Mùa xuân năm 1966 theo tiếng gọi của Đảng và Bác Hồ, Lò Văn Pản, thanh niên dân tộc Thái, người con của núi rừng Sơn La, Tây Bắc đã viết đơn tình nguyện gia nhập lực lượng vũ trang chiến đấu bảo vệ tổ quốc. Pản cùng một số thanh niên ở các bản lân cận, cùng độ tuổi mười tám, đôi mươi, theo tiếng gọi thiêng liêng: “Đâu cần thanh niên có, đâu khó có thanh niên”…
Qua ba tháng huấn luyện cơ bản, Pản và một số thanh niên khác đủ điều kiện lên đường chiến đấu, làm nhiệm vụ quốc tế cao cả trên đất nước Lào. Các anh được bổ sung vào Tiểu đội 2, Trung đội 4, Đại đội 3, Tiểu đoàn 51, Quân khu Tây Bắc. Tiểu đội 2 có 14 chiến sĩ do Tiếu đội trưởng Đèo Văn Khổ phụ trách. Anh Khổ sinh năm 1937, dân tộc Thái ở bản Noong La, xã Chiềng Ngần, huyện Mường La, Sơn La. Anh nhập ngũ năm 1962, thời gian đầu anh tham gia tiễu phỉ ở Tây Bắc. Năm 1965, anh xung phong gia nhập Quân tình nguyện sang chiến đấu trên chiến trường Lào. Năm 1965 – 1966, anh Đèo Văn Khổ cùng đồng đội tham gia chiến đấu đánh lui 6 đợt tiến công của quân địch lên cao điểm Phu Cút tại Mường Ngàn, Xiêng Khoảng, lập được nhiều chiến công hiển hách.
Phu Cút là một dãy gồm 3 mỏm đồi 1, 2, 3 tạo thành hình tam giác án ngữ giữa ngã ba Mường Ngàn. Mỏm 1 cao 1.463m, mỏm 2 cao 1.350m, mỏm 3 cao 1.420m. Từ mỏm 1 đến mỏm 2 là 700m, mỏm 2 đến mỏm 3 là 500m, mỏm 3 cách mỏm 1 là 750m. Năm ấy, cao điểm Phu Cút được cấp trên điều đại đội công binh đến đào và sửa chữa các chiến hào, hơn trăm mét đường hầm nối ngang dọc với nhau khá kiên cố. Kết hợp, bổ sung Tiểu đoàn 13 quân đội Pathét Lào phối hợp với Tiểu đội 2 do đồng chí Đèo Văn Khổ chỉ huy. Ngày 18/3/1966, quânđịch tổ chức nhiều đợt tiến công lên mỏm 1 dãy Phu Cút nhưng chúng đều bị quân ta đánh bật. Trong các đợt chiến đấu giằng co với địch, Tiểu đội trưởng Đèo Văn Khổ luôn là tấm gương sáng tiêu biểu, mưu trí, dũng cảm, không lơ là, mất cảnh giác, không sợ hy sinh, gian khổ, giữ vững trận địa đến cùng. Ngày 19/3/1966, quân địch tập trung hỏa lực, dùng phi pháo bắn phá liên tục, dữ dội vào trận địa ta trên cao điểm, hầu hết anh em chiến sĩ ta đều bị ù tai, chóng mặt, choáng váng vì bom đạn địch. Các hỏa lực của ta như súng đại liên, DKZ, cối 60, 82 đều bị phá hủy. Chiến sĩ ta bị thương vong và hy sinh quá nhiều. Tiếu đoàn 13 của Quân đội Pathét Lào chỉ còn lại 4 đồng chí. Tiếu đội của Đèo Văn Khổ còn lại 2 người, anh và một chiến sĩ với khẩu đại liên, 1 khẩu AK và nhiều lựu đạn mỏ vịt. Dưới sự chỉ huy tài tình, dũng cảm của đồng chí Khổ, anh em sát cánh bên nhau, chiến đấu đến cùng không để chốt lọt vào tay giặc. Trong lúc khó khăn, người còn ít, quân địch quá đông, quân ta chỉ còn 6 người, Đèo Văn Khố nghĩ ra một cách thông minh, mưu trí, sáng tạo. Anh bảo anh em gom tất cả ống rốc két của địch đã sử dụng, chỉ còn lại vỏ ống rỗng, lấy lựu đạn mỏ vịt, rút chốt ra, nhồi vào trong từng ống rốc két, mỗi vỏ ống nhồi từ 4-5 quả lựu đạn đã giật chốt sẵn. Chia cho từng chiến sĩ, mỗi người 5-10 ống, để sẵn trước mặt trên bờ các chiến hào, xung quanh quả đồi. Khi quân địch tới gần, cùng hô xung phong và ném ống đựng lựu đạn rốc két xuống đầu quân địch. Lựu đạn từ ống rốc két văng ra nổ giòn giã, quả bay gần, quả bay ra xa. Quân giặc hoảng hốt, hoang mang tháo chạy thục mạng. Chúng tưởng lực lượng giữ chốt của ta còn mạnh nên rút lui vội vàng, bỏ lại 7 xác chết và một số súng đạn.
Với chiến công xuất sắc, các anh đã được tặng thưởng Huân chương Chiến công hạng Nhì, hạng Ba và nhiều bằng khen… Ngày 1/1/1967, anh Đèo Văn Khổ được Chủ tịch nước tặng danh hiệu cao quý Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân. Năm 1979, anh hùng Đèo Văn Khổ giữ chức Chỉ huy trưởng Trung đoàn 754, tiếp tục lập được nhiều thành tích và chiến công chống giặc phương Bắc.
Đồng chí Lò Văn Pản trong trận đánh cao điểm Phu Cút 1 bị thương vào chân phải, được đơn vị chuyển về Bệnh viện Quân y tiềnphương Xiêng Khoảng điều trị. Tại đây anh gặp Bun May, người đồng đội cùng chiến đấu trên cao điểm Phu Cút 1. Bun May là Trung đội trưởng thuộc Tiểu đoàn 13, quân đội Pathét Lào. Trong chiến đấu anh bị thương vào cánh tay trái và nhiều vết thương trên phần mềm, anh cũng được chuyển về viện điều trị. Nhờ sự động viên, săn sóc thương, bệnh binh nhiệt tình, chu đáo của các thầy thuốc, y bác sĩ, y tá, hộ lý… chẳng bao lâu vết thương trên người họ đã dần dần bình phục.
Trong lúc nằm điều trị cùng phòng, hai người bạn cùng chung chiến hào tâm sự, cùng học hỏi tiếng của nhau. Bun May đã biết nói ít tiếng Việt tuy phát âm còn ngọng, Pản có lợi thế hơn vì là người dân tộc Thái, ít nhiều tiếng Thái cũng nói giống tiếng Lào. Đôi bạn trao đổi ngôn ngữ thông dụng với nhau qua tiếp xúc hàng ngày, họ học nói, học viết chữ của nhau, chỗ nào không hiểu lại giảng giải cho nhau nghe. Chẳng bao lâu đôi bạn đã nói và tập viết tương đối thành thạo tiếng Lào, tiếng việt. Cùng nói chuyện hỏi thăm sức khỏe, chỗ ở, gia đình của từng thương bệnh binh khác trong khu điều trị.
Pản nằm điều trị vết thương chân phải bị gãy cũng đã lâu, anh cố gắng tập đi từng bước cho quen, Bun May cũng kiên trì luyện tập hàng ngày, vết thương tay trái của anh đã bình phục dần. Bun May đã nhắn tin báo cho mẹ và em gái biết để họ tới thăm. Hàng ngày mẹ Lếch cùng em gái Sao Lanh chuẩn bị đồ ăn, uống đem vào chăm sóc cho hai anh em. Qua gần hai tháng nằm điều trị vết thương tại Bệnh viện Quân y Xiêng Khoảng, Pản đã làm quen với mẹ Lếch và cô em gái Sao Lanh. Họ nói chuyện với nhau bằng tiếng Lào mà Pản học nhờ sự giúp đỡ tận tình của Bun May. Sức khỏe hai anh em tiến triển đỡ hơn nhiều, họ xin phép bệnh viện nghỉ một buổi về thăm gia đình mẹ Lếch.
Nhà Bun May ở huyện Phu Cút, tỉnh Xiêng Khoảng. Nhà 3 gian, lợp cỏ tranh, tường nhà trát bằng đất nhồi rơm. Tường ở gian giữa treo ảnh Chủ tịch Cayxỏn Phômvihản. Phía dưới là bàn thờ bố của Bun May. Khi ông bị bệnh mất, Bun May còn đang đi học cấp I, còn cô em gái Sao Lanh mới hơn một tuổi đang chập chững bước đi. Mẹ Lếch ở vậy nuôi hai anh em khôn lớn, trưởng thành. Bun May mới học hết cấp II phổ thông, anh viết đơn tình nguyện vào Quân giải phóng Pathét Lào, tham gia chiến đấu bảo vệ Tổ quốc.Anh được đi học khóa huấn luyện cấp tốc, Bun May đạt thành tích học tập cao, được cấp trên khen ngợi bổ sung vào Tiểu đội trinh sát của Đại đội 2, Tiểu đoàn 13 của quân đội Pathét Lào. Nhận nhiệm vụ mới, anh luôn phấn đấu, tu dưỡng, rèn luyện vì vậy sớm được trên đề bạt làm Tiểu đội trưởng trinh sát. Trong chiến đấu, anh luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ cấp trên giao. Qua 2 năm liên tục, Bun May đều chiến đấu hăng say diệt được nhiều địch, cùng đồng đội trong tiểu đội đánh lui 7 đợt tiến công của địch lên cao điểm Phu Cút, diệt 46 tên địch, thu được nhiều chiến lợi phẩm, vũ khí, đạn dược. Có lần anh chỉ huy tiểu đội, đánh lui đại đội địch tiến công lên cao điểm, diệt 16 tên địch. Sau chiến công ấy, anh được cấp trên khen thưởng và được đề bạt làm Trung đội phó, qua thử thách trong chiến đấu chẳng bao lâu Bun May đã là cán bộ Trung đội trưởng.
Lò Văn Pản sau lần đến thăm gia đình mẹ Lếch và em Sao Lanh trở về, anh suy nghĩ, tự đặt ra trong đầu nhiều câu hỏi… Ngày sắp được ra viện, anh đến gặp mẹ Lếch, nói nguyện vọng muốn nhận mẹ làm mẹ nuôi. Một ngày đẹp trời, mẹ Lếch chọn giờ đẹp đi chợ sắm lễ vật làm mâm cơm cúng tổ tiên, ông bà, chồng… và làm lễ buộc chỉ cổ tay để nhận Pản làm con nuôi. Pản 21 tuổi (năm 1966), Pản hơn Bun May 3 tuổi, em gái Sao Lanh kém Pản 12 năm. Mẹ Lếch đã ngoài bốn mươi tuổi, mẹ sinh năm 1924 nhưng mắt mẹ vẫn tinh nhanh, vẫn đi làm nương rẫy, trồng rau, cây củ để chăn nuôi lợn, gà, trâu, bò. Thế là từ nay, mẹ Lếch có thêm cậu con trai cả là anh bộ đội Quân tình nguyện Việt Nam. Gia đình Bun May và em gái Sao Lanh có thêm người anh trai nuôi yêu quý.
Thời gian cứ ngày ngày trôi, Pản đã được ra viện. Anh về nhà mẹ Lếch nghỉ vài hôm cho lại sức rồi mới trở về đơn vị. Trong đêm anh ngồi trò chuyện, kể với mẹ Lếch và em gái Sao Lanh về cuộc đời của mình: Anh quê ở Sơn La, sinh ra và lớn lên trong gia đình nông thôn miền núi. Bố mẹ Pản làm nghề nông ở giáp biên giới Việt Lào. Pản là con trai thứ 2, chưa có vợ con, chị gái đầu đã đi lấy chồng ở xa nhà và một em trai út đang học cấp II phổ thông tại huyện. Qua tình cảm của mẹ Lếch và em gái Sao Lanh, Pản càng yêu thương mẹ hơn bao giờ hết,lúc chia xa trong lòng Pản xao xuyến, bâng khuâng không muốn xa mẹ Lếch và em gái. Còn mẹ Lếch ôm chặt lấy Pản trong vòng tay ấm áp, xúc động của người mẹ đối với người con khi ra trận, còn Sao Lanh khoác chiếc ba lô, tư trang hành lý của anh, tiễn anh đi một quãng đường xa mới trở về.
Sáng hôm sau, Pản được gọi lên Tiểu đoàn 51 Quân khu Tây Bắc nhận nhiệm vụ. Đồng chí tiểu đoàn trưởng đọc quyết định bổ nhiệm anh giữ chức vụ Đại đội trưởng Đại đội 3, Tiểu đoàn 51 trở lại giữ chốt 1 của cao điểm Phu Cút, nơi anh đã từng chiến đấu cùng với Đèo Văn Khố những năm trước đây. Khi nhận nhiệm vụ mới, anh tập trung các cán bộ của các trung đội, tiểu đội lại cùng hội ý bàn bạc các phương án tác chiến, mục đích, yêu cầu của từng nội dung, khoa mục, vị trí bố phòng…, tổ chức đào thêm hầm hào cá nhân, hầm chỉ huy của các trung đội, tiểu đội kiên cố, có lỗ thoáng khí, giữa các hầm có đường lưu thông với nhau, khi cần ta có thể hội ý và chiến đấu ngay được. Vị trí hầm thông tin liên lạc điện đài, vị trí hầm chỉ huy đại đội, vị trí hầm quân y…
Đúng như dự đoán của Đại đội trưởng Lò Văn Pản, 15 giờ ngày 15/6/1966, quân địch cho hai chiếc L19 lượn nhiều vòng quan sát trên điểm 1 Phu Cút. Ít phút sau hai chiếc F4H và T28 đến bắn đạn rốc két, thả bom xuống cao điểm của ta. Đạn nổ mù mịt, đất đá bay tứ tung… Một lúc sau chúng cho hai chiếc trực thăng đổ quân xuống cao điểm, quân giặc vừa bước ra khỏi trực thăng thì bị quân ta nổ súng tiêu diệt tại chỗ 15 tên địch, bắn cháy trực thăng khi chúng vừa tiếp đất. Bọn địch bị đánh bất ngờ, chúng gọi máy bay đến ném bom, bắn đạn như mưa xuống trận địa. Quân ta đã chủ động trú ẩn tại các hầm hào kiên cố xa đỉnh cao, di chuyển lực lượng không ai bị thương vong. Nhờ có sự chuẩn bị chủ động, sẵn sàng nên cán bộ, chiến sĩ Đại đội 3, Tiểu đoàn 51 vẫn đảm bảo quân số an toàn.
Ngày 16/6/1966, quân địch cho một tiểu đoàn bộ binh trang bị đầy đủ tiến công cao điểm. Quân ta từ trên cao điểm chủ động sẵn sàng nhả đạn khi chúng tiến lên gần. Bị đánh bất ngờ quân giặc chết như rạ, chúng tháo chạy tán loạn. Thừa thắng ta truy kích giặc, súng các loại của ta bắn tới tấp không cho chúng ngóc đầu lên được. Quân giặc liềngọi máy bay đến ném bom, bắn phá xuống đội hình của ta nhưng đều không trúng mà rơi xuống đầu quân giặc, làm chúng càng hoảng loạn chạy bán sống, bán chết, phải rút lui vô điều kiện.
Ngày 17/6/1966, chúng huy động 5 chiếc máy bay, cả phản lực F4H và T28 đến dội bom đạn xuống trận địa của ta, ngày 5-8 lần, chúng thả hàng chục tấn bom xuống, hòng san phẳng trận địa của ta. Theo lệnh của đại đội trưởng, ta không bắn trả, chúng tưởng quân ta đã rút hết khỏi điểm cao liền cho 4 chiếc trực thăng đổ quân xuống điểm cao hòng chiếm lại. Lệnh phát ra từ đại đội trưởng: các trung đội, tiểu đội và các chiến sĩ sẵn sàng nổ súng khi chúng tiếp đất. Hỏa lực B40, B41, tiểu liên AK, trung liên, đại liên, DKZ cũng sẵn sàng nhả đạn. Khi giặc đồ bộ vừa chạm đất, lệnh nổ súng phát ra. B40 của ta bắn cháy hai chiếc trực thăng đầu tiên khi chúng đang đổ quân, chưa kịp bay lên. Các cỡ súng từ chiến hào bắn ra giòn giã, diệt tại chỗ 40 tên giặc, chúng vừa tiếp đất, chưa kịp triển khai đội hình. Hai chiếc trực thăng còn lại vội tháo chạy.
Lò Văn Pản từ ngày nhận cương vị chỉ huy đại đội đã lập nhiều thành tích, đơn vị bắn cháy 3 trực thăng, diệt hàng trăm tên địch, đánh lui 8 đợt tiến công của địch lên cao điểm. Anh được tặng thưởng Huân chương Chiến công hạng Nhì. Đồng chí Thái phụ trách B40 bắn cháy 2 chiếc trực thăng, được tặng Huân chương Chiến công hạng Ba và Bằng Dũng sĩ diệt xe cơ giới; Đại đội 3 được tặng Đơn vị xuất sắc và Huân chương Chiến công hạng Nhất. Trong hai năm 1966-1967, Đại đội 3 dưới sự chỉ huy của Pản đã giữ chốt an toàn, không để mỏm 1 dãy Phu Cút lọt vào tay giặc, các anh chiến đấu kiên cường, không ai bị thương vong.
Tháng 10/1967, Đại đội của Lò Văn Pản được trên điều động nhận nhiệm vụ mới. Nhận được lệnh, Pản đã xin phép cấp trên cho về thăm mẹ Lếch và em Sao Lanh. Gia đình đoàn tụ thời gian ngắn ngủi, đầy tình cảm xao xuyến, nhớ thương. Khi chia tay Pản, mẹ Lếch và em gái Sao Lanh chuẩn bị đồ ăn và một số đồ cần thiết đi đường. Anh rất cảm động, hẹn ngày gặp lại mẹ và em.Pa Thí là dãy núi đá cao, phía tây vách thẳng đứng nhô lên hai mỏm, mỏm 1 cao 1.460m, có hệ thống ra-đa do nhân viên kỹ thuật của Mỹ trực tiếp chỉ huy, dẫn đường cho máy bay hàng ngày đến bắn phá miền Bắc Việt Nam và 6 tỉnh Bắc Lào. Mỏm 2 ở phía bắc, có đài khí tượng do đại đội lính Thái Lan điều khiển, đây cũng là lực lượng chủ chốt giữ Pa Thí, số lượng khoảng 100 tên. Ở vòng ngoài phía đông Pa Thí có 5 cụm chốt, phía tây có 2 cụm chốt: Pha Bóng và Sống Mùa. Bảo vệ sát chân núi là hệ thống chốt xen lẫn với dân, phía Tây có 2 chốt với khoảng một đại đội lính đánh thuê. Quân địch bố trí trận địa phòng ngự dày đặc, còn dùng lực lượng phỉ lùng sục xung quanh, gài mìn trên đường mòn nơi quân ta dễ tiếp cận. Ngoài ra chúng dùng cả lực lượng thám báo, biệt kích, phỉ quấy rối dọc theo biên giới các tỉnh Tây Bắc Việt Nam (đặc biệt là Sơn La) vùng giải phóng, căn cứ cách mạng Lào thuộc tỉnh Sầm Nưa.
Năm 1966, Tiểu đoàn 8 Quân tình nguyện Việt Nam và Đại đội 17 của bạn cùng phối hợp tấn công tiêu diệt Pa Thí nhưng không thành. Có lần, ta dùng cả máy bay tập kích nhưng kết quả không khả thi. Đầu năm 1968, Bộ Tư lệnh Quân khu Tây Bắc giao nhiệm vụ cho Tiểu đoàn 41 bằng mọi giá tiêu diệt địch trên cao điểm Pa Thí, tạo điều kiện cho các đơn vị khác đánh chiếm căn cứ Pa Thí. Sáng 10/3/1968, máy bay địch bắn phá dữ dội xuống khu rừng gần cửa hàng Chè Vèn, tiếp sau chúng chiếm Kha Mun, nơi đây có một bộ phận nhỏ của Tiểu đoàn 923 giữ. Quân ta ít, địch đông lại có máy bay yểm trợ, anh em chiến sĩ ta chiến đấu ngoan cường, đẩy lùi nhiều đợt tiến công của địch. Nhưng do địch quân đông, có phi pháo hỗ trợ nên đã chiếm cao điểm. Tiểu đoàn 923 của ta lập tức đưa quân tới tiếp viện, đánh bại và chiếm lại được cao điểm, địch bỏ lại 25 xác chết.
Địch tập trung quân đánh chiếm Tóc Tiên, ở đây ta có một tiểu đội hỏa lực nhưng quân địch quá đông lại được máy bay, pháo yếm trợ, ta lực lượng mỏng không giữ được, phải rút. Những ngày sau, địch cho trực thăng chở quân “nhảy cóc” chiếm Huổi Mạ và chiếm được Pa Thí. Tuy nhiên, sau khi được củng cố, đơn vị Pản kết hợp với Tiểu đoàn 923, Tiểu đoàn 927, Tiểu đoàn đặc công 41 của Quân khu TâyBắc cùng Trung đoàn 148 vây quanh Pa Thí. Ngày 11/3/1968, quân ta được lệnh cho pháo 105 ly, 155 ly, cối 60, 82, DKZ57, B40, B41… cùng nhả đạn vào Pa Thí. Quân giặc hoảng loạn không ngóc đầu lên được. Máy bay F4H, T28 đến chi viện thả hàng, vũ khí, đạn dược… nhưng không trúng đích vì bị pháo cao xạ ta bắn lên khống chế, địch thua đau thảm hại, phải rút chạy. 24 chiến sĩ Tiểu đoàn đặc công 41 của ta trong đêm đã diệt gọn hai đại đội quân địch tại Huổi Mạ, xung quanh Pa Thí. Bộ đội ta thừa thắng xốc tới giải phóng hoàn toàn Pa Thí.
Trong trận đánh Pa Thí, Pản bị thương vào ngực, phải chuyến về Nghệ An điều trị, do vết thương quá nặng, Pản lại được chuyến ra Hà Nội chữa trị. Tại Quân y viện 103, các thầy thuốc khám và mổ cấp cứu. Sau 2 tháng điều trị, sức khỏe đã hồi phục nên Pản được chuyến Viện 9 an dưỡng, sau 3 tháng sức khỏe của Lò Văn Pản tốt hơn. Hội đồng khám thương tật xác định và kết luận: Anh mất sức 57%, được xếp hạng thương tật hạng 34. Về tỉnh đội Sơn La chờ, đầu năm 1969 Lò Văn Pản được xuất ngũ về địa phương. Từ đó đến nay anh kiên trì rèn luyện sức khỏe, Pản là “thương binh, tàn nhưng không phế”. Anh luôn luôn đi đầu trong mọi phong trào của Chi hội Cựu chiến binh xã, tổ bản.
Tháng 9/2019, Lò Văn Pản đi cùng đoàn Cựu chiến binh tỉnh Sơn La thăm lại chiến trường xưa tại 6 tỉnh Bắc Lào. Đoàn nghỉ tại thị xã Phôn-xa-vẳn. Một đêm Pản xin phép đoàn trưởng đến thăm gia đình mẹ Lếch. Cả nhà đoàn tụ sau bao năm xa cách, Mẹ Lếch năm nay 95 tuổi, sức khỏe có yếu nhưng vẫn đi lại được. Bun May đã có vợ và 2 con trai, các cháu đều có việc làm ổn định. Gia đình Sao Lanh cũng vậy, chồng là công an, có hai cháu, gái đầu đã lấy chồng có một con, cháu trai là cán bộ tài chính ở huyện, đã lấy vợ và có hai cháu trai. Đêm nay là đêm hạnh phúc, vui sướng nhất của gia đình mẹ Lếch. Các con, cháu, chắt có mặt đông đủ, bác Pản không hẹn mà gặp. Cả đêm ấy gia đình mẹ Lếch vui vẻ nhộn nhịp, nói chuyện thăm hỏi sức khỏe, việc làm ăn của nhau. Sáng hôm sau, Pản chia tay mẹ Lếch cùng gia đình trở lại khách sạn.
Đoàn cựu chiến binh của tỉnh Sơn La đến viếng Đài tưởng niệm Quân tình nguyện Việt Nam và Quân đội giải phóng Pathét Lào tạiXiêng Khoảng, sau đó thăm mỏm 1 đỉnh Phu Cút. Chuyến thăm đã góp phần vun đắp tình cảm “Uống nước nhớ nguồn” và tôn vinh tình đoàn kết quốc tế đặc biệt Việt Nam – Lào, khơi dậy và làm sáng lên giá trị truyền thống, nhân văn và đức hy sinh của các thế hệ Việt Nam Quân tình nguyện thời đại Hồ Chí Minh đối với cách mạng Lào trong hai cuộc kháng chiến chống kẻ thù chung.
Hoàng Văn Thắng