công nhau hướng dẫn những người già yếu đường đi ra vùng giải phóng và không quyên giành cho họ ít lương thực, thực phẩm từ tiêu chuẩn của mình. Phu Lơi là một dãy núi khá cao có qúa nhiều dốc, đường đi hết lên dốc lại xuống dốc. Đầu gối chạm vào cằm, đường rừng trơn như đổ mỡ, anh nào cũng ngã lấm lem. Đã vậy bọn địch lại gài lựu đạn cản đường, cái chết cận kề…. Chúng tôi vừa đi vừa phải dò mìn nên di chuyển rất chậm và khá vất vả. Muỗi vằn, bọ chó, ruồi vàng đuổi theo như đám mây, có thể vơ được cả nắm.
Phía trước, tiếng súng của ta và địch vọng lại đều đều, chúng tôi biết rằng bọn chúng rút quân cũng chưa xa. Ngày thứ 2 chúng tôi sắp đuổi kịp chúng, bỗng ở phía trước có tiếng lựu đạn nổ liên hồi, từng tràng súng máy nổ dồn từng chập. Anh em đoán chắc có đơn vị bạn đánh nhau với địch. Trung đội trưởng Hoàng Xuân Yến động viên anh em khẩn trương vận động.
Dọc đường, chúng tôi gặp vài người dân tránh nạn. Chúng tôi hướng dẫn họ đi về vùng giả phóng và họ cũng chỉ đường cho chúng tôi về bản Phu Lơi nơi bọn định đã tới đó. Theo cơ sở cho biết, bản ở đây có vài chục nóc nhà, với hơn 100 con người nhưng rất tin vào cách mạng và bộ đội Việt Nam. Khi trung đội tôi vận động tới bản, nhìn những người dân quần áo xơ xác, chủ yếu là trẻ em, phụ nữ ai cũng lem luốc nhếch nhác. Đàn ông có khoảng hơn chục người trạc tuổi trung niên, trông người nào cũng gầy đen đủi nhưng rắn rỏi. Đón chúng tôi là một ông già cao gầy da đen, mắt sáng tầm 60 tuổi. Tuy già cả nhưng dáng đi của ông vẫn còn nhanh nhẹn lắm. Nhìn điệu bộ cử chỉ và những câu đối đáp của ông chúng tôi hiểu ông là ông Tà Xẻng (Giàv làng – trưởng bản) . Ông nắm lấy tay từng người, vừa khóc vừa nói: “Tôi đã theo Xu-pha Nu-vông, theo bộ đội Pathét Lào từ khi đánh Pháp, đã được ở với bộ đội Việt Nam từ đó. Đến khi đánh Mỹ tôi cùng dân bản vẫn chỉ đi theo cách mạng, theo Neo Lào Hắc Xạt.”
Phu Lơi nằm sâu trong vùng địch chiếm. Nếu đi ra vùng giải phóng phải mất cả tháng trời đói rét, thiếu ăn, thiếu muối. Thế nhưng dân làng ở đây vẫn một lòng đi theo cách mạng. Mặc dù địch dụ dỗ thả gạo, thả muối tận sân nhà nhưng theo lời ông già thì dân làng vẫn cương quyết không theo chúng. Tấm lòng yêu nước của họ thêm một lần nữa tiếp sức cho chúng tôi vững tay súng trên đường ra trận. Ông còn kể rằng trước đó, một tốp lính vào bản dụ rỗ rồi quát tháo bắt dân đi theo chúng nhưng ông cùng dân bản đã từ chối không theo. Dụ dỗ quát nạt không được chúng bắt con gái, bắt lợn gà mang đi. Dân bản căm lắm, lợi dụng lúc trời nhá nhem khi chúng vừa rút ra khỏi bản ông cùng những người đàn ông đã dùng súng kíp, súng săn và cả cung tên tấn công bọn lính và dân làng đã giết được vài tên giặc, cứu sống được vài chục người dân đang bị giặc lùa đi.
Chúng tôi nói: “Bộ đội sẽ đưa bà con ra vùng giải phóng ở gần Trung ương Neo Lào Hắc Xạt để bà con yên ổn làm ăn, sinh sống, không còn lo sợ giặc nữa, bà con mang được thứ gì thì mang còn thì bỏ lại”. Ông Tà Xẻng nói cắt ngang lời chúng tôi: “Gần đây có bốt giặc đóng ở trên đỉnh Phu Lơi mới rút. Chúng bỏ lại nhiều súng đạn và quân trang, để tôi và một số bà con lên lấy về, có cái mà dùng và làm vũ khí chiến đấu tiếp…”.
Nghe ông già nói có lý, rồi ông dẫn anh em chúng tôi và hơn chục người dân lên bốt. Anh Yến nói: “Trước khi địch rút chúng thường gài mìn, lựu đạn, để anh em bộ đội gỡ hết mìn bà con mới được lên”. Rồi anh phân công đồng chí Trụ, Tuấn, Thiệp và một số anh em có kinh nghiệm vô hiệu hóa một số quả mìn và lựu đạn xong mới cho mọi người lên bốt.
Tới nơi, đúng là nhiều thứ đồ trước lúc chúng rút chạy không thể mang theo được, khi đang thu dọn chiến lợi phẩm thì phát hiện có một thùng đạn các pin còn mới giấu ở gần một hòn đá to. Ông Tà Xẻng mừng lắm, ông nói: “Có hòm đạn này thì không lo thiếu đạn”. Chúng tôi dặn ông cẩn thận, hãy để chúng tôi kiểm tra trước khi lấy. Ông vui vẻ đáp: “Nếu có chết tôi cũng cam, anh em cứ chôn tôi ở đây để làm con ma thiêng giữ yên cho dân bản”. Chưa kịp kiểm tra và cũng chưa dứt lời ông đã vội bước tới nơi hòm đạn. Bên cạnh mọi người đang xôn xao thu chiến lợi phẩm súng, đạn, quân trang, đồ dùng chất thành từng đống, bỗng ông già thét lên! “Lựu đạn!”. Theo phản xạ, trong nháy mắt chúng tôi nằm lăn ra đất. Dứt tiếng la hét của ông già là một tiếng nổ đanh như sét đánh. Ông đè người lên quả lưu đạn, một đám khói đen đặc đã trùm kín ông già…
Chúng tôi lao lại vực ông dậy. Cả tấm ngực trần của ông đã bị quả lựu đạn xé nát, máu rỉ ra thấm vào đất cát, ông đã tắt thở, mắt mở trừng trừng. Mấy người dân bản thấy thế khóc rất thảm thiết. Bộ đội và dân bản ứa nước mắt lặng lẽ gom những mảng xương lại rôì xếp đặt theo hình ông. Tất cả cúi mình vây quanh bên thi thể ông mà lòng nghẹn lại. Chúng tôi thấy mình thật sự có lỗi với ông già. Giá như không để ông và mọi người lên bốt để lấy đạn thì ông đã không chết. Con người kiên trung, quả cảm và đầy lòng nhân ái ấy sẽ không bao giờ về lại với dân bản nữa. Trong phút lâm nguy ông đã “ôm” trọn quả lựu đạn tức thì để cứu mạng những người xung quanh.
Chúng tôi đặt ông Tà Xẻng nằm ngay ngắn giữa đỉnh đồi, mặt nhìn về hướng Đông, nơi có mặt trời mọc, nơi ấy có mặt trận giải phóng, có Chủ tịch Xu-pha Nu-vông người bạn chiến đấu của ông mà mấy chục năm nay dù chịu bao gian khổ hi sinh ông vẫn một lòng đi theo Cách mạng, tin vào ngày thắng lợi.
Cái chết của ông già đã khiến chúng tôi day dứt mãi. Nhiều lúc nghĩ về ông tôi lại liên tưởng ông giống anh hùng Núp của Việt Nam đến thế – Ông đúng là một già bản mẫu mực, giỏi giang và can trường. Giờ đây mất ông dân bản mất một người cầm lái. Chôn cất ông xong dân bản còn đặt lên mộ ông cây súng cạc pin mà ông vẫn mang theo bên mình khi còn sống. Trên mộ ông không có nén hương nào, nhưng những cánh hoa rừng đỏ thắm đang tỏa hương tiễn ông về bên kia thế giới với bao tiếc thương vô hạn. Chúng tối đứng lặng viếng ông lần cuối, trong lòng trào lên nỗi tiếc thương vô hạn… Cầu chúc ông siêu thoát và linh hồn ông sẽ thành “Ma thiêng” trên đỉnh Phu Lơi để tiếp tục canh giữ, bao bọc, chở che cho dân bản bình yên (như tâm nguyện ông trước đó).
Dân làng rời khỏi mộ ông Tà Xẻng, họ dắt díu nhau đi ra vùng giải phóng. Bóng họ khuất dần sau những vạt rừng xanh. Phía trước, tiếng đại bác vọng về lúc to, lúc nhỏ. Chúng tôi xốc lại ba lô nhằm phía Nam hành quân ra mặt trận mới…
Dương Mạnh Việt