Thiếu tướng Hồ Đệ
Đồng chí Thiếu tướng Hồ Đệ, nguyên Phó trưởng Đoàn 463, chuyên gia quân sự Bộ Tham mưu Quân khu kiêm Tư lệnh Pháo binh Quân khu Cánh Đồng Chum, Xiêng Khoảng (Bắc Lào) viết gửi cho Ban Biên soạn nhiều kỷ niệm khó quên trong những năm công tác giúp bạn. Chúng tôi xin trích giới thiệu một số mấu chuyện trong thời gian đồng chí được sống bên cạnh giúp đồng chí Chăn Đi, Tham mưu phó Quân khu, một cán bộ cao cấp của Quân đội giải phóng nhân dân Lào rất mực trung kiên, đầy tài năng và mưu lược.
Những kỷ niệm khó quên
Càng đi công tác với bạn, tôi thấy càng có nhiều chuyện lý thú. Ngoài những lần đi công tác với các đồng chí trong Bộ Tư lệnh Quân khu: Đồng chí Phun Xipaxợt, đồng chí Xamản Vinhakệt, đồng chí Singcapo… (sau này các anh đều trở thành lãnh đạo cao cấp của Nhà nước Lào), tôi thường đi nhiều hơn với đồng chí Xỉ Phon và đồng chí Chăn Đi (Tham mưu phó Quân khu). Cũng có lần tôi đến với các đơn vị trung lập yêu nước của ông Đươn, ông Cheng, ông Thiệp. Tôi nhớ có một lần đi công tác dài ngày, ông Đươn và ông Thiệp vào rừng hái nấm, tôi cũng đi theo nhưng không phân biệt được nấm nào là nấm độc không ăn được, nấm nào ăn được. Ông Đươn bảo: “Tao mới quen, còn mi không hiểu đâu, đừng nhặt những thứ này”. Ông đã chỉ cho tôi loại nấm trắng mịn xốp, nhất là nấm ở tổ mối là nấm ăn được và ăn rấtngon, còn nấm có màu đỏ, dị dạng xơ cứng thì đừng lấy, nấm độc đấy! Câu chuyện hái nấm ở rừng Lào không ngờ sau này vào Tây Nguyên hoạt động lại là chuyện bổ ích. Nhớ những lần hái nấm ở chiến trường Lào, tôi đã cùng anh em biết nhặt nấm ở rừng Tây Nguyên để đỡ cho những ngày cơm chỉ có măng rừng và muối trắng…
Nhưng thú vị nhất là một lần đi công tác với đồng chí Chăn Đi. Thường ngày đồng chí rất dí dỏm, cái gì cũng tìm cách cởi mở, khéo léo, chủ động trao đổi cùng nhau, ở đâu khó là đồng chí ấy đến tận nơi cùng bàn bạc với chuyên gia để giải quyết.
Một lần đi xa, đang đi giữa đường, đói bụng, nhưng không ai nói với ai là đói bụng cả. Đồng chí bảo: “Thôi nhé, dừng lại, quan quân “ngoại quốc” thì ngồi đây đợi, để lính bản xứ vào bản”… Tôi không rõ chuyện gì phải ngồi chờ, một lúc chúng tôi được gọi vào bản, thì ra một em bé đã đi gọi mẹ đang trên nương về và bữa ăn xôi cùng các thức ăn bà mẹ Lào đưa ra hết sức thịnh soạn đãi khách. Những tuýp xôi nóng hồi được chủ nhà bày ra, rồi món lạp, ớt tươi, ướt nướng, rau rừng… Lát sau bà con trong bản cũng mang đến một số đồ ăn để chia sẻ. Chủ nhà cùng mọi người tiếp chuyện rất niềm nở vui ran cả bản. Đồng chí Chăn Đi nói chuyện tình hình thắng lợi của Mặt trận, tình hình bộ đội Việt Nam đoàn kết chiến đấu bên bộ đội Pathét cho bà con nghe, bà con rất phấn khởi, tin tưởng. Qua đó tôi thấy nhân dân Lào ở đâu cũng thế, họ rất quý mến bộ đội Pathét Lào và bộ đội Việt Nam. Tôi nghĩ chỉ cần biết cách giúp đỡ bạn, tin yêu bạn, bạn tin tưởng thì phong trào sẽ lên.
Diệt đồn Tha Viêng
Khi hậu phương càng ổn định, vấn đề tiến sâu vào Sảm Thông, Long Chẹng sào huyệt của Tướng phỉ Vàng Pao là nhiệm vụ cấp bách. Trước hết phải tạo được đường dây trực tiếp nối với căn cứ Viêng Chăn. Lúc này thực tế địa hình chưa rõ Sảm Thông, Long Chẹng ở chỗ nào, núi rất cao, rừng rất rậm. Đội trinh sát Pat-chay được lựa chọn kỹ càng, đồng chí Doanh – chuyên gia trinh sát cùng phòng tham mưu quân khu đã rất công phu xây dựng, lập kế hoạch huấn luyện, từng bước vào điều tra, nhận họ với dân vùng phỉ Mèo, cuối cùng đã vào sátđược mục tiêu trên thực địa Sảm Thông, Long Chẹng tạo cơ sở cho ta sau này mở nhiều cuộc tiến công lớn vào hang ổ phỉ, nơi mà CIA – Mỹ trực tiếp chi viện nâng cấp thành một quân khu của lực lượng phản động của tướng phỉ Vàng Pao ở Lào. Cũng thời gian này, tôi được phân công cùng đồng chí Chăn Đi chỉ huy đưa lực lượng xuống đánh đồn Tha Viêng, cửa ngõ vào Mường Om, căn cứ án ngữ phía đông nam trung tâm phỉ Long Chẹng.
Phải vượt qua sông Nậm Nhiếp, nước đến tận cổ, anh em phải đội súng đạn và cơm nắm lên đầu còn tất cả quần áo đều ướt hết. Vùng này lại rất nhiều vắt, có cả vắt ở dưới đất lẫn trên cây, loại vắt xanh chui vào người cắn rất hiểm, muỗi dĩn cũng hàng đàn, nhưng ai cũng quyết tâm đánh thắng trận này.
Tiểu đoàn 701 do đồng chí Bân làm chuyên gia có nhiệm vụ diệt đồn Tha Viêng do BV24 chiếm giữ. Tiểu đoàn 500, thực tế quân đi chiến đấu chỉ gần 50 tay súng, được giao đảm bảo phục kích đón lõng giữa tuyến đường Tha Viêng đi Mường Om, dự tính khi địch bị đánh, chúng sẽ chạy tán loạn rồi đến đoạn đường này sẽ tập trung nhau đi Mường Om, đây là nút thắt sẽ tóm gọn chúng. Còn Đại đội 2, Tiểu đoàn 2 luồn sâu vào sát cao điểm Mường Om; phía đông gần Mường Om bố trí phục kích chặn đánh bọn địch từ Mường Om đi cứu viện Tha Viêng.
Kết quả trận đánh Tha Viêng, các mũi đảm bảo được yếu tố bất ngờ, chiến thắng giòn giã và kết thúc trước sáng. Số địch thua chạy theo đúng hướng Tiểu đoàn 500 phục kích nên chúng bị diệt gần hết, ta đã thu được rất nhiều vũ khí. Bọn địch ở Mường Om ra ứng viện khoảng một đại đội, liền bị Đại đội 2, Tiểu đoàn 2 chặn đánh, một số thương vong còn lại phải bỏ chạy, ta cũng thu được một số súng.
Thế là cả 3 đơn vị đều đánh thắng, bắt một số tù binh, tịch thu được khá nhiều súng; giải quyết được Tha Viêng mở đường vào sâu Viêng Chăn, mở rộng thêm vùng giải phóng đông, tây và tây nam Xiêng Khoảng.
Đánh xong trận Tha Viêng trở về, đồng chí Nủhắc Phumxavằn đã mời chúng tôi (số phụ trách Đoàn chuyên gia 463) sang nhà riêng độngviên và chúc mừng thắng lợi chung. Bữa cơm thân mật kiểu gia đình, có cá trê nướng do chính tay chị Nủhắc tự làm theo truyền thống Lào để chiêu đãi… Bữa cơm đoàn kết như tình cảm anh chị cả với các em trong một nhà.
Tôi kể chuyện về bữa cơm âu cũng là chuyện thường tình, song điều tôi muốn nói ở đây là qua những lần gặp gỡ như vậy, lại có dịp cùng nhau trò chuyện thân tình, ôn lại những kỷ niệm thấm đẫm tình nghĩa Việt – Lào, lúc no lúc đói, một thời sát cánh bên nhau chung một chiến hào chống kẻ thù chung. Và thầm cảm ơn các đồng chí lãnh đạo Lào luôn nhắc nhở, giáo dục cán bộ chiến sĩ quân đội Lào, trong đó có cả chúng tôi về quan hệ hai nước, hai đảng và hai quân đội. Chúng tôi càng thấm sâu lời Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Việt – Lào hai nước chúng ta/ Tình sâu hơn nước Hồng Hà, Cửu Long” và lời dạy của Bác “Giúp bạn tức là tự giúp mình”.
Tiếc rằng, sau trận Tha Viêng không lâu, đồng chí Chăn Đi không còn nữa khi đưa đoàn công tác vào hướng Viêng Chăn, đồng chí đã bị thương và anh dũng hy sinh. Đồng chí Chăn Đi mất đi, quân đội bạn mất một cán bộ có phẩm chất đạo đức tốt, rất mực trung kiên lại có tài năng và đầy triển vọng. Đối với chúng tôi, Đoàn chuyên gia Quân khu mất một người đồng chí, một người bạn mẫu mực và thủy chung. Riêng với tôi, anh Chăn Đi không chỉ là người đồng chí chung chiến hào, anh còn là người bạn thân thiết vô cùng… Anh luôn chân thành, cởi mở thân thiện mà tôi không bao giờ quên được.
Thiếu tướng Hồ Đệ