Đại tá Khăm Òn kể:
– Tôi về Tiểu đoàn 24 làm Tiểu đoàn trưởng thay anh Nhuôn. Mới đến đơn vị tôi đã nghe cán bộ chiến sĩ ca ngợi anh Xa Lỳ (tức anh Bùi Xuân Ngô) – chuyên gia của Tiểu đoàn.
Bắt đầu bàn bạc công việc, anh Xa Lỳ lưu ý tôi việc một nhóm con gái trẻ của họ nhà Un Khăm đang lôi kéo cán bộ, chiến sĩ đơn vị tôi vào các hội chè chén, rồi rủ nhau bỏ ngũ, trốn về quê.
– Nhưng, vấn đề quan trọng nhất là chúng dèm pha, gây nội bộ xích mích, lục đục. Chắc đây là âm mưu của địch. Anh Xa Lỳ kết luận.
Hôm sau, chúng tôi họp cán bộ vừa xong thì liên lạc cho biết: một đại đội gốc Mường Luống và một đại đội gốc Hạ Lào đang kéo nhau ra đồi, dàn trận, chuẩn bị bắn nhau.
Chính trị viên tiểu đoàn Đuông và tôi tìm gặp anh Xa Lỳ để thông báo tình hình. Nghe xong, anh Xa Lỳ đề nghị luôn:
– Ta đi ngay. Không thể để bộ đội mắc âm mưu địch.
Anh vừa nói, vừa xông ra như đã có dự kiến từ lâu vậy.
Chúng tôi nhất trí và ba anh em đi ngay. Đến chân đồi, đúng là Đại đội 1 và Đại đội 3 dàn ra, chỉ cách nhau hơn một trăm mét.
Anh Xa Lỳ đề nghị luôn:
– Hai anh khoan vội lên. Tôi lên trước, dễ xử lý hơn.Anh leo lên dốc, xông thẳng vào giữa hai cánh quân. Gương mặt lầm lì, anh nói to:
– Anh em ơi! Tiểu đoàn 24 ơi! Xa Lỳ nói với anh em đây. Xa Lỳ của anh em đây. Mời anh em bắn tôi đi. Bắn chết Xa Lỳ đi, rồi anh em hãy bắn nhau.
Sừng sững trên đỉnh cao như một ngọn tháp, anh nói tiếp:
– Xa Lỳ của anh em làm chuyên gia của tiểu đoàn còn sống mà để anh em bắn nhau thì Xa Lỳ sẽ báo cáo thế nào với cấp trên, hai Đảng, hai Chính phủ? Anh em có thương tôi không?
Mấy phút im lặng nặng nề. Giữa hai hàng quân, anh gục đầu xuống, khóc òa lên. Anh khóc. Có lẽ vì quá xúc động. Cũng có lẽ vì nỗi đau của anh trước sự xốc nổi của anh em mình. Cũng có lẽ vì sự cảm thông sâu sắc chiến sĩ không bắn anh. Tôi mới đến nhận nhiệm vụ phụ trách tiểu đoàn nên có phần ngạc nhiên và bối rối. Đúng lúc đó thì đồng chí Đuông, Chính trị viên vội bước lên:
– Anh em hãy nghe lời anh Xa Lỳ của chúng ta!
Rồi nghiêm nét mặt:
– Tất cả tháo súng ra. Đem nhau về. Đừng làm gì để anh Xa Lỳ phải đau khổ nữa!
Cả hai hàng quân lặng lẽ đứng dậy, vừa ân hận, vừa xấu hổ, lặng lẽ rút lui. Sau cuộc cọ xát này, tiểu đoàn tôi đã thảo luận, vạch rõ bàn tay xảo quyệt chia rẽ lôi kéo của địch.
Đại tá Khăm Òn dừng lại, rồi kế tiếp.
– Tôi xin kế tiếp một chuyện nữa về anh Xa Lỳ. Đó là chuyện “cúng ma” trên vùng Lào Sủng, Phu Xao.
Phu Xao cao hơn 2.300 mét, quanh năm mây phủ, sương mờ. Thuốc phiện và chè tuyết ở đây ngon có tiếng. Địch đang tổ chức một tiểu đoàn phỉ người Lào Sủng để xuống cắt phá đường 4 và bắn phá huyện Mường Khun. Năm 1967, sau khi giải phóng Phu Xao, Tiểu đoàn 24 nhận nhiệm vụ giữ Phu Xao, xây dựng cơ sở nhân dân, phá tan tổchức phỉ. Nhớ lại, chính ở đây, năm 1959, nhân dân đã tiếp tế, bảo vệ, dẫn đường cho anh hùng Tho-tu và Tiểu đoàn 2 phá vòng vây địch ở Cánh Đồng Chum, trở về căn cứ an toàn. Nhiệm vụ xây dựng cơ sở nhân dân rất vất vả nhưng chúng tôi đã kéo được dân, tổ chức nhiều du kích cùng hoạt động với bộ đội.
Tiểu đoàn đang làm lễ “uống máu ăn thề” với dân thì được tin một cụ già ở cơ sở đi làm nương, vấp phải mìn, đã chết. Đây là mìn của bọn phản động gài để diệt cơ sở của ta. Địch lập tức tung tin, đổ tội cho bộ đội ta giết dân. Chúng tôi bàn bạc, rồi quyết định cử một đoàn bộ đội đi đưa tang, giành lấy dân, phá âm mưu địch. Đi là cần. Nhưng còn chần chừ, do dự cái tục lệ “ăn cơm cúng với ma”. Hiểu được tâm tư của chúng tôi, Xa Lỳ lên tiếng:
– Xin phép tiểu đoàn cho tôi được đi cúng cơm cho ma.
Chúng tôi ái ngại quá. Việc này rất khó làm, lại dồn cho anh Xa Lỳ. Nghĩ như thế, nhưng trong chúng tôi chưa có ai xung phong làm thay anh Xa Lỳ. Cuối cùng, đoàn đại biểu đơn vị cùng đi và tất cả nhờ cậy vào anh hết. Chúng tôi mang nào đường, muối, rượu, hương, đèn, mấy đôi pin nữa, đi về làng cúng ma.
Dân làng tụ họp rất đông, đón chúng tôi, có ý chờ đợi, và cũng có một vài nét mặt thách thức. Chào hỏi xong, chúng tôi xếp hàng, đứng bên ngoài. Anh Xa Lỳ đi vào trước, đến chỗ cột nhà, có người chết dựa. Mùi khói bếp, mùi thịt nướng, mùi rượu nồng, hòa với mùi hôi thum thủm của người chết (đã 2, 3 ngày rồi), làm chúng tôi thấy nôn nao trong người.
Trước thi hài người chết, anh Xa Lỳ cúi mình, đầu anh cúi xuống, mắt anh rưng rưng…
– Ma ơi ma! Mới hôm nào hẹn hò nhau quyết bảo vệ bản mường. Hôm nay, ma đã bỏ chúng tôi, ma đi.
Anh khóc thành tiếng: – Ma ơi ma! Ma sống khôn, thác thiêng. Ma biết đứa nào đặt mìn giết ma thì xin ma hãy làm cho cả nhà, cả họ nó chết ngay, chết hết. Còn chúng tôi sẽ thay ma bảo vệ bản mường. Bây giờ, ma ăn chung với tôi một bát cơm tình nghĩa.v mila adaCái việc gay go nhất đã đến! Anh cầm 1 bát cơm, 1 cái thìa, anh dịch lại gần ma, cứ thế, anh đồ cho ma một miếng, anh xúc cho mình một miếng. Chúng tôi không ăn mà cứ phải cố giữ cho mình khỏi nôn ọe. Ăn xong bát cơm, anh Xa Lỳ chấp tay vái, lại khóc, rồi lững thững bước ra.
Ngạc nhiên trước tấm lòng tình nghĩa đó, dân làng, bà con, họ hàng vái chào bước chân của anh…
Đại tá Khăm Òn rút khăn tay, lau lau mắt, sự xúc động tràn ngập lòng anh. Anh hạ giọng:
– Anh Xa Lỳ giữ được lòng dân, đập tan âm mưu địch. Một tấm lòng cao cả. Một tình thương vô hạn đối với tiểu đoàn tôi. Năm xưa, được tin anh ốm nặng và qua đời ở Việt Nam. Chúng tôi ở xa quá, không thể đi viếng anh được. Chính nơi này, tiểu đoàn tôi tập hợp giữa dân này, để tưởng niệm đến anh với lòng nhớ thương vô hạn.
Đồng chí Khăm Òn, hai tay ôm lấy đầu, hai dòng nước mắt chảy dài trên má…
Khăm Òn (kể)
Nguyễn Bình Sơn (ghi)