Thiếu tướng Nguyễn Bình Sơn sinh ngày 12/10/1927 trong một gia đình nhà Nho yêu nước tại xã Quảng Thủy, huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình – một vùng đất địa linh nhân kiệt, tự thuở nào đã rất giàu truyền thống hiếu học và yêu nước. Anh đã vĩnh biệt chúng ta ngày 18/10/2003.
Tháng 3/1948 cho đến năm 1988, 40 năm dài dằng dặc và hào hùng của hai cuộc kháng chiến vĩ đại của dân tộc ta, Thiếu tướng Nguyễn Bình Sơn đã cống hiến trọn vẹn đời mình với toàn bộ sức lực và trí tuệ vào công cuộc chiến đấu trên tất cả các Mặt trận Bình – Trị – Thiên, Hạ Lào, Đông Miên, Trung Lào, Bắc Lào… nơi mà Đảng, Tổ quốc và nhân dân cần đồng chí có mặt. Bấy nhiêu năm, dẫu ở bất cứ cương vị nào của quân đội, Thiếu tướng Nguyễn Bình Sơn cũng đem toàn bộ tâm trí của mình thực hiện trọng trách và bao giờ cũng hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao. Bởi những công sức mà đồng chí đã dâng hiến cho sự nghiệp chiến đấu và bảo vệ Tổ quốc, Nhà nước và quân đội đã tặng đồng chí Huân chương Độc lập hạng Ba và rất nhiều huân chương, huy chương khác. 55 năm bền gan, nhiệt huyết, thủy chung, đam mê và sáng tạo cũng là 55 năm tuổi Đảng; Cùng một cuộc đời trong sạch một cách thuần khiết, trung thành với Đảng một cách tuyệt đối, yêu thương và tin cậy ở đồng ngũ, ở chiến sĩ quân đội ta và quân đội bạn một cách toàn ý, toàn tâm; Thiếu tướng Nguyễn Bình Sơn đã hết sức tận tụy, đầy trách nhiệm với nhiệm vụ. Dẫu đóng quân ở đâu, dẫu chiến đấu ở chiến trường nào đồng chí cũng một lòng một dạ vì dân, gắn bó mật thiết với các tầng lớp nhân dân, tự tin, chủ động, kiên quyết, mưu trí trong cuộcchiến đấu mặt đối mặt với kẻ thù, dũng cảm, ngoan cường vượt qua hết thảy mọi hoàn cảnh khốc liệt để giành chiến thắng.
Kháng chiến chống Pháp, trong trận Xuân Bồ nổi tiếng nhất trên chiến trường Bình – Trị – Thiên, đồng chí Nguyễn Bình Sơn đã cùng đồng đội anh dũng diệt gọn một binh đoàn Âu – Phi. Đồng thời với chiến dịch Điện Biên Phủ, đồng chí Nguyễn Bình Sơn là Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn Độc lập 436 thuộc Trung đoàn 101 Sư đoàn 325, đã dẫn tiểu đoàn thọc sâu, giải phóng một dải rộng lớn chạy suốt từ Attapeu – Cao nguyên Boloven đến Vơn Sai, Siem Pang xuống Stung Treng và Crachiê của Campuchia.
Trong kháng chiến chống Mỹ, với cương vị Trưởng đoàn chuyên gia quân sự tại Cánh Đồng Chum – Xiêng Khoảng từ năm 1964 đến 1975, đồng chí Nguyễn Bình Sơn đã giúp đỡ và sát cánh với lực lượng Pathét Lào và trung lập yêu nước. 14 năm đồng chí chiến đấu kiên cường giành đi, giật lại để bảo vệ địa bàn thí điểm các loại chiến tranh ở Đông Dương. Đồng chí Nguyễn Bình Sơn chỉ huy đơn vị đánh tan nhiều chiến dịch lấn chiếm của địch như: Canh Nha Kiệt, Than Ông Kiệt, nhất là chiến dịch Cù Kiệt, giải phóng Mường Sủi.
Nhờ biết bao những tháng năm cam go của năm 1969 trước và sau chiến dịch Cù Kiệt – Cánh Đồng Chum mà quân Mỹ – ngụy Lào cùng quân đội của một số bộ phận phản động trong các sắc tộc Lào đánh chiếm Cánh Đồng Chum; trong cương vị chỉ huy chịu trách nhiệm phối hợp các binh đoàn lớn của quân đội ta tại Xiêng Khoảng, đồng chí Nguyễn Bình Sơn – một sĩ quan rất mưu lược với một bản lĩnh thép đã chỉ huy, phối hợp với quân giải phóng nhân dân Lào yêu nước, phá tan mọi mưu ma, chước quỷ của quân thù, chiến đấu giành hết thắng lợi này đến thắng lợi khác, bảo vệ vững chắc địa bàn chiến lược Cánh Đồng Chum, giữ vững sườn phía tây của Tổ quốc. Và tháng 5/1975, đồng chí đã vinh dự cùng bạn từ Cánh Đồng Chum đánh thẳng vào giành chính quyền ở Viêng Chăn.
Những năm tháng chiến đấu oanh liệt tại Cánh Đồng Chum Xiêng Khoảng của đồng chí đã làm kẻ thù khiếp sợ gọi là “Hùm xámBình Sơn”, nhân dân các bộ tộc Lào gọi đồng chí là “Sa Hải Bình Sơn như cây lim của rừng Lào, của bà con Xiêng Khoảng”.
Hoà bình đã về trên đất Lào, Việt Nam, Campuchia, rời cương vị chỉ huy trong chiến tranh, Thiếu tướng Nguyễn Bình Sơn lại có mặt ở tuyến đầu trên Mặt trận xây dựng và khắc phục những hậu quả nặng nề do chiến tranh để lại. Giúp bạn xây dựng một mô hình “kinh tế mới” với tập đoàn “Chấn hưng miền núi Lào”, xây dựng Lắc Xao thành một thành phố công nghiệp, xây dựng hậu phương chiến lược của Lào, mở đường ra hướng Đông qua cảng biển Việt Nam, củng cố và tăng cường mối quan hệ đặc biệt Lào – Việt.
Tháng Giêng năm 1988, Thiếu tướng Nguyễn Bình Sơn được quân đội cho nghỉ hưu. Vô vàn những hồi ức của một thời oanh liệt vẫn nồng cháy trong tâm khảm của đồng chí. Thời gian này, đồng chí tự thấy phải làm sao viết lại được, kể lại được những ký ức vô cùng đáng trân trọng đó. Đồng chí đã vào Thư viện Quân đội mượn những cuốn hồi ký của các tướng lĩnh Xô viết trong Chiến tranh thế giới thứ hai miệt mài đọc để học tập cách viết hồi ký của các tướng lĩnh đó. Và thậtlà quý báu, sau một năm cần cù, chăm chỉ, Thiếu tướng Nguyễn Bình Sơn đã viết xong 400 trang bản thảo và cuốn hồi ký có tên Những ngày ở Cánh Đồng Chum được Nhà xuất bản Quân đội nhân dân ấn hành và nay tái bản lần thứ 2. Cuốn sách được độc giả đón nhận và trong một cuộc thi sáng tác văn học về thời kỳ kháng chiến chống Mỹ do Hội Nhà văn Việt Nam phát động, cuốn sách mà Thiếu tướng Nguyễn Bình Sơn là tác giả đoạt giải nhất.
Gần cả một đời binh nghiệp, trải qua trên chiến trường Lào, đồng chí được Đại tướng Võ Nguyên Giáp yêu mến gọi là “Vua đánh phỉ”. Đồng chí đã để lại trong lòng các bạn chiến đấu, các bộ tộc Lào hình ảnh một chiến sĩ quốc tế dũng cảm, ngoan cường, mưu lược, sáng tạo với một tấm lòng trong sáng, thuỷ chung và mẫu mực của mối quan hệ đoàn kết đặc biệt Việt – Lào.
Nhà văn Bùi Đình Thi